Trời đã lập Xuân, với sự chuyển giao đầy hy vọng mới, tôi lại nghĩ đến buổi chiều ngày 2 tháng 2 năm 2021 với một cảm xúc thật ấm áp. Cuộc gặp gỡ tuy không dài so với mong ước nhưng câu chuyện về nghề nghiệp thì thấm thía và giá trị. Tôi và nhà báo Trần Kim Hoa cứ trầm trồ mãi: Chúng ta đã được gặp những tượng đài vĩ đại trong nghề!
Cuốn hồi ký một thế kỷ...
Chúng tôi đến thăm nhà báo Thái Duy trong một ngõ nhỏ, căn nhà nhỏ ở Phố Lý Thường Kiệt mà cách đây 7 năm tôi cũng đã từng đến phỏng vấn ông. Căn phòng không có gì thay đổi nhiều, vị chủ nhà tuy đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn đủ minh mẫn để nhận ra những vị khách thân quý.
Sau khi hỏi thăm chúc sức khỏe ông, nhà báo Hồ Quang Lợi ân cần nắm tay ông chia sẻ: Chúng cháu được biết về ông qua những tác phẩm đặc biệt là cuốn sách “Sống như Anh”. Thế hệ hôm nay rất vinh dự và tự hào khi nhắc đến nhà báo Thái Duy, một người mà suốt đời chỉ làm báo Mặt trận, gắn bó với tờ báo Cứu Quốc, chưa từng đảm nhận một chức vụ nào nhưng là một tên tuổi được kính trọng trong làng báo”.
Nói rồi nhà báo Hồ Quang Lợi quay sang tôi bảo: Các cháu phải nhớ là ông Thái Duy trở thành nhà báo nổi tiếng vĩ đại không phải vì chức tước, địa vị gì mà chỉ bằng ngòi bút, bằng tác phẩm...
Trong cuộc trò chuyện, nhà báo Thái Duy kể lại cho chúng tôi nghe những năm tháng đầu tiên khi ông bước chân vào nghề phóng viên, nhắc về người thầy vĩ đại Nam Cao – người đưa ông vào nghề, ông nói rất giản dị: “Tôi nhờ ông Nam Cao nên tôi mới được làm phóng viên, chứ không thì lên tổ trưởng, tổ phó, lại lên chức mất rồi cơ...”
Mọi người cùng cười ồ lên trong một cảm giác rất dễ chịu, tôi thì có phần cảm động, bởi qua câu “mới được làm phóng viên” của ông mà cảm thấy yêu hơn nghề nghiệp của chính mình. Sự trọng nghề, yêu nghề của một người đã bước sang tuổi 96, đã có hàng vạn bài báo trong đời nghề mà khi nhắc đến vẫn đầy ắp cảm xúc với ngòi bút, thật là hiếm có. Nhà báo Hồ Quang Lợi hỏi nhiều câu chuyện về thời chiến, có lẽ vì thế đã chạm tới cảm xúc rất đặc biệt của ông nên nhà báo Thái Duy say sưa kể lại đầy sôi nổi. Ông kể rành rẽ về bài báo đầu tiên, bài tường thuật về ngày thành lập “Anh cả đỏ” - Sư đoàn 308, “Rồi từ ngày ấy tôi cứ đi thôi, đi liên miên, đi các chiến dịch...để viết bài” – ông Thái Duy tâm sự.
Trong câu chuyện của nhà báo Thái Duy, còn rất nhiều những điều thú vị mà chúng tôi, có lẽ cũng lần đầu được nghe kể. Đó là chuyện “đóng vai phóng viên báo Quân đội” để sang bên Lào, chuyện viết bài rồi gửi máy bay về nước, ông Thái Duy kể đầy thú vị: “Máy bay Liên Xô rà rà xuống cánh đồng Chum, tôi lại mang bài đến rồi giới thiệu: Tôi là nhà báo, nhờ ông ném giúp vào cái bưu điện hộ nhé”. Tôi nhìn sang nhà báo Trần Kim Hoa, thấy trong mắt chị như reo vui, như “bắt được vàng”. Với một nữ giám đốc rất tinh tế, chắc hẳn Bảo tàng báo chí Việt Nam sẽ có thêm nhiều dữ liệu quý, nhiều ý tưởng hay qua vài điều được "bật mí" hôm nay...
Ông Thái Duy cũng nói thêm với chúng tôi về chuyện ông đang viết hồi ký, cuốn hồi ký dự định phải vài năm mới viết xong nhưng chúng tôi đều khấp khởi mừng vì sức dẻo dai, trí lực dồi dào của ông, cùng động viên và chúc ông sẽ hoàn thành cuốn hồi ký ý nghĩa này mà như cách nhà báo Kim Hoa ví “đó sẽ là cuốn hồi ký một thế kỷ”.
Cuối cuộc gặp, trước khi ra về, nhà báo Hồ Quang Lợi toan định giới thiệu về mình rồi chào ông nhưng ông Thái Duy thân tình gạt đi: Cậu thì không phải giới thiệu với tôi làm gì, tôi đọc bài cậu rất ghê. Trong quân đội cậu là một trong số những nhà báo tôi nghĩ là viết khỏe nhất đấy...
Cuốn sách sắp xuất bản và câu chuyện tặng sách
Nhà báo lão thành Phan Quang đón chúng tôi với nụ cười giòn giã, phong thái và giọng nói vẫn đầy hào sảng dù đã ở tuổi 92 có lẻ. Nói về nhà báo Phan Quang có lẽ trong nghề, từ già đến trẻ ai ai cũng biết đến tên tuổi của ông. “Một người hội đủ cả Đức và Tài, tầm cao trí tuệ” (chữ dùng của nhà báo Phạm Quốc Toàn).
Bất chợt, tôi nhớ đến bài viết “Phan Quang – Sức sáng tạo thanh xuân”, trong đó nhà báo Hồ Quang Lợi kể: Cách đây gần 30 năm, khi lần đầu có dịp tiếp xúc với ông, tôi không khỏi ngạc nhiên khi nghe ông nói: “Mình có đọc đều các bài bình luận của cậu. Cậu không chỉ là cây bút bình luận của báo Quân đội nhân dân đâu nhé!” Lời động viên của ông làm tôi thực sự cảm động. Quả thực, cho tới lúc đó, tôi không nghĩ là ông biết đến một người làm báo vào nghề chưa lâu như tôi và lại có thời gian đọc những bài viết của tôi. Những năm sau này, trong thời gian tôi làm Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, hễ có chút thời gian rỗi là tôi lại đến thăm ông. Và bao giờ cũng vậy, ở trong phòng khách không rộng, xung quanh là những tủ sách được xếp ngay ngắn như trong một thư phòng, câu chuyện của chúng tôi lúc nào cũng hướng về nghề báo và những vấn đề thời cuộc đang ở trong trung tâm chú ý của dư luận xã hội. Tôi học được rất nhiều từ những lần đến thăm ông như vậy. Mỗi lần ra một quyển sách mới, ông đều ưu ái gửi cho tôi với lời đề tặng đầy tính động viên, khích lệ. Thế hệ của chúng tôi chỉ là học trò của ông, nhưng bao giờ cũng được ông gọi là “đồng nghiệp quý mến và thân thiết”.
Trong căn phòng đầy “ánh sáng của tri thức”, ông Phan Quang bàn ngay với nhà báo Hồ Quang Lợi câu chuyện về cuốn sách mới đang chuẩn bị in ấn, cuốn sách được tập hợp lại các bài viết về ông, về buổi Tọa đàm “Nhà báo Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam” do Hội Nhà báo Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức. Cuốn sách đang được Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam gấp rút thực hiện những khâu cuối cùng để đưa vào nhà in.
Ông Phan Quang cũng thân tình tâm sự rằng, ông đang tính toán về số lượng in ấn để tặng mọi người. Ông ngồi tính rất cẩn thận danh sách tặng sách, ước đếm từng nhóm đối tượn. Từ Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam hiện tại và sắp tới Đại hội HNBVN cũng sẽ tặng cả những người tham gia Ban chấp hành mới, những người tham dự tọa đàm, cả bà con quê hương Quảng Trị thương quý và quay sang tôi ông bảo “cả những phóng viên theo dõi buổi tọa đàm cũng được tặng”.
Sự chu đáo đặc biệt và tinh tế của nhà báo Phan Quang, thật sự rất hiếm thấy. Ông in rất nhiều sách và cũng rất hay tặng sách mọi người. Tủ sách của một phóng viên trẻ như tôi mà có tới hơn chục đầu sách của ông, cuốn nào ông cũng kí tặng rất cẩn thận.
Giữa những người làm nghề có một sợi dây thật đặc biệt bởi trong lòng ai ai cũng có một tình yêu dành cho nghề báo nên những điều có thể tâm tình khi nhìn lại một năm dường như với chúng tôi đều bắt đầu bằng tác phẩm. Ông Phan Quang lại mang ra những tờ báo tết có bài ông viết, ân tình kí tặng nhà báo Hồ Quang Lợi và chúng tôi một vài ấn phẩm.
Câu chuyện nghề nghiệp cứ sôi nổi dần và pha lẫn trong đó là những tiếng cười, những lời chúc mừng. Điều đặc biệt nữa là, ông Phan Quang dù tuổi cao, nhưng vẫn đọc rất nhiều, rất quan tâm đến chuyện của những người trẻ. Ông chúc mừng nhà báo Kim Hoa vừa ra tập thơ, vừa được giải thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, chúc mừng nhà báo Hồ Quang Lợi được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam. Ông còn đùa bảo: “Chỉ mong ra tết sẽ được một bữa liên hoan từng bừng thôi”.
Chia tay ông, nhà báo Hồ Quang Lợi thay mặt đoàn xúc động nói: Chuẩn bị đón xuân mới, cháu và anh em ở Hội Nhà báo Việt Nam với một tấm lòng trân trọng và kính yêu chú, hôm nay đến chúc chú sang năm mới mạnh khỏe, vẫn tiếp tục viết, tiếp tục theo dõi công việc của các cháu, ủng hộ các cháu. Chú luôn luôn là một biểu tượng sống và niềm tự hào của chúng cháu”.
Mất tin vào lớp trẻ, là không tin vào tương lai
Cũng trong buổi chiều ấy, nhà báo lão thành Hà Đăng vui vẻ đón chúng tôi lên căn phòng khách nhỏ đầy ánh sáng và yên tĩnh của ông. Ông kể nhiều câu chuyện về công việc, về nghề nghiệp, đánh giá cao vai trò vị thế của Hội Nhà báo Việt nam trong bối cảnh hiện nay. Trong câu chuyện tâm tình ngày cuối năm, nhà báo Hà Đăng quay sang khen ngợi nhà báo Hồ Quang Lợi rồi nói: Anh có cậu con trai Hồ Quang Phương rất được đấy. Tất cả những bài viết của Hồ Quang Phương đăng trên báo Quân đội nhân dân mình đều đọc cả. Nối nghiệp bố như thế là rất tốt.
Nhân chuyện nói về thế hệ trẻ, nhà báo Hà Đăng tâm sự thêm: Đối với lớp trẻ bao giờ mình cũng coi trọng hết. Các cụ bảo rồi “tre già măng mọc” mà. Anh nào mất tin vào lớp trẻ, là không tin vào tương lai”.
Trong rất nhiều câu chuyện vừa vui vừa rất thời sự, nhà báo Hà Đăng có nhắc đến điều mà ông cho rằng Hội Nhà báo Việt Nam đang làm là rất đáng quý đó là vẫn tiếp tục đổi thẻ hội viên cho ông. “Hôm vừa rồi mình vừa đến nhận mà rất xúc động”, nhà báo Hà Đăng nói.
Tiếp lời, nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ: “ Cháu vẫn nói với anh em, đối với các bác là những cây đại thụ trong báo giới, rồi các lãnh đạo Hội, lãnh đạo các cơ quan báo chí quan trọng của Đảng, Nhà nước thì đều là những nhà báo suốt đời, là hội viên hội Nhà báo Việt Nam suốt đời”...
Có thể nói, dù chỉ là ít phút được trò chuyện nhưng những nhà báo lão thành đều đã để lại những cảm xúc thật đặc biệt đối với chúng tôi. Trong câu chuyện của ngày cuối năm bận rộn, những cuộc gặp ý nghĩa ấy chính là “mạch nguồn” đắp xây, nuôi dưỡng giúp chúng tôi giữ được ngọn lửa nghề nghiệp, thắp lên trong tim mỗi người cầm bút niềm tin yêu, vượt lên mọi khó khăn thách thức để tiếp bước thế hệ đi trước, góp phần vào sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển hiện đại và nhân văn hơn nữa.
Buổi sáng cùng ngày, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN cũng đến thắp hương và thăm hỏi gia đình các cố nhà báo: Hữu Thọ, Trần Công Mân và Trần Lâm.
Bài: Hà Vân
Ảnh: Sơn Hải
(Báo Nhà báo và Công luận)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên