Vì yêu mà viết…

Thứ bảy - 13/02/2021 14:57
111
Nhà báo Đào Tâm Thanh viết về Cam Lộ- miền quê đáng sống.

 

 
Nhà báo ĐàoTâm Thanh sinh năm Bính Ngọ. Quê quán: Cam Thủy, Cam
Lộ, Quảng Trị.
Biên tập viên chính, Trưởng Phòng Kinh tế Báo Quảng Trị
Giải Báo chí Quốc gia các năm: 2000, 2004, 2017
Đã xuất bản:
- Chuyện làng Tập bút ký, phóng sự, ghi chép Nhà xuất bản Thuận Hóa, năm 2006.
- Hạt gạo có chân - Tập bút ký, phóng sự, ghi chép Nhà xuất bản Thuận Hóa, năm 2011. Về giữa đất trời Trường Sa Tập bút ký, phóng sự, ghi chép Nhà xuất bản Thuận Hóa, năm 2016.
 
Trò chuyện với nhà báo Đào Tâm Thanh, Trưởng phòng Kinh tế Báo Quảng Trị

Xin chào nhà báo Đào Tâm Thanh! Trước tiên, xin được chúc mừng tập bút ký "Về giữa đất trời Trường Sa" của anh đã đoạt giải Nhì Giải thưởng Chế Lan Viên lần thứ II. Được biết, đây là giải thưởng văn học nghệ thuật danh giá nhất của tỉnh Quảng Trị 5 năm xét chọn, trao giải một lần. Trước đó, anh cũng đạt khá nhiều giải báo chí của tỉnh, giải báo chí chuyên ngành, giải báo chí quốc gia. Tôi chỉ tò mò một chút, là một nhà báo, tòng sự ở một cơ quan báo chí cấp tỉnh, trong quá trình tác nghiệp, làm sao anh có thể phân định được rạch ròi đâu là tác phẩm văn chương và đâu là tác phẩm báo chí?

- Chào bạn! Xin cảm ơn lời chúc mừng của bạn. Còn câu hỏi của bạn ở vế sau, định bụng sẽ trả lời ngắn gọn, nhưng rất tiếc là để cho rõ nguồn cơn, chắc phải hơi dông dài rồi. Tôi vốn là sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Huế, khóa 9. Học văn, ra trường lại đi làm báo. Yêu cầu của một tác phẩm báo chí, chung quy lại, như khái quát của nhà báo lão thành Phan Quang, vẫn là: “Nhanh, đúng, trúng, hay”. Tôi lại là người sinh ra ở nông thôn, cha mẹ là nông dân, nên cái tính “tích cốc phòng cơ” vẫn còn trở đi trở lại trong từng ý nghĩ. Cũng như người làm ruộng, sau mỗi vụ mùa, thóc gạo phần để nuôi sống bản thân, phần bán ra để trang trải cuộc sống, phần chắc mẩy nhất, có "tương lai" nhất, tôi để dành lại, xâu chuỗi, phơi phong, chăm chút, xem như “hạt của mùa sau” vậy đó. Có khi dành lại để ngắm, để đọc, để nhìn vào đó mà suy ngẫm, và cũng có khi để dành tặng những người tâm đắc. Trong gần 30 năm viết báo, làm báo, tôi đã có hàng nghìn tác phẩm báo chí. Nhưng do học văn chương nên sau khi “xốc sổ lại, tôi chọn ra trong số đó những bút ký đậm chất văn, chất đời nhất, tập hợp lại và ra mắt bạn đọc. Đầu tiên là “Chuyện làng”, kế đến là “Hạt gạo có chân” và gần đây là “Về giữa đất trời Trường Sa” như bạn đã biết. Việc sàng lọc này không chỉ qua mắt lưới của thời gian không đâu, mà tôi cẩn trọng đến mức khi một bút ký có được sự phản hồi tích cực từ các bạn văn khó tính, tôi mới chọn lại, để riêng ra và in thành tập.

Tôi nhớ trong một bài báo “Nghề báo nghiệp văn" của nhà báo Phan Quang, ông cho rằng văn học và báo chí vốn từ một cội. Báo chí là đứa em sinh sau đẻ muộn, màng so với văn học thành văn. Khi đứa em báo chí đã đủ lông đủ cánh để ra riêng, thì nó tự nguyện làm phương tiện chuyển tải và truyền bá văn học, giúp ông anh có thêm điều kiện tiếp cận rộng rãi mọi tầng lớp độc giả. Văn học và báo chí cùng đang trong quá trình tích hợp, bởi hai con đều sinh từ một mẹ. Thứ nữa, bởi trên thực tiễn, lý do tồn tại của báo chí hay văn học đều là độc giả và cùng một chức năng phục vụ con người...

Để có thêm chất liệu sáng tác phong phú và đa dạng, chắc chắn là anh phải có rất nhiều cuộc hành trình qua nhiều miền quê của đất nước. Trong các chuyện đi đó, kỷ niệm nào đọng bại khiến anh nhớ mãi?


Do ân huệ của nghề nghiệp, tôi đã có dịp đi qua nhiều nơi trên đất nước mình, nhưng có lẽ kỷ niệm đong đầy nhất, chuyến đi cảm xúc nhất là những ngày tôi có mặt ở quần đảo Trường Sa mấy năm trước. Trước khi chuẩn bị lên tàu ra Trường Sa, anh cán bộ trực ban Nhà khách Hải quân ở phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh tư vấn cho tôi: Ra đảo, phải cơ động liên tục trên biển nên quân, tư trang phải hết sức gọn gàng, càng giản tiện chừng nào tốt chừng đó.

- Tôi có đem rất nhiều tờ báo Quảng Trị ra tặng các anh trên đảo, làm sao bảo quản được anh?

- Gì thì có thể bỏ lại, riêng báo chí phải cố gắng đem ra tặng anh em đọc, trước để biết tin tức, sau để chia sẻ nỗi nhớ quê nhà, nhớ đất liền. Có ra đảo mới thấy món quà tinh thần quý giá lắm. Anh đưa tất cả số báo Quảng Trị xuống đây, tôi phân giúp ra cho từng đảo, một đảo một ít, để đảo nào cũng có số cuối tuần, số cuối tháng, tờ báo xuân và tờ báo ra hằng ngày. Đối với các tờ báo ra hằng ngày, tin tức có muộn thì anh em sẽ đọc các bài viết, có khi cất trên đầu giường, lâu lâu lấy ra đọc lại, vẫn thấy có cái vui, cái mới trong đó...

Tôi làm theo lời anh cán bộ trực ban và trong suốt quá trình tác nghiệp ở Trường Sa, cảm thấy thuận lợi vô cùng. Khi xuồng cập vào đảo nào, công việc đầu tiên của tôi là đưa báo Quảng Trị vào tặng các cán bộ, chiến sĩ như một món quà tinh thần từ “đất lửa” Quảng Trị gửi đến các anh đang làm nhiệm vụ nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ở những đảo tiền tiêu, tôi hết sức xúc động khi thấy từng tốp chiến sĩ Hải quân trẻ măng quây quần bên nhau đọc báo Quảng Trị. Họ lần giở từng trang, từng trang như tìm thấy hơi ấm đất liền trong đó. Họ ngắm những đồng quê lúa chín vàng ruộm nơi Triệu Phong, Hải Lăng, Quảng Trị mà mơ tưởng về quê nhà chốn châu thổ sông Hồng hay đồng bằng sông Cửu Long cữ này cũng đang vào vụ, lúa chín nhuộm thắm chân trời. Họ ngắm hình ảnh nơi phố thị Đông Hà và ai đó đã thốt lên, mình đã đi qua nơi này trước khi vào bộ đội. Đông Hà cách Đồng Hới quê mình chỉ chưa đầy trăm cây số, mình có một người thương ở đó...

Chiến sĩ Phan Thành Vinh, ở thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, Hải Lăng công tác trên đảo Sơn Ca, quần đảo Trường Sa reo lên khi đọc bài báo viết về nghề chế biến nước mắm trứ danh của quê hương mình trên báo Quảng Trị “Mỹ Thủy, quê tôi đó, ai mới đến đầu làng đã nghe thơm lựng mùi nước mắm. Con gái làng mô đến quê tôi, lỡ vương giọt nước mắm Mỹ Thủy là bịn rịn không muốn về...”.

Những ngày ra với quần đảo Trường Sa, tôi đã “gửï” báo Quảng Trị đi khắp các đảo nhỏ, đảo lớn từ Len Đao, Tốc Tan, Phan Vinh, Đá Tây... đến đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn... ở đâu, các cán bộ, chiến sĩ đều đón nhận, đọc báo Quảng Trị với cả tình cảm sâu nặng. Khi đặt chân lên đảo Nam Yết và được gặp Trung tá Nguyễn Thanh Phong, Cụm trưởng Cụm Nam Yết, cầm tờ báo Quảng Trị trên tay, anh Phong hết sức xúc động, bồi hồi. Anh Phong người thấp đậm, rắn rỏi, cởi mở từ trong tiếng mời chào đến những lời tâm sự chân tình, chất giọng đặc sệt dân Vĩnh Linh, nghe rưng rưng thân thuộc và ấm áp. Suốt buổi gặp, anh vừa trò chuyện, vừa nắm tay từng người như sợ chúng tôi phút chốc rời xa.

Gặp người đồng hương nơi quần đảo đầu sóng ngọn gió, quà quê hương là tiêu Cùa nồng cay, rượu Kim Long “chưa nhấm đã say”, trà vằng đượm mùi hương xứ sở, hạt gạo đỏ căng nức và những tờ báo Quảng Trị thân thuộc của quê hương chất chứa biết bao ân tình...

Tôi rất thích đọc những bút ký, phóng sự, ghi chép của anh về làng quê. Chỉ đọc tựa bài thôi đã thấy thương vô hạn: Cam Lộ, rưng rưng màu đất, Thao thức hương chiêm, Về chợ Phiên nghe tiếng làng tôi. Ắt hẳn, quê nhà luôn thổn thức trong trái tim anh?

Như trên đã nói, tôi sinh ra ở nông thôn. Trong “Chuyện làng” tôi có kể rằng thuở bé con, tôi đã từng nằm trên chót vót cây rơm mới để hít thở đến tận cùng gan ruột mùi lúa thơm đôn hậu, mùi cơm mới tinh khôi và ước ao sau này được trở thành trai làng sức dài vai rộng, sống với làng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.

Nếu vào tháng 7/1985 ấy, không có giấy gọi vào đại học thì có lẽ giờ này tôi cũng đã trở thành một lão nông tri điền, sống thanh đạm với o thôn nữ bên rẻo làng Tam Hiệp cạnh sông Hiếu, cầu Đuổi Cam Lộ không chừng.

Từ khi làm báo, tập tành viết văn, tôi nhận thấy mình không có kỹ năng, tài năng nào nổi trội, chỉ có một thế mạnh duy nhất là hiểu rất rõ về người quê và có cảm xúc đặc biệt với làng quê mình. Vì yêu mà viết. Có vậy thôi. Sau này đi nhiều nơi, biết nhiều chuyện. tôi dần dà nhận ra rằng, người quê tôi chân mộc, hiền hậu nhưng không bao giờ để tầm nhìn bị che khuất bởi bờ tre, khoảnh ruộng chật hẹp muôn trùng. Vừa rồi trong một bài viết của một nhà báo có tiếng, tôi đã đọc và rất tâm đắc câu: “Hãy sống và không ngừng quan sát, chúng ta sẽ phát hiện ra vô vàn cái “nó gờ lên, nó lấp lánh” từ cuộc sống xung quanh”. Tôi nghĩ, những người dân quê có bản lĩnh, gai góc nhưng tốt bụng và chân thật thì tự thân họ đã “lấp lánh” trong trang viết của chúng ta rồi..

Và quê nhà, nói như một đạo diễn điện ảnh tài ba đã xác tín: “Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình”. Làng quê thời hội nhập mới mẻ và rất đỗi yêu thương, là đề tài sinh động và vô tận của báo Chí, văn chương vậy đó.

Được biết, anh là nhà báo rất đa tài, có thể viết nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến xã hội và văn hóa, văn nghệ. Mảng nào cũng xuất sắc, ghi dấu ấn với bạn đọc. Để làm được đều này, nhà báo cần trang bị những điều gì? Anh có thể chia sẻ điều này với những nhà báo trẻ, nhưng phóng viên mới vào nghề và những cộng tác viên yêu thích công việc người làm báo?

Theo cảm nhận của tôi, làm báo có những đặc thù so với những công việc khác, thông thường trước tiên đó là cần có năng khiếu viết lách, chín mươi phần trăm còn lại phải là kết quả của sự học hành nghiêm túc, miệt mài tích lũy kiến thức, lao động báo chí cật lực, lao khổ và quan trọng hơn là luôn nuôi dưỡng cho được niềm đam mê, dấn thân với nghề. Thêm nữa, yếu tố tài năng cá nhân nhà báo luôn có sự quyết định đến chất lượng tác phẩm báo chí. Đương nhiên, báo chí là người “tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể”, nhưng vai trò của từng cá nhân nhà báo cũng rất quan trọng. Sự quan trọng này thể hiện ở khả năng phát hiện đề tài, xử lý đề tài để có được những tác phẩm báo chí đúng, hay, kịp thời, có tác động xã hội, được bạn đọc thừa nhận.


Có bạn khi mới từ trường đào tạo báo chí ra, viết cũng khá tốt. Nhưng rồi theo thời gian, kiến thức tích lũy được chút ít từ trong nhà trường đã đem ra dùng dần, ngày càng trở nên cạn kiệt mà không được bổ sung kịp thời; cái sự thỏa mãn, thỏa hiệp đã dần hiện rõ trong từng bài viết, từng câu chữ; sự nhiệt tâm, dấn thân với nghề cũng đã cơ hồ nguội lạnh..như vậy thì quả là hết sức đáng tiếc. Nhà báo Phan Quang từng chia sẻ: “Mỗi người, sau một thời gian nào đó, thường nhìn lại chặng đường đã qua và suy nghĩ về nghề nghiệp của mình. Mỗi người có hướng tiếp cận riêng, có cách rút kinh nghiệm riêng về những thành công và thất bại cá nhân, từ đó khái quát thành đôi điều tâm niệm. Trước hết cho mình, bởi những điều mình tâm đắc, chưa chắc được các đồng nghiệp khác chia sẻ. Riêng tôi có lần, để dễ nhớ, tôi thử tóm gọn công việc của mình qua bốn từ: Đọc, đi, nghĩ, viết”... Rồi nhà báo Phan Quang chân thành: “Tôi nghĩ vẫn có thể tạm coi “đọc, đi, nghĩ, viết là một quy trình còn có thể vận dụng, giới thiệu với bạn trẻ mới vào nghề.” Nhà báo Vũ Công Lập cũng có lần tâm sự rằng, có lẽ trải nghiệm sống đối với những người làm báo cũng rất quan trọng vì nó giúp ta tìm ra con đường đến với người đọc, người nghe. Mình viết từ mình, cho mình, nghĩa là rất chân thực và sâu nặng, nhưng khi mình đủ trải nghiệm thì cái đó lại dễ dẫn đến với cuộc đời. Trải nghiệm không có nghĩa là sống nhiều năm mà quan trọng ở cách sống, cách học từ cuộc sống, tích lũy từ cuộc sống...
Tôi tâm đắc lời của nhà Văn, dịch giả Ông Văn Tùng: “Nếu biết yêu cái cây, cái cây sẽ yêu lại. Nếu biết yêu hòn đá, hòn đá sẽ thương lại mình. Làm nghề viết phải biết yêu lấy từng con chữ mình viết. Bởi đó là gương mặt của bạn. Những con chữ sẽ quay lại thương bạn vào một ngày không ngờ nhất trong cuộc đời... ”.
Chia sẻ của những nhà báo khả kính cũng là những tâm niệm nằm lòng mà tôi thường trò chuyện với các bạn trẻ khi mới bắt đầu chập chững bước vào nghề.

Một câu hỏi khá cũ, đó là: Vì sao anh lại chọn nghề làm báo? Và sau 30 năm nhìn lại, có bao giờ anh nghĩ rằng, nếu được chọn lại anh sẽ chọn con đường khác?

Tôi kể điều này, không biết bạn có tin không. Hồi còn làm phóng viên chuyên trách mảng nông nghiệp, cùng đi với một cán bộ làm công tác khảo nghiệm giống lúa đến một trại giống, từ đằng xa, qua màu sắc của từng thửa ruộng, nơi vàng ruộm, nơi ngả sang màu đỏ khé, nơi vàng xanh lẫn lộn, nơi lúa thấp bằng bẹ, nơi lúa cao von vớt, tôi có thể nói cụ thể chính xác từng giống lúa, không hề nhầm lẫn. Một tay lúa gặt bằng vằng, tùy theo giống lúa, nếu được mùa, tôi nói đúng số lượng hạt lúa chỉ cộng trừ chưa đến mười hạt. Như vậy có nghĩa là tôi có niềm đam mê với công việc của mình. Và từ đam mê mới hy vọng đi đến thành công. Để đến thành công, vậy thì, như chiến binh Pheidippides chạy đến thành Arena để báo tin về cuộc chiến marathon, phải chấp nhận vượt qua rất nhiều gian nan thôi...


Nếu chọn lại, tôi cũng chỉ chọn nghề báo, chứ không một nghề nào khác. Thêm nữa, dù viết văn hay viết báo, tôi cũng chỉ muốn viết về quê thôi. Trước sau vẫn vậy. Nói như Raxun Gamzatœ: “Hãy sống, sống và cứ thế/ Sống và cứ thế đến cùng...”

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!
Đoàn Phương Nam (thực hiện) 
HNB Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây