Bác Hồ, nhà báo không thẻ

Thứ sáu - 19/02/2021 17:01
Năm Canh Tý - 2020 vừa đi qua, năm Tân Sửu - 2021 đã gõ cửa từng nhà, phố phường, ngõ xóm, công trường, xưởng máy…trên mọi miền đất nước.

Năm 2020 trải qua nhiều khó khăn, cam go, thử thách với sự tác động nặng nề của thiên tai, dịch bệnh; khủng hoảng và suy giảm kinh tế toàn cầu, bởi đại dịch Covid-19. Dân tộc Việt Nam càng đoàn kết, thêm vững vàng trước phong ba, bão táp, đứng vững và tiếp tục đi lên, kiểm soát tốt dịch bệnh, hạn chế thấp nhất sự tàn phá của thiên tai; tốc độ tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam đứng ở top đầu của thế giới.
111

Dòng chảy chủ đạo của báo chí Việt Nam, đội ngũ báo chí hùng hậu cả nước với sứ mệnh tiên phong học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh, luôn đứng ở tuyến đầu hoàn thành sứ mệnh thông tin, tuyên truyền; lan tỏa những tấm gương sáng giữa đời thường; dũng cảm đấu tranh phòng chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực; định hướng dư luận xã hội đúng đắn.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, của giai cấp công nhân, nông dân, các tầng lớp cần lao Việt Nam. Người còn là một nhà báo vĩ đại, nhà báo bậc thầy, người khai sinh nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Năm 2020, giới báo chí nước nhà kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; 70 năm ngày ra đời của Hội Nhà báo Việt Nam. Năm 2020, tiếp sau tác phẩm “Bác Hồ, người có nhiều duyên nợ với báo chí” của nhà báo, nhà văn Phan Quang (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội), nhà báo Văn Hiền (Trần Văn Hiền), nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An đã viết, biên soạn, xuất bản tác phẩm “Nguyễn Ái Quốc - Nhà báo không thẻ”, nhà xuất bản Nghệ An - quê hương của Người.

Với nhà báo Văn Hiền, bối cảnh, chỗ đứng, cách tiếp cận về nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Nguyễn Ái Quốc, nhà báo không thẻ”, như chính anh đã viết trong Lời đầu sách: “Được sống và hoạt động báo chí hơn 40 năm trên quê hương Bác Hồ, từ lâu tôi đã có ước vọng được ghi lại những mẩu chuyện làm báo của Bác trên cơ sở tìm hiểu, tổng hợp, hệ thống tư liệu về công tác làm báo của Người đã được công bố rải rác trên báo chí, kể cả báo chí nước ngoài. Đây là đề tài khó, tôi đã cố gắng để thực hiện ước nguyện…”.

Tác giả Văn Hiền khiêm nhường, bởi như anh đã viết, sự nghiệp báo chí của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sừng sững và đồ sộ như dãy núi cao, một nhà báo nhỏ làm sao có thể với tới? Mặc dù vậy, có thể khẳng định, những bài viết của Văn Hiền chân thật mà sống động như sự tâm tình, thủ thỉ kể lại dưới các góc độ về sự nghiệp làm báo của Bác Hồ - sống động, cuốn hút, có giá trị lớn. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh làm báo là để làm cách mạng, phục vụ sự nghiệp cách mạng, là để tuyên truyền, vận động và tổ chức cách mạng. Những trang viết của tác giả Văn Hiền: “Từ Le Paria đến Việt Nam hồn; Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Ái Quốc; Làm báo trên quê hương cách mạng tháng Mười; Từ Quảng Châu, Báo Thanh Niên gieo mầm cách mạng; Tranh cổ động; Người sáng lập Báo Thân Ái; Từ câu trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ; Những tờ báo do Bác Hồ sáng lập; Nguyễn Ái Quốc, họa sỹ trình bày báo; Làm báo đầu nguồn Khuổi Nậm; Đức sáng nghề nghiệp; Bác Hồ đọc báo, phát hiện gương tốt; Bác Hồ sửa lỗi cho báo miền Tây Nghệ An; Một số bút danh của Bác Hồ; một số bài báo của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”… Chừng ấy bài viết, tác giả nhà báo Văn Hiền đã sưu tầm, tổng hợp, phân tích một cách bài bản, công phu, bám sát sự kiện và các tài liệu gốc - kể cả tài liệu từ báo chí nước ngoài. Các bài viết của những đồng nghiệp đại thụ và tên tuổi trong báo giới nước nhà, Văn Hiền đều đọc kỹ, nghiên cứu sâu, rút ra nhiều bài học sâu sắc về nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh.

Một đồng nghiệp, người bạn gần gũi của Văn Hiền nhận xét: “Từ trái tim, nhà báo Văn Hiền đã công phu, lao động nghiêm túc, trách nhiệm trong việc tìm tòi, sưu tập, nghiên cứu về nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh. Nếu ai đó chưa có dịp đọc nhiều các nghiên cứu về nhà báo Hồ Chí Minh, chỉ cần đọc “Nguyễn Ái Quốc, nhà báo không có thẻ” của Văn Hiền là có đầy đủ các tư liệu quý về nhà báo Hồ Chí Minh”.

“Đức sáng nghề nghiệp” (Từ trang 97 đến trang 104 - sách đã dẫn) là một trong những trang viết hay, giàu tính thực tiễn của tác phẩm “Nguyễn Ái Quốc, nhà báo không có thẻ”. Theo nhà báo Văn Hiền, để trở thành nhà báo với đúng nghĩa “là chiến sỹ tư tưởng”, điều đầu tiên phải học tập “đức sáng” là đức tính khổ luyện của Nguyễn Ái Quốc. Từ một người lao động kiếm sống nặng nhọc trên đất nước của chủ nghĩa thực dân, người thanh niên yêu nước ấy đã tự học tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, học nghề nhiếp ảnh, tập viết bài cho Báo Nhân Đạo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp. Từ một mẩu tin ngắn 7 dòng tiếng Pháp phải viết đi, sửa lại nhiều lần, nhà báo Nguyễn Ái Quốc đã có vốn tiếng Pháp phong phú để tự tin viết nên những tác phẩm nổi tiếng bằng tiếng Pháp lúc bấy giờ… (Sách đã dẫn, trang 98-99).

“Đức sáng nghề nghiệp” - cũng là nguyên tắc viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tôn trọng bạn đọc. Nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ báo chí “Khi viết phải tự hỏi viết cho ai, viết để làm gì?”, “Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc”, “tránh dùng chữ nước ngoài”, “tránh viết dây cà ra dây muống”, “tránh viết dài, không hợp với trình độ và thời gian của quần chúng”. Người dạy, báo chí viết cái hay, cái tốt của cán bộ, bộ đội, của nhân dân, không “tô hồng”, không “bôi đen”. Người còn là tấm gương về đạo đức khiêm tốn trong hoạt động báo chí. Theo Người, viết báo là sáng tạo độc lập chủ quan nên rất dễ sai sót. Vì vậy, mỗi khi viết xong, đọc lại nhiều lần bài viết; Người thường nhờ người khác đọc và sửa giùm để tránh sai sót, nhầm lẫn (Sách đã dẫn, trang 101 - 102)  v.v…

111
Trang bìa cuốn sách “Nguyễn Ái Quốc, nhà báo không thẻ” của nhà báo Văn Hiền.

Nhà báo Văn Hiền tận tụy, thủy chung với nghề cầm bút ở một địa phương - quê hương của Bác Hồ giàu truyền thống cách mạng. Giá trị công trình mà Văn Hiền để lại về Nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là rất đáng quý và trân trọng. Dưới mọi góc độ nghiên cứu và trải nghiệm, nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh là tấm gương sáng chói, sự nghiệp báo chí của Người sống mãi với thời gian, lung linh tỏa sáng như ánh mặt trời buổi bình minh. Trong thời kỳ mới, trước sự cạnh tranh thông tin gay gắt giữa báo chí và mạng truyền thông xã hội, sự chuẩn mực, trách nhiệm, niềm tin, độ tin cậy là yếu tố quyết định sức sống, sức mạnh của báo chí trong thời đại công nghệ số. Tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh có giá trị trường tồn, là cẩm nang để đội ngũ những người làm báo chân chính chiến thắng, quét sạch mọi rác rưởi, độc hại mà mạng xã hội mưu toan dẫn dắt, lấn tới.

Tết cổ truyền Tân Sửu, mừng Đảng quang vinh 91 mùa Xuân trường tồn - mừng thắng lợi rực rỡ Đại hội XIII của Đảng; Tết Tân Sửu mừng Xuân, mừng Đất nước đổi mới. Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh hôm nay và mãi mãi về sau là tình cảm, trách nhiệm, bổn phận của hết thảy các thế hệ nhà báo chân chính - cách mạng Việt Nam.

        Tết Tân Sửu - 2021

Nhà báo Phạm Quốc Toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây