Nghề phóng viên ảnh: Khó khăn thách thức nhưng đầy đam mê

Thứ ba - 09/03/2021 14:06
“Làm phóng viên ảnh, lại là ảnh thời sự, chúng tôi không thể đút chân gầm bàn mà luôn phải xông ra hiện trường giữa lúc nước sôi lửa bỏng nhất…dù vất vả nhưng ở môi trường làm việc tốt, chúng tôi sẵn sàng xông pha và cống hiến" - Nhà báo Phạm Ngọc Thành, Vnexpress chia sẻ.

Phóng viên ảnh là nhanh nhẹn, nhạy bén nhưng đôi khi phải có chút liều lĩnh

Có mặt đúng nơi và đúng lúc mang đến cho bạn đọc những hình ảnh chân thực và hấp dẫn nhất, nhiều phóng viên ảnh ở những cơ quan báo lớn luôn giữ trong mình một khát khao cháy bỏng là được đi, được cống hiến. Qua mỗi bức ảnh mỗi câu chuyện được kể, người làm ảnh luôn cố gắng tạo ra giá trị thông tin cao, đồng thời là một tác phẩm nghệ thuật mang chút hơi hướng thời sự thu hút người xem. Tưởng như mọi thứ rất dễ dàng, nhưng ít ai biết được đằng sau mỗi bức ảnh là tinh thần dấn thân cống hiến, sự liều lĩnh, thậm chí hiểm nguy mà người chụp gặp phải.

Phóng sự ảnh “Nhà kho bóng đèn Rạng Đông đổ sập trong đám cháy” (tác phẩm đạt "Khoảnh khắc Báo chí 2019") của nhà báo Phạm Ngọc Thành–Ban Thời sự Báo điện tử VnExpress được thực hiện cách đây hơn 1 năm nhưng đến nay vẫn mang hơi thở cuộc sống. Những ánh mắt, hành động, cử chỉ của từng nhân vật được ghi lại trong từng tấm ảnh ở vụ cháy lịch sử vẫn mang tính chân thật, lay động, và đầy tính thời sự cho đến nay…

Đối với mỗi phóng viên, khi bước vào một sự kiện lớn đặc biệt là sự cố thiên tai, việc bình tĩnh, bao quát, nắm bắt hiện trường là yếu tố rất quan trọng. Cuối tháng 8 năm 2019, nhận được chỉ đạo từ ban biên tập cơ quan về tác nghiệp tại vụ cháy nhà máy bóng đèn Rạng Đông, nhà báo Phạm Ngọc Thành đã lập tức lên đường và có mặt sớm.

111
Cột khói bốc cao từ hiện trường vụ cháy ở kho bóng đèn Rạng Đông. Ảnh: Ngọc Thành
 

Với kinh nghiệm đã từng làm nhiều tin tức thời sự, trong đó có nhiều vụ cháy nổ, khi đến nơi anh quan sát toàn bộ bối cảnh, thời tiết, hướng đi, phán đoán những vị trí mình có thể tiếp cận được. Anh tìm địa điểm cao nhất mình có thể quan sát, đảm bảo khi tác nghiệp không ảnh hưởng đến lực lượng chức năng và đảm bảo an toàn. Để ghi nhận được hình ảnh khách quan thì chân dung người trong cuộc và người dân là giới hạn lột tả rất quan trọng khi hoảng loạn. Từ quá trình di chuyển tài sản, xông pha dập lửa đến cảnh lực lượng cảnh sát PCCC phun nước làm giảm nhiệt, đập tường để đưa nước vào bên trong.

Nhớ lại buổi tối hôm đó, nhà báo Phạm Ngọc Thành cho biết: “Tôi chụp nhiều bức ảnh về cận cảnh và một ảnh chụp trên cao, bao quát được toàn bộ vụ cháy lớn. Theo kinh nghiệm của tôi để có một loạt ảnh hấp dẫn bạn đọc cần có những bức ảnh trên cao sau đó tới những chân dung tốt. Ảnh trên cao mang tính bao quát nhưng phải có những bức ảnh lát cắt, góc nhìn, vị rí khác để dẫn vào câu chuyện đó. Mỗi câu chuyện kể bằng ảnh dù thời sự hay sản phẩm ảnh tĩnh thì cũng tuân theo quy tắc làm ảnh, phải có ảnh toàn - trung - cận và mỗi bức ảnh đảm nhiệm một công việc và có cảm xúc, có diễn biến”.

Luôn theo dõi những vụ việc nóng, những tin tức thời sự đang được bạn đọc quan tâm, những ngày sau đó anh Ngọc Thành tiếp tục đưa tin ở khu vực này.

Không may là sáng hôm sau anh có biểu hiện sức khỏe không tốt, luôn ho khan, ói mửa, người cảm giác khó chịu, nôn nao. Những ngày sau đó, khi lực lượng cứu hộ và người dân xung quang đám cháy đi xét nghiệm nhiễm độc thủy ngân anh cũng xin cơ quan tự đi xét nghiệm để có đánh giá về tình hình sức khỏe.

111
Nhà báo Phạm Ngọc Thành có mặt ở nhiều điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Ảnh: NVCC

Nhà báo Phạm Ngọc Thành chia sẻ:  “Biết là khu vực sẽ nguy hiểm, lực lượng quân đội hóa học phải vào cuộc nhưng chúng tôi hiểu rằng để vào được bên trong là rất khó, diễn biến của vụ cháy vẫn còn nên mình vẫn cuốn theo sự kiện. Đối với tôi mỗi sản phẩm ảnh mình tạo ra đó không chỉ đơn thuần là đứng bên ngoài chụp vài bức ảnh mang tính báo cáo mà phải dấn thân để đưa đến độc giả những câu chuyện bên trong đó, những lúc đó chỉ có sự liều lĩnh, nhanh nhẹn chớp thời cơ và kinh nghiệm mới thôi thúc bản thân làm được. Một bộ ảnh khi được đăng tải phải thể hiện trong đó là kinh nghiệm, sự khác biệt, lôi cuốn, say nghề và đôi khi cả sự liều lĩnh”.

Tác nghiệp trong khu cách ly đặc biệt

Trong suốt thời gian tới năm 2020 đến 2021, thông tin về dịch bệnh Covid- 19 luôn là đề tài nhiều phóng viên tập trung tuyên truyền. Quãng thời gian đó, đi tác nghiệp nhiều nơi, nhưng lần tác nghiệp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cùng đoàn của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn là thời gian anh nhớ hơn cả. Buổi làm việc tưởng chừng sẽ kết thúc sớm, nhưng ngay sau đó lãnh đạo Bộ Y tế muốn đi hỏi thăm sức khỏe của các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.

Sau khi được đồng ý và làm các thủ tục cần thiết anh mặc đồ bảo hộ và tham gia cùng đoàn thăm các bệnh nhân đang điều trị. Tại đây toàn bộ là khu điều trị đặc biệt của các bệnh nhân Covid-19, bên trong mọi thứ đều im ắng, lãnh đạo Bộ Y tế đến thăm từng bệnh nhân, hỏi thăm sức khỏe.

Với một phóng viên ảnh, được tham gia vào một sự kiện mang tính thời sự lớn được bạn đọc quan tâm là niềm hạnh phúc, vượt qua nỗi lo lắng ban đầu, anh bắt đầu cùng đoàn thăm các bệnh nhân. “Tôi nhớ nhất đến giường một bệnh nhân nữ bị nặng, để có góc máy bao quát tôi ngồi gần cuối giường, lúc này bệnh nhân ho liên tục. Tôi cố gắng chụp và quay lại hoạt động thăm hỏi của lãnh đạo bệnh viện. Khi đó chụp khó hơn vì không gian hẹp, kính đeo lúc đó còn mờ đặc vì hơi thở từ mũi lên. Tôi chụp quay, nghe nội dung lãnh đạo Bộ Y tế trao đổi để cho vào bài viết. Với suy nghĩ không dễ vào và trở lại được khu vực đặc biệt này nên phải len lỏi khắp các ngóc ngách của căn phòng ghi lại đầy đủ nhất từ trang thiết bị, không gian, giường bệnh và bệnh nhân để cái nhìn toàn cảnh cho độc giả” anh Thành chia sẻ thêm.

111
Nhà báo Phạm Ngọc Thành mặc trang phục tác nghiệp tại cửa viện Nhiệt đới cơ sở 2 Đông Anh. Ảnh: NVCC

Chỉ có 10 phút tác nghiệp, lúc ra ngoài anh cùng đoàn thực hiện tháo các đồ bảo hộ theo đúng trình tự từng thứ một, sử dụng cồn, chất khử khuẩn để lau toàn bộ trang thiết bị máy ảnh tác nghiệp. Ngay sau đó anh hoàn thiện tin bài ngay bên ngoài bệnh viện và đi thẳng về nhà thực hiện tự cách ly, tự theo dõi tình hình sức khỏe.

Thời gian dài cách ly trong nhà đối với một phóng viên ảnh chuyên chạy là cả một khó khăn. Nhưng may mắn trong quãng thời gian đó anh luôn được gia đình hỗ trợ, cùng chia sẻ động viên thực hiện cách ly và đảm bảo sức khỏe.

Nhắc về gia đình, nhà báo Phạm Ngọc Thành tâm sự: “Ngoài gia đình nhỏ tôi có thuận lợi nữa là có một gia đình lớn. Báo điện tử VnExpress luôn tạo điều kiện tốt nhất cho tôi làm việc, sáng tạo cống hiến, mỗi sáng thức dậy tôi luôn muốn được đi và làm việc, tìm cách để làm tốt, làm mới những gì trước đó. Làm phóng viên ảnh, lại là ảnh thời sự của VnExpress, chúng tôi không thể đút chân gầm bàn mà luôn phải xông ra hiện trường giữa lúc nước sôi lửa bỏng nhất”.

16 năm gắn bó với nghề báo, những bức ảnh thời sự chân thực của anh vẫn tiếp tục được hàng triệu bạn đọc đón đợi như một món ăn tinh thần hàng ngày. Mỗi bức ảnh như truyền tải năng lượng tích cực từ cuộc sống, làm phong phú thêm ngôn ngữ hình ảnh. Theo kinh nghiệm của anh: “Bất kể phóng viên làm lĩnh vực gì, vấn đề quan trọng nhất là phải đi thực tế. Bản thân tôi từ khi mới bước vào nghề tôi cũng đi rất nhiều, tìm hiểu các đề tài, đặc biệt là những đề tài mới lạ. Cứ đi nhiều, chụp nhiều, dần dần bạn sẽ tạo ra những bức ảnh chân thực, hấp dẫn và sẽ có kinh nghiệm khi tác nghiệp tại sự kiện hay đấu trường lớn”.

 

Theo Lê Tâm/NB&CL

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây