Nhà báo Đinh Mạnh Tú -Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Hải Dương: Chúng tôi làm việc gần như quên thời gian

Thứ sáu - 05/03/2021 10:55
Trong hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại, vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, những phóng viên TTXVN tại Hải Dương tác nghiệp trong tâm dịch đã phải bỏ qua niềm vui bên gia đình, lặng lẽ âm thầm cống hiến để cho dòng thông tin không bao giờ ngừng chảy.

Nhà báo Đinh Mạnh Tú - Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Hải Dương dù rất bận rộn nhưng vẫn dành thời gian chia sẻ nhiều thông tin nghề nghiệp cũng như những khó khăn vất vả khi tác nghiệp trong tâm dịch.
111
Nhà báo Đinh Mạnh Tú-Trưởng CQTT Hải Dương dẫn hiện trường tại tâm dịch Chí Linh trong đêm giao thừa.

Khẳng định bản lĩnh người chiến sĩ cầm bút trên mặt trận chống dịch

+ Các đồng nghiệp gọi các anh là những “phóng viên chiến trường” khi phải lao vào tâm dịch để khai thác và cung cấp những tin tức chính thống tới công chúng. Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn công việc của các phóng viên tác nghiệp trong tâm dịch thời điểm này chứ?

- Thực hiện tinh thần chống dịch như chống giặc, lực lượng chống dịch được ví như những chiến sỹ chống dịch thì mỗi nhà báo, phóng viên cũng có thể được ví như những phóng viên chiến trường. Vì trong quá trình tác nghiệp nếu chỉ một chút sơ sót, một giây lơi lỏng là bản thân có thể nhiễm bệnh và sẽ không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình mà còn gây ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị đang công tác.

Đây là lần thứ 3 dịch Covid-19 quét qua Hải Dương và có lẽ lần này là lần dịch ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến mọi mặt đời sống và kinh tế - xã hội của tỉnh này. Là cơ quan thường trú TTXVN tại tỉnh Hải Dương, chúng tôi luôn xác định phải đưa tin nhanh, chính xác về dịch bệnh. Vừa động viên lực lượng chống dịch vừa để người dân không hoang mang, lo sợ. Hằng ngày cập nhật, đưa tin phản ánh các thông tin về tình hình dịch bệnh, các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng từ tỉnh xuống cơ sở. Chúng tôi phải vừa viết, quay phim, dựng hình, xử lý ảnh để gửi về đăng phát trên các tờ báo in, báo điện tử của TTXVN.

+ Phải thường xuyên cập nhật những tin tức chính thống nhanh và trách nhiệm, quá trình tác nghiệp của anh và đồng nghiệp trong tâm dịch đã gặp những khó khăn, trở ngại gì?

- Dịch xảy ra đúng vào dịp cận Tết Nguyên đán và diễn ra suốt trong những ngày Tết. Cái Tết năm nay là cái Tết ấn tượng nhất bởi chúng tôi làm việc gần như quên thời gian. Hằng ngày, chúng tôi thức dậy từ lúc 5 giờ sáng, tranh thủ úp bát mỳ tôm rồi chuẩn bị máy móc và lên đường đi làm. Ngay khi có đủ thông tin thì tranh thủ quay về cơ quan vừa viết bài, vừa dựng hình để kịp gửi về Hà Nội. Hầu như không có bữa ăn nào đúng giờ. Thậm chí, bữa tối bao giờ cũng diễn ra từ lúc 22 đến 23 giờ hằng ngày bởi buổi tối khi thông tin mới dồn đến, chúng tôi phải tập trung vào xử lý ngay để có những thông tin mới nhất, thời sự nhất. Suốt những ngày dịch, quán ăn đều đóng cửa, món ăn thường xuyên với anh em chúng tôi là mì tôm. Gần như mỗi ngày chúng tôi chỉ được ngủ từ 4 đến 5 tiếng. Nhiều lúc gục luôn xuống bàn làm việc chợp mắt 5-10 phút rồi lại choàng dậy làm tiếp.

Nhớ lại ngày 30 Tết vừa qua, sau khi thực hiện phóng sự “Tết đặc biệt ở nơi tâm dịch” cho Truyền hình thông tấn thì đã hơn 21 giờ. Dựng hình, viết bài xong và gửi về cơ quan thì đã gần 23 giờ. Cảm thông với sự bận rộn của anh em TTX ở Hải Dương nên một người bạn của tôi đã gọi chúng tôi đến ăn cơm tối, mặc dù chúng tôi xong việc rất muộn. Và chúng tôi đã có một bữa tất niên nhanh nhất trong đời (chỉ kịp đến nhà bạn chúc Tết, ăn miếng bánh chưng và miếng giò để cảm nhận hương vị Tết rồi lại lao về cơ quan để tiếp tục công việc). Trên đường đi, ngó vào các căn nhà ven đường, chúng tôi đều ngậm ngùi khi ai ai cũng được quây quần bên gia đình thì chúng tôi vẫn “lụi cụi” ngoài đường. 

Một khó khăn nữa đối với chúng tôi là tiếp cận các ổ dịch, khu cách ly hay nơi điều trị cho các bệnh nhân Covid, nhưng muốn thông tin sinh động, mang hơi thở cuộc sống thì buộc phải dấn thân và phải vào tận nơi thì mới có những bức ảnh đẹp, những thước phim sống động nhưng lại phải chú ý bảo vệ mình sao cho an toàn, không được để lây nhiễm bệnh.

Đã có người hỏi tôi, sao không xin chi viện lực lượng phóng viên từ Hà Nội xuống để tăng cường nhưng tôi nghĩ nếu thời điểm này, yêu cầu đưa thêm người xuống thì bạn phóng viên đó sẽ mất Tết. Họ phải xa gia đình nhiều ngày, trở về sẽ phải đi cách ly hoặc sẽ gặp khó khăn nếu không thông thuộc địa bàn…

Chủng virus lần này lây lan rất nhanh và không có biểu hiện rõ rệt. Có những lần chúng tôi nhận được thông tin một người thân của người vừa phỏng vấn đã là F1 và được đưa đi cách ly trong khi đặc thù của nghề nghiệp bắt buộc chúng tôi phải thường xuyên tiếp xúc, phỏng vấn… Chính vì thế, cứ một tuần là chúng tôi phải đi xét nghiệm một lần và thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm, ai cũng nín thở bởi nếu dương tính và bị đưa đi điều trị, cách ly thì toàn bộ thông tin trên địa bàn sẽ bị bế tắc.

111
Phóng viên CQTT Hải Dương tác nghiệp trong đêm giao thừa tại tâm dịch thành phố Chí Linh.

Chọn nghề báo là đã chấp nhận những hiểm nguy

+ Trong hoàn cảnh đó, điều gì khiến người làm báo có thể vượt qua được những khó khăn để cung cấp thông tin một cách nhanh và chính xác tới công chúng thời điểm này, thưa anh?

- Đó là những lời động viên kịp thời từ lãnh đạo ngành. Trực tiếp là đồng chí Phó Tổng Giám đốc phụ trách, từ các anh, chị lãnh đạo Ban Biên tập và của anh em đồng nghiệp trong cả nước. Lãnh đạo TTXVN cũng hỗ trợ quần áo bảo hộ, khẩu trang để đảm bảo cho phóng viên tác nghiệp an toàn. Một nguồn động viên nữa là mỗi thông tin của chúng tôi khi đăng tải đều được bạn đọc chia sẻ, ghi nhận, động viên. Ngay trong những ngày Tết, khi thấy chúng tôi mê mải làm việc, nhiều anh em, bạn bè đồng nghiệp đã đem đến tận cơ quan cho hộp khẩu trang, cái bánh chưng, mớ rau, chục trứng… để bồi dưỡng lấy sức làm việc. Chính những tình cảm đó là nguồn động viên để chúng tôi hăng hái trong thực hiện nhiệm vụ thông tin về dịch bệnh trên địa bàn.

+ Có người nhận định rằng, nghề báo trong đại dịch cũng nguy hiểm chẳng khác gì nghề bác sĩ. Là người trong cuộc anh nghĩ như thế nào về nhận định đó?

- Tôi nghĩ nhận định đó đúng nhưng chưa đủ, bởi đối với bác sỹ họ vốn được đào tạo bài bản trong ngành y nên có những kiến thức sâu sắc về dịch bệnh để bảo vệ tốt cho mình và người thân. Nhưng những người làm báo chỉ bằng cách tự tìm hiểu, hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp nên những hiểu biết về dịch bệnh chỉ rất cơ bản.

Càng đi làm, càng dấn thân thì chúng tôi càng nghiệm ra rằng nghề báo luôn luôn là nghề nguy hiểm. Nhưng khi đã chọn nghề báo thì chúng tôi cũng đã chấp nhận những hiểm nguy trong nghề.

+ Đã có một cái Tết ấn tượng, đã có những ngày tác nghiệp đặc biệt và chắc hẳn anh cũng đã có thêm nhiều câu chuyện, nhân vật, kỷ niệm khó quên về những ngày tác nghiệp đặc biệt vừa qua?

- Nói về kỷ niệm khi tác nghiệp trong đợt dịch này thì rất nhiều. Từ đầu đợt dịch đến ngày 6/2, Hải Dương có đến hơn 400 học sinh các lứa tuổi từ mầm non đến lớp 6 phải đi cách ly. Có lẽ những hình ảnh khó quên nhất đối với tôi là hình ảnh những cháu bé 6-7 tuổi đã phải xa gia đình, vào khu cách ly. Những giọt nước mắt của các con khi chưa bao giờ phải xa bố, mẹ nhiều ngày trong một bối cảnh đặc biệt như thế... Hay khi quay những thước phim về những cánh đồng su hào, bắp cải quá lứa thu hoạch, súp lơ nở hoa trên đồng vì không có ai mua, chứng kiến những giọt nước mắt chảy trên những khuôn mặt sạm đi vì nắng gió của người nông dân có lẽ sẽ là những ấn tượng, những xúc cảm không thể nào quên trong đời làm báo của tôi.

+Xin cảm ơn anh!


Lê Tâm (thực hiện)
Nguồn NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây