Đó là phương châm hành động của những người làm báo An ninh Thủ đô mà Phó Tổng biên tập Chu Quốc Dũng nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện.
Những vấn đề thời cuộc, con người được đặt ra, những câu chuyện ấn tượng, gắn liền với nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm xã hội của người làm báo được ông chia sẻ chân tình và thú vị trước thềm Xuân Tân Sửu.
+ Tôi rất quan tâm đến bài giảng của ông về vấn đề nhân quyền, tôn giáo, nhất là khi Đại hội lần thứ XIII của Đảng đang đến gần. Điều gì ở lĩnh vực này khiến ông quan tâm và tâm huyết truyền thụ đến vậy?
- Bảo vệ quyền con người không chỉ là những vấn đề vĩ mô to tát, mà có thể thấy từ những việc nhỏ thường ngày - khiến tôi quan tâm và tâm huyết. Bảo vệ quyền con người là bảo vệ những nhu cầu xuất phát từ nhân phẩm vốn có của con người, được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Ngày nay, các khái niệm nhân phẩm, bình đẳng, tự do, không phân biệt đối xử, nhân đạo, khoan dung, tính trách nhiệm… tạo thành nền tảng thúc đẩy sự phát triển quyền con người. Những vấn đề về dân tộc, tôn giáo được tôi đề cập trong bài giảng các khóa đào tạo của Bộ Thông tin và Truyền thông (tại Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông) về bảo vệ quyền con người được nhìn nhận và đánh giá dưới góc độ khoa học kinh tế chính trị. Trong những ngày tổ chức Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm vụ đấu tranh dư luận càng cấp thiết hơn hết để bảo vệ những thành tựu quyền con người, bảo vệ tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do báo chí, bảo vệ chế độ, chống xuyên tạc, nói xấu lãnh đạo, chia rẽ nội bộ Đảng, định hướng dư luận trong nước và quốc tế về vấn đề biên giới, lãnh thổ của Việt Nam... Câu chuyện an ninh chủ động trong tuyên truyền bảo vệ quyền con người là hết sức cấp thiết để ngay cả những người làm nghề báo như chúng ta hiểu rõ, được trang bị, bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng cần thiết.
+ Lịch sử dân tộc hơn nửa thế kỷ qua đã chứng minh rằng các thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu để giành lại chủ quyền và nhân quyền, ngày nay chúng ta có trách nhiệm phải giữ vững chủ quyền, phải làm cho nhân quyền trở thành tài sản chung của toàn dân, tạo cơ hội để mọi người cùng phát triển. Một phần trách nhiệm ấy thuộc về những người làm báo, nhưng vấn đề nhân quyền thực sự không dễ viết. Viết như thế nào cho đúng, cho phải, cho hay, thưa Phó Tổng biên tập?
- Vốn dĩ là một nhà báo, tôi “tay ngang” sang những bài giảng về kinh tế chính trị, kinh tế phát triển và bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền thông tin đối ngoại, dân tộc, tôn giáo và bảo vệ quyền con người. Tôi nghĩ, trách nhiệm của những người làm báo là sự chia sẻ thông tin, định hướng dư luận bằng thông tin và quá trình này đòi hỏi không ít kỹ năng. Viết như thế nào cho đúng, cho phải, cho hay, thì mình không có công thức nào chung cả. Điểm chung cần có là tư duy vấn đề xuyên suốt, mạch lạc và tấm lòng, cũng như ý thức trách nhiệm của nhà báo với công chúng, với Tổ quốc trong đó có đầy đủ lợi ích của quốc gia, dân tộc. Nhưng như vậy tôi cho rằng vẫn là chưa đủ, mà còn cần có hiểu biết đầy đủ và sâu sắc về pháp luật nữa. Bởi, chúng ta đang sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Khi trao đổi những vấn đề về tôn giáo, dân tộc, bảo vệ quyền con người, chúng ta không chỉ thốt lên hay viết ra bằng cảm tính với nhau, rồi vội suy diễn, quy kết, mà còn phải bám sát vào những căn cứ pháp luật, thuyết phục, đối thoại bằng những bằng chứng, lý lẽ, lập luận có cơ sở pháp lý.
+ Ông từng chia sẻ: Năm 2020, tòa soạn Báo An ninh Thủ đô chúng tôi đã đi qua “những tháng ngày giông bão” thật hối hả với rất nhiều hoạt động chưa từng có, thể hiện trách nhiệm xã hội với bạn đọc, với nhân dân... Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về điều này?
- Tôi thì chỉ đơn giản nghĩ, trong dòng chảy cuồn cuộn của một năm đặc biệt khó khăn như 2020, mình vẫn nghĩ được, đi được và làm được việc có ích cho xã hội, vậy là may mắn rồi...
Từng đi qua những ngày cách ly toàn xã hội phòng chống đại dịch Covid-19, các nhà báo - chiến sĩ công an của Báo An ninh Thủ đô chúng tôi không ngồi nhà chờ tin tức, mà phải chạy dường như hết guồng quay công suất với rất nhiều hoạt động. Trên mặt báo không chỉ đơn thuần đưa thông tin mà còn là cuộc chiến đấu chống lại tin giả, tin xấu độc song song với sự kiên trì định hướng, dẫn luồng bạn đọc bằng những thông tin chuẩn xác, có căn cứ và thấm đẫm tình người. Nhìn lại có hai điều thấm thía.
Thứ nhất, điều hơn hết và không thể thiếu - đó là sự ủng hộ chí cốt, chí tình của các tầng lớp nhân dân để có thể tổ chức thành công 5 nhóm chương trình công tác xã hội, thể hiện trách nhiệm xã hội của người chiến sĩ công an làm báo của Thủ đô Hà Nội. Chúng tôi tự hào rằng, nhân dân có tin tưởng thì mới trao gửi và ủy thác tấm lòng của mình đến cơ quan báo chí như An ninh Thủ đô. Hoạt động dân vận và sức lan tỏa của Báo An ninh Thủ đô không chỉ khuôn cứng trong địa bàn Thủ đô Hà Nội, mà đến với đồng bào các tỉnh miền núi, trung du Bắc bộ, đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ và miền Trung ruột thịt những ngày bão lũ.
Thứ hai, tập thể cán bộ chiến sĩ Báo An ninh Thủ đô có sự thống nhất, đồng lòng lan tỏa và nhân lên những điều tử tế khi thực hiện trách nhiệm xã hội. Bởi lẽ, với mỗi cán bộ chiến sĩ Báo An ninh Thủ đô, chúng tôi có một phương châm hành động “Hãy sống chân thực - Biết hy sinh - Khiêm nhường và Kiêu hãnh” như những giá trị, phong cách của Người Hà Nội đã được hun đúc và khẳng định qua chiều dài nghìn năm văn hiến.
+ Khi ông nhắc về câu chuyện của dịch Covid-19 và bão lũ miền Trung tôi nhìn thấy rằng, càng trong những lúc đất nước nguy nan nhất, thì “nghĩa đồng bào” lại dấy lên mạnh mẽ, cả dân tộc lại có thêm sức mạnh dìu nhau vượt khó. Thưa ông, phải chăng, sự can trường vượt qua hoạn nạn, mỉm cười trước thử thách và sự tử tế ở mỗi người đã giúp dân tộcViệt vững vàng trước những giông tố?
- Quả là như vậy! Ý chí, sức mạnh dân tộc Việt là vô song khi có sự đoàn kết, đồng lòng và khi sự tử tế được nhân lên trong cộng đồng. Những ngày vừa rồi, các hãng tin, cơ quan báo chí, các quốc gia, các ngành, lĩnh vực đều nhìn lại, bình chọn sự kiện sau một năm kỳ lạ như 2020, mà ở đó khi Covid hoành hành, bão lũ cam go, Việt Nam chúng ta vẫn tạo ra được những kỳ tích. Sự đồng lòng vượt qua đại dịch, vượt qua giông bão có một phần sự góp công, góp sức của các nhà báo là bởi vậy.
Khi cách ly toàn xã hội phòng chống dịch Covid-19, hàng chục triệu người ở trong nhà, thì câu hỏi đặt ra là làm sao, bằng cách gì huy động sức dân để cùng Báo An ninh Thủ đô tham gia công tác xã hội? Chúng tôi nghĩ đến thu hút đấu giá tranh trực tuyến, dành tiền để tiếp sức các bác sĩ, chiến sĩ tuyến đầu chống dịch. Được các nghệ sĩ mỹ thuật tạo hình ủng hộ, hiến tặng, đấu giá trực tuyến mang lại kết quả không ngờ qua 8 phiên, tạo nên hiệu ứng thành công của công tác xã hội.
Và khi đồng bào, chiến sĩ miền Trung hoạn nạn, một câu hỏi lại đặt ra với chúng tôi cần phải triển khai gì khi nguồn lực lại có hạn. Tiền và hàng đã đành, đặc thù riêng có, là cái gì để tiếp sức đồng bào vượt qua lũ lụt? Trong bối cảnh ở vùng lụt, nước uống, nước sạch rất khan hiếm rồi vận chuyển nước uống còn khó, vậy là chúng tôi nghĩ đến các bình lọc nước theo tiêu chuẩn UNICEF. Rất kịp thời, hàng trăm bình lọc nước được đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô mua và chuyển tới miền Trung ruột thịt là từ sáng kiến đó. Nói nhà báo phải luôn tìm tòi, sáng tạo và bằng tấm lòng chân thành nhất khi thực hiện trách nhiệm xã hội, là bởi vậy.
Tiếp nối truyền thống của một cơ quan báo chí có bề dày 45 năm, từng là cơ quan báo chí đầu tiên được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động cho các công tác xã hội tình nghĩa từ cách đây 22 năm, mỗi cán bộ, chiến sĩ Báo An ninh Thủ đô thấy được niềm vui, sự tự hào và trách nhiệm lan tỏa những điều tử tế, tốt đẹp trong xã hội khi thực hiện, khai triển những hoạt động thiết thực hướng về nhân dân, trong sứ mệnh “Vì nhân dân phục vụ”.
+ Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Vân (Thực hiện)
Theo NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên