"Dù ở giai đoạn nào tôi vẫn giữ niềm đam mê của mình, vẫn viết lách, vẫn “xê dịch”"- Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trải lòng khi nói về hoạt động của ông trong những ngày "về hưu".
Tôi biết đến nhà báo Huỳnh Dũng Nhân qua những bài phóng sự đăng trên Báo Lao Động đầy ắp không khí thế sự của thời đại, những bài phóng sự mẫu mực được các thầy cô dùng để giảng dạy trên giảng đường. Bây giờ thì tôi tò mò, “con sói phóng sự” Huỳnh Dũng Nhân (câu của nhà văn Trung Trung Đỉnh) “từng “dọc ngang mấy cõi đường trần” (câu của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn) đã về hưu đến nay tròn 5 năm bây giờ đang thế nào?...
+ Xin chào nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, tôi được biết ông đã về hưu được 5 năm. Ông thấy 5 năm này là dài hay ngắn?
- 5 năm là khoảng thời gian ngắn so với cuộc đời nhưng lại là dài so với quãng thời gian còn làm việc. Tôi thấy 5 năm nghỉ hưu này với tôi cũng có nhiều ý nghĩa khi tôi đã làm được nhiều việc cho riêng mình và còn cần nhiều thời gian để làm việc hơn thế nữa.
+ Nhưng với nhà báo đâu có khái niệm “về hưu” phải không, thưa ông?
- Đúng vậy! Nghề báo nói riêng và nghề viết nói chung không có khái niệm “về hưu”. Đối với tôi, dù ở thời gian nào cũng có thể làm việc được. Tôi xin mượn một ý mà Danh họa Picasso đã từng nói: “Đừng bắt tôi khời bỏ cây cọ vẽ”. Tôi cũng vậy. Tôi không thể rời cây bút được.
+ Không thể rời cây bút, chẳng thế mà 5 năm qua tôi thấy nhà báo làm việc vẫn vô cùng hăng say…
- Niềm vui khi về hưu của tôi là được chủ động dành thời gian làm những việc mình muốn nên năng suất viết lách cao hơn. Tôi vẫn cộng tác cho nhiều báo, có những mùa báo xuân được đặt bài và viết trên dưới 20 bài. Trong 2 năm 2019 - 2020 tôi in được 4 cuốn sách. Từ tháng 7/2019, tôi được mời làm Cố vấn cho Trung tâm Báo chí thuộc Sở Thông tin & Truyền thông TP. Hồ Chí Minh.
Đợt vừa rồi, tôi cũng đi được 5 tỉnh thành để giảng dạy, giao lưu với sinh viên báo chí và viết nhiều bài về lũ lụt cũng như về dịch Covid.
+ Hoạt động nào khiến ông thấy hào hứng nhất?
- Tôi không thể nói là tôi hào hứng nhất với việc nào được. Tôi thích đi dạy các lớp của các Hội Nhà báo vì cập nhật được thông tin, thích làm việc ở Trung tâm Báo chí vì được sống trong môi trường báo chí, thích đi dạy sinh viên báo chí vì... trẻ ra, thích cả đi nhậu vì gặp nhiều bạn bè… Tôi thích viết sách vì thật sự hồi nhỏ tôi vào đời cầm bút bằng văn chương chứ không phải nghề báo, và đó cũng là mong muốn của tôi được nhìn lại những quãng thời gian sôi nổi, đầy thăng trầm và không kém phần nên thơ của mình.
+ Vậy trong 4 cuốn sách được in trong năm 2019 và 2020, ông tâm đắc nhất với cuốn nào?
- Là Hồi ký “Chúng tôi - Một thời mũ rơm mũ cối”. Đây là cuốn sách tôi đã ấp ủ rất lâu và khao khát thực hiện được nó để nói về thời của chúng tôi - những đứa trẻ ở Trại trẻ sơ tán Báo Nhân Dân trong những năm đầu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc cách đây đúng 55 năm. Tôi rất vui khi cuốn sách này đã được khá nhiều báo đài giới thiệu.
+ Ông không thể rời cây bút, song vẫn thường xuyên làm việc với… “cây mic”, tôi còn biết ông là một “Facebooker” rất nhiệt tình, là người rất tích cực tham gia các hoạt động khi được mời. Ông làm cách nào để có năng lượng sống dồi dào như thế?
- Tôi luôn sợ ngồi yên vì tôi hiểu “thời gian một chiều rồi sẽ hết”. Tôi vẫn chưa thấy mình đã “già” nên luôn tích cực hoạt động. Chơi Facebook cũng cho tôi nhiều niềm vui và giúp tôi thấy mình luôn hiện diện trong cuộc sống công nghệ. Tôi sợ mình bị lãng quên, sợ trở thành một kẻ vô dụng, nên còn có thể là tôi còn làm việc, còn giảng dạy, còn cống hiến.
+ Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân khi về hưu khác gì với cây bút phóng sự Huỳnh Dũng Nhân trước đây, thưa ông?
- Tôi luôn tâm niệm “nến cong nhưng lửa thẳng”. Dù có bao nhiêu trăn trở xao động trong tâm tưởng trước thế sự nhưng mình vẫn cố giữ vững niềm tin cuộc sống. Bạn biết đấy, dù ở giai đoạn nào tôi vẫn giữ niềm đam mê của mình, vẫn viết lách, vẫn “xê dịch”. Ba năm đầu khi về mới về hưu, tôi đặt chân đến 4 nước Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Hongkong...
Nhưng tôi của những ngày “về hưu” có nhiều chiêm nghiệm về cuộc đời của mình nhiều hơn. Tôi đang sống ở một chung cư tại quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) khá ổn và cảm thấy hài lòng. Hiện tại, tôi rất vui khi được đưa đón con đi học mỗi ngày dù thỉnh thoảng lại bị cô giáo hỏi... “ông đi đón cháu à?”.
Tôi của hiện tại đã có thể dành nhiều thời gian cho gia đình và chăm sóc mẹ già hơn. Trước đây, ưu tiên số 1 của tôi là sự nghiệp thì bây giờ, ưu tiên số 1 là gia đình, chăm sóc một gia đình êm ấm. Tôi luôn luôn muốn sống hết mình và liên tục làm mới mình. Như tôi đã nói với bạn, tôi không thể ngồi yên.
+ Ông làm mới mình bằng cách nào?
- Xây dựng hình ảnh một nhà báo năng nổ, đam mê nghề. Đi dạy nhiều nơi cũng là một cách để tôi làm mới mình và không bị lãng quên.
+ Tôi thấy trên Facebook có rất nhiều sinh viên, học viên yêu quý, ngưỡng mộ ông. Điều này chắc hẳn khiến ông thấy tự hào. Còn ông thấy các bạn sinh viên báo chí bây giờ thế nào?
- Những lời khen về các bài viết hay các hoạt động của tôi trong nghề báo đã tiếp sức cho tôi trong trách nhiệm và nghĩa vụ truyền lửa cho thế hệ trẻ. Các bạn sinh viên báo chí luôn trẻ trung, năng động và mới mẻ. Nhưng hình như sinh viên báo chí bây giờ không học báo chí vì yêu nghề báo nhiều như trước. Các bạn học còn vì nhiều lý do khác.
+ Tôi thấy các bạn sinh viên cũng được truyền cảm hứng rất nhiều từ thầy giáo Huỳnh Dũng Nhân đam mê và yêu nghề báo bậc nhất của Việt Nam đấy chứ. Và tôi biết, không chỉ đam mê nghề báo mà ông còn rất mê bóng bàn và vẽ phải không ạ?
- Bóng bàn và hội họa là niềm đam mê từ nhỏ của tôi. Tôi đã từng học lớp năng khiếu về hội họa từ trường Nghệ thuật Hà Nội những năm 1960 và là một tay chơi bóng bàn không tệ.
Thời gian gần đây, tôi có tập bóng bàn và vẽ trở lại. Điều này còn giúp tôi như sống lại đam mê thời trẻ của mình. Nhất là khi con gái tôi bắt đầu học vẽ, tôi đã vẽ nhiều hơn để đồng hành với bé.
+ Ông có vẽ chân dung của chính mình chứ? Ông có suy nghĩ gì khi tự họa?
- Khi tập vẽ trở lại, tôi thấy tốt nhất là lấy mình ra để vẽ chân dung. Giống hay không, xấu hay đẹp, cũng không sao. Đó là dịp nhìn lại gương mặt mình đã hiện diện trong cuộc đời này suốt 65 năm qua. Tôi nghĩ rằng, tôi phải biết yêu mình để biết yêu cuộc đời.
+ Ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn đầy đam mê đi và viết, giảng dạy và tham gia nhiều hoạt động khác, vậy bây giờ có thể gọi ông là gì? Sang năm mới ông có dự định “làm mới mình” với công trình gì mới?
- Tôi xin trả lời bằng một câu tự bạch trong tập thơ mới ra mắt vào đầu năm 2021:
“Có những lúc và vô vàn những lúc
Tôi là ai, luôn tự vấn, cõi trần
Và duy nhất câu trả lời duy nhất
Tôi là tôi - phu chữ Huỳnh Dũng Nhân”.
+ Cảm ơn “phu chữ” Huỳnh Dũng Nhân đã chia sẻ những ngày tháng “rửa tay nhưng chưa gác kiếm” của mình. Chúc ông luôn dồi dào năng lượng để đi nhiều, viết nhiều và hạnh phúc.
Thiên Văn (Thực hiện)
Nguồn NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên