Nhà báo Cao Kim - biểu tượng sáng ngời về ý chí kiên cường và lòng quả cảm

Chủ nhật - 03/01/2021 03:39
Nhà báo Cao Kim được biết đến là phóng viên chiến trường miền Đông Nam bộ, ông là một trong những người làm nên báo Giải Phóng từ những năm đầu tiên. Với tinh thần dũng cảm, gan dạ và sáng tạo... ông và đồng đội đã góp phần dệt nên những trang sử hào hùng, chói lọi của đất nước.

Cầm trên tay giấy báo tử của mình

Nhà báo Cao Kim tên thật của ông là Nguyễn Kim Toàn. Ngoài bút danh Kim Toàn, ông còn có bút danh Cao Kim và Kim Kim. Năm 1964 ông cùng với nhà báo Thép Mới (Hồng Châu) được giao nhiệm vụ vào Sài Gòn trước khi chiến dịch Mậu Thân nổ ra, ông và đồng đội hoạt động bí mật, nằm vùng. Tập trung tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng để ra tờ báo cách mạng ngay trong vùng địch.

Mục tiêu tiếp theo là khi chiến thắng dành thắng lợi to lớn ở nhiều khu vực thì tờ báo sẽ xuất hiện rộng rãi trước công chúng. Phóng viên của báo thực hiện viết bài tại chỗ, phản ánh về cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân ta tại mặt trận Sài Gòn – Gia Định vào thời điểm đó.

111
Nhà báo Cao Kim - Kim Toàn (thứ 2 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp báo Giải Phóng chụp ảnh tại chiến khu R, năm 1969.

Đồng chí bí thư chi bộ kiêm đội trưởng đội võ trang tuyên truyền, người trực tiếp nhận giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng của nhà báo Cao Kim. Buổi tiếp nhận diễn ra nhanh chóng, xong tất cả lại trực tiếp chiến đấu, nhiều chiến sỹ mặc dù cùng đơn vị nhưng cũng chưa kịp biết hết được tên, tuổi những đồng đội của mình.

Nhà báo Cao Kim nhớ lại: Chúng tôi trực tiếp cầm súng tham gia cùng các chiến sỹ biệt động, các chiến sỹ đội võ trang tuyên truyền của đô thành Sài Gòn. Chiến đấu với địch ngay giữa lòng địch, đó là những nhiệm vụ nặng nề. Ngày đó việc ra nhập cũng hết sức đơn giản, là đưa giấy giới thiệu, tôi “Xin gia nhập theo lệnh của cấp trên” vào đội võ trang tuyên truyền. Chúng tôi chiến đấu, tham gia vào các cuộc chiến ác liệt suốt ngày suốt đêm, từ thành thị tới nông thôn, từ quận này sang quận kia, khi thì ở trong thành phố lúc ở rừng sâu.

Trong một trận chống địch phản kích ác liệt ở vùng ven Sài Gòn, lực lượng quân giải phóng giành nhau từng căn nhà, góc phố, từng mảng tường với quân địch. Sau trận đánh đó lực lượng quân giải phóng đã dành những thắng lợi lớn nhưng cũng bị thương nhiều. Đồng chí đội trưởng của nhà báo Cao Kim bị thương rất nặng ở vùng mặt và đầu, sau đó hi sinh. Khi đưa ra phía sau ở trạm y tế tiền phương thì mọi người cũng không thể nhận dạng được. Các y bác sỹ tìm thấy trong túi áo đồng chí đội trưởng có giấy chuyển Đảng mang tên Cao Kim.

111
Nhà báo Cao Kim cầm trên tay Giấy báo tử ghi tên mình, nhưng thật ra là đồng chí đội trưởng của ông.

Nhà báo Cao Kim cho biết: “Khi đó tôi vẫn đang tham gia trận đánh khác, ở đây có sự nhầm lẫn nên viết giấy báo tử mang tên tôi, nhưng thật ra là đồng chí đội trưởng của tôi. Mọi người đã tổ chức mai táng, truy điệu và viết giấy báo tử gửi về cơ quan báo Giải Phóng ở trong chiến khu. Anh em đồng nghiệp trong chiến khu có tổ chức truy điệu, nhưng sau mấy tháng tôi lại trở về. Đây là kỷ niệm sâu sắc, đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm lính của tôi”.

Tờ báo của những anh hùng

Báo Giải phóng, trực thuộc cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ra đời để cổ vũ tinh thần chiến đấu của đồng bào miền Nam và cả nước, đồng thời giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ và đúng cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Mặc dù liên tục bị địch càn quét lùng sục săn bằng những đợt pháo kích, bom đạn, nhưng trong 12 năm những nhà báo vừa cầm súng vừa cầm bút vẫn cho xuất bản 375 số báo. Báo Giải phóng là một trong 3 cơ quan báo chí chính thống, gồm cả Đài phát thanh giải phóng và Thông tấn xã giải phóng.

Sự đóng góp của báo Giải phóng cũng mang giá trị đặc biệt, không kể bằng số lượng ra bao nhiêu báo, bao nhiêu bài báo vì mỗi một số báo ra đều đánh đổi bằng máu và nước mắt. Một tờ báo được làm ra trong gian khổ và hiểm nguy. Không có bất cứ phương tiện nào, chỉ có một số máy đánh chữ, không có điện, không có thiết bị truyền tin hiện đại nào.

111
Nhà báo Cao Kim phóng viên Báo Giải Phóng, cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, thời kỳ hoạt động tại mặt trận Sài Sòn - Gia Định (1967 - 1968).

“Chúng tôi làm bằng mọi cách có thể được, vẫn ra báo được giữa rừng rậm. Chỉ cách trung tâm Sài Gòn hơn 170 km, bom đạn của kẻ thù ném bất cứ lúc nào, bất cứ giờ nào trong ngày. Vì thế đây là một tờ báo anh hùng bởi những người làm báo kiên cường, chúng tôi là một trong số ít người còn sống đến ngày nay” nhà báo Cao Kim chia sẻ.

Trong cuộc kháng chiến cứu quốc vỹ đại, mỗi một tờ báo đều có những sứ mệnh riêng. Đối với những tờ báo ở nơi tiền tuyến, mỗi số báo là những điều đặc biệt. Đi lên từ khói lửa chiến tranh, truyền tải những thông điệp về chiến thắng về hòa bình và thống nhất đất nước.

Luôn nhớ về đồng chí, đồng đội, tại sự kiện “Trưng bày và ra mắt phim Giải phóng - Tờ báo trên tuyến lửa” vừa qua nhà báo Cao Kim cho rằng: “Chúng tôi chỉ mong làm sao với truyền thống báo chí oanh liệt của báo Giải Phóng và các tờ báo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sẽ tiếp tục được giới thiệu, được khẳng định, ghi nhận và tôn vinh. Quan trọng nhất là truyền thống làm báo thời kỳ đó được lan tỏa được chuyển hóa để làm tài liệu giáo dục tiếp lửa cho thế hệ làm báo hiện nay”.

Trong những năm qua, nhà báo Cao Kim cùng nhiều phóng viên báo Giải Phóng đã tích cực và tự nguyện hiến tặng những kỷ vật đã gắn bó, chứa đựng một phần máu xương của họ cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Mỗi một kỷ vật là những câu truyện về cuộc đời, ý trí và tuổi trẻ của mỗi người.

111
Nhà báo Cao Kim mong muốn giới trẻ làm báo ngày hôm nay bước tiếp truyền thống quý báu của cha ông.

Thế hệ trẻ ngày nay, được làm báo trong môi trường hiện đại, có nhiều thuận lợi, tuy nhiên ngay nay giới báo chí cũng có những áp lực là phải bắt nhịp với báo chí thế giới, với mạng xã hội.

Nhà báo Cao Kim cho rằng: “Bây giờ người làm báo đổ mồ hôi, còn trong kháng chiến người làm báo phải đổ bằng máu. Giới trẻ làm báo ngày hôm nay cần bước tiếp truyền thống đó, phát huy những giá trị của ông cha, biến mất mát đau thương trong quá khứ tạo một động lực mạnh mẽ trong thời đại ngày hôm nay”.

Nhà báo Nguyễn Kim Toàn có ba bút danh Kim Toàn, Cao Kim và Kim Kim. Anh nguyên là Tổng biên tập Báo Hải Phòng (1989- 2002), nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Phòng khóa 2 và 3 (1990- 2002), nguyên Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam khóa 5, 6 và 7 (1989- 2005) trong đó khóa 6 được bầu là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, phụ trách tổ chức Hội các tỉnh, thành phố phía Bắc.


Theo Lê Tâm/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây