Lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vỹ, nhà báo Hồng Điệp đã có nhiều năm bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Trong công tác, được phân công theo dõi thông tin chung về tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Gia Lai, nhưng chị vẫn luôn dành một tình cảm đặc biệt cho đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi vùng cao này.
Trong suốt thời gian công tác, chị đã có nhiều tin, bài đồng hành cùng giáo viên, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, mang con chữ đến tận buôn, làng vùng khó khăn. Đầu tháng 6/2020, nhà báo Hồng Điệp có dịp về điểm trường Alao, trường Tiểu học Lơ Pang, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang để đưa tin tuyên truyền công tác đảm bảo sỹ số nơi vùng sâu, vùng xa trong đợt dịch Covid-19.
Điểm trường Alao rất khó khăn, thiếu thốn, nơi mà cả thầy và trò phải ngồi trong một phòng được quây bằng tôn, nền đất, cơ sở vật chất nghèo nàn nhưng tinh thần hiếu học luôn cao như ngọn núi Alao phía trước. Dù khó khăn vậy, nhưng trong nhiều năm liên tiếp trường đều đạt tỷ lệ học sinh chuyên cần trên 90%. Để có được thành tích ấy, mỗi mùa khai giảng thầy cô thường đến tận nhà để vận động, đưa đón học sinh đến trường, tạo môi trường thân thiện, vui vẻ để các em yêu bạn, mến trường hơn mỗi ngày.
Nhà báo Hồng Điệp nhớ lại: “Sau khi bài viết về điểm trường Alao được đăng tải thì một anh cán bộ ở phòng giáo dục huyện Mang Yang có giới thiệu một điểm trường nữa trong huyện còn khó khăn hơn. Hôm sau tôi cùng một anh quay phim chuẩn bị trang thiết bị tác nghiệp cẩn thận để đến điểm trường này. Được dặn trước là đường lên núi khó khăn, nhưng khi tới nơi không nghĩ lại có con đường nguy hiểm vậy. Dù trời đã không mưa nhiều rồi, nhưng đường vẫn trơn, nhiều đoạn bùn ngập sâu. Chúng tôi được trưởng thôn Đê Kôn cho người đưa xe độ chế xuống thồ lên núi. Ngồi sau, nhắm chặt mắt, phó thác sinh mệnh cho anh trưởng thôn vì không dám mở mắt ra nhìn, đôi đoạn tôi bám chặt lấy vai anh vì xe cứ thế tuột theo dải bùn đất đỏ bazan ngấm nước. Đến một số đoạn bùn nhão ngập bánh xe, chúng tôi buộc phải lội bộ”.
Làng Đê Kôn (xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), dù chỉ nằm cách trung tâm xã 7km nhưng để đến được làng này phần lớn người dân và giáo viên phải đi bộ và đi xe máy, để xe máy di chuyển được cũng bắt buộc phải buộc thêm xích quanh lốp xe để lốp bám đường. Đi bộ thường mất 2 giờ đồng hồ, nhiều đoạn đường đèo dốc hiểm trở một bên là dốc núi, một bên là vực sâu. Mùa nắng, chỉ những chiếc xe độ chế mới đủ sức cày xới đất chở người ngược núi lên làng. Vào thời điểm mùa mưa, giáo viên phải cho học sinh nghỉ học bởi ngôi làng Đê Kôn hoàn toàn bị cô lập, giao thông chia cắt, không thể tiếp cận.
Khó khăn trắc trở là vậy, nhưng hằng ngày người dân ở đây đã quen dần với hình ảnh hai cô giáo giúp nhau đẩy xe của từng người qua đoạn đường đèo vắng vẻ, lầy lội, bùn đất bám đầy người, dưới chân hai đôi ủng ngập sâu trong đất đỏ. Trên lưng mỗi cô mang theo chiếc cặp, trong đó đựng những cuốn sách, tập vở, kiến thức, hành trang đến với học sinh vùng cao.
Không chỉ các thầy cô mầm non, tiểu học “cõng” chữ ngược núi về làng, nhiều em học sinh trung học cơ sở tại làng Đê Kôn cũng khá vất vả khi đi xuống trung tâm xã để học con chữ. Nhiều hôm, các em đến lớp với bộ dạng lấm lem vì ngã trên đường xuống núi. Chỉ vì đường giao thông chia cắt, điều này làm chị Hồng Điệp càng nung nấu quyết tâm hỗ trợ kịp thời cho người dân nơi đây sớm nhất.
Đến được làng Đê Kôn đã khó nhưng để thực hiện được những cảnh quay, những phần phỏng vấn ở đây lại càng khó khăn hơn. Người đồng bào dân tộc Bahnar ở đây ít tiếp xúc với người bên ngoài nên rất nhút nhát trong việc nói chuyện với người lạ. Việc lựa chọn nhân vật để phỏng vấn là điều không hề dễ dàng. May mắn chị nhờ được trưởng thôn làm phiên dịch. Dù bất đồng về ngôn ngữ, nhưng càng tiếp xúc với người dân nơi đây, nhà báo Hồng Điệp càng thấu hiểu những khó khăn, vất vả, thiếu thốn của đồng bào trong cuộc sống hằng ngày.
Nhà báo Hồng Điệp nhớ lại: “Để phỏng vấn được một người dân rất khó khăn, phải thuyết phục hàng tiếng đồng hồ với sự trợ giúp của anh trưởng thôn. Không chỉ người lớn, các em học sinh rất cũng nhút nhát, cứ khi nhìn thấy máy quay là họ sợ, không dám đứng gần”.
Lúc ấy, chị quay sang hỏi han về cuộc sống hằng ngày, hỏi về việc trồng trọt, chăn nuôi rồi chăm sóc con cái, riêng với các em học sinh, chị và ê-kíp phát kẹo và bánh, mất cả buổi để làm quen. Dần dần khi câu truyện trở nên gần gũi, nhân vật không để ý gì để thiết bị máy móc nữa thì lúc đó ê-kíp bắt đầu ghi hình. Phải thực hiện hàng chục cú bấm máy mới lấy được vài giây hình như ý.
Đường giao thông bị chia cắt, ngoài học sinh, giáo viên vất vả, người dân tiếp cận các dịch vụ y tế cũng khó khăn hơn, không có trạm xá nên mỗi lần đưa được người ốm ra ngoài chữa bệnh là cả một hành trình. Thấu hiểu những khó khăn đó, các bài viết, phóng sự ảnh, truyền hình về “Ngược đèo, cõng chữ về làng Đê Kôn” được đăng tải, đã phản ánh chân thật phần nào cuộc sống người dân nơi đây, loại bài đã thu hút được sự quan tâm của hệ thống chính quyền tỉnh Gia Lai và độc giả trên cả nước.
Điều mong mỏi cũng đã đến, sau phản ánh của TTXVN, UBND tỉnh Gia Lai và huyện Mang Yang đã thành lập đoàn khảo sát để xác minh thông tin báo chí. Ngay sau đó, tỉnh Gia Lai đã có công văn chỉ đạo để đưa dự án xây dựng tuyến đường nối làng Đê Kôn với trung tâm xã vào danh sách công trình đầu tư cấp bách. Không để dự án rơi vào quên lãng, hằng tuần lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai đều họp giao ban và đánh giá kiểm điểm tiến độ xử lý vụ việc.
Có thể nói, để có những bài viết sâu sắc về đồng bào dân tộc, nếu không có lòng yêu nghề và sự chia sẻ với đồng bào vùng sâu vùng xa thì khó có thể đảm đương được công việc. Sau chuyến đi đầu tiên, nhà báo Hồng Điệp trở về và vận động nhóm thiện nguyện Fly to Sky (Gia Lai) đội mưa, leo dốc mang áo ấm, sách vở, bình lọc nước lên với bà con và trẻ em với hy vọng kịp thời hỗ trợ đồng bào dân tộc nơi đây càng sớm càng tốt.
Nghề phóng viên đã vất vả, đối với nữ nhà báo ở miền núi cao, nơi rừng xanh núi đỏ còn khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng với nhà báo Hồng Điệp, hạnh phúc đôi khi là những bài viết của mình được độc giả đón đọc, được sự ủng hộ từ các cấp chính quyền. Niềm vui lớn nhất với chị còn là được đóng góp một phần và chia sẻ những khó khăn thiếu thốn của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Bằng những bài báo, những bức ảnh và phóng sự truyền hình chị đã giúp cho đồng bào càng thêm tin, thêm yêu vào những đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước. Và cứ thế người làm báo ấy luôn giữ vững tinh thần cống hiến, đồng hành, góp sức cho quê hương thêm giàu đẹp.
Theo Lê Tâm/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên