Nhân kỷ niệm 56 năm ngày Báo Giải Phóng xuất bản số đầu tiên (20/12/1964-20/12/2020: Nhà báo Nguyễn Thành Lê - Người Tổng Biên tập khiêm nhường, tài năng và nhân hậu

Thứ tư - 09/12/2020 02:05

Dù bận rộn với công việc Quản lý, nhà báo Nguyễn Thành Lê dưới nhiều bút danh, từ thuở thiếu thời cho đến khi tuổi cao sức yếu, không mấy khi rời cây bút. Văn phong của ông trong mỗi tác phẩm đều sắc bén, mang tính chiến đấu cao, giản dị về ngôn từ và chặt chẽ về ý tứ.

111
Nhà báo Nguyễn Thành Lê (1920 - 2006)

Từ Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, người phát ngôn chính của Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris

Tại Hội nghị Genève 1954 về Đông Dương, Nguyễn Thành Lê được giao nhiệm vụ phụ trách báo chí của Đoàn Việt Nam, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Tại Hội nghị Genève 1961-1962 về Lào, ông là người phát ngôn của đoàn ta. Đến Hội nghị Paris 1968-1973, ông là thành viên chính thức Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy dẫn đầu, một lần nữa ông lại làm người phát ngôn. 

Đấu trí với hàng trăm nhà báo nước ngoài - có người cố tình lạm dụng danh nghĩa báo chí làm công việc khiêu khích qua những câu hỏi hàm ý xấu - vị đại diện Việt Nam với thái độ từ tốn nhưng sắc sảo, làm sáng tỏ lập trường của đoàn ta, bác bỏ lập luận sai trái, khiến một số người có mưu đồ đen tối nhiều lần sượng mặt. Nguyễn Thành Lê luôn tỏ ra là người chủ động trong việc xử lý các câu hỏi của phóng viên quốc tế, và ông khéo léo dẫn chứng bằng những câu trả lời mang phong vị của người Việt Nam, hài hước nhưng đầy tính mở.

Chẳng hạn, khi được hỏi về diễn biến của các cuộc họp giữa hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ, ông không trực tiếp trả lời câu hỏi đó mà hài hước đọc những câu ca dao Việt Nam như: "Con kiến mà leo cành đa/ Leo phải cành cụt, leo ra leo vào" hay "Con kiến mà leo cành đào/ Leo phải cành cụt leo vào, leo ra"... Qua đó, các phóng viên phần nào biết được cuộc họp đang rơi vào bế tắc và rất thích thú vì họ được biết thêm về văn hóa Việt Nam thông qua những câu trả lời của vị phát ngôn có thân hình nhỏ bé, hàm răng hơi hô, trên tay thường cầm điếu thuốc đang cháy dở. Ấn tượng nhất về ông chính là đôi mắt vô cùng tinh anh, sắc sảo nhưng không kém phần dí dỏm và khiêm nhường.
 

111
Nhà báo Nguyễn Thành Lê phát biểu trong cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam tại Ý, năm 1971 (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam)

Đến Tổng Biên tập Báo Giải Phóng, cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải Phóng miền Nam Việt Nam

Ngay sau khi Sài Gòn giải phóng, nhà báo Nguyễn Thành Lê khi đó là Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, được Trung ương cử vào giữ trọng trách Tổng Biên tập Báo Giải Phóng vào tháng 8.1975. Mọi người trong cơ quan gọi vị Tổng Biên tập đáng kính này với tên gọi trìu mến: Chú Tám Mai (khi công tác ở Báo Giải Phóng, ông lấy bút danh chính là Thanh Mai, tên của cô con gái nhỏ của mình, người mà ông đặc biệt thương yêu vì Thanh Mai khi sinh ra đã bị bệnh úng não). Ngoài ra, trên mục Chuyện Thời sự, ông viết nhiều mẩu truyện về đối đáp ngoại giao tại Hội nghị Paris với bút danh Hương Xuân: Lái trâu, Thay đổi màu da...

Trong bài viết: Nguyễn Thành Lê - Người phát ngôn của Nhà báo Phan Quang (in trong cuốn Thương nhớ vẫn còn, tập 1, NXB Văn học), ông chia sẻ những kỷ niệm về Nhà báo Nguyễn Thành Lê như sau:

111
Nhà báo Nguyễn Thành Lê (giữa) và Dương Đình Thảo (phải) trả lời phỏng vấn của phóng viên quốc tế sau khi Sài Gòn giải phóng, tháng 5.1975

"... Nhớ ngày cuối tháng từ năm 1975, tôi tình cờ gặp ông tại thành phố Đà Nẵng, vào lúc đại quân ta đang tiến sát, giải phóng Sài Gòn. Hai anh em vốn nhiều năm cùng làm việc tại báo Nhân dân. Tôi được cử làm phóng viên báo vào miền Nam mấy tháng trước, còn ông được cấp trên vừa quyết định phải cấp tốc vào Sài Gòn chủ trì báo Giải phóng, cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, chuẩn bị xuất bản tại thành phố. Tôi mời ông cùng đến thăm người anh con ông bác ruột tôi đang sống tại Đà Nẵng. Con cái ông anh tôi kinh doanh thành đạt. Tin tưởng vào chính sách của Nhà nước, anh không cho gia đình “tùy nghi di tản” hùa theo tâm lý đám đông. Bà con khối phố nghe tin có mấy ký giả miền Bắc vào, kéo đến khá đông. Tôi giới thiệu: Ông Nguyễn Thành Lê từng nhận công tác này đảm đương trọng trách nọ. Hình như bà con chẳng mấy ai hình dung những công việc ấy của chúng ta quan trọng như thế nào. Đến khi tôi nói: “Đây cũng chính là ông Nguyễn Thành Lê, người phát ngôn của ta tại Hội nghị Paris”, mọi người hết sức ngạc nhiên. Tiếng trầm trồ nổi lên, có mấy người đứng dậy để nhìn cho rõ. Hóa ra vị phát ngôn viên” quen thuộc của “Phái đoàn Bắc Việt” mà tiếng nói dõng dạc nhiều năm qua đã bao lần cất lên tại các Hội nghị Genève, Paris..., được nhiều người cảm phục dù không ai dám công khai nói ra, là ông ký giả tầm vóc nhỏ bé, ăn mặc xuềnh xoàng, thái độ khiêm nhường đang đứng trước mặt họ tối nay đây".

Qua đó phần nào thấy được đặc điểm nổi bật ở nhà báo Nguyễn Thành Lê là thái độ giản dị, khiêm nhường. Ông ít nói về mình, chưa bao giờ suy bì hơn kém với ai, chỉ biết làm việc và làm việc. Ông kính trên nhường dưới, chan hòa với cộng sự, sẵn sàng lắng nghe ý kiến người khác.

Nhận công tác mới trong những ngày đầu Sài Gòn giải phóng, Nhà báo Nguyễn Thành Lê luôn luôn căn dặn đồng nghiệp phải giữ tư cách của một nhà báo cách mạng như thế nào đối với nhân dân thành thị mới giải phóng, đối với những người làm việc ở các bộ máy chính quyền cũ, quân đội Sài Gòn, những nhà tư sản, trí thức, các tôn giáo và cả bạn đồng nghiệp... Biết bao điều tế nhị, kinh nghiệm sống mà thế hệ các phóng viên trẻ đã học được từ Nhà báo Nguyễn Thành Lê.

Theo như chia sẻ của nhà báo Trần Thanh Phương, phóng viên Báo Giải Phóng: "Chính vì vậy mà suốt những năm tháng làm báo Giải Phóng, chúng tôi không mắc một sai phạm nào". Ngoài ra, Nhà báo Trần Thanh Phương còn là đồng nghiệp cũ với Nhà báo Nguyễn Thành Lê từ khi ông còn là phóng viên Báo Nhân Dân, nên khi được công tác cùng nhau tại Báo Giải Phóng, giữa họ dường như đã kết thêm sợi dây thân tình và những câu chuyện gắn liền với cách ứng xử có nghĩa, có tình, đầy tính nhân văn của Nhà báo Nguyễn Thành Lê luôn được ông ghi sâu trong tâm khảm.

111
Nhà báo Nguyễn Thành Lê, Tổng Biên tập báo Giải Phóng (thứ 6 từ phải sang) cùng đồng nghiệp tại đồn biên phòng Xà Xía, Hà Tiên,
năm 1976. (Nguồn: Nhà báo Nguyễn Hồ)

Một trong số những kỷ niệm về Nhà báo Nguyễn Thành Lê khiến phóng viên Trần Thanh Phương nhớ mãi đó là: Trong những ngày đầu làm Báo Giải Phóng, tại trụ sở báo ở số 176 Võ Thị Sáu, không ít bà con tự nguyện đến tòa soạn làm bất cứ việc gì tòa soạn cần, không yêu cầu trả lương hoặc không cần nhận một món thù lao nào, nhiều bạn đồng nghiệp ở Sài Gòn còn mang máy đánh chữ, giấy, bút, mực, thức ăn đến ủng hộ cho tờ báo cách mạng đang hằng ngày được in và phát hành tại thành phố mang tên Bác mới được giải phóng. Một hôm, ông Tám Mai cho người đến mời một cô gái Sài Gòn tự nguyện đến tòa báo làm việc, tên là K.M.D để ông thăm hỏi và trò chuyện. Nhưng cô vừa mở cửa bước vào phòng làm việc của ông Tám Mai thì bỗng quay đầu vụt chạy thẳng xuống đường. Từ đó, không thấy cô trở lại tòa soạn Báo Giải Phóng nữa. Sau này, ông Tám Mai kể lại, thời kỳ ông còn là phát ngôn của Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, trong lần họp báo, có một nữ phóng viên của tờ báo chính quyền Sài Gòn hỏi ông nhiều câu hỏi khá hóc búa. Ông rất ấn tượng với người nữ ký giả này. Không ngờ trong những ngày đầu miền Nam giải phóng, ông lại gặp lại cô tại tòa soạn Báo Giải Phóng do mình phụ trách giữa Sài Gòn. Những năm tiếp theo, nhà báo Trần Thanh Phương có đi tìm cô ký giả nọ, nhưng không sao gặp lại.

Thế hệ phóng viên Báo Giải Phóng ngày đó, trong những năm tháng làm việc cùng Nhà báo Nguyễn Thành Lê (1975 - 1977), không chỉ học được ở vị Tổng Biên tập đáng kính này về chữ nghĩa, văn chương mà hơn hết là đức tính khiêm nhường, âm thầm cống hiến và đầy lòng bao dung.

Trong lĩnh vực báo chí, đối ngoại, nghiên cứu lý luận của Đảng và Nhà nước, Nhà báo Nguyễn Thành Lê đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển chung của nền báo chí cách mạng Việt Nam, nền ngoại giao và nghiên cứu lý luận Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Thành Lê (Bút danh: Nguyễn Thành Lê, Hương Xuân, Thanh Mai), tên khai sinh là Lê Thanh Thủy, quê ở làng Đại Cầu, xã Tân Tiên, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ông bước vào nghề báo khá sớm, từ một phóng viên dịch thuê các bản tin của hãng ARIP (tiền thân của hãng AFP) vào đầu những năm 1940.  Sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Thành Lê đã trở thành một nhà lãnh đạo báo chí cách mạng. Ông từng làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Báo Độc Lập, Chủ bút Báo Cứu Quốc, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Báo Giải Phóng. Ngoài ra, ông còn là Tổng Thư ký đầu tiên của Hội những người viết báo Việt Nam (tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam).

Theo Ngọc Hân/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây