Nhà báo Hoàng Công Trí: Thời gian là thử thách cực lớn với phóng viên thể thao

Thứ hai - 07/12/2020 13:40
Nhiều người hình dung, phóng viên thể thao sẽ được hòa mình vào không gian rộng lớn, thoáng đãng của sân vận động, gần các cầu thủ thần tượng. Nhưng ít ai biết được rằng đằng sau đó là nỗ lực làm việc không ngừng, những đêm thức trắng, những bữa ăn vội vàng…

Để hiểu rõ hơn về công việc của một phóng viên thể thao, Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Hoàng Trí Công - Ban điện tử Trong nước - Tạp chí Bóng đá.

+ Làm về thể thao, nhiều người sẽ hình dung ra những phóng viên cầm những thiết bị ghi hình “khổng lồ”. Vậy theo anh, phóng viên thể thao còn có gì khác biệt với người làm báo ở lĩnh vực khác?

- Đầu tiên tôi nghĩ rằng giống như phóng viên theo dõi những lĩnh vực khác, phóng viên theo dõi thể thao cũng cần hiểu rõ mảng thông tin mà mình đảm nhận. Cụ thể ở đây là bóng đá nói riêng và thể thao nói chung. Bóng đá hay thể thao có những thuật ngữ chuyên ngành riêng. Và tất nhiên, không phải ai cũng nắm rõ về những thuật ngữ ấy, đặc biệt trong bóng đá hay thể thao hiện đại.

111
Các tuyển thủ cảm ơn người hâm mộ sau trận hòa Thái Lan tại SEA Games 2019 ở Philippines. Ảnh: Bongdaplus.vn

Công việc của phóng viên thể thao là phân tích, là bình luận nhưng không phải cứ mượn những thuật ngữ ấy để nói cho thật sang mồm, thể hiện kiến thức. Công việc của phóng viên chính là truyền tải thông tin hay chính những thuật ngữ ấy một cách dễ hiểu nhất đến với độc giả. Người làm báo đại chúng là như thế. Phóng viên thể thao hay phóng viên ở bất cứ lĩnh vực khác đều sẽ có nhiệm vụ chung như vậy.

Thứ hai, nói về điểm khác nhau. Tôi cho rằng phóng viên thể thao là những người phải đầu tư thiết bị tác nghiệp khá nhiều. Chúng ta dễ bắt gặp những phóng viên thể thao xuất hiện bên cạnh chiếc máy ảnh lớn, ống kính khủng. Có nhiều phóng viên thể thao phải đầu tư vài trăm triệu để phục vụ cho công việc.

Bên cạnh đó, phóng viên thể thao không cố định thời gian công việc hoặc sẽ phải làm ở những khung giờ khác với số đông ngành nghề khác. Chúng ta vẫn thường mặc định giờ làm việc là từ 8 giờ sáng đến 17h00 chiều. Nhưng với phóng viên thể thao, khi lúc bạn nghỉ ngơi để theo dõi một trận đấu bóng đá, chẳng hạn như 19h00, thì đó cũng là  lúc chúng tôi vẫn đang tác nghiệp trên sân cỏ. Khi bạn đã có thể nghỉ ngơi để chuẩn bị cho một ngày làm việc mới thì chúng tôi vẫn còn kỳ cạch gõ bài hoặc theo dõi những trận đấu quốc tế vào ban đêm. Không phải ai cũng hiểu và thông cảm cho giờ giấc quay cuồng như chong chóng của phóng viên thể thao cả.

+ Ngoài những khó khăn, thì điều gì tạo nên sự thú vị của phóng viên thể thao?

- Phóng viên theo dõi mảng thể thao sẽ tiếp xúc nhiều với các vận động viên, cầu thủ, huấn luyện viên... Đó là công việc của chúng tôi. Việc gặp gỡ, gọi điện, trò chuyện với họ, chẳng hạn như những cầu thủ thần tượng của giới trẻ như Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Văn Quyết… là nhiệm vụ. Bởi như vậy, chúng tôi mới có thể đáp ứng nhu cầu thông tin từ độc giả. Thậm chí, từ công việc này, chúng tôi – những phòng viên thể thao với các cầu thủ trở thành những người bạn, không chỉ ở sân cỏ mà còn là cả hoạt động bên ngoài.  

111
Nhà báo Hoàng Trí Công - Ban điện tử Trong nước - Tạp chí Bóng đá.

Thêm vào đó, những buổi tác nghiệp trong các trận đấu cũng là lúc mà chúng tôi có thể hoà mình vào bầu không khí cuồng nhiệt trên các trận vận động từ Việt Nam đến các nước Đông Nam Á hay châu Á. Chúng tôi cũng được tận mắt chiêm ngưỡng những pha bóng đẹp mắt, những cầu thủ ngôi sao ở khoảng cách rất gần.

+ Trước và sau mỗi trận đấu, giải đấu thì lượng người tìm đọc trên tạp chí bóng đá hay website điện tử sẽ rất lớn. Vậy anh thấy những bài viết của mình có độ lan tỏa ra sao?

Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi được độc giả đón đợi. Số lượng phát hành hay lượng view là một tiêu chí lớn để cho thấy điều đó. Bởi như vậy chúng tôi hiểu rằng, những công sức của cả tập thể đã được đông đảo bạn đọc đánh giá cao. Càng hạnh phúc và tự hào hơn nếu như bài viết ấy có sức lan toả, được độc giả đánh giá cao. Đó là giá trị tinh thần mà tiền cũng không thể mua được.

Từ những tác phẩm ấy cùng đôi lần xuất hiện trên truyền hình, độc giả cũng tìm hiểu tôi thông qua một fanpage hoặc facebook cá nhân. Và từ đó, tôi có thêm những người bạn để cùng chia sẻ về các câu chuyện bóng đá nói riêng và thể thao nói chung. Điều đó càng tăng thêm tính kết nối. Những góp ý của độc giả cũng giúp tôi biết được đâu là chỗ được, đâu là chỗ chưa được của bản thân mình trong nghiệp vụ.

111
Nhà báo Hoàng Trí Công chụp ảnh cùng các tuyển thủ đội tuyển quốc gia Việt Nam.
 

Phóng viên bóng đá là cập nhật 24/7, thậm chí là cập nhật từng giờ, từng phút, quan điểm của anh về việc này?

Một ví dụ thôi. Trong trận đấu giữa Việt Nam và UAE tại vòng 1/8 Asian Cup 2019, UAE ghi bàn dẫn trước sau một pha phối hợp đá phạt sai luật. Điều đó tạo ra cuộc tranh cãi ngay sau đó của cộng đồng mạng. Chúng tôi không thể chờ đến sau trận đấu hay ngày hôm sau để tìm hiểu thông tin. Tôi lập tức gọi điện cho một trọng tài FIFA để tìm hiểu chính xác tính đúng sai của bàn thắng tranh cãi ấy. Bởi có như vậy, chúng tôi mới kịp thời thông tin đến cho độc giả, một cách nhanh nhất và khách quan nhất.

Tôi vẫn muốn nhấn mạnh sự khắc nghiệt trong cuộc chạy đua thông tin với nghề phóng viên thể thao khiến cho họ có những lúc không dành được thời gian cho riêng tư, gia đình. Tính chất công việc nó bắt buộc phải như thế.

Là phóng viên thể thao phải "chạy" nhiều nơi, vào chỗ đông người, bạn đã bao giờ bị rơi vào tình huống làm hỏng thiết bị máy móc tác nghiệp?

Có hai lần như vậy. Đầu tiên là vào giữa năm 2016. Khi tôi đang tác nghiệp về một giải phong trào thì trời đổ mưa. Dù đã cố gắng bảo quản bởi mình không thể rời khỏi vị trí tác nghiệp, nhưng nước mưa vẫn khiến cho máy bị hỏng một vài bộ phận dẫn tới việc phải đi sử tốn vài triệu đồng.

Hay như tại giải AFF Cup 2016 sau đó không lâu, đội tuyển Việt Nam hoà 2-2 ở giai đoạn cuối trận với Indonesia. Bàn thắng của Vũ Minh Tuấn đưa trận đấu về thế cân bằng quả thực làm vỡ oà người hâm mộ, trong đó có cả giới phóng viên chúng tôi. Tôi nhớ lúc đó mình chạy thật nhanh về phía khán đài để chụp vài bức hình thì bị vấp ngã khiến thân máy bị va đập khá mạnh.

Thật may là có khó khăn nhưng cũng có thuận lợi. Anh em làm phóng viên thể thao luôn hỗ trợ và giúp đỡ nhau rất nhiều. Đặc biệt, trong những chuyến công tác dài ngày ở các nước khác, tinh thần đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau của phóng viên thể thao Việt Nam là rất lớn… Tất cả để lại cho chúng tôi những kỷ niệm thật đẹp.

111
Nhà báo Hoàng Trí Công phỏng vấn một cổ động viên Thụy Điển.

Là phóng viên đã có nhiều năm làm thể thao, bạn có kinh nghiệm gì để gửi tới những bạn trẻ muốn dấn thân vào lĩnh vực này?

Tôi đã gặp nhiều bạn vốn đã là phóng viên thể thao dù vẫn là sinh viên đại học. Tôi nghĩ phóng viên thể thao là nghề tương đối dễ để bắt đầu. Bởi môi trường thể thao khá cởi mở, từ các phóng viên đến vận động viên. Nhưng bắt đầu thuận lợi không có nghĩa là làm công việc này dễ dàng. Thời gian chính là thử thách cực lớn với những người theo nghề này. Để trụ lại với nghề phóng viên thể thao, nếu như bạn không làm mới mình thường xuyên, không nỗ lực từng ngày, không cố gắng vượt qua sự khắc nghiệt về đòi hỏi công việc và những chi phí tốn kém để đầu tư máy móc thì rất khó để ở lại với công việc phóng viên thể thao.

Tôi nghĩ rằng, các bạn mới vào nghề này, lĩnh vực này thì ngoài đam mê ra, họ cần tìm hiểu và trang bị kiến thức nền đủ tốt. Điều đó mới giúp họ có thể trụ lại được với nghề sau giai đoạn đầu tưởng chừng như là dễ dàng.

Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi

Theo Lê Hiếu/NB&CL

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây