Nhà báo Hoàng Tùng - Người bác thân thiết của gia đình tôi

Thứ sáu - 02/10/2020 15:34

Nhà báo Hoàng Tùng với cha tôi - nhà báo, nhà ngoại giao Nguyễn Thành Lê (nguyên Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam…) là đồng hương cùng quê Hà Nam, là đồng nghiệp và cũng là xóm giềng gần gũi, thân thiết. Nhà báo Hoàng Tùng quê ở Tảo Môn, Hòa Hậu, Lý Nhân, còn cha tôi quê ở Đại Cầu, Tiên Tân, Duy Tiên (nay thuộc thành phố Phủ Lý). Ngoài nghĩa đồng hương, nhà báo Hoàng Tùng với cha tôi, hay nói rộng hơn gia đình nhà báo Hoàng Tùng với gia đình tôi có mối quan hệ đồng cảm, gắn bó như người nhà. Và bởi thế nên đối với tôi, nhà báo Hoàng Tùng (mà chúng tôi thường gọi là bác Hoàng Tùng) vô cùng gần gũi, thân thiết. 

Khi bác Hoàng Tùng là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân thì cha tôi cũng có nhiều năm là Phó Tổng Biên tập, Bí thư Đảng ủy. Và trong mấy chục năm công tác trong lĩnh vực tuyên giáo, báo chí cũng có một thời gian nhà báo Hoàng Tùng đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam thì cha tôi là Tổng Thư ký. Ngôi nhà số 6B Đường Thành (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là nơi gia đình bác Hoàng Tùng và gia đình chúng tôi đã từng gắn bó bên nhau suốt 10 năm (từ 1958 đến 1967). Và trong khoảng thời gian ấy, tôi đã có may mắn được tiếp xúc gần gũi, được cảm nhận rõ nét về một nhà báo Hoàng Tùng nghiêm nghị, cẩn trọng trong công việc nhưng cũng rất đỗi gần gũi, thân tình, chu đáo và hài hước trong sinh hoạt thường ngày. Công việc làm báo ở Báo Nhân Dân vất vả, căng thẳng nên hằng ngày thường rất khuya bác Hoàng Tùng và cha tôi mới về nhà. Vì thế bác Hoàng Tùng rất quý những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn hiếm hoi. Thỉnh thoảng vào ngày Chủ nhật thảnh thơi, bác Hoàng Tùng đích thân đi chợ (chợ Hàng Da gần nhà) để mua thức ăn tươi rồi tự mình vào bếp. Bác Hoàng Tùng rất khéo tay trong việc bếp núc và thường hay tự tay nấu những thức món mà ông cũng như cả nhà cùng yêu thích.
 

111
Ngày 20/4/2005, nhà báo Hoàng Tùng (khi ấy 85 tuổi) dự lễ khánh thành bia di tích nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.  Ảnh tư liệu

Tiếng là hai cán bộ Trung ương nhưng những ngày sống dưới thời bao cấp, đều cùng chung hưởng mức sinh hoạt đạm bạc khiến hai nhà chúng tôi rất dễ đồng cảm, dễ chia sẻ, coi nhau như ruột thịt. Bác Hoàng Tùng thường dành phần san sẻ cho gia đình tôi mọi thứ, từ lạng đường, chai mắm, gói chè, bao thuốc… Khoảng những năm 1965 - 1972, thời gian không quân Mỹ liên tục tăng cường chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, thật tình cờ cơ quan Ty Thủy lợi Nam Hà nơi tôi công tác lại sơ tán về đúng làng Tảo Môn, xã Nhân Hòa (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân) quê bác Hoàng Tùng. Nhờ vậy, tôi được biết nhiều hơn về mảnh đất, văn hóa, con người quê hương Tảo Môn và dòng họ Trần nổi tiếng quê bác Hoàng Tùng. Thời gian này tôi còn có một niềm hạnh phúc lớn đó là được bác Hoàng Tùng làm chủ hôn trong đám cưới của mình. Đám cưới thời chiến diễn ra vào buổi tối tại một khách sạn thời bao cấp nên hết sức giản dị nhưng vô cùng ấm cúng bởi chúng tôi được một người bác đồng hương đáng kính đứng ra làm chủ hôn và dành những lời chúc phúc tốt đẹp.

Từ năm 1968, gia đình chúng tôi dọn về  Phố Lý Thường Kiệt rồi về Phố Nguyễn Gia Thiều. Tuy không còn ở gần nhưng bác Hoàng Tùng vẫn thường ghé lại chơi vào những ngày nghỉ. Là Tổng Biên tập, có tiêu chuẩn đi xe ô tô nhưng rất ít khi bác Hoàng Tùng sử dụng. Hằng ngày, ông đi làm bằng chiếc xe đạp. Ông bảo: Đi xe đạp của mình cho tiện. Nếu cần, có thể tùy thích đạp vòng vèo qua phố hay đi đâu đó vừa là để có dịp nghe ngóng, nắm bắt tình hình thời sự, đời sống nhân dân, vừa là để tư tưởng thoải mái, có thêm cảm xúc, ý tứ cho bài viết của mình. Mỗi khi có khách hoặc bà con từ Tảo Môn, Nhân Hòa hay Đại Cầu, Tiên Tân quê tôi lên chơi, bác Hoàng Tùng thường hỏi han rất kỹ từ việc làm ăn đến đời sống nông dân, nông thôn, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp… Có nhiều câu chuyện được bác ghi chép lại cẩn thận, suy ngẫm thấu đáo và trở thành ý tứ, thành dẫn chứng hay, sâu sắc cho bài biết của mình. 

Những năm cha tôi ốm, nằm điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt- Xô, bác Hoàng Tùng rất hay ghé thăm. Mỗi lần vào thăm, hai cụ hàn huyên tâm sự với nhau rất nhiều chuyện về thời sự, công tác tư tưởng, văn hóa, báo chí và bao giờ cũng thế, trước khi ra về bác lại động viên, căn dặn chúng tôi đủ điều.

Năm 2006, cha tôi qua đời, bác Hoàng Tùng mặc dù lúc đó cũng đã tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn kịp có ngay bài viết về cha tôi trên Báo Nhân Dân (số ra ngày 5/10/2006) với nhan đề: “Nguyễn Thành Lê, người chiến sĩ kiên cường trên mặt trận tư tưởng và chính trị”. Thời gian sau đó, bác rất quan tâm, thường xuyên hỏi han, động viên chúng tôi cố gắng giữ vững truyền thống gia đình, quê hương, sống sao cho xứng đáng với tấm gương của thế hệ cha anh. Chúng tôi rất xúc động và biết ơn bác vì bác luôn dành tình cảm cùng sự quan tâm đặc biệt cho chúng tôi như người cha hiền từ vậy. 

Từ năm 2010, sau khi bác Hoàng Tùng qua đời có nhiều nhà báo, trong đó có các phóng viên quê hương Hà Nam có ý định viết bài về nhà báo Hoàng Tùng, về nhà báo, nhà ngoại giao Nguyễn Thành Lê… liên hệ và tìm đến gia đình chúng tôi. Và chúng tôi cảm thấy thật tự hào, thật xúc động khi được tham gia cung cấp, chia sẻ thêm những dòng tư liệu, những kỷ niệm đời thường về nhà báo Hoàng Tùng. Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch - Trần Chiến Thắng (con trai bác Hoàng Tùng) nhiều lần tâm sự với tôi: Sinh thời, “ông cụ” rất ao ước có dịp thật sự thảnh thơi về dự hội làng đầu xuân, nhưng vì phải lo làm tròn trọng trách mà Đảng, Nhà nước giao phó, công việc bận rộn nên ước muốn tưởng chừng giản đơn, nho nhỏ ấy cũng khó được thỏa nguyện. Nghe chuyện, tôi càng cảm phục bác nhiều hơn. Khi Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phát động việc hiến tặng tư liệu, hiện vật liên quan đến sự nghiệp báo chí cách mạng để xây dựng Bảo tàng Báo chí cách mạng Việt Nam, gia đình tôi và gia đình anh Trần Chiến Thắng đã tình nguyện chuyển toàn bộ những tài liệu liên quan. Gia đình chúng tôi và gia đình anh Trần Chiến Thắng rất mừng và cảm động khi biết rằng tháng 10 năm 2016, tên của Nhà báo Hoàng Tùng và tên của cha tôi - nhà báo, nhà ngoại giao Nguyễn Thành Lê cùng được đặt cho hai tuyến đường gần nhau tại Khu đô thị mới Bắc Châu Giang (phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý), gần trụ sở Báo Hà Nam.

Năm 2020, kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, cũng là kỷ niệm tròn 100 năm Ngày sinh bác Hoàng Tùng (14/1/1920 - 14/1/2020) và cha tôi (17/6/1920 - 17/6/2020), được tham dự nhiều hoạt động có ý nghĩa do Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân tổ chức, gia đình chúng tôi rất xúc động và càng thấy nhớ về bác Hoàng Tùng nhiều hơn. Trong ký ức những thành viên gia đình tôi, nhà báo Hoàng Tùng luôn là một người đồng hương, đồng nghiệp, một người bác vô cùng thân thiết và gần gũi. 

Tiến sĩ Lê Thanh Vị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây