Nguyễn Xuân Lương: Cây viết nặng sâu với cội nguồn
Thứ tư - 09/09/2020 09:00
Tôi ngẫm ngợi nhiều với những lời tự bạch của Nguyễn Xuân Lương (Xuân Lương) trong tập kí (Gió từ rú thổi về): “Mái ấm mới dựng, bố con tôi quyết định để ra mấy mét vuông trên lầu 3 làm chỗ để đồ lưu niệm. Nơi đó, đặt trang trọng từ cái cày, cái bừa của cha, cái cối xay của mẹ đi cùng thúng, mủng, giần sàng, gầu sòng tát nước đêm trăng của chị, của em để nhớ về những ngày mưu sinh, lặn lội con cò nơi quê nhà... ”! Ấy là những kỷ vật lưu giữ ở gian phòng nhỏ trong ngôi nhà vợ chồng anh đang tá túc tại phố Vương Thừa Vũ, Hà Nội. Thêm nữa, ngôi nhà xưa ông bà dựng cho bố mẹ từ năm 1901 tại quê nhà (xã Sơn Phúc, Hà Tĩnh) anh cùng con cháu, chắt chiu bảo trì, cải tạo nên vẫn vẹn nguyên, ắp đầy ký ức. Ngôi nhà tranh này còn được vẽ thành tranh sơn dầu, treo trang trọng tại phòng khách nơi gia đình anh đang sinh sống tại Hà Nội cốt để con cháu tuy xa quê nhưng vẫn cảm thấy gần gũi, y như câu hát “Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý! Xuân Lương bảo: Đó là mạch chảy nhân văn trong suốt của các thế hệ đi trước để lại, thế hệ sau vun xới và bảo trì. Đó chính là phần xác và phần hồn của đấng sinh thành hôm nay và mai sau không cắt rời. Tôi gọi đó là hạnh phúc… ”! Vâng. Đúng là hạnh phúc. Đó là sự “tôn tộc”, mà tôn tộc thì sẽ “đại quy”, như cách nói của cụ Nguyễn Khắc Niêm trong “Tứ Tôn Châm”…
Cách lưu niệm, lưu giữ kỷ vật đấng sinh thành của nhà báo Xuân Lương khiến tôi thêm hiểu về anh, một đồng nghiệp từng mấy mươi năm gắn bó với nhau trong công việc “Nhọc nhằn -Nghiệt ngã và Nguy hiểm ” với biết bao bề bộn, sự kiện; được, mất; hay, dở đan cài... Nhưng ở đâu vẫn là một Xuân Lương nhanh nhẹn, tháo vát và điềm tĩnh; một Xuân Lương thạo việc, cẩn trọng câu chữ trong soạn thảo văn bản; thấu đáo, thân tình; nghĩa nặng tình sâu; một nhà báo Xuân Lương chịu lưu giữ tài liệu, chịu đi, chịu ngẫm, chịu viết, viết có trách nhiệm với người đọc. Từ khi nghỉ việc nơi công sở lại là thời chủ nghĩa của Xuân Lương tràn trên nhiều mặt báo và tạp chí từ Trung ương tới địa phương. Anh viết về tình cảm gia đình, dòng họ, về quê hương xứ sở, về những nhân vật sáng danh, về miền đất lạ, về đất nước Việt Nam, về Bác và Đảng kính yêu... Nhìn kỉ vật lưu giữ, Xuân Lương thêm nhớ đức độ của mẹ, cha; càng nặng lòng ân nghĩa tri ân công đức sinh thành giáo dưỡng. Tình cảm cũng tràn ngập trên nhiều trang, nhiều tập sách anh cho xuất bản suốt 20 năm trở lại đây ở các nhà xuất bản danh tiếng. Ngẫm về Xuân Lương, tôi ngẫm về tâm đức của người cầm bút, rằng chỉ có tình yêu thương mới nuôi dưỡng và nhân lên tình yêu thương chân chính. Yêu gia đình là bản ngã làm người. Bởi, gia đình không chỉ là tổ ấm mà đích thực là “hạt nhân của xã hội” nơi định hình nhân cách làm người, sản phẩm quý giá nhất để phát triển xã hội Việt Nam ngày một tốt đẹp hơn!... Tình cảm gia đình, gia tộc cội rễ ấy của Xuân Lương nhân lên cao đẹp, rộng lớn hơn, ấy là tình cảm sâu đậm với quê hương Hà Tĩnh, với Hương Sơn, với làng, xã... nơi mẹ cha cho anh cất tiếng khóc chào đời vào năm 1937.
Nói về tình cảm của Xuân Lương với quê hương đất nước, tự dưng những dòng chữ của nhà văn Xô Viết IIia Erenbua từ thế chiến xưa lại ào ạt trong tôi: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: Yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ để ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh. Chiến tranh khiến mỗi công dân Xô Viết nhận ra vẻ thanh tú của chốn quê hương. Như: Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vônga, con sông Vônga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”!… Vận áng văn trên vào với Xuân Lương thật là sát thực. Bởi, muôn đời quê hương là cội rễ tổ tiên, ông bà... là nơi mẹ cha sinh ra ta, nuôi dưỡng ta... là lời ru vỗ về của mẹ có cánh cò bay là nuôi nấng tâm hồn trong trẻo cho mỗi chúng ta. Chữ nghĩa của Xuân Lương dành cho Tổ tông, cho đấng sinh thành, cho những người thân thích đều một dụng ý vun vỗ, xây dựng, nhân lên cái hay cái đẹp cho nhà nhà, cho xã hội. Ấy là tôi nghĩ, thực ra Xuân Lương chẳng hề lên gân lên cốt dạy đời, nhưng thấm từ chữ, từ câu, từ bài viết cho ta nhận ra dụng nghĩa câu chữ của anh. Hầu như, những nhà văn sinh ra từ làng, lớn lên từ làng thì làng, xã, xóm, thôn, huyện, tỉnh cứ thấm đẫm vào văn, vào thơ ca, nhạc họa... Tôi yêu thích cái tạng văn chân tình, máu thịt với “Hương Sơn - Xưa và nay” của Xuân Lương. Không yêu quê, không yêu đất huyện Hương Sơn của mình dễ gì có được bài viết đậm tình, đậm nghĩa như thế. Một bài viết có ngọn có ngành, tư liệu, chứng cứ chứng tích cổ xưa từ khai thiên lập địa, nói đâu dẫn đấy...để thấy xưa, thấy cái hôm qua... nhận ra cái hôm nay làm nên đẹp, nên giàu, nên tốt đẹp nhờ có nền từ thuở xưa. Anh viết từ kí ức, nhưng đó là kí ức của người chịu đọc, chịu học, chịu nghe và chịu ngẫm. Viết bằng kí ức, nhưng đó là kí ức của người giàu tâm đức, cảm xúc mạch lạc theo dòng chảy của lịch sử truyền thống tốt đẹp. Kí ức của tình yêu non nước quê nhà với núi Giang Màn huyền thoại; với núi Đại Hàm, còn gọi là Móng Gà; với núi Thiên Nhân, núi có 999 ngọn nhấp nhô, kéo dài như đàn ngựa tóc bờm phi nước đại trong gió ngàn… Gói lại áng văn tả về núi, Xuân Lương viết: “Đất và người Hương Sơn quá là hồng phúc nếu như ta nhìn kĩ núi sông này, tựa như Hương Sơn quê mình nằm gọn trong một khung ảnh to, đẹp đến diệu kì. Dải Trường Sơn là bức màn che nắng, che mưa phía Tây huyện, phía Đông là dãy Thiên Nhân tựa đàn ngựa hồng phi nước đại ra phía biển khơi cuộn sóng. Phía Nam là núi Giăng Màn thần thoại”... Theo đó, Xuân Lương nói về sông, Về “Con đường số 8 oanh liệt như dải lụa đào vắt dọc chiều dài Hương Sơn, song song với sông Ngàn Phố yểu điệu, nước xanh trong tựa ngọc ”. Không cầu kì câu chữ, không đại ngôn, lộng ngôn với mỹ từ hoa mỹ; Xuân Lương tả thực vốn như tâm đức của người viết là vậy... bởi thế, anh dễ giúp người đọc yêu Hương Sơn vì ở đó người người luôn chung vai, chung sức, chung lòng đắp xây đời mới, xây dựng nông thôn mới trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nơi thời tiết muôn đời khắc nghiệt!
Xuân Lương đi, đến nhiều nơi trong nước và thế giới, đến đâu, tính nghề ở anh vẫn phát tiết. Người ta nói để mình nghe. Xuân Lương nghe, hỏi không chỉ để trong lòng mà còn ghi lấy để mà suy ngẫm, để viết, để ngẫm người ngẫm ta. Nghĩa là công việc tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin và chọn cách loan tin luôn thường trực với nhà báo Xuân Lương. Sợi dây kết nối người với người luôn có ở trong anh. Đọc các tập “Miền đất lạ ” nơi xứ xa, hay bút kí “Lang thang”, “Hoa cỏ may phố Hiến ”, “Kí ức về làng”, “Có một ngày như thế đẹp mãi ” và “Gió từ rú thổi về”... đều thấy sự gắn kết người với người đậm đà, sâu sắc, nhân văn. Tình cảm ấy, ý thức ấy, tâm đức ấy khiến anh dễ làm nên những bài viết đậm hồn cốt của các bậc danh nhân như Bác Hồ kính yêu mà tư tưởng, đạo đức, phong cách mãi ngời sáng; như Đại tướng Võ Nguyên Giáp văn võ song toàn; như danh tướng Hà Tĩnh quê anh “Thái Bảo Huân Quận công - Danh tướng Nguyễn Tuấn Thiện” tập kí nhân vật lịch sử ở Hà Tĩnh của anh tái bản nhiều lần…
Quê hương, giá trị vô hình đậm sâu, rất sâu trong tâm hồn của nhà báo Xuân Lương. Quê hương là cội nguồn văn hóa sợi chỉ đó kết nối bền chặt anh với mỗi con người.
Hẳn là vậy nên Xuân Lương hay nhắc tới những câu thơ trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm “Em ơi em! Đất nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó và san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất nước muôn đời ”. Hẳn là thế nên chủ nghĩa của Xuân Lương suốt 60 năm theo nghề báo luôn dành cho quê hương xứ sở, cho Bác, cho Đảng, cho Đất nước Việt Nam thân yêu của mình!
Nguyễn Uyển