NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC HOÀNG ĐĂNG KHOA: “Tôi luôn chân thành và trách nhiệm với từng cái sống, cái đọc, cái viết”

Thứ tư - 26/08/2020 11:22
111
Công việc làm báo khiến Hoàng Đăng Khoa phải thực hiện các bài trò chuyện, tuy nhiên, không vì thế mà con người phê bình chịu ẩn mình đi, anh đã chọn lối phê bình đối thoại, tích hợp những sự đọc cùng những lí thuyết của lĩnh vực phê bình văn học vào tác nghiệp khiến mỗi bài trò chuyện văn chương như song tay cùng nhân vật vẽ nên một chân dung về họ. Kết quả của quá trình ấy là 3 tập sách phê bình đã trình làng và được lên top đầu trong sách bán chạy của một số trang bán sách trực tuyến. Anh đã chậm rãi đi những bước tự tin và lạc quan để dung hòa giữa hai thứ nghiệp và nghề...
"Đứng về phe cái khác" là tập sách mới nhất Hoàng Đăng Khoa vừa trình làng trong năm nay. Và giống như những cuốn sách khác của mình, anh vẫn kiên trì bán sách qua facebook để quyên tiền cho quỹ học bổng "Khát vọng mùa" do bản thân lập ra để đem lại những món quà khích lệ học sinh nghèo không chỉ nơi quê hương Quảng Bình.
 

- Chào anh! Tôi đặc biệt quan tâm đến cuốn sách anh vừa trình làng. Nếu đặt trong mối tương quan với Song hành & đối thoại đã được anh ra mắt từ năm 2018, thì Đứng về phe cái khác đã “khác” đi như thế nào?

Đứng về phe cái khác vẫn cùng vệt với cuốn trước ở cách thế “song hành & đối thoại”. Có điều, nếu cuốn trước hướng chủ yếu đến các tác giả trẻ, như một sự cổ vũ, thì cuốn sau hướng chủ yếu đến những cái tên mà uy tín nghề nghiệp của họ đã được khẳng định, như một sự cùng nhìn lại thành tựu. Ở cuốn sau, tính vấn đề nhiều hơn, hàm lượng học thuật gia tăng hơn, dung lượng chữ cho mỗi cuộc “đối thoại” do đó cũng lớn hơn.

- Phải vậy chăng mà tên sách cuốn trước - Song hành & đối thoại - cũng có vẻ… hiền lành và chân mộc hơn. Tên sách Đứng về phe cái khác đến từ đâu, thưa anh?

+ Tên cuốn trước được gợi ý từ một vế câu cuối bài đối thoại giữa tôi và PGS.TS Phùng Gia Thế: “…phê bình phải là tiếng nói song hành và đối thoại với đời sống văn học". Bài trò chuyện này được tôi chủ ý đặt ở vị trí cuối sách để vế câu nói trên link với tên sách. Tuy nhiên, đúng như chị nói, tên sách này có vẻ hơi thật thà thật. Phải chăng vì cái sự hơi thật thà của tên sách cộng với bìa sách không thật sự bắt mắt nên cuốn này trên Tiki và các địa chỉ khác bán không được chạy bằng cuốn trước đó của tôi - cuốn Phiêu lưu chữ. Với cuốn Phiêu lưu chữ, nhiều người bảo rằng, chỉ cần nhìn tên sách và cái bìa sách là muốn... mua ngay.

Sách thời nay là vậy, nhiều khi ăn nhau hơn nhau ở… cái bìa. Cho nên lần này tôi có đầu tư hơn cho tên sách và tranh bìa, tất nhiên là sau khi chăm chút cầu toàn cho… ruột sách. Tranh bìa có tên là Ngẫu, họa sĩ Phan Hải Bằng sẵn sàng đồng ý cho tôi sử dụng. Đây là một cái tranh rất gợi, tôi đọc được ở đó rất nhiều câu chuyện về thân phận của trí thức, về nhu cầu phóng xả năng lượng sáng tạo… trong “bối cảnh” hiện thời. Phan Hải Bằng là họa sĩ Huế, mà Huế lại là tất cả thanh xuân thánh thiện của tôi, nên “văn bản” tranh bìa này ngoài “liên” với tên sách, với tinh thần nội dung của cuốn sách, thì còn “liên” với cả “văn bản” tác giả nữa!

Trở lại với trọng tâm vấn đề mà chị hỏi, rằng tên sách Đứng về phe cái khác đến từ đâu. Nó đến từ một phát biểu của PGS.TS Đỗ Lai Thúy trong bài đối thoại giữa tôi và ông trong cuốn sách: “Dù phải chịu ‘búa rìu” của dư luận thế nào, thì, nhại câu thơ của Dương Tường, tôi (vẫn) đứng về phe cái khác”. Dương Tường có bài thơ một câu nổi tiếng là Tôi đứng về phe nước mắt. Đỗ Lai Thúy, ngoài câu phát biểu trên, có cuốn sách nghiên cứu phê bình gây chú ý là Thơ như là mỹ học của cái khác. Cũng như lần trước, lần này tôi chủ ý đặt bài đối thoại giữa tôi và Đỗ Lai Thúy (được tôi giật title Tôi đứng về phe… cái khác) ở cuối sách, và theo đó đặt tên sách là Đứng về phe cái khác - một “văn bản” có khả năng “liên” được nhiều văn bản.

111
Bìa tập sách "Đứng về phe cái khác" của Hoàng Đăng Khoa. 

Những nhân vật mà anh trò chuyện, họ đều khẳng định được tên tuổi của mình trong lĩnh vực mà họ đã và đang hoạt động. Cách nào để anh đối thoại, tranh biện với họ? Phải chăng người hỏi chuyện là người “biết tuốt”?

+ Tôi là người cẩn trọng, ý thức sâu sắc về giới hạn của bản thân, nên động đến cái gì cũng phải “tra” nhiều nguồn. Nhân vật nào mà tôi thấy xa lạ, không hứng thú, vốn biết của mình về họ ít ỏi… thì tôi bỏ qua. Vẫn biết như thế là lười, là không tạo cơ hội cơi nới tri kiến của mình, nhưng không sao, nếu hữu duyên thì sớm muộn sẽ tương ngộ thôi. Tôi nhắm chọn đối tượng để mời đối thoại là những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình, dịch giả mà mình tự tin là phần nào đã “thuộc” họ. Tuy nhiên, trước mỗi cuộc đối thoại, tôi cũng phải test lại, tra lại về họ rất nhiều. Còn sự “tranh biện” thì xảy ra trong hai trường hợp. Một là vấn đề đã có sẵn, tức trong diễn trình lâu nay đọc họ, có những chỗ tôi không tán thành, bây giờ không ngại đem ra “hỏi lại cho rõ”. Hai là vấn đề đến tức thời, tức trong diễn trình đối thoại, chỗ nào bản thân thấy chưa “thông” thì tôi cũng không ngại tranh biện.

Làm thế nào để những người “khác nhau” đứng cạnh nhau một cách trật tự, khiêm nhường nhưng lại làm nên cái thăm thẳm của học thuật, cái mênh mang của đời sống?

+ Tôi thật sự chưa hiểu lắm ý chị hỏi, và có phần hơi sợ những cái từ to tát, “vượt khổ” so với cuốn sách của tôi. 17 nhân vật tham gia đối thoại với tôi trong Đứng về phe cái khác, mỗi người ít nhiều đậm nhạt là một “cái khác”. Mà suy cho cùng, ai/ người nào trên đời mà chẳng phải là một “cái khác”. Tôi chủ ý sắp xếp vị trí 17 nhân vật này trong cuốn sách để không “làm mệt” người đọc, bằng cách đan xen giữa nhà nghiên cứu phê bình, nhà sáng tác và dịch giả. 17 nhân vật tôi chọn, như đã nói, là do cái duyên gặp gỡ riêng giữa tôi và họ, chứ không thể nói đây là 17 đại diện tiêu biểu cho văn học nước nhà đương thời. Một khi đã xác tín mỗi người là một “cái khác” thì không ai có thể “đại diện” cho ai được. Tuy nhiên, với 15 cuộc đối thoại cùng 17 nhân vật trong cuốn sách mà lần này mình trình xuất, tôi hi vọng phần nào mang đến cho người đọc một hình dung về những chuyển động đa chiều của bức tranh văn học Việt Nam hôm nay, trên đó hiển thị những câu chuyện mới/ mở đáng quan tâm, đáng kể bàn tiếp.

Khi họ trò chuyện với anh, nghĩa là anh đã chạm vào những vấn đề mà họ cần/ muốn lên tiếng. Như một trao đổi nghề nghiệp, có một công thức hay một khuôn mẫu nào không, cho những bài trò chuyện?

+ Thường người khác khi đối thoại với một nhân vật nào đó thì hướng tập trung vào một chủ đề nhất định, còn tôi, tôi lại muốn “đa bội” câu chuyện, muốn kích gợi để nhân vật tự nói về những gì mà họ có, mà họ tâm đắc, tất nhiên là tránh những gì mà họ đã có dịp nói ở những diễn đàn khác. Mỗi bài trò chuyện/ đối thoại là một chân dung nhân vật vừa do tôi dựng, vừa do nhân vật tự họa. Thường người khác là phỏng vấn, với tư cách nhà báo, phóng viên văn hóa văn nghệ, còn tôi là trò chuyện, là đối thoại, với tư cách nhà phê bình.

111
Thường người khác là phỏng vấn, với tư cách nhà báo, phóng viên văn hóa văn nghệ,
còn tôi là trò chuyện, là đối thoại, với tư cách nhà phê bình.

Tôi tự tin định danh thể loại cho cuốn sách của mình là “phê bình đối thoại”,
tức là phê bình bằng cách đối thoại, thông qua đối thoại.
“Đối thoại” ở đây không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp thông thường là vấn đáp trực tiếp, hiển lộ,
mà còn theo nghĩa rộng nhất của từ này như quan điểm của Bakhtin,
gián tiếp, ngầm ẩn, và khơi vẫy cả người đọc cùng đứng vào trường đối thoại.

Trước anh, dường như ở ta không nhiều người đi theo lối phê bình đối thoại. Anh có nghĩ mình sẽ góp những nét đậm cho thể loại này trên bản đồ phê bình văn học Việt Nam?

+ Trước khi thực hiện cuốn sách Song hành & đối thoại, và mới đây là Đứng về phe cái khác, tôi đã có duyên được đọc các cuốn sách như: Hỏi chuyện các nhà văn của Nguyễn Công Hoan, Đối thoại với tiên triết về văn hóa phương Đông thế kỷ 21 của Trần Chí Lương (Trần Trọng Sâm và Nguyễn Thanh Diên dịch), Thơ đến từ đâu của Nguyễn Đức Tùng, Thế giới là một cuốn sách mở của Lévai Balázs (Giáp Văn Chung dịch)… Tôi tỏ ra thích thú với những cọ xát tư tưởng, với cái cách nhà văn tự nói về nghề văn, về tác phẩm. Mỗi nhà văn “chính danh”, theo tôi, bao giờ cũng đồng thời là một nhà tư tưởng, một nhà phê bình. Những câu chuyện nghề do họ tự kể là những văn bản phê bình, của người trong cuộc, bằng “điểm nhìn bên trong”, do vậy mà sinh động tươi tắn chất đời sống văn chương, mà đọc rất “dễ vào”.

Tôi vừa ảnh hưởng, kế thừa cách hỏi chuyện của tác giả những cuốn sách kể trên, vừa kiến tạo cho mình một lối đi riêng, xác quyết củng cố lập trường của một người làm phê bình, sống với văn chương cùng thời.

Tôi tự tin định danh thể loại cho cuốn sách của mình là “phê bình đối thoại”, tức là phê bình bằng cách đối thoại, thông qua đối thoại. “Đối thoại” ở đây không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp thông thường là vấn đáp trực tiếp, hiển lộ, mà còn theo nghĩa rộng nhất của từ này như quan điểm của Bakhtin, gián tiếp, ngầm ẩn, và khơi vẫy cả người đọc cùng đứng vào trường đối thoại.

Lâu nay người ta vẫn lo ngại về việc phát hành những cuốn sách phê bình. Nhưng như tôi thấy, những cuốn sách phê bình của anh luôn ở trong tình trạng bán chạy trên các nhà sách, đặc biệt là nhà sách online...

+ Nếu sách của tôi bán chạy phải chăng một phần là nhờ tôi chịu khó “quảng bá” qua kênh facebook cá nhân, cộng thêm là bìa sách tỏ ra trực quan sinh động như đã nói. Cho đến nay ơn giời sách của tôi thường nhận được phản hồi tích cực. Tôi luôn chân thành và trách nhiệm với từng cái sống, cái đọc, cái viết.

Tôi rất ấn tượng với Quỹ học bổng “Khát vọng mùa” do anh khởi xướng liên quan đến việc phát hành những cuốn sách của mình. Quỹ đã hoạt động được 4 năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy anh nói về nó trên một kênh truyền thông cụ thể. Nhưng trên trang cá nhân của anh thì liên tục thấy anh cập nhật hình ảnh những em học sinh con nông dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng hiếu học được nhận học bổng nói trên. Việc thiện cần lan toả nhưng có vẻ anh hơi lặng lẽ?

+ Tôi cập nhật trên trang facebook cá nhân như chị thấy là đã làm việc thiện một cách rất ồn ào rồi. Nói vui thôi, tôi cập nhật để lan tỏa việc thiện, để các tấm lòng thảo thơm biết địa chỉ mà tìm đến tiếp tục trao yêu thương, cũng là cách tôi “báo cáo” với những người đã sẵn lòng mua sách của tôi, sẵn lòng đồng hành cùng Quỹ học bổng “Khát vọng mùa”.

Quỹ học bổng này được khởi sinh ý tưởng khi tôi in tập thơ cùng tên vào năm 2016. Được cộng đồng “bạn phây” ủng hộ, sau đó, khi in 3 cuốn tiếp theo là Phiêu lưu chữSong hành & đối thoại và Đứng về phe cái khác, tôi đã dùng toàn bộ tiền nhuận bút sách để mua lại sách của mình từ nhà xuất bản/ công ty sách, rồi “rao” bán lại qua kênh facebook cá nhân, và toàn bộ tiền thu được sẽ dùng để trao học bổng “Khát vọng mùa”.

Ngoài lan tỏa việc thiện, cách làm của tôi cũng là một cách tự lan tỏa sách của mình. Một công đôi việc này xem ra cũng… hiệu quả.

Nhuận bút được tác giả dành mua sách, sách ấy lại được bán trên facebook, tiền thu được dành tặng các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2016, đã có hàng chục em học sinh từ các vùng quê Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, Đăk Lăk, Huế... đã nhận được những món quà tuy không lớn về vật chất nhưng có ý nghĩa động viên tinh thần để các em tiếp tục con đường học tập, vươn lên trong cuộc sống.

111
Ảnh: Hoàng Đăng Khoa trao học bổng từ Quỹ "Khát vọng mùa" cho em Nguyễn Văn Thắm,
xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Ảnh: FBNV
Nguyễn Thị Kim Nhung/VNQĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây