Học chuyên nghiệp ra trường, sau vài năm làm nghề cơ điện, năm 1978 tôi vinh dự được tham gia LLVT, đơn vị đóng tại Sìn Hồ - Lai Châu. Trong quá trình huấn luyện, cấp trên xét thấy có một chút năng khiếu nói - viết, nên đã bố trí làm nhiệm vụ ghi tin đọc chậm trên radio, kiêm tổng hợp tình hình hoạt động của đơn vị, viết thành tin rồi tổ chức thông báo trong các buổi sinh hoạt thời sự hàng tuần. 1982 chuyển ngành, về công tác tại Huyện đoàn Duy tiên, Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Hà Nam), được bầu vào Ban Thường vụ, phụ trách công tác Tuyên giáo. 1985, cùng một số cán bộ huyện đoàn trong tỉnh được điều động tăng cường cho tỉnh Lai Châu và tôi được tổ chức phân công về công tác tại Ban Tuyên giáo tỉnh ủy và ở liền một mạch cho đến nay. Có lẽ từ cái bản tóm tắt hành trình đời - nghề này mà đã có người nói đùa: - Bác cả đời chỉ đắm chìm với nghề “chết rồi, 3 năm sau cải táng lưỡi vẫn còn động đậy”.
Ai nói sao cũng được, miễn là mình đam mê và phát huy được khả năng, trí tuệ của mình trong cái nghề mình yêu là vui, là hạnh phúc rồi. Tất nhiên, cũng đã có lúc gặp phải những vị bên ngành kinh tế lắm tiền, nhiều quyền nhận xét: Nghề Tuyên giáo chỉ “ăn giấy”, có cái cóc khô gì mà ông cứ đam mê cả đời thế ? Tôi đây có cần trên thông thiên văn, dưới tường địa lý mà vẫn “đàng hoàng”. Rất bực vì cái kiểu suy nghĩ “nhìn đời qua lỗ đồng xu” này. Tuy vậy, tôi vẫn dằn lòng, cười và nghĩ “rượu anh uống đâu có nhiều bằng mực tôi viết”. Thậm chí còn tự lý sự: - Cái mình viết và nói là cho cả ngàn người say. Rượu họ uống thì chỉ mình họ say, có thêm nữa là vợ, con họ được hưởng cái “hậu xướng” do họ quá thừa thãi mà đưa ra, chứ ai thèm hưởng cái ân huệ ấy !
Nói như thế chắc có người cười và nghĩ tay này hâm nặng, hoặc nhẹ thì cũng chập. Mặc kệ, tôi vẫn cứ nhất mực yêu và đam mê cái nghề này. Dẫu biết rằng để nói và viết cho mọi người nhớ, luôn muốn nghe và đọc thì đòi hỏi phải có sự kiên trì phấn đấu, rèn luyện rất nhiều. Bên cạnh còn rất cần thêm chút năng khiếu thiên bẩm thì mới có thể thành danh.
Nhiều lúc suy ngẫm, tôi thật sự cảm thấy mình là người may mắn vì ngoài 3 năm làm Tuyên huấn Đoàn thanh niên thì đã có 5 năm làm tuyên huấn LLVT và tròn 25 năm trực tiếp làm công tác Tuyên giáo cấp ủy ở mảnh đất Lai Châu - Điện Biên. Vùng đất này mỗi độ xuân về, đâu đâu cũng ngập tràn hoa đào, hoa ban như để làm rạng rỡ và tôn vinh thêm hào khí của những chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu – Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Khoảng thời gian đó là cả vạn ngày chứa đựng trong đó biết bao kỉ niệm về đời và nghề. Mấy năm gần đây, khi bước sang tuổi ngũ tuần, cứ mỗi độ xuân về, khi lục tìm ký ức, chạm đến nó là tôi lại như như chạm đến mạch ngầm, không biết chọn kỷ niệm nào để viết ?
Ngày ấy, trong màu áo lính đến Tây Bắc, tôi cứ nghĩ việc đời là do mình định liệu. Tôi ước sẽ đặt dấu chân của mình qua khắp các vùng, miền của đất nước. Mỗi nơi quá lắm chỉ ở vài ba tháng, cùng lắm chỉ một hoặc hai năm. Vậy mà cả quãng đời thanh xuân của tôi lại được gửi trọn cho Tây Bắc. Tuy ước mơ đầu đời không thành, nhưng tôi vẫn cảm ơn số phận đã cho mình được sống, được công tác cùng với đồng chí, đồng bào, những con người chân chất, tràn đầy yêu thương, luôn sẵn sàng đùm bọc, che chở, giúp đỡ tôi. Không chỉ có vậy, vùng đất đất thơ mộng và hùng vĩ này còn dành cho tôi mạch nguồn để hình thành, nuôi dưỡng tình yêu con người, sự đam mê nghề - nghiệp tuyên giáo, báo chí, văn chương, nghệ thuật. Những bài viết đầu tay về sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian Thái, văn học dân tộc Mông; những bài thơ, bản nhạc, bài báo của tôi được nảy sinh từ những chuyến công tác nắm tình hình tư tưởng và dư luận xã hội, hay đi nói chuyện thời sự, truyền đạt nghị quyết. Cũng nhiều khi lại xuất hiện trong đêm uống rượu cần, nghe hát dân ca, tham gia múa xòe với các cô gái Thái, hoặc ngồi bên bếp lửa nhà sàn nghe truyện cổ, hoặc lang thang trong mê lộ kí ức cùng bạn bè đồng ngũ, văn thơ, báo chí...
Nhiều mùa xuân không về xuôi ăn tết, khi thì tôi khoác ba lô, khi mang máy ảnh, trèo đèo lội suối đi khắp các bản làng của Điện Biên - Lai Châu. Dấu chân tôi đã in trên không ít nẻo đường mòn biên giới Việt - Lào đến biên giới Việt - Trung. Mỗi vùng đất đi qua đều để lại trong tôi những kỷ niệm ắp đầy. Nhớ khi được lãnh đạo Ban phân công đến thượng nguồn Sông Đà nắm tình hình tư tưởng nhân dân và cán bộ chiến sĩ LLVT trong dịp Tết nguyên đán năm 1992. Tại Đồn Biên phòng Ca Lăng cùng chiến sĩ ta ăn tết, được chứng kiến Tết của Bộ đội biên phòng thật giản dị về vật chất, nhưng lại rất giàu có về tinh thần. Đi tuần tra về, thấy khách tỉnh, một chiến sĩ trẻ (chắc là đội trưởng) nhanh miệng nói: Bọn em tranh thủ tắm rửa, xong ta cùng ăn cơm để còn sinh hoạt đơn vị. Các thủ trưởng đã thông báo bác vào, mang cho bọn em chương trình “thời sự nóng hổi” nên phải dành thời gian nghe không thì thiệt lắm. Buổi nói chuyện không tăng âm, loa đài, không cả điện sáng, chỉ có đèn dầu và ánh lửa từ đống củi đốt cho đỡ lạnh. Vậy mà họ nghe rất chăm chú, hầu hết có cả sổ tay để ghi chép. Thấy vậy, tôi rất cảm động và tự hào hơn về nghề tuyên giáo. Hết hơn một giờ nói thời sự theo chương trình do lãnh đạo Đồn biên phòng bố trí, tôi và cả đơn vị cùng nhau ca hát, đọc thơ, trao đổi thêm tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong khu vực biên phòng.
Cũng đã có năm, vừa là nhiệm vụ do lãnh đạo Ban giao đi nắm tình hình cơ sở, nhưng cũng xen lẫn cả chất lãng du thời trai trẻ, để lại phía sau vợ và hai đứa con nhỏ, trong đó cháu thứ hai mới gần tròn tháng tuổi, ngược dòng Nặm He vào khu vực ngã ba biên giới Việt – Trung - Lào. Đường đi lúc đó chỉ là đường mòn, quanh co, len lỏi giữa những cánh rừng già nguyên thủy. Suốt bốn ngày khoác ba lô đi bộ trên trăm cây số, bị những cánh rừng già và những vách núi chắn sừng sững, đột ngột trước mắt tôi hiện ra một chân trời bát ngát. Không tin ở mắt mình - tôi ngỡ lạc vào ranh giới của cõi trần và tiên cảnh. Đêm nằm trên sàn nhà của một gia đình đồng bào người Thái ở bản Quảng Lâm nghe tiếng xa quay sợi mơ hồ như ở một thế giới nào vọng lại. Trong ánh lửa bập bùng soi rọi bóng cô gái Thái mặc áo cóm màu chàm, đính hàng cúc bạc hình cánh bướm hư ảo như một nàng tiên. Thoáng chốc, tôi ngỡ mình là Từ Thức.
Hoặc khi phải thẩm định một văn bản chính trị, nêu định hướng tuyên truyền trên báo chí địa phương, cho ý kiến vào một tác phẩm văn thơ cũng là cả một vấn đề, bởi nếu không hiểu, thường xuyên, kiên quyết nêu cao trách nhiệm và thực thụ có nghề thì nhiều khi cũng phải toát mồ hôi hột. Ví dụ, khi được tin một người bạn là nhà báo mất, anh bạn tôi viết bài thơ thay tấm linh nhang tiễn biệt người quá cố. Trong bài có câu “Thương nhau đốt một lư trầm tặng nhau”. Không hiểu vô tình hay hữu ý của người biên tập, sửa thành “Thương nhau đốt một lò trầm tặng nhau”. Chỉ sai một chữ thôi đã mất hết cái nghĩa, cái tình và sự sâu sắc của câu thơ rồi. Chính vì vậy, khi có linh cảm điều gì không ổn, tôi đã yêu cầu Ban Biên tập tạp chí lấy về đọc và phát hiện ra lỗi này…
Còn biết bao kỉ niệm đẹp về đời và nghề của người làm công tác tuyên giáo đang ùa về. Chạm đến ký ức như chạm đến mạch ngầm, biết chọn kỷ niệm nào để viết tiếp nữa đây?./.
Nguyễn Vân Chương
Chủ tịch HNB Điện Biên