Nhà báo, TS Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao động: “Trách nhiệm - nhân văn”, kết nối cộng đồng là sứ mệnh của người làm báo ngày nay

Thứ sáu - 04/09/2020 08:50

Nhiều năm qua, Người Lao động đã là một trong những tờ báo tiên phong trong việc thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội. Tờ báo 45 năm tuổi vẫn bền bỉ đề cao tính “trách nhiệm và nhân văn” trong nhiệm vụ tuyên truyền và các hoạt động mang ý nghĩa xã hội.

Như Tổng Biên tập Tô Đình Tuân trải lòng: “Từ những công việc nhỏ bé, chúng tôi muốn nhen nhóm lên ý thức cộng đồng, trách nhiệm công dân với Tổ quốc, tình yêu quê hương, đất nước. Đó mới là lâu dài, là hồn cốt thiêng liêng nuôi dưỡng mạch nguồn sức mạnh, khát vọng dân tộc mà người làm báo ngày nay cần chung tay thắp lửa!”.

111
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và Báo Người Lao Động trao cờ Tổ quốc và túi y tế cho ngư dân Rạch Giá.

Sức mạnh của đoàn kết, sức mạnh của cộng đồng chung tay

+ Tôi thích gọi công việc an sinh xã hội của người làm báo là hành trình kết nối người với người, kết nối trái tim với trái tim. Và tôi thấy tờ báo cũng như người đứng đầu bền bỉ lựa chọn con đường ấy suốt nhiều năm như một sứ mệnh. Đối với ông, sự kết nối ấy có ý nghĩa như thế nào?  

- Trong bất cứ cộng đồng nào thì sự kết nối cũng rất quan trọng, đặc biệt đối với người Việt chúng ta có đặc trưng lớn đó là tính kết nối cộng đồng, truyền thống làng xã mạnh mẽ. Nhưng sự kết nối cộng đồng này với cộng đồng kia thì dường như có chỗ có nơi vẫn chưa thật tốt. Vẫn còn đó sự trăn trở, làm sao kết nối được với nhau ở nhiều cộng đồng nhỏ thành cộng đồng lớn, thành một xã hội lớn thật đoàn kết, gắn bó, chia sẻ, yêu thương nhau. Chính điều ấy mới tạo ra sức mạnh của dân tộc. Ví dụ như chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” chúng tôi mang cờ, mang thuốc y tế tặng cho ngư dân ở các vùng biển. Chúng tôi mang cờ, ảnh Bác đến tặng cho đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng biên giới để góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chúng tôi đặt ra mục tiêu ban đầu là “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” thì con số 1 triệu mang tính biểu tượng, chứ đó có thể là 2 triệu, 5 triệu, hay 10 triệu lá cờ... Nếu mỗi người Việt Nam đóng góp 1 lá cờ thôi thì chúng ta đã có gần một trăm triệu lá cờ. Đó là sức mạnh của đoàn kết, sức mạnh của cộng đồng khi cùng chung tay.

111
Tổng Biên tập Tô Đình Tuân trực tiếp bưng gạo để trao tặng tới bà con khó khăn.

+ Tôi thấy được niềm tin và lý tưởng trong câu chuyện của “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”. Nhưng trong xã hội hôm nay, có một bộ phận nào đó vẫn đề cao “tính vật chất”, tính cá nhân thì những mong mỏi về sức mạnh dân tộc, liệu có khả thi không, thưa ông?

- Đúng là hiện nay, thông tin đa chiều đôi khi khiến người ta nghĩ đến cá nhân mình nhiều quá mà quên mất cộng đồng, quên mất tập thể, quên mất cái thiêng liêng, vĩ đại là dân tộc, là Tổ quốc. Tôi luôn nghĩ rằng, có Tổ quốc, có cộng đồng, có xã hội thì bản thân mỗi người mới tồn tại và tỏa sáng. Bởi vậy, trong các chương trình sau mặt báo, chúng tôi chứng minh bằng hành động cụ thể, những việc có thể không quá lớn lao nhưng có giá trị và ý nghĩa cho cộng đồng. Chẳng hạn như tặng ngư dân một lá cờ, một túi thuốc, giá trị vật chất tuy không lớn, nhưng đó là sự động viên ngư dân để họ thấy rằng bên cạnh họ còn có cả một đất nước, một dân tộc.

Lá cờ là đại diện cho dân tộc, cho đất nước mình. Cho nên, lá cờ đó khi cắm trên nóc con tàu thì khẳng định một giá trị rằng, ngư dân ra khơi không phải chỉ là đánh bắt hải sản mà nó còn là hành trình bảo vệ, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc ta trên biển. Nơi nào có cờ Tổ quốc, nơi đó có chủ quyền của chúng ta! Và những người Việt ra biển khơi khi nhìn lá cờ Tổ quốc cũng thấy ấm lòng, yên tâm vươn khơi bám biển. Những người ở trên bờ không ra biển mà có đóng góp vào lá cờ đó cũng thấy được mình đã có trách nhiệm một phần với đất nước, cần phải có trách nhiệm nhiều hơn nữa. Nó giáo dục, thôi thúc người ta về tình cảm với quê hương đất nước, và trách nhiệm với dân tộc của mình. Từ những công việc nhỏ bé, chúng tôi muốn nhen nhóm lên ý thức cộng đồng, trách nhiệm công dân với Tổ quốc, tình yêu quê hương, đất nước. Đó mới là lâu dài, là hồn cốt thiêng liêng nuôi dưỡng mạch nguồn sức mạnh, khát vọng dân tộc mà người làm báo cần chung tay thắp lửa!

111
Nhà báo-TS. Tô Đình Tuân là người đầu tiên đưa ra sáng kiến và trực tiếp tổ chức thực hiện Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc
cùng ngư dân bám biển” tạo sự lan tỏa mạnh mẽ.

+ Vậy rõ ràng, người làm báo phải có trách nhiệm thắp lửa nhân ái và nuôi dưỡng mạch nguồn sức mạnh dân tộc, thưa ông?

- Đúng vậy! Trong bối cảnh như hiện nay, đối với người làm báo, công việc ấy cũng là một sứ mạng, trách nhiệm xã hội. Người làm báo không chỉ biết làm báo mà còn phải biết tham gia công tác xã hội, từ thiện, đóng góp cho đất nước, cho địa phương nơi mình sống và làm việc. Thông qua đó, góp phần giáo dục lý tưởng sống cho thế hệ trẻ, cũng là cách tự rèn luyện bản thân sống tốt, sống đẹp, sống vì cộng đồng. Như vậy, chúng ta sẽ góp phần nhen lên ngọn lửa nhân ái, để mọi người nhận thức được giá trị của cộng đồng, giá trị của tập thể, giá trị của sức mạnh dân tộc.

Làm việc từ trái tim thì mới chạm được tới trái tim

+ Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Báo Người Lao động đã, đang triển khai nhiều hoạt động đầy ý nghĩa chung tay cùng cộng đồng chống dịch Covid-19. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về những hoạt động này?

- Ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới người lao động, các doanh nghiệp. Báo Người Lao động đã triển khai nhiều chương trình hoạt động xã hội ý nghĩa. Đầu tiên phải kể đến chương trình “Báo Người Lao động đồng hành cùng doanh nghiệp”. Thông qua đó, chúng tôi đã giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ trong việc tư vấn, kết nối với các nguồn sản xuất và hệ thống ngân hàng để hạn chế phá sản. Sau khi thực hiện giãn cách xã hội, Báo Người Lao động đã triển khai chương trình “ATM thực phẩm miễn phí” với 3 cây ATM tại TP.HCM và Thủ đô Hà  Nội. Với 3 cây ATM này, Báo đã giúp được hàng chục ngàn người lao động nghèo khó, những người bệnh hiểm nghèo, tai nạn, người neo đơn... Mới đây, khi dịch Covid-19 trở lại và bùng phát, chúng tôi tiếp tục làm cầu nối giữa doanh nghiệp và đồng bào Quảng Nam, Đà Nẵng, kêu gọi mọi người cùng chia sẻ khó khăn với bà con. Thông qua Báo, Tập đoàn Hưng Thịnh đã hỗ trợ tổng cộng là 5 tỷ đồng bao gồm lương thực, trang thiết bị y tế và tiền mặt; Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPP) đã tặng cho bà con Đà Nẵng 10 máy theo dõi bệnh nhân trị giá 1,4 tỷ; Tổng Công ty Phát điện 2 ủng hộ 100 triệu cho đồng bào Quảng Nam, cùng một số doanh nghiệp, cá nhân đã đóng góp và Báo đã chuyển ra cho bà con Đà Nẵng, Quảng Nam giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn, cùng nhau chống dịch.

+ Nhưng điều tôi trăn trở là, trong hoàn cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, việc kêu gọi hỗ trợ cho các hoạt động này quả thực là thách thức. Vậy theo ông, đâu là điều quan trọng nhất lan tỏa và thu hút được sự chung tay, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều?

- Đúng là nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản do dịch bệnh. Thế nhưng, khi Báo Người Lao động phát động chương trình, nhiều doanh nghiệp vẫn sẵn lòng nhường cơm sẻ áo, điều này hết sức đáng quý. Doanh nghiệp đóng góp cho cộng đồng, chúng ta phải rất trân trọng họ, phải sử dụng những đồng tiền đó thật hợp lý.

Với doanh nghiệp, việc tìm kiếm lợi nhuận là yếu tố rất quan trọng nhưng trách nhiệm với cộng đồng cũng là điều quan trọng không kém. Trong điều kiện càng khó khăn, dịch càng kéo dài thì trách nhiệm đó lại càng phải được nâng cao hơn nữa. Vì xét cho cùng, cộng đồng mà vất vả, đói khổ thì doanh nghiệp cũng không thể nào hoạt động được.

Theo tôi, có 3 điều quan trọng để một chương trình đạt được thành công. Trước hết, chương trình đó phải có ý nghĩa, giúp được cho cộng đồng, góp phần bảo vệ điều mà mọi người mong mỏi. Ví dụ như chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” là góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, “ATM thực phẩm miễn phí” là giúp đỡ cho người lao động nghèo, chương trình “Mai vàng nhân ái” giúp đỡ những nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, neo đơn... Thứ hai là, cách triển khai phải cụ thể, công khai, minh bạch, đúng người đúng chỗ. Thứ ba là có một kế hoạch truyền thông thực tế, gắn với chương trình, không cần nói nhiều, không cần nói quá, chỉ cần nói đúng! Và đặc biệt là điều chúng ta làm phải từ trái tim thì mới chạm được tới trái tim mọi người!

111
Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Trần Trọng Dũng (trái), Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM Hồ Xuân Lâm và Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân khai trương ATM thực phẩm miễn phí đầu tiên tại TPHCM.

Đó là một sự “trao gởi” chứ không phải là “sự cho”

+ Tôi nhớ, các cụ xưa từng dạy: Của cho không bằng cách cho! Ông nghĩ sao điều này?

- Điều đó hoàn toàn đúng. Của cho thì rất cần, nhất là khi người ta đang đói khổ thì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nó giá trị lắm. Nhưng cách cho cũng rất quan trọng, vì chúng ta là con người với nhau. Chính vì vậy khi triển khai chương trình ATM thực phẩm miễn phí, chúng tôi có một số quy định. Như đối với người tàn tật, người già, phụ nữ mang thai, trẻ em thì không để ai phải xếp hàng, chỉ cần đứng bên cạnh và chúng tôi mang thực phẩm đến trao tặng từng người. Khi đưa chúng tôi đều đưa hai tay, đó là một sự trao gởi chứ không phải là sự cho. Hay như đối với những người trong diện đi nhận thực phẩm phải xếp hàng, chúng tôi luôn hướng dẫn một cách tận tình như việc đeo khẩu trang, phun xịt khử khuẩn, đứng cách 2m và trật tự ngăn nắp... Mọi người đến nhận thì chúng tôi mở những bài hát về chống nCovi để mọi người cảm thấy vui vẻ, tự tin chứ không chán nản, tự ti, luôn động viên tinh thần mọi người cùng nhau chống dịch. Chúng tôi không chỉ tặng gạo mà chúng tôi còn tặng trứng, xúc xích, đồ hộp... để người lao động về đến nhà sẽ có ngay một bữa cơm ngon, đủ sức khỏe chống dịch.

+ Vẫn mong là dịch sẽ nhanh qua, nhưng nếu dịch còn kéo dài, những nỗ lực của công tác an sinh này hẳn là càng phải bền bỉ, càng phải kiên trì hơn nữa thưa Tổng biên tập? 

- Chắc chắn là vậy. Dịch còn kéo dài, Báo sẽ cùng nỗ lực đồng hành bởi chúng tôi luôn có một niềm tin mạnh mẽ về sự tận tâm trao gởi và lòng tốt của người dân Việt Nam không bao giờ cạn. Đó là số tiền trích từ tiền đóng góp của bà con, người 50 chục, người 20 chục, thậm chí người 10 ngàn đồng. Nhưng đó là những đồng tiền mà họ tích góp, mang nhiều giá trị tinh thần và tình cảm. Trong thời gian tới nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người lao động khó khăn mức độ nào thì chúng tôi có cách ứng phó, hỗ trợ bà con ở mức độ đó chứ nhất định không lùi bước. Dù rằng, báo chí nói chung và Báo Người Lao động nói riêng cũng phải đối mặt với khó khăn về tài chính nhưng chúng tôi sẽ cố gắng kêu gọi cộng đồng san sẻ, làm sao để bà con nghèo có được những bữa cơm ấm áp, cùng nhau chiến thắng đại dịch.

+ Như ông nói, Báo Người Lao động cũng phải đương đầu với khó khăn. Nhưng thay vì kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ cho Báo, ông đã hướng đến kêu gọi hỗ trợ cộng đồng. Tôi nghĩ điều ấy mới là điều quan trọng của chữ “tình người trong đại dịch” mà cần lắm được nhân lên trong làng báo?

- Tôi luôn nói với anh em trong cơ quan rằng, đây là sự khởi tạo, chúng tôi nhóm một ngọn lửa và mong rằng ngọn lửa này lan rộng ra, mọi người cùng nhau làm. Bởi một người không vỗ tay nên kêu! Có thể là hôm nay mình chưa làm được nhiều nhưng từng bước từng bước bằng những tin bài tích cực làm cho xã hội ngày càng tốt hơn, bằng những việc làm thiết thực nhằm khích lệ, động viên bà con ngư dân vươn khơi bám biển, chung sức chung lòng gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, hay giúp đỡ bà con nghèo vượt qua khó khăn do dịch bệnh; giúp các nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, neo đơn. Vậy nên, khi nhận nhiệm vụ Tổng Biên tập Báo Người Lao động, ngoài thông tin “Nhanh - Hay - Chính xác” như nhiều cơ quan báo chí khác, tôi chủ trương bổ sung thêm hai tiêu chí, đó là “Trách nhiệm” và “Nhân văn”. Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm với xã hội, với đất nước, dân tộc, Tổ quốc; Nhân văn ở đây là cùng một sự việc, sự kiện nhưng viết làm sao để hướng con người đến những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Đó là những giá trị cốt lõi và trường tồn. Xã hội càng phát triển, cuộc sống càng thay đổi thì những giá trị ấy càng phải được gìn giữ, bồi đắp. Một tác phẩm báo chí nếu muốn tồn tại và sống lâu trong lòng bạn đọc thì phải tử tế, công minh, hướng thiện, nhân văn. Và những chương trình xã hội mà chúng tôi thực hiện trong suốt thời gian qua cũng là nhằm nối dài những điều tốt đẹp ấy cho xã hội hôm nay và mai sau.

+ Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Hà Vân/ NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây