Viết như lời Bác dạy

Thứ ba - 18/08/2020 10:05
Kết bện với Nguyễn Vân Chương cũng bởi duyên cơ của nghề báo. Ấy là một chiều cuối năm 2006, trời Tây Bắc se lạnh, tôi được Ban thư ký Chi hội Nhà báo Báo Điện Biên Phủ mời tới trao đổi nghiệp vụ cùng hội viên. Tâm đắc với tiểu luận “Trận bút trường Văn” của tác giả Song Long bàn về nghiệp báo trên tờ Điện Biên Phủ cuối tháng. Tôi cất tiếng hỏi: Những người có mặt tại đây, có ai tên là Song Long ? Nào ngờ, vị khách mời của Chi hội Nhà báo ngồi hàng ghế đầu giơ tay nhận, lại chính là Nguyễn Vân Chương, Phó trưởng Ban thường trực, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên!…
111
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên Nguyễn Vân Chương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lại Tấn.
Từ ấy, mỗi khi đọc báo tỉnh cũng như báo chí Trung ương tôi thường để ý đến những bút danh của ông, như: Vân Chương, Hoàng Sơn, Song Long, Nấm Linh Chi... Rộ rạt hơn, gần đây, mỗi năm ông cho đăng cả trăm tin bài, cả trăm bức ảnh trên báo chí Trung ương và địa phương. Hơn Thế, ông còn ẵm về nhiều giải thưởng danh giá, như: Giải thưởng báo chí đầu tay của Báo Quân khu II với “Phía trước tôi là quân thù”; kịch bản sân khấu “Điện Biên đêm hội xòe”; giải ba bút ký trong cuộc thi viết nhân kỷ niệm 80 năm truyền thống ngành Tuyên giáo “Đời người, đời nghề”... Gần hai năm nay, đĩnh đạc trong vai Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo, kiêm Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh... việc bù đầu bù cổ, ấy vậy mà ông vẫn say với nghề báo, vẫn thủy chung “ăn nằm” với báo chí Điện Biên; vẫn chân tình, thân thiết với những người làm báo đó đây tâm trong, đức sáng.

Là nhà bắo đã sang tuổi “thở ra”, ấy vậy mà mỗi lần tiếp xúc với Vân Chương trên đất Điện Biên, ông như người truyền lửa tạo cảm hứng cho tôi háo hức đến với dân bản vùng sâu, vùng xa để tiếp nhận thông tin, để nghe dân, hiểu dân, vun thêm sức sống cho từng trang viết. Nói đúng ra, cũng bởi cái suy nghĩ lụn vụn trong tôi: Vân Chương chỉ là cộng tác viên, chẳng ai bắt cũng không đâu buộc, vậy mà cứ say, rất say, say suốt mấy chục năm giời cho tới tận bây giờ - Vậy thì có gì mình lại so đo! Một lần tôi hỏi ông: Viết báo tự khi nào? Duyên cớ nào để dan díu với nghề “nghiệt ngã” này? Đôi mắt ngời ngợi, giọng khơi khơi, Chương nói:

- Cũng là cái duyên. Năm 1978, khi đang là công nhân kỹ thuật cơ điện tại Trạm bơm Chợ Lương, huyện Duy Tiên, Hà Nam thì được lệnh nhập ngũ, rồi tức tốc hành quân lên chốt ở
bản Vàng Bó, Phong Thổ, Lai Châu. Cơ hội lớn được gần gũi dân bản, gần gũi chiến sĩ, biết địch, biết ta... nên mạnh dạn cầm bút viết tin bài gửi cho báo Đảng, cho Văn nghệ Lai Châu đăng. Lãnh đạo đơn vị nhìn thấy năng khiếu của Vân Chương nên giao cho việc ghi “Tin đọc chậm” trên buổi phát thanh Quân đội nhân dân. Thêm cơ may để học hỏi, để rèn bút, để viết nhiều hơn. Dịp ấy Chương để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc ấy là tác phẩm: “Phía trước tôi là quân thù”. Sâu đậm, bởi cách nhìn sắc sảo, cụ thể, tinh tường; chi tiết về sự hung bạo, tàn nhẫn, vô đức, vô đạo của quân thù ngay cả với đồng đội của chúng (mà tôi, người biết điều này không tiện dẫn ra). . . Trả ngũ, Vân Chương trở lại quê nhà, được bầu vào Thường vụ Huyện đoàn TNCSHCM huyện Duy Tiên, phụ trách công tác tuyên huấn. Nhưng rồi, theo yêu cầu của Đảng, năm 1985 Chương lại được điều lên tăng cường cho miền núi, làm công tác tuyên huấn tại Tỉnh ủy Lai Châu rồi Điện Biên suốt từ đó tới nay!… Tôi xen vào: Ngay ngày ấy chắc vẫn đeo đuổi nghề báo? Vân Chương bật cười. Giọng hóm hỉnh: Vẫn “ăn nằm” với báo Lai Châu hệt như với báo chí Điện Biên Phủ bây giờ. Với Chương, nghề báo luôn song trùng với nghề tuyên giáo!…
111
Đ/c Nguyễn Vân Chương- Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh tặng hoa chúc mừng đồng chí Phạm Ngọc Hân
Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập báo Điện Biên Phủ  giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm nhiệm Hội Nhà báo tỉnh. Ảnh: TL
Vậy là ông vẫn viết báo ngay cả cái thời không dễ viết? Tôi hỏi. Vân Chương tắp lự đáp:

Đúng Thế. Thời ấy, thời của “Nhất quân lệnh”. Nhưng viết báo đâu phải tạng ăn theo nói leo! Ngừng giây lát, Chương chuyển sang giọng kể: Hồi ấy Chính phủ có văn bản quy định, đại thể: Mỗi cán bộ, công chức, viên chức ở bậc lương từ 405 trở xuống thì được 130 ký điện, bậc lương trên 405 -555 thì được 150 ký điện giá trợ cấp. Vậy mà ông Phó Chủ tịch tỉnh Lai Châu lúc ấy lại gia văn bản thực hiện: Bậc lương từ 405 trở xuống chỉ hưởng trợ cấp 100 ký; bậc lương trên 405 được hưởng 170 ký. Như thế nghĩa là người nghèo bị xén bớt, người khá giả lại được ông vun vỗ thêm! Sự vận dụng kỳ quặc này khiến Vân Chương phải viết bài nhằm làm rõ ngô khoai. Bài viết ký tên Mai Vân. Đáng tiếc, Tổng biên tập báo Lai Châu hồi đó không dám đăng. Chương phải thân chinh thuyết phục Tổng biên tập, và đề chính danh Vân Chương Ban tuyên giáo Tỉnh ủy dưới bài viết để chịu trách nhiệm. Bài đăng tải trên 2 kỳ báo, thấu tới “Thiên đình”. Bí Thư tỉnh ủy triệu họp, yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh gia văn bản hủy quyết định trên của Phó Chủ tịch tỉnh. Nhân thể Chương viết tiếp bài “Tính nghiêm túc, trách nhiệm của người đứng đầu tỉnh. .. .. Rồi, khi rục rịch rời tỉnh về Điện Biên, chuyện nhà ở, đất đai và vị trí đất đai nơi ở trở thành vấn đề ầm ĩ. Chương liên tục viết bài cho báo xoay quanh chủ đích “Tính công bằng và quyền nhà ở của dân và công chức, viên chức”... Năm 2001 , kinh tế có những biến động lớn. Tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí là quốc sách. Khi ấy, Điện Biên một tỉnh nghèo, nhưng nhiều quan chức sử dụng ô tô công như của riêng mình; rồi tệ mừng tuổi, khao chức, cưới xin theo kiểu “hót tiền” tràn lan… Với bút danh Nấm Linh Chi, Chương viết trên 50 bài báo trong mấy năm liền cho chuyên mục. Những bài như: “Dân ta tinh lắm”! rồi, “Mỗi việc làm gương mẫu hơn ngàn mệnh lệnh”!… Trực diện ám chỉ những người lợi dụng chức quyền để vụ lợi, nói một đàng làm một nẻo gây sói lở lòng tin của dân với Đảng, Chính quyền… Gần chục năm lại đây, bút danh Song Long khá dày đặc trên báo chí của tỉnh. Ông hào hởi nói với tôi: Song Long … Hai kiếm Rồng. Chém. Nhưng nhẹ nhàng thôi. Nói ngọt nhưng lọt tới xương mà lỵ! Chủ yếu phê phán những người có bệnh “quan”, thiếu trách nhiệm, xa dân, xa thực tế. Lúc tranh cử thì “nói như Rồng leo”, nào là: Sẽ làm tốt việc di dân tái định cư, sẽ nhanh chóng xóa đói giảm nghèo, sẽ. .. nhưng khi “vào cầu” thì “thực hiện dở hơn mèo mửa”! Phê phán đấy, nhưng mục đích là để nhắc nhở nhau, để kéo nhau đứng dậy làm tốt bổn phận của mình. Thế thôi! Tâm thức của người viết báo chúng mình là thế. Có mấy ai viết báo mà nên giầu đâu? Ấy vậy mà có vị “quan” vỗ vai nói nhỏ: Chương ơi! Thôi. Viết lách làm chi. Chỉ tổ chuốc khổ vào thân. Mình có viết lách gì đâu mà vẫn đủ đầy! Quả thực, tôi biết, Vân Chương có cả chục năm làm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, rồi lên Trưởng ban... nhưng có lẽ vẫn là hạng đội số nghèo trong hàng quan chức tỉnh, vẫn khiêm nhường trong căn nhà bình dị nơi phố xép kề ngoai ô. Câu chuyện khiến tôi nhớ dịp về thăm làng Quan Phố, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên nơi trôn nhau cắt rốn của ông. Đầu làng là chùa Khánh Long Tự (đất con rồng). Giữa làng là ngôi đình lớn có tuổi tới 700 năm. Cuối làng là nhà thờ đạo. Lương giáo thuận hòa. Cổng làng nổi lên dòng chữ cổ “Giác đại Quang”, thiển hiểu, ấy là: “Tầm nhìn ra thế giới của làng”. Làng ông. Làng nghèo. Nhưng là làng văn hóa. Làng có học. Ham học và ham làm việc nghĩa. Nghèo, nhưng tình sâu nghĩa đậm.

Chả thế, các cụ nơi đây đã thu tự nhau lại góp của, góp công làm đường, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Nguồn mạch đất quê, và tình người Điện Biên như thấm đẫm vào máu thịt Vân Chương. Bởi thế ông  hiểu trách nhiệm tối thượng của người viết báo là vì một xã hội ngày một tươi đẹp. Cho nên, khi bi “chạm nọc”, Vân Chương có ngay nhời đáp: “Mực tôi viết nhiều hơn rượu ông uống/Mực tôi viết, lời tôi nói cho triệu người say/Rượu ông uống chỉ mình ông say/ Cùng lắm chỉ vợ con hưởng hậu ông say”! Đau Chứ! Chương cười sởi lởi. Giọng chơi chơi, chan chan nhiệt huyết với nghề báo: Báo chí nghề vì xã hội. Càng làm, càng trải nghiệm, càng phải viết. Ta không giầu tiền của, nhưng giầu tình. Cái tình đọng mãi với đời người. “Tinh hoa hội tụ”. Tuổi đời có thể chênh nhau vài giáp, nhưng gặp nhau vẫn anh anh, em em; vẫn tiếng gọi mặn nồng: Đồng nghiệp ơi! Chỉ những kẻ cơ hội, sống theo lối chụp giật mới ghét ta, xa lánh ta. Làm báo, viết báo luôn đau đời, đau nghề. Phải luôn vượt lên nghiệt ngã, nhọc nhằn đặc thù của nghề nghiệp. Phải có cách nhìn “xoáy”. Ví như người ta thấy vũng nước trên đường nhựa rồi đi tránh. Với ta lại trồi lên câu hỏi: Làm sao lại có vũng nước trên đường nhựa?… Khác những người làm báo chuyên nghiệp. Vân Chương tự đến với nghề báo. Tự học, tự bồi dưỡng để làm báo, để viết nhiều, viết hay, viết đúng, viết trúng vấn đề. Ngay từ thập niên 90 của thế kỷ trước, Vân Chương đã sử dụng thành thạo công nghệ thông tin... Hỏi về tác dụng của nghề báo (nghề tay trái) với nghiệp Tuyên giáo? Vân Chương sôi nổi hẳn lên: Lợi thế của báo chí là hỗ trợ đắc lực cho nghề tuyên giáo, giúp cho người làm tuyên giáo tinh tường hơn, nhạy cảm hơn, gắn bó với cuộc sống đời thường hơn. Ngược lại nghề tuyên giáo giúp báo chí nắm chắc thông tin chủ của từng thời kỳ cách mạng đặt ra. Người làm tuyên giáo có nghiệp vụ báo chí sẽ hỗ trợ nhiều cho cách quan sát, nhìn nhận, suy ngẫm về sự kiện, về vấn đề đặt ra để xử lý thông tin và loan tin cho chính xác. Cho nên, nghề báo đích thực là cánh tay phải, nhưng cũng là trái tim của tuyên giáo. Báo chí là bạn đồng hành, là chuyển tải kép với người làm tuyên giáo. Thông tin báo chí luôn xoáy vào những vấn đề cuộc sống đặt ra. Theo sát, bám chắc những chủ đích của Đảng do tuyên giáo định hướng. Làm lãnh đạo tuyên giáo, nếu am tường báo chí, am tường văn học nghệ thuật sẽ vững vàng, tự tin trong chỉ đạo, không khi nào sợ chệch hướng!... Hẳn là như thế, nên kể từ khi nhập vai Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, Vân Chương vẫn say như điếu đổ với nghề báo. Viết nhiều hơn, khỏe hơn và hay hơn. Tôi hỏi cốt để chia sẻ:

- Chức trọng, quyền cao, hướng viết tới và cách viết tới của ông sẽ có gì thay đổi? Ông đáp. Giọng chân tình:

- Nghề báo - Người viết báo phải lấy đạo đức nghề nghiệp làm trọng, làm đầu. Viết gì cũng phải hướng đến người đọc, người nghe, người xem. Cha ông ta dạy rồi: “Viết sao cho lọt tai người/ Để người cùng khóc, cùng cười với ta”. Đương nhiên đó là việc khó. Muốn viết hay thì phải rèn rũa liên tục. Cũng như các nhà báo chuyên nghiệp, tôi vẫn viết về những vấn đề thời sự cuộc sống đặt ra. Nhưng, đặc biệt chú trọng hơn vào đề tài và chủ đề về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng. Về chủ đề an ninh quốc phòng - Thế trận lòng dân ở Điện Biên. Viết về tình người. .. Âu cũng là cách để đáp nghĩa, đáp tình nơi đã dung dưỡng Chương khôn lớn, trưởng thành suốt ba mươi mấy năm qua. Nơi tình người đúng như ai đó từng viết, họ luôn coi: “Người dưng như người nhà” và “ Tiền là phấn thổ/ Tình là thiên kim”!

 
Nhà báo Nguyễn Uyển

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây