Nữ phóng viên ảnh tác nghiệp mùa dịch cực gấp bội lần

Thứ sáu - 07/08/2020 12:07
Làm báo một nghề rất vất vả và đối với một nữ phóng viên ảnh tác nghiệp trong mùa dịch Covid-19 còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Để vượt qua được, người phóng viên bắt buộc phải nuôi dưỡng được niềm đam mê và khát vọng cống hiến.

Để hiểu hơn về nữ phóng viên ảnh tác nghiệp trong mùa dịch COVID-19, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nữ phóng viên Duyên Phan - Báo Tuổi Trẻ.

Nỗi lo lắng tạm thời bị đẩy lùi về phía sau

Đối với phụ nữ muốn bước vào nghề báo đòi hỏi phải có niềm đam mê, có đam mê sẽ vượt qua nhiều thách thức. Khác với nam giới nữ phóng viên nếu muốn hoàn thành tốt công việc và có một sản phẩm chất lượng, phải hy sinh hơn nam giới rất nhiều. Đó là thời gian chăm sóc gia đình, thời gian làm đẹp, nấu ăn, thời gian vui vẻ cùng bạn bè và rất nhiều những đặc quyền khác đáng ra phái yếu được hưởng.

Hơn nữa là nữ phóng viên đã cực, nữ phóng viên ảnh thì lại cực hơn gấp bội lần. Duyên Phan cho biết: “Dụng cụ tác nghiệp của tôi không chỉ đơn giản 1 quyển sổ, máy ghi âm hay máy tính như những phóng viên viết khác mà lúc nào cũng phải mang theo một khối lượng máy móc lớn cho việc chụp ảnh. Tôi phải di chuyển liên tục và có mặt ở hiện trường trong mọi trường hợp dù là địa điểm đó có ở gần hay cách xa, ngày hay lúc nửa đêm”.
111
Nữ phóng viên Duyên Phan - Báo Tuổi Trẻ.
Với tinh thần đưa tin chính xác, kịp thời đến độc giả theo hơi thở cuộc sống. Mọi phóng viên báo Tuổi Trẻ đều được cơ quan hướng dẫn trang bị kiến thức kỹ lưỡng và chỉ tác nghiệp ở khu vực cho phép, đảm bảo các quy định an toàn y tế, luôn làm theo hướng dẫn của các y bác sĩ.

Nhớ lại những lần tác nghiệp mùa dịch, Duyên Phan cho biết: “Tôi không ít lần tiếp xúc với bệnh nhân dương tính, những ca nghi nhiễm hay những khu vực cách ly, rất lo lắng, nhưng là một phóng viên trẻ ai cũng khao khát mang thông tin nhanh và chính xác nhất về cho bạn đọc của mình nên nỗi lo lắng tạm thời bị đẩy lùi về phía sau”.

Trong bài “Trắng đêm chuyển người vào khu cách ly” Duyên Phan đã đồng hành cùng các nhân viên y tế đi đón ca nghi nhiễm từ KTX Đại học Quốc gia TP.HCM về Bệnh viện quận Bình Thạnh để cách ly. Thời gian cả đi về và chờ đợi tầm 4 tiếng đồng hồ, trong trang phục đồ bảo hộ chị theo chân các nhân viên y tế. Kể lại thời điểm đó Phan Duyên chia sẻ “Càng về đêm khiến chúng tôi càng khó chịu và mệt mỏi vì quá nóng và ngột ngạt, trong trang phục bảo hộ kín mít rất khó thở, mắt kính thì nhòa đi vì hơi thở trắng đục bám vào tròng kính khiến ngay cả việc di chuyển cũng gặp khó khăn”.
111
Ảnh trong bài "Trắng đêm chuyển người vào khu cách ly" của tác giả Duyên Phan.
“Sau khi đưa ca nghi nhiễm đến địa điểm cách ly, tôi phải ngồi trong xe chờ khử trùng xe khoảng nửa tiếng mới được bước ra ngoài, lúc đó tôi cảm giác mình không thể trụ được nữa may mắn thay việc khử trùng đã diễn ra xong, bước ra khỏi xe cảm giác mình được sống lại. Nhưng sau đó, nhìn lại tôi thật sự thấy thương các y bác sĩ, nhân viên y tế khi ngày ngày khoác lên bộ đồ bảo hộ để trực chiến mùa dịch” Phan Duyên tâm sự.

Bảo đảm an toàn cho bản thân chính là đảm bảo cho mọi người

Nghề báo cũng mang lại cho chúng ta rất nhiều niềm vui và hạnh phúc. Mỗi chuyến tác nghiệp, chúng ta có được những trải nghiệm thú vị, mới mẻ, được tiếp thu nhiều kiến thức phong phú trong cuộc sống, được thỏa sức sáng tạo trên từng trang viết. Tuy nhiên, nghề báo là nghề đặc biệt nhọc nhằn.

Duyên Phan nhớ lại lần tác nghiệp bên trong khu cách ly bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Khi vào bên trong phải khoác trên mình bộ đồ bảo hộ nặng gần 2kg, khẩu trang N95, găng tay, nón, bao giày, kính che mặt, liên tục sát khuẩn tay cùng với lời dặn dò kỹ lưỡng từ các y bác sĩ để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
111
Phóng viên ảnh Duyên Phan tác nghiệp tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Chị nhớ lại: “Anh điều dưỡng dặn tôi nếu khó thở em phải nói liền vì nó sẽ không hề dễ chịu chút nào và đúng thật như thế sau hơn 1 tiếng khoác đồ bảo hộ lên người, tác nghiệp trong phòng không máy lạnh, mồ hôi bắt đầu toát ra khiến toàn thân ướt đầm đìa. Tôi bắt đầu khó thở, tay chân run lên. Toàn bộ dụng cụ như máy ảnh, máy quay khi vào cách ly đều phải bọc trong nilon và tiến hành phun khử trùng. Tôi phải luôn cố gắng nín thở để không làm mờ kính và lúc đó mới nhìn thấy nhân vật để chụp”.

Trải qua mỗi lần tác nghiệp, người phóng viên yêu nghề sẽ luôn rút ra được những kinh nghiệm những bài học. Theo Duyên Phan kinh nghiệm của chị là phải tuân thủ các quy định của ngành y tế, đảm bảo an toàn cho bản thân là điều quan trọng nhất, tránh để bản thân trở thành gánh nặng của ngành y tế vào thời điểm nhạy cảm này. Ngoài ra thông tin phải chính xác, phải có ý kiến của người có quyền phát ngôn để đảm bảo đầy đủ, khách quan và trung thực.

Trong mùa dịch, mọi thông tin đều phải đầy đủ và nhanh chóng, người phóng viên tác nghiệp trong mùa dịch bắt buộc phải cập nhật thường xuyên diễn biến dịch ở những nguồn chính thống. Mạng xã hội nay phát triển tạo ra sự cạnh tranh, phóng viên làm thời sự phải thu thập thông tin nhanh hơn, thậm chí phải thông tin "độc" để lôi cuốn độc giả. Theo Duyên Phan “Để nhanh thì phải xây dựng mạng lưới thông tin khắp nơi để đảm bảo không bị lọt tin và cần thiết hỏi thăm nguồn tin liên tục để có thông tin gì mình sẽ được báo sớm”.
111
Phóng viên ảnh Duyên Phan (phải) Báo Tuổi Trẻ trong một lần đi tác nghiệp.
Nghề báo chưa bao giờ dành cho người muốn sự nhàn hạ và không có sự kiên định. Đã chấp nhận sống với nghề là chấp nhận hy sinh thời gian của bản thân, chấp nhận áp lực tin bài, áp lực thời gian và ngay cả áp lực từ dư luận. Ở mùa dịch phóng viên tác nghiệp sẽ chịu thêm áp lực tin bài rất lớn, bên cạnh đó là nguy cơ lây nhiễm không chỉ ở tại các điểm nóng mà còn ở chính trong cộng đồng.

Với tính chất đi nhiều, tiếp xúc nhiều người phóng viên càng phải cẩn trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên ở góc độ nào đó, mùa dịch cũng tạo thử thách để đội ngũ phóng viên có thể vượt qua, cống hiến, rèn luyện trưởng thành và càng thêm yêu nghề. Duyên Phan tâm sự: “Đối với tôi có lẽ nghề chọn mình nên đến bây giờ tôi với nghề báo vẫn cứ quấn chặt lấy nhau, dù có lúc thăng trầm, phong ba và cả sự nghiệt ngã”.
 
Nhật Nam/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây