Nhà báo Ánh Nguyệt: Đi để ý thức hơn về công việc của mình

Thứ năm - 30/07/2020 09:13

 “Nếu đi một ngày đàng học một sàng khôn thì không biết suốt những năm qua tôi đã tích lũy cho mình bao nhiêu sàng, chỉ biết rằng tôi bây giờ đã chín chắn, trưởng thành hơn từ những chuyến công tác như vậy"- nhà báo Ánh Nguyệt, Phòng Dân tộc, Đài Phát thanh – Truyền hình Cao Bằng, chia sẻ.

111
Nhãn

Biết ngôn ngữ để chiếm được niềm tin của nhân vật

Gặp và trò chuyện với Ánh Nguyệt thấy chị tự tin, năng động, xông xáo, nhiệt huyết, không ai nghĩ rằng trước đây chị là một người nhút nhát, tự ti, khép kín. Sau khi trở thành cô sinh viên trường báo, chị dần thay đổi mà chính chị cũng không ngờ tới. Chị nói nhiều hơn, cởi mở hơn, giao tiếp nhiều hơn với những người xa lạ. Chị có cái nhìn đa chiều hơn với mọi sự việc, cảm thông hơn với những câu chuyện mình tìm hiểu được. Khi tác nghiệp, chị quên mất mình đang đứng giữa hội trường rộng lớn, chỉ còn sự say sưa cho đến khi công việc hoàn thành. "Dù biết công việc của một nữ phóng viên đã vô cùng vất vả, lại còn là phóng viên vùng cao, thế nhưng nếu lựa chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn nghề báo" - Ánh Nguyệt hào hứng bắt đầu câu chuyện nghề nghiệp.

Quê hương Ánh Nguyệt là một vùng đất giàu truyền thống và đậm đà bản sắc dân tộc và chị đã luôn ý thức được việc chọn mảng văn hóa để khai thác. Tìm hiểu và viết về những nghi lễ của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô…Mỗi chuyến đi đều đem lại cho chị cảm giác hào hứng và mong chờ. Chị ấn tượng với những câu hát then của đồng bào Tày Nùng, ngạc nhiên với quy mô của lễ cấp sắc 12 đèn của đồng bào Dao, ấn tượng với văn hóa và sự đoàn kết của cộng đồng người Mông và đặc biệt thích thú những nét văn hóa còn nguyên sơ, sức sống mạnh mẽ và bền bỉ của các nghi lễ người Lô Lô lưu giữ…Mỗi trải nghiệm về văn hóa các dân tộc chị lại tích lũy cho mình những kinh nghiệm quý báu, hay ho. Chị bảo, cuộc sống của chị như một bức tranh mà mỗi ngày, mỗi chuyến đi đều là mỗi mảng màu vô cùng rực rỡ.

Là phóng viên tác nghiệp vùng cao, Ánh Nguyệt phải hòa mình vào với đồng bào, đem sự nhiệt thành, thân thiện đến với bà con. Một điều khá quan trọng nữa đó là ngôn ngữ, bởi một số vùng người dân không nói được tiếng Việt, muốn giao tiếp được phải có cán bộ địa phương đi theo làm phiên dịch. Chị đã từng chứng kiến sự tiếp đón hoàn toàn khác hẳn nhau khi đến bản làng người Mông ở xã Đức Xuân, huyện Hòa An. Lần đầu tiên chị đến cùng đồng nghiệp người Tày, nhóm phải nhờ cán bộ xã dẫn đường và trao đổi. Người dân đã tiếp nhóm bằng thái độ hờ hững, thậm chí không mời vào nhà uống nước, xin phép ghi hình họ từ chối, chuyến đi của nhóm coi như thất bại. Lần thứ 2 quay trở lại vùng đất đó cùng với một đồng nghiệp người dân tộc Mông, lần này mọi thứ hoàn toàn khác.
Ánh Nguyệt chia sẻ: "Không biết đồng nghiệp của tôi đã nói những gì bằng tiếng Mông, thế nhưng thái độ của những người dân mới chỉ cách đó vài tháng còn tỏ ra nghi ngờ chị thì nay khác hẳn 360 độ. Thế mới thấy cùng tiếng nói quan trọng đến thế nào, chỉ cần cùng ngôn ngữ thôi họ đã thân quen như đón bà con xa trở về. Chuyến đi đó chúng tôi không chỉ hoàn thành công việc, mà một bác cao tuổi còn cao hứng đem khèn và sáo Mông ra hát say sưa. Cho dù nghe không hiểu gì nhưng chị cũng cảm nhận được sự gần gũi và cởi mở của những con người nơi đây". 

111
Nhà báo Ánh Nguyệt tác nghiêp

Đi để ý thức hơn về công việc của mình

Dù là vùng đất đậm đà bản sắc, nhưng quê hương chị – mảnh đất biên cương phên dậu của Tổ quốc còn rất nhiều khó khăn, đời sống đồng bào vùng cao còn nhiều thiếu thốn. Chị nhớ như in chuyến ghi hình của một học sinh tiểu học tại huyện Bảo Lâm – huyện xa xôi nhất của tỉnh, để đến nhà em phải trèo đèo, vượt suối, đi qua 2 vạt núi cao, đường đi vô cùng hiểm trở với đá tai mèo nhọt hoắt, có những đoạn phải bò 4 chân tay để đi. Sau khi vượt lưng chừng đỉnh núi thứ nhất, các nhà tài trợ bỏ cuộc, dừng nghỉ lưng chừng núi.

Chị và cả ekip thống nhất lại và tiếp tục hành trình đến gia đình em dù lúc đó ai cũng thấm mệt và nghĩ đoạn đường phía trước còn một đỉnh núi phải vượt qua mà ái ngại. Lúc đó chị cũng không biết động lực từ đâu, chỉ động viên cả nhóm cố gắng, bởi các em học sinh vùng cao ngày ngày đi trên con đường này để đến trường được, chẳng lẽ chúng ta lại không một lần đến được gia đình các em hay sao? Sau những chuyến leo núi như vậy, hoàn thành chuyến đi cũng là lúc mọi người rã rời, chân tay đau nhức đến tận 3 hôm sau leo cầu thang bắp chân vẫn nhức nhối.

Nhưng những chuyến leo núi luôn làm chị thấy hứng thú, vì càng những chỗ khó đến nơi thì người dân nơi đó lại càng nhiệt tình và mến khách. Khi chị đến, dù là người xa lạ nhưng đồng bào sẵn sàng thịt con gà mái duy nhất trong chuồng để tiếp đón, sẵn sàng dành những miếng thịt treo gác bếp ngon nhất dành Tết để tiếp đón nhóm phóng viên, dù có từ chối cùng không được. Nói như vậy để thấy rằng, người vùng cao luôn chân thật và mến khách. Suốt 8 năm gắn bó với nghề, chị không thể nào kể hết những chuyến leo núi của mình, có lẽ chị là một trong số không nhiều phóng viên trẻ tác nghiệp ở những địa bàn vùng núi như vậy. Chị leo núi cho tới giờ không còn cảm giác đau nhức bắp chân nữa bởi đôi chân đã quen với sự rèn luyện. 

Chuyến leo núi ấn tượng nhất với chị là cùng nhóm thực hiện chương trình và các cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Lũng Nặm, huyện Hà Quảng đến thăm tổ công tác Kép Thất. Nơi đây không có điện, không có nước, không có sóng điện thoại, chỉ có những người lính biên phòng. Trên quãng hành trình nhóm phóng viên đi, những người lính phải tranh thủ gùi những can nước được hứng ở mỏ nước trong rừng mang theo để sinh hoạt. Nhóm leo chừng 5km, rừng núi càng rậm rạp hơn, có biển báo bằng bê tông với hàng chữ khu vực biên giới. Trên con đường mòn xuyên qua núi, vừa đi vừa phát cây để tìm lối đi, các cán bộ chiến sĩ biên phòng trêu đùa để nhóm quên đi mệt mỏi bằng những câu chuyện về “tắm gió”, săn thú rừng…

Đi bộ xuyên rừng chừng 10km, tổ công tác biên phòng là một lán nhỏ dựng bằng cây rừng, phủ bạt và phủ lá cây hiện ra trước mặt. Phía xa xa gần đỉnh núi là cột mốc đánh dấu chủ quyền biên cương. Lắng nghe câu chuyện cười của các đồng chí biên phòng mà cả đoàn ứa nước mắt vì thương.

Đúng là vì nhiệm vụ, vì từng tấc đất quê hương mà các chiến sĩ phải thay phiên nhau ra giữa rừng, nơi thiếu thốn mọi thứ để hằng ngày bám trụ. Nơi đây, những gốc ngô, khóm gừng bộ đội biên phòng trồng trên núi cao thăm thẳm này chính là những “cột mốc” nơi rừng xanh. Từ giây phút đó, Ánh Nguyệt cảm nhận sâu sắc và sự thiêng liêng của hai tiếng “Chủ quyền”, khâm phục hơn những đóng góp thầm lặng của những người lính biên phòng nơi phên dậu Tổ quốc, và thêm ý thức được trách nhiệm trên vai người làm báo của vùng cao Cao Bằng.
 

Xuân  Bách
(Báo Nhà báo&Công luận)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây