Báo Pháp luật & Xã hội: “Quyết đoán ngỡ ngàng” làm nên thành công!

Thứ hai - 20/07/2020 12:23

Nhân kỷ niệm sinh nhật báo Pháp luật & Xã hội tròn 14 tuổi, Báo điện tử congluan.vn xin được giới thiệu bài viết "Tự hào - Người Pháp luật & Xã hội" của nhà báo Phong Anh - một nhà báo đã có nhiều kỷ niệm gắn bó với tờ báo Pháp luật & Xã hội từ những ngày đầu thành lập.

Trong suy nghĩ của mỗi chúng tôi đều tự hào vì được góp sức trẻ, tuổi xuân cho mái nhà Pháp luật & Xã hội. Ở nơi ấy, chúng tôi đã được sống quãng đời đẹp đẽ nhất. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, chúng tôi những người Pháp luật & Xã hội thêm kiên tâm bền trí để vững bước, dẫu biết phía trước còn lắm gian truân.5 năm, “quãng thời gian ngắn”.

Tháng 8/2001, khi đó tôi mới 22 tuổi, vừa ổn định công việc tại một tờ báo đất Sài Gòn thì nhận được tin của ông chú: “Sở Tư pháp Hà Nội đang có Bản tin Pháp luật Thủ đô, thời gian ngắn nữa là nâng cấp thành tờ báo, mày về mà làm, chứ lang thang mãi thế không được…”. Vừa nghe lời ông chú cũng là bị tiếng gọi của “trái tim” thúc giục, tôi vội vàng thu xếp về Hà Nội.

Bản tin Pháp luật Thủ đô chỉ có 2 người là anh Nguyễn Bình - Trưởng ban Thư kí tòa soạn báo An ninh Thủ đô vừa chuyển công tác sang từ tháng 4/2001. Người nữa là chị Võ Thúy Quỳnh hiện đang là Phó trưởng phòng trị sự của báo Pháp luật & Xã hội. Gặp tôi, anh Nguyễn Bình liếc qua một lượt rồi phán: “Có vẻ khỏe mạnh, chắc chắn nhỉ!”.

Nói về anh Nguyễn Bình - Tổng biên tập đầu tiên của báo Pháp luật & Xã hội, suốt 17 năm gắn bó giúp việc cho anh có lẽ tôi là người bị anh mắng nhiều nhất. Kể cả khi đã là cấp phó trong cơ quan, có những lúc tôi vẫn bị anh mắng tối tăm mặt mày, không còn chút thể diện nào trước các đồng nghiệp. Những lúc đó vừa sợ vừa giận, cái giận tím mặt của thằng trai trẻ bồng bột. Giờ ngẫm lại, tôi hiểu những trận mắng đó giúp rất nhiều trên bước đường lập thân. Anh Nguyễn Bình là người xuề xòa, dễ tính trừ trong công việc và ẩm thực.

Không chỉ có tôi mà các đồng nghiệp trong cơ quan hầu như ai cũng bị anh mắng, đằng sau mỗi trận mắng là một bài học rất sâu về nghiệp vụ. Nói vậy không có nghĩa là động chút là ăn mắng, những lỗi nghiệp vụ lần đầu thì anh nhắc, chỉ bảo. Nhưng vẫn lỗi đó mà mắc lại lần sau thì chỉ còn nước “vuốt mặt không kịp”.
111
Đảng viên Chi bộ báo Pháp luật & Xã hội tham dự Đại hội Đảng bộ Cơ quan Sở Tư pháp.
Thời gian sau, Bản tin Pháp luật Thủ đô còn có Phương Hoa, Hải Lý, chị Nguyễn Thị Vĩnh, Phong Lan, Phước Long, Tú Anh, Ngọc Quang, Mai Hương, Ngọc Trâm… về làm việc. Hồi đó không ai nghĩ cái “thời gian ngắn” mà ông chú tôi nói kéo dài đến 5 năm. Chừng đó thời gian khiến nhiều người không đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Có lần anh Nguyễn Bình tâm sự: “Để xin được cấp phép xuất bản báo hồi đó có lẽ phải tốn đến hàng chục kg giấy tờ hồ sơ”. Tôi là người giúp việc trực tiếp cho anh nên hiểu rõ điều đó. Chỉ việc quyết định tên tờ báo cũng mất rất nhiều cuộc họp giữa các cơ quan với Sở Tư pháp TP.

Ban đầu, Sở muốn khôi phục tên báo “Pháp luật & Đời sống” nhưng hồi đó đã có báo “Đời sống & Pháp luật” của Hội Luật gia Việt Nam nên việc này không được chấp thuận. Cuộc họp sau cuối, các cơ quan thống nhất tên báo “Pháp luật & Xã hội”. Ngày báo được cấp phép xuất bản, lứa chúng tôi hồi đó vui vì sắp được làm báo ở môi trường chuyên nghiệp. Riêng anh Nguyễn Bình thì vẫn điềm tĩnh, lúc đó tôi biết anh Bình đang nghĩ đến chặng đường phía trước…

Tin báo sắp xuất bản cũng là rất nhiều hồ sơ xin tuyển dụng gửi về Sở Tư pháp TP. Sở mở đợt sát hạch tuyển dụng. Lứa chúng tôi cũng không ngoại lệ. Làm việc đến 5 năm mà giờ vẫn phải sát hạch như những người mới, tôi đem những băn khoăn đó gặp anh Nguyễn Bình. Anh Bình bảo: “Anh muốn sau này chúng mày phát triển mà không ai nói được vào đâu”. Điều này làm chúng tôi bừng tỉnh đúng là “khôn đâu đến trẻ”…
111
Tổng Biên tập Nguyễn Xuân Khánh khi còn là Trưởng phòng Bạn đọc.
Những thách thức…

Chuẩn bị xuất bản báo mà cơ sở vật chất chỉ có 2 phòng làm việc tại số 6 phố Dã Tượng với vỏn vẹn 8 nhân sự, vài bộ máy tính cấu hình thấp. Những đồng nghiệp cũ của anh Nguyễn Bình từ báo An ninh Thủ đô: Chú Xuân Viễn, các anh Hoàng Ngọc Châu, Quốc Bình, Việt Anh… luôn chân thành và nhiệt tình giúp đỡ. Ngày 20/7/2006, báo Pháp luật & Xã hội xuất bản số báo đầu tiên… Những cán bộ PV đầu tiên của báo nhiều lúc ngồi lại vẫn hỏi nhau không hiểu tại sao có thể vượt qua giai đoạn đó.

Những số báo đi nhà in vào 2g sáng, nhiều hôm máy móc hỏng phải đến nhà anh Quốc Bình để chế bản. Tổng biên tập quần ống thấp, ống cao vừa lo gọi tin bài vừa lo cơm hộp bữa trưa cho anh em. Cán bộ PV hồi đó việc gì cũng lao vào làm xăng xái, riêng tôi ngày đi viết tin bài, tối các ngày chuẩn bị xuất bản báo thì phụ giúp biên tập, lo in ấn, phát hành. Nhiều hôm in báo xong lúc 3g sáng, tôi đành ngủ lại nhà in để kịp phát hánh báo lúc 5g. Số báo thứ hai, thứ ba… xuất bản đều đặn hàng tuần bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của những người Pháp luật & Xã hội lúc đó.

Báo in rồi, vì là thương hiệu mới nên chưa được bạn đọc đón nhận nhiều, tỷ lệ báo đại lý trả lại cao đôi lúc cũng làm tôi nao núng. Riêng chị Trịnh Tuyết, Trưởng phòng Trị sự, kế toán của báo thì lo lắng đứng ngồi không yên. Làm sao để được bạn đọc đón nhận là câu hỏi lớn lúc đó đối với Pháp luật & Xã hội.
111
Nhiều năm qua, công tác thiện nguyện, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn luôn được báo PL&XH quan tâm, thực hiện.
“Quyết đoán ngỡ ngàng” làm nên thành công!

Trong cuộc họp bàn về các giải pháp phát hành, Tổng biên tập Nguyễn Bình kết luận sẽ xuất bản thêm 1 số báo vào Chủ nhật hàng tuần. Kết luận này làm mọi người ngỡ ngàng, 1 số/tuần còn chưa bán được, 2 số thì bán cho ai? Anh Nguyễn Bình kiên quyết: “Tôi chịu trách nhiệm”.

Quả nhiên anh Nguyễn Bình đúng! Những dòng tin thời sự cập nhật trên hai số báo/tuần đã khiến bạn đọc biết đến báo Pháp luật & Xã hội nhiều hơn. Số lượng phát hành cũng tăng đáng kể từ 5nghìn tờ/số báo lên đến 10 nghìn tờ rồi 20- 30 nghìn tờ. Có nhiều số báo phát hành 90 nghìn bản/số. Báo Pháp luật & Xã hội cũng tăng kì xuất bản thành nhật báo. Mạng lưới phát hành báo Pháp luật & Xã hội phủ rộng ba miền Bắc, Trung, Nam. Nhiều người Pháp luật & Xã hội vẫn nhớ hình ảnh các đại lý xếp hàng trước cổng Cty in báo Hà Nội Mới để được phân phối báo Pháp luật & Xã hội. Có số báo in nối bản lần 3 cũng không đủ nhu cầu bạn đọc khiến các đại lý phải bán bản photocopy.

Giai đoạn khó khăn nhất đã vượt qua, người Pháp luật & Xã hội đã tạo nền móng vững chắc trong lòng bạn đọc để làm cơ sở vững chắc cho bước phát triển tiếp theo. Năm 2013, báo Pháp luật xã hội điện tử được cấp phép hoạt động, năm 2016, 3 chuyên trang điện tử của báo Pháp luật & Xã hội chào làng báo thực sự đã trở thành những kênh thông tin tuyên truyền hữu ích được bạn đọc đón nhận.

Lứa cán bộ, PV ngày đầu anh em chúng tôi như: Võ Thúy Quỳnh, Đỗ Phương Hoa, Nguyễn Hải Lý, Đỗ Minh Tuấn, Trịnh Thị Tuyết, Nguyễn Tuyết Mai, Tống Lan Anh giờ cũng nắm giữ những vị trí chủ chốt của tòa soạn. Những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi giờ đã ngoài 40 tuổi, có những anh chị đã đã lên ông lên bà. Trong suy nghĩ của mỗi chúng tôi đều tự hào vì được góp sức trẻ, tuổi xuân cho mái nhà Pháp luật & Xã hội. Ở nơi ấy, chúng tôi đã được sống quãng đời đẹp đẽ nhất. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, chúng tôi những người Pháp luật & Xã hội thêm kiên tâm bền chí để vững bước, dẫu biết phía trước còn lắm gian truân.

Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành Ủy, HĐND, UBND, Sở Tư pháp TP Hà Nội, trong những năm qua báo Pháp luật & Xã hội luôn bám sát tôn chỉ mục đích là cầu nối giữa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân. Quá trình hoạt động, tập thể Báo và nhiều cá nhân của Báo được Bộ Tư Pháp, Thành ủy, UBND TP Hà Nội, Hội nhà báo Việt Nam tặng Bằng khen. Năm 2011, báo được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2016, báo Pháp luật & Xã hội vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Theo Phong Anh 
(Báo Nhà báo&Công luận)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây