Người ta nói sau tuổi năm mươi có thêm người bạn là khó vô cùng. Và để thành tri kỷ, một đời có khi chỉ một, hai người.
Tôi với anh Phạm Quốc Toàn cùng nghề nhưng lại ở xa nhau, mỗi năm gặp nhau vài lần và về công việc là chính, không mấy khi có cơ hội hàn huyên chuyện vãn sự đời, ấy vậy nhưng tác giả “ký giả” đầy đặn trong tôi một sự tin cậy nghề nghiệp, một sự ân cần và trách nhiệm trong tình cảm bằng hữu.
Tôi dùng chữ “khun” (“ông”) trong tiếng Thái đặt tên cho bài viết ngắn này để nói về một khía cạnh khác trong cuộc đời vốn phong phú của anh, bởi với những đồng nghiệp báo chí Thái Lan, họ tìm thấy nơi “khun” Toàn sự thân thiện, chân tình, tin cậy hiếm có.
Năm 2007, tôi “chính thức” làm báo. Sở dĩ có ngoặc kép chữ chính thức là vì trước đó tôi chỉ là người bên cạnh, viết lách nghiệp dư dù có thời gian khá dài phụ trách một tờ Tạp chí của Học viện chính trị khu vực, hay mấy năm làm Tổng Biên tập tờ Tạp chí khoa học của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật thành phố Đà Nẵng. Dĩ nhiên, công việc viết báo tôi cũng có chút cố gắng từ thời học phổ thông, nhưng trở thành “nhà báo” và hội viên chính thức là từ thời điểm đó.
“Quan chức” cao cấp của Hội Nhà báo Việt Nam, tôi có dịp tiếp xúc đầu tiên là anh Phạm Quốc Toàn, bấy giờ là Phó Chủ tịch Hội phụ trách phía Nam. Tôi lấy làm vinh hạnh được anh xem là bạn vong niên. Sau này biết quá trình học báo chí bài bản, thâm niên nghề nghiệp vời vợi mấy chục năm, trải qua nhiều cấp hàm trận bút trang văn, càng khiến tôi mỗi khi nghĩ và nhớ về anh cứ âm ỉ cái mặc cảm mình là người đến sau, là người ngoại đạo. Nhưng rồi, qua thời gian, tôi nghĩ mình may mắn khi đến tuổi này mà còn có được một người bạn ân cần chu đáo và tin cậy.
Sau khi nghỉ quản lý, anh mới để ý nhiều đến chuyện sắp xếp để các bài báo vốn riêng biệt, “độc lập” thành tác phẩm có kết cấu chặt chẽ và theo một ý đồ khá hoàn chỉnh. Có quá nửa tác phẩm, anh viết mới hoàn toàn, rất bài bản và lớp lang. Do lợi thế có thời gian làm việc tại nhiều cơ quan báo chí khác nhau, từ một cơ quan báo lớn của đất nước, rồi về cầm trịch thời gian dài cơ quan ngôn luận của một Đảng bộ địa phương vào loại phát triển nhất phương Nam, do vậy anh có dịp đi, tiếp xúc và cảm nhận nhiều tầng hiện thực của các vùng đất, con người của cả nước.
Quá trình hoạt động phong phú ấy là nguồn cảm hứng luôn tươi mới tạo điều kiện cho anh viết khá nhiều, đặc biệt là ký sự nhân vật. Hầu như những bậc đại thụ trong làng báo Việt Nam trong mấy chục năm qua anh đều có dịp tiếp xúc, quen biết và cùng có cơ hội làm việc, do vậy anh có thể khắc họa một cách cô đọng và khá chính xác những gương mặt lẫy lừng định dạng cho tầm vóc nền báo chí nước nhà.
Có “nhân vật” được thể hiện nhiều chiều, nhiều sắc thái và nhiều lần tái hiện ở những tác phẩm khác nhau, kể cả viết thành tiểu thuyết, nhưng cũng có chân dung chủ yếu phản ánh một khía cạnh nào đó vốn là thế mạnh riêng của đối tượng. Có những hoài niệm về tuổi thơ, và cũng có cả tiểu thuyết.
Với mười lăm cuốn sách mà anh đều đặn xuất bản trong mấy năm qua, đủ để trở thành một “tập đại thành” giúp ta hiểu rõ hơn đời sống chính trị, xã hội của đất nước, chủ yếu trong thời đổi mới. Có quyển tôi đọc nhanh như yêu cầu của một tác phẩm chính luận hay ký sự nhân vật. Có bài đọc thật chậm, tôi nhận ra cái thân quen của những buổi chiều nắng vàng trên bến vắng. Cũng bến nước đường quê, cũng con trâu đầm mình dưới ruộng, hay cả những hy sinh của thời bom đạn chưa xa.
Tôi tìm được sự đồng cảm tuổi thơ vất vả và cái chữ nhọc nhằn để nuôi anh khôn lớn. Tôi lặng mình khi hình dung cái vòng tròn bằng cám mà người mẹ tảo tần của anh rải quanh cái nia, để con chó có nhiệm vụ giữ đứa bé lên một tuổi là anh liếm từng bụi cám để anh không thể bò ra khỏi cái vòng tròn ấy.
Tôi có dịp đi cùng anh tới một số nước. Ít thôi, nhưng đáng nhớ. Đoàn các nhà báo của Hội Nhà báo Việt Nam chính thức đi Mỹ năm 2013 do anh làm trưởng đoàn. 10 ngày dọc ngang những Thủ đô Washington, Arkansas, California... mỗi nơi ở mấy ngày ngắn ngủi nhưng để lại nhiều ấn tượng. Anh xông xáo phỏng vấn, cần mẫn ghi chép.
Vài lần đi công tác tại Lào, anh lịch lãm và chân tình trao đổi với phía bạn, nhưng có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất là sự gần gũi của anh với đồng nghiệp tới từ Thái Lan. Trong sự nồng ấm, chân tình và phối hợp chặt chẽ hiện nay giữa các nhà báo Việt - Thái, tôi nghĩ anh có vai trò độc đáo và lạ lùng.
Từ ông Bandhit Rajavatanadhanin, một nhà báo nổi tiếng, nguyên Tổng Biên tập Báo Bangkok Post danh giá, sau này ông là Chủ tịch Liên đoàn báo chí Thái Lan, Chủ tịch Liên đoàn báo chí các nước ASEAN; cho đến ông Amnat Jongyotying, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai, bà Chủ tịch, Tổng Biên tập Nhật báo Thai News; Tổng Biên tập Nhật báo Thairath, phát hành hơn 1 triệu bản/ngày; đến cô phóng viên trẻ tỉnh Chiang Rai... tất cả đều tìm thấy nơi “khun” Quốc Toàn sự thân thiện, chân tình.
“Khun” Toàn đi hầu như tất cả địa phương của Thái Lan, anh theo dấu chân Bác Hồ khi người lấy tên là Thầu Chín tại địa phương vùng Đông bắc Thái Lan: Udon Thani, Phichit, Nong Khai, Nakhon Phanom, Sakon Nakhon, Mukdahanrn, Amnat Charoen, Ubon Ratchathani...
Anh đến hàng trăm ngôi chùa không phải để nhìn ngắm sự choáng ngợp của màu vàng rực rỡ, mà chính là để hiểu cội nguồn của nền văn hóa Thái. Anh đã đi hàng trăm cây số trên các cánh rừng cao su và những cánh đồng lúa bạt ngàn xứ chùa Vàng, để biết vì sao nông sản của xứ sở ấy chinh phục thị trường xuất khẩu thế giới.
Anh tham quan hầu hết các cơ quan báo chí ở Bangkok cũng như các tỉnh Chiang Mai, Kanchanaburi, Phuket, Phetchabun, Nakhon Phanom... Anh ghi chép tỉ mỉ số liệu và bối cảnh, anh nêu nhận xét ở hầu hết sự kiện chính, và bao giờ cũng vậy, các bạn Thái tìm thấy nơi “khun” Toàn sự giản dị, khiêm tốn và một mực nhiệt thành.
Kết quả của những ghi chép từ những chuyến đi âm thầm, bền bỉ được anh ghi chép cẩn thận, in nhiều trên các báo, xuất bản tập du ký dày dạn “Xứ sở Chùa Vàng” (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ, 2015) và được dịch sang tiếng Thái.
Các bạn phóng viên nữ Thái Lan xúng xính một cách thích thú trong bộ áo dài mà các đồng nghiệp nhà Báo Đà Nẵng may tặng. Đêm giã bạn, nhìn các tà áo dài lộng lẫy trên hội trường, người ta không phân biệt đâu là phụ nữ Việt, đâu là Thái. Đấy chỉ là một trong rất nhiều đoàn các nhà báo Thái do “khun” Quốc Toàn “mai mối” và hướng dẫn. Vợ của một nhà báo lão thành ở Hà Nội qua đời, ông cố vấn cao cấp Liên đoàn báo chí Thái Lan Bandhit Rajavatanadhanin lặng lẽ dẫn đầu đoàn phóng viên Thái sang viếng, “khun” Quốc Toàn là người đón bạn và hướng dẫn lễ nghi.
Hằng năm, các bạn Thái “kết nghĩa” với những cơ quan báo Việt Nam đã đi thăm rất nhiều nơi, có người kể với tôi rằng, gần như đã đến tất cả các tỉnh của Việt Nam. Trên các chương trình và trang báo của bạn có nhiều phóng sự về Việt Nam, nhất là các phóng sự về môi trường kinh tế, về văn hóa, về làng quê Việt Nam...
Tôi nghe ông Amnat Jongyotying có lần nhận xét: Việt Nam có phong cảnh độc đáo, mỗi tỉnh tuy gần sát nhau nhưng cảnh sắc độc đáo rất khác nhau. Chính sự khác nhau đó là tài nguyên du lịch vô giá của Việt Nam. Qua anh Phạm Quốc Toàn, các đồng nghiệp Thái biết gần hết các danh thắng Việt Nam. Có thể đó là đoàn các nhà báo vùng bắc Thái Lan thăm động Phong Nha, Thiên Đường (Quảng Bình) đã sững sờ trước vẻ đẹp lộng lẫy, kỳ vĩ của hang động miền Trung.
Hay một đoàn khác từ Bangkok đến Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, để sau các chuyến đi ấy trên các báo Thái xuất hiện nhiều phóng sự phản ánh đặc trưng các vùng miền, nhất là nhìn thấy không khí lao động, thân thiện của người Việt. Dòng chảy liên kết giữa các nhà báo hai nước Việt - Thái phát triển mạnh mẽ và bền chặt, sâu sắc và hiệu quả hiện nay, có vai trò được thừa nhận rộng rãi của “khun” Toàn.
“Khun” Toàn không nhớ hết những lần đi Thái, nhưng anh không thể quên những lần ông Bandhit Rajavatanadhanin chạy xe hơn 60 km để mua cho các bạn Việt Nam những chiếc bánh chuối, và nói rằng các bạn ăn để gần gũi hơn về ẩm thực hai nước. Phạm Quốc Toàn nhiều lần đi dọc theo sông Chao Phraya, nhưng ấn tượng nhất là được một mình nhìn ngắm hai bên bờ phố sá Thủ đô nước bạn.
Anh đã cùng các bạn Thái đến hầu hết các địa phương nước Việt, có thể là vịnh Hạ Long, kỳ quan thế giới hay một vòng quanh đảo Cò độc đáo ở Hải Dương, có thể là Cần Thơ, và Đà Lạt, thủ đô hoa hay Tây Nguyên bạt ngàn bazan trù phú... tất cả để nối lại sự gần gũi, tin cậy của thông tin giữa hai nước.
Mục tiêu trở thành cộng đồng trên thực tế của một ASEAN năng động với hơn 600 triệu dân, với ba trụ cột chính về an ninh - chính trị, kinh tế và văn hóa, không thể thiếu vai trò của báo chí. Hội Nhà báo Việt Nam và các Liên đoàn Báo chí Thái Lan trong nhiều năm qua có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực góp phần vào hiện thực hóa mục tiêu trên, và “khun” Toàn hoàn toàn có thể tự hào là người đã góp sức trong sứ mệnh liên kết thông tin ấy.
Để trở thành cộng đồng, trước hết phải hiểu, phải biết và phải tin nhau, “khun” Toàn đã như một mũi kim khâu âm thầm nhưng bền bỉ kết nối tình bạn báo chí hai nước, để từ đó góp phần tạo ra sự phải lòng bền chặt giữa các nhà báo và nhân dân hai nước.
Anh em trước hết phải bắt đầu từ sự hiểu biết, tin cậy, và trong sứ mệnh cao cả ấy báo chí là lực lượng đi đầu. Không gì thay thế được báo chí trong việc tạo ra niềm tin chính trị và xã hội. Tôi vui vì được cùng anh góp phần làm cho niềm tin yêu - đời và nghề - thêm sinh động và lan tỏa./.