Tôi bị bắt mắt, bắt lòng suốt 393 trang tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” của Phạm Quốc Toàn, do Nhà XBVH-VN.TPHCM ấn hành quý 1/2019. Bắt mắt, bởi sách đẹp, trang nhã từ bìa đến ruột. Bắt lòng, bởi nội dung tiểu thuyết xoay quanh chuyện nghề báo, Hội báo mà tôi yêu quý. Phan Hoàng từng là sếp nghề, sếp hội của chúng tôi. Cho dù tác giả đã thay tên đổi họ các nhân vật thì đâu vẫn nguyên đấy, vì tôi và tác giả cũng là người trong cuộc lai rai một thời với Phan Hoàng (nhân vật nguyên mẫu trong tiểu thuyết)... Vậy mà, gấp sách lại thì Phan Hoàng và tác giả cứ bừng thức trong tâm trí tôi!...
Tác giả Phạm Quốc Toàn là người am tường, từng sống trong sự vụ, sự kiện; trách nhiệm cao với nghề báo với hộibáo, cho nên ngôn ngữ, chi tiết, luận bình sắc sảo, sát thực đúng mức, đúng chỗ. Nhân vật Phan Hoàng được ông xây dựng thành biểu tượng xuyên suốt tiểu thuyết về cái hay cái đẹp với nghề báo, nghiệp văn, với công việc của hội. Đời tư Phan Hoàng mang dáng dấp sử thi. Cho nên, nếu thay thể loại tiểu thuyết bằng ký sự nhân vật trên bìa sách thì chất sử thi vẫn bừng lên như thế. Cái tài của tác giả là chọn thể loại tiểu thuyết để chuyển tải nội dung thật, có tính lịch sử, bởi nó là loại văn xuôi có hư cấu. Mà hư cấu “Từ bến sông Nhùng” chủ yếu là viết chệch tên, chệch họ, là tả, là thuật chút ít khi nhân vật xuất hiện, sự việc mới nẩy sinh. “Từ bến sông Nhùng” lôi cuốn, hút người đọc là vì tác giả viết về nhân vật có thực, việc thực, sự vụ này nọ bằng cảm xúc mãnh liệt; yêu thương, kính trọng hết mình; bức bối, giận hờn nung nấu từ con tim, từ gan ruột dồn nén thành cái hay cái dở làm nên tính cách riêng có của từng nhân vật. Suốt quá trình trưởng thành và phát triển của Phan Hoàng được tác giả viết dưới dạng tự sự, trần thuật, hoặc qua nhân vật phụ thuật lại. Theo đó, nhờ sức khái quát tài tình của tác giả đã tạo nên một xã hội thông tin, một đời sống báo chí sống động, cởi mở với những vấn đề nẩy sinh từ nghề nghiệp nghiệt ngã, từ quy định đạo đức nghiêm cẩn. Cái đúng, cái sai, cái hay, cái tốt; cái sạch, cái bẩn; thậm chí quyền chức, đố kị, kèn cựa, thủ đoạn, vây cánh thông tin theo kiểu “đánh hội đồng” gây nên tội lỗi, phải ngồi phòng kín bóc lịch cũng có. Những góc cạnh đa chiều đa dạng ấy khiến cho Phan Hoàng phải trực diện giải quyết, chỉ đạo giải quyết, càng khiến cho ông nổi lên như biểu tượng đẹp về sức cảm hóa, về chất nhân văn, trí tuệ, về phẩm chất quyền uy sáng đẹp của người lãnh đạo!
Kết cấu chương mục “Từ bến sông Nhùng” linh hoạt, theo dòng sự kiện như sở trường riêng có của tác giả. Ông lấy cái vừa xẩy ra của hôm qua, hôm nay để rồi nói cái ngày xửa ngày xưa. Ấy là sự kiện Nhà Đài nơi Phan Hoàng kế tiếp người tiền nhiệm, viết đẹp thêm lịch sử vinh quang của Tiếng nói Việt Nam, vinh danh và trang trọng mừng Phan Hoàng 90 tuổi đời-7O tuổi nghề. Nói theo nghề báo thì đó là phần vào bài. Vào theo cách này hay và hoành tráng, vì bao nhiêu lời to tát, tốt đẹp nhất đều dồn vào đây; phần thân bài, phần chính yếu sẽ khó hay, khó hấp dẫn. Nói theo văn chương thì đó là kết cấu kiểu luận đề. Ấy vậy mà Phạm Quốc Toàn vẫn sắp đặt yên ả. Không khuôn mẫu, không gò bó, rất linh hoạt, vẫn có chương hồi. Càng đọc càng hay, cuốn hút, thu phục bởi tư liệu, bởi chi tiết, bởi sự kiện, bởi cuộc đời với công việc kể cả những nét riêng tư của Phan Hoàng, tác giả đều thấu hiểu từ chân tơ kẽ tóc. Không có trí nhớ, không có kiến thức, không ham đọc, không chịu khai thác, cất giữ tư liệu, không đam mê nghề báo nghiệp văn, không mặn nồng đằm thắm viết lách thì làm sao nói một thành 5 thành 7 như tác giả. Ông viết về Phan Hoàng - nhân vật uyên bác, dồi dào năng lực với nghề, chịu học, học sâu, hiểu rộng, thông thạo ngoại ngữ quốc tế Anh, Pháp nên giúp chúng ta thấu hiểu hơn về lịch sử hình thành báo chí Đông Tây; báo chí cách mạng Việt Nam; lịch sử hình thành và phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam dưới sự chỉ dẫn và lãnh đạo sát sao của Bác và Đảng kính yêu!
Người sao, văn vậy. Tình người nhân văn, tình bạn đằm thắm. Sâu sắc, thẳng thắn, nhẹ nhàng. Chịu nghe, cẩn trọng; không đao to búa lớn khi cần rành rõ đúng sai... ấy là phẩmhạnh nổi trội của Phạm Quốc Toàn. Nhờ phẩm hạnh ấy nên ông dễ đồng cảm, đồng chí, đồng nghiệp, đồng tình với Phan Hoàng nhân vật thật ngoài đời, cho dù Phan Hoàng lớn hơn ông tới gần 2 lần con giáp. Phẩm hạnh ấy nên ông chọn đề tài chính trị - xã hội cho tiểu thuyết; chọn phong cách văn phong thể hiện nhẹ nhàng, tinh tế, không làm nhân vật phản diện (ám chỉ) có thực ngoài đời nổi đóa. Nhìn toàn bộ nội dung không hề thấy có xung đột cá nhân và xã hội mà chỉ là cá nhân với cá nhân. Song, từ các nhân vật tốt, đặc biệt là Phan Hoàng khiến người đọc luôn luôn cảm thấy như được thôi thúc, được bồi bổ sinh khí để sống tốt, sống đẹp hơn, trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội hơn với nghề nghiệp, với cuộc đời.
“Từ bến sông Nhùng” dưới dạng tiểu thuyết mở. Tác giả tả, thuật nhân vật Phan Hoàng rất đa diện, rất giàu chi tiết, can dự rất nhiều vào sự kiện, sự việc của thời cuộc, thời đại từ phóng viên tác nghiệp, đến dịch thuật “Ngàn lẻ một đêm” đến, lãnh đạo báo chí, quản lý báo chí, Tổng Giám đốc báo nói, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, và các chức vị cao trong báo giới quốc tế và khu vực... Dạng tiểu thuyết mở mà Phạm Quốc Toàn chọn dung chứa hiện thực khá rộng lớn cả về không gian và thời gian. Cùng với nhân vật chính thì cũng là nơi trú ngụ của rất nhiều các nhân vật nhà báo, thậm trí cả lãnh đạo tốt, xấu; cao thượng và thấp hèn; cái thiện bên cái ác, cái tốt đẹp bên cái xấu, nhất là thời kinh tế thị trường thao túng, giúp người đọc thấy được hoàn cảnh khách quan không gian xã hội rộng lớn về sự phát triển mạnh mẽ của báo chí, của tổ chức Hội Nhà báo thực sự là điểm tựa tin yêu của nhà báo và báo giới.
Bởi thế, “Từ bến sông Nhùng” chứa đựng tính tổng quát, tổng hợp khá cô đặc, khiến người đọc nhận thấy người làm báo nhất thiết phải có nghề, phải tuân thủ nghiêm ngặt đạo đức nghề nghiệp, phải thực sự có trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội cao cả. Ở đó, Phan Hoàng là tấm gương mẫu mực, tấm gương trong sáng, mà tác giả rất dày công tái hiện quá khứ nhuần nhuyễn có ngọn có ngành của nhân vật với đủ sắc mầu, khiến người đọc đã đọc là nhớ, là được thôi thúc để vươn tới hoàn thiện mình. Đặc biệt với nhà báo, nhất thiết phải phấn đấu để xứng với danh xưng ghi trên tấm thẻ Nhà báo!
Hà Nội - Xuân Kỷ Hợi
Nguyễn Uyển
Lẽ sống 1 – Bút ký chân dung
(*) Tiếu thuyết do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TPHCM ấn hành.