Về Vô Tranh - nơi yên nghỉ của nhà báo liệt sĩ Thôi Hữu

Thứ ba - 04/08/2020 12:39
111
Đền Phi Mã Sơn, nơi yên nghỉ của 76 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, trong đó có nhà báo Thôi Hữu.
Anh Lưu Văn Cẩm, một thanh niên của xóm Liên Hồng 7, xã Vô Tranh (huyện Phú Lương, Thái Nguyên) tận tình đưa tôi leo lên ngọn đồi Đồng Cháy nằm giữa xóm, trên đó có Nghĩa trang liệt sĩ của xã gồm 197 mộ chí. Trên đồi cao thoáng mát, rừng cây xanh tươi, ngọn gió rì rào như ru ngủ, vỗ về anh linh các liệt sĩ. Ở vị trí này có thể phóng tầm mắt nhìn dòng Giang Tiên uốn lượn, chở che những thôn trang, chòm xóm, ruộng lúa, nương chè trải dài tít tắp. Nhà báo, nhà thơ Thôi Hữu, Ủy viên Ban Biên tập Báo Sự Thật (tiền thân của Báo Nhân Dân) yên nghỉ nơi này trong sự thương yêu, đùm bọc của đồng bào cũng đã tr&o

Trước khi rời Hà Nội lên Thái Nguyên, lại về huyện, về xã tôi cứ lo xa rằng đi xã miền núi vào Chủ nhật chắc gì đã gặp ai. Nhưng không đi thì bao giờ? Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam đã cận kề, trong đó việc tri ân các nhà báo đã hy sinh vì đất nước, vì sự nghiệp báo chí là một nội dung quan trọng…

Thấy có khách đến trụ sở xã Vô Tranh, Bí thư Đoàn xã Nguyễn Văn Quang liền thông tin và chỉ vài phút sau, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đức Khuê và Chủ tịch UBND xã Hoàng Anh Tuấn cùng có mặt. Và liền đó là câu chuyện giữa chúng tôi về mảnh đất con người Vô Tranh xưa và nay; về các liệt sĩ đã yên nghỉ nơi đây. Chuyện về lĩnh vực nào cũng sôi nổi.

Anh Tuấn nhắc lại chuyện của 22 năm trước; khi ấy nhà báo Thôi Hữu được truy tặng huân chương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân khi đó là nhà báo Nguyễn Hồng Vinh đã đưa đoàn báo chí lên thắp hương, báo cáo tin vui với liệt sĩ. Rồi trước đó, báo Nhân Dân, gia đình và xã đã tổ chức đưa mộ phần nhà báo liệt sĩ Thôi Hữu cùng 75 liệt sĩ hy sinh tại địa bàn trong kháng chiến chống Pháp vào Nghĩa trang liệt sĩ xã Vô Tranh…
111
Tác giả trao đổi với chủ tịch UBND xã Vô Tranh Hoàng Anh Tuấn.
Bí thư Đảng ủy xã Vô Tranh Nguyễn Đức Khuê chia sẻ rằng: Khi còn nhỏ, đi học, được học bài thơ Lên Cấm Sơn nổi tiếng của Thôi Hữu, hơn nửa thế kỷ liệt sĩ nằm đây, trang trọng, linh thiêng, trong ấm nồng tình nghĩa của đồng bào Vô Tranh. Vậy nhưng hiểu biết nằm lòng về liệt sĩ - nhà báo Thôi Hữu hay về chí sĩ yếu nhân của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 - Lương Ngọc Quyến hy sinh và nằm lại đây, trong sự tri ân hương khói của đồng bào Vô Tranh hơn 80 năm… thì chưa nhiều…

Chúng tôi cũng cùng chung một suy nghĩ: Vô Tranh là xã được phong danh hiệu Anh hùng do có thành tích xuất sắc trong các cuộc kháng chiến; cũng đã nỗ lực trong thời kỳ mới, là xã sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới của huyện Phú Lương. Bây giờ, thu nhập bình quân trên đầu người của xã đã đạt hơn 36 triệu đồng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã khá hơn.

Là địa bàn đồi núi thấp, Vô Tranh phát triển mạnh cây chè, Xã có tới 626 ha chè với sản lượng trên dưới 5.000 tấn búp tươi. Cống hiến, hy sinh, truyền thống yêu nước của quê hương phải được nhắc nhớ và thấm sâu trong đời sống, làm giàu phẩm chất yêu thương, đoàn kết cao đẹp của nhân dân sẽ là động lực phát triển cho Vô Tranh.
111
Làng quê Vô Tranh hôm nay.
Nhà báo, nhà thơ Thôi Hữu tên thật là Nguyễn Khắc Giới, bí danh là Trần Văn Tấn, bút danh Tân Sắc, sinh năm 1921 (năm ghi mộ chí) tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa; hy sinh ngày 16-12-1950 tại xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Thôi Hữu tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Năm 1943, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1944, Thôi Hữu bị giặc bắt, kết án 5 năm tù, giam ông tại Hỏa Lò. Ông trốn tù, tham gia hoạt động cách mạng tại ngoại thành Hà Nội theo phân công của tổ chức.

Xông xáo, can đảm, Thôi Hữu lập được nhiều chiến công, là một trong những người lãnh đạo tài giỏi của Đảng bộ Hà Nội thời đó…Từ năm 1946, Thôi Hữu gắn bó với báo chí. Kháng chiến bùng nổ, Thôi Hữu ra nhập quân đội, cũng tham gia làm báo kháng chiến.

Lên Việt Bắc, Thôi Hữu là thành viên Ban Biên tập các báo: Vệ quốc quân và Sự Thật. Ông luôn tâm niệm rằng: Khi đã dấn thân vào nghề báo cần phải giành tất cả tâm sức cho nghề, cho sự sống và chiến đấu của nhà báo cách mạng. Và, ông nhanh chóng trở thành một nhà báo chiến sĩ thành công trong công việc.
111
Nhà thơ, nhà báo Thôi Hữu vinh dự được bắt tay Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, ngày 19-5-1950, nhân dịp Bác Hồ gặp các nhà báo.
(Ảnh tư liệu của Trần Văn Lưu)
Ở mảng văn xuôi, chính luận, chuyện ký, tùy bút, bình luận…Thôi Hữu là cây bút viết khỏe, chắc, giàu cảm xúc của người lăn lộn và trưởng thành từ thực tiễn phong trào cách mạng. Ông cùng với Trần Đăng, Trần Độ, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Thâm Tâm…là những nhà văn, nhà báo tên tuổi thời đó đã làm nên một diện mạo văn nghệ, báo chí đậm đà, rực rỡ… Đặc biệt về báo chí, Thôi Hữu ghi đậm tên tuổi khi ông được phân công về báo Sự Thật của Đảng.

Ủy viên Ban Biên tập Báo Sự Thật Nguyễn Đắc Giới, nhà báo - nhà thơ Thôi Hữu anh dũng hy sinh trên đường đi công tác khi mới ở độ tuổi 30, yên nghỉ trên một ngọn đồi thuộc dãy Phi Mã Sơn trong sự thăm nom hương khói của đồng bào, rồi được đưa vào vị trí trang trọng trong Nghĩa trang liệt sĩ Vô Tranh. Chỉ sau ngày ông hy sinh hơn ba tháng, ngày 11-3-1951, tờ Sự Thật của ông được Bác Hồ cho đổi tên thành tờ Nhân Dân.

Nhà báo Thép Mới trong bài Thương nhớ Thôi Hữu, viết sau ngày ông hy sinh, đăng trên Tạp chí Văn nghệ số 35 bấy giờ: Thôi Hữu là một nhân cách đặc biệt của làng báo, làng văn trẻ tuổi của chúng ta hiện nay… Người cán bộ Thôi Hữu từ lúc giác ngộ đã mang một lòng yêu thơ, yêu viết”.
111
Tác giả dâng hương tưởng nhớ nhà báo liệt sĩ Thôi Hữu.
Nhiều thế hệ học sinh và công chúng báo chí được đọc và học tác phẩm thơ Lên Cấm Sơn nổi tiếng của Thôi Hữu, đăng Báo Vệ quốc quân số 21 ngày 15-4-1948. Đây là bài thơ hay bởi ở đó toát lên hơi thở của tự do, hiện thực khắc nghiệt của cuộc kháng chiến gian khổ, là sự thật xót xa, rung động và tinh thần chiến đấu: “Cuộc đời gió bụi pha xương máu/Đói rét bao lần xé thịt da/…Lòng tôi xao xuyến tình thương xót/Muốn viết bài thơ thấm lệ nhòa/Tặng những anh tôi từng rỏ máu/Đem thân xơ xác giữ sơn hà…”, rồi tiếp đến là những câu thơ tràn đầy lạc quan cách mạng: “Ở đây bản vắng rừng u tối/Bộ đội mang gieo ánh chói lòa…Ở đây những mặt buồn như đất/Bộ đội cười lên tươi như hoa”.

Phú Sơn 4 là một đơn vị Công an đóng quân tại vùng này, hiểu thấu đóng góp của Đảng bộ và nhân dân Vô Tranh, dưới thời lãnh đạo của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Duy Vực đã cho xây ngôi đền tại đồi Phi Mã Sơn để ghi nhớ công ơn của 76 liệt sĩ đã yên nghỉ trong kháng chiến chống Pháp, trong đó có nhà báo Thôi Hữu. Còn lãnh đạo xã hôm nay cho biết đang triển khai xây dựng Khu lưu niệm nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến tại nơi ông hy sinh năm 1917.

Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc ta, hơn 500 nhà báo đã anh dũng hy sinh khi tác nghiệp ở khắp các chiến trường, trong đó có Thôi Hữu - một nhà báo giỏi, kiên cường, một cây viết ký sự bản lĩnh, tài ba. Thắp nén hương thơm trên nấm mồ liệt sĩ, chúng tôi thầm hứa phấn đấu làm tròn trách nhiệm của người làm báo hôm nay.
 
Hữu Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây