"Cây báo nói" đa tài

Thứ hai - 17/08/2020 16:49
 

Đồng hương, nhưng tôi ở tận thượng tỉnh giáp ranh với Yên Bái; Đình Khải ở cuối tỉnh cận kề với thành phố Việt Trì thủ phủ của Phú Thọ nên tuổi thơ chúng tôi không biết tới nhau.

Vào nghề báo trước bạn non một thập niên, nhưng cái tên Đình Khải lại sớm in đậm trong tôi bằng giọng đọc và tường thuật bóng đá ngay từ giữa những năm 70 của thế kỷ trước, khi anh là phóng viên Ban Thời sự Đài tiếng nói Việt Nam (ĐTNVN)...
111
Nhà báo Đình Khải.
Những năm ở báo Vĩnh Phú, mỗi khi tổ chức “sự kiện” thể thao của tỉnh tôi thường về Hà Nội gặp Đình Khải và Hoài Sơn (cặp song trùng) tường thuật bóng đá, mời hai anh tham dự và giữ chân “cố vấn” nên công việc dù khó mấy cũng êm xuôi. Đầu năm 90 của thế kỷ trước, tôi chuyển về làm việc ở Hội Nhà báo Việt Nam, nên có cơ hội gần nhau hơn. Đôi lần đi đây đi đó theo yêu cầu của tổ chức giúp các cấp hội địa phương về nghiệp vụ làm báo. Tôi nói về thể phóng sự, “người tốt - việc tốt”; Đình Khải chuyên sâu về tin tức thời sự...

Nói về tin trên báo, trên đài, tức là nghệ thuật làm tin về các sự kiện chính trị - xã hội thường nhật vừa xảy ra, sắp diễn ra... Thế nhưng, học viên (các nhà báo) lại cứ xoay hết mọi sự lục vấn, cật vấn của mình vào tin tức trên bóng đá, thậm chí xa lạc hẳn sang nghệ thuật tường thuật bóng đá. Nhớ mãi buổi dự lớp của Đình Khải tại Hội Nhà báo tỉnh Ninh Bình. Trước cả lô lốc câu hỏi đặt ra, Đình Khải vẫn điềm tĩnh đâu ra đấy, rạch ròi, nói rõ, chỉ rõ: Tin và cái mới của tin, sức lan tỏa của tin tức thời sự; về cách thức tác nghiệp, khai thác tài liệu để viết tin; Về kết cấu và bố cục hình tháp lộn ngược của tin; về cái hơn, cái khác hẳn với các thể loại báo chí khác là mào đầu của tin lại là phần quan trọng nhất, cốt lõi nhất!... Ấy cũng là tính cách của Đình Khải, việc nào ra việc ấy. Thời gian còn lại không nhiều, xoay quanh chuyện “Nghề tường thuật bóng đá” của Đình Khải, cũng là một dạng tin nhưng là tin tường thuật tức thời đang diễn ra. Người tường thuật phải rất thạo về bóng đá nhà nghề, vững về luật chơi, tinh tường, truyền cảm... Ấy là tôi thiển nghĩ như thế. Khi Đình Khải trả lời “chất vấn” của một đồng nghiệp, tôi mới vỡ thêm ra:

- Em không bỏ sót trận cầu nào khi thầy Đình Khải tường thuật. Tài truyền lửa của thầy khiến cho trận đấu tựa như trở nên hấp dẫn lên rất nhiều. Bí quyết nào làm nên sự kì diệu ấy?

- Hỏi hay thế. “Bí quyết ư? Thì... cũng giống như nhà báo chúng ta khi tác nghiệp đưa tin, trước tiên phải say nghề, yêu nghề thực sự. Có yêu, có say thì mới truyền được cái mới, cái hay, cái đã và đang nẩy sinh trong cuộc sống đến với bạn đọc, bạn nghe của mình một cách chính xác, rõ ràng nhất. Và, hơn thế lại phải luôn nhớ, mình đang viết, đang nói cho ai; viết, nói về cái gì?… Nói sao cho trung thực, khách quan, không tô hồng, không bôi đen. Tường thuật bóng đá cũng như nhà báo phải nắm chắc thể loại báo chí thì tác nghiệp mới dễ thành công, mới dễ sáng tạo ra tác phẩm báo chí hay. Cho nên, muốn tường thuật chắc chắn, trước tiên tôi phải tự học để nắm vững luật bóng đá, nói nôm na là phải có đủ kiến thức của nghề này, kiến thức nghề sẽ giúp người bình luận hiểu được các tình huống trên sân cỏ và sẽ giúp phán đoán đúng tình huống, đọc đúng tình huống, nhập cuộc cùng trái bóng, diễn tả bằng ngôn từ khi thăng, khi trầm, tưng bừng, mãnh liệt, hoặc lặng trầm, thất vọng khi cầu thủ bỏ lỡ cơ hội. Đã bình luận là phải trung thực, có sao “diễn” vậy. Bình luận viên phải công tâm hệt như trọng tài chân chính.

- Ai cũng bảo bình luận viên phải có giọng nói truyền cảm. Em thấy giọng của thầy có sức hút kì lạ, nồng ấm, đĩnh đạc, truyền cảm không chỉ trong bình luận bóng đá mà ngay cả những khi thầy đọc trên Chương trình Thời sự. Làm sao để thầy có được chất giọng như thế?… - Câu hỏi khiến Đình Khải đứng ngây ra mấy giây đồng hồ...
Gãi tai, xoa trán, rồi nhỏ nhẹ:

Giọng là do cha mẹ ban cho. Nhưng có nhẽ còn là do tôi tự rèn nữa. Thuở nhỏ tôi thường đá bóng bằng trái bòng non hơ lửa cho mềm, hoặc bằng đụn lá chuối khô bện lại như trái bóng rồi quyết liệt đá với bạn bè ở sân kho hợp tác xã, xã Cao Xá bằng thắng mới thôi. Men nồng bóng đá ủ mãi trong tôi từ đó cho tới tận bây giờ. Đam mê, nhiệt huyết cháy dạ cháy lòng với nghề nghiệp, với bóng đá, với nghề nghiệp của ĐTNVN đã cho tôi chất giọng... mà các bạn nhắc đến. Giọng nói truyền lửa ư, bởi lẽ tường thuật bóng đá trực tiếp trên ĐTNVN là thể hiện năng lực vẽ lại toàn cảnh trận đấu, đúng và chính xác khiến người nghe hình dung ra một cách đầy đủ nhất, đặc biệt là những đường banh qua chân cầu thủ. Bình luận viên bóng đã phải sử dụng ngôn ngữ tượng hình, tượng thanh để thuật, để tả... Nói chất giọng “trời cho” chỉ là cách để nói, tất cả đều phải rèn, phải luyện, phải đam mê hết mình mới có được. Ngôn ngữ tiếng Việt là cả vấn đề khoa học, là phương tiện, phương thức hoạt động nghề nghiệp chủ yếu của nhà báo. Cho nên, nhà báo muốn nâng cao chất lượng tin bài thì phải khổ công rèn luyện, trau dồi kĩ thuật và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Yêu cầu khắt khe của loại thông tin tường thuật trực tiếp bóng đá là phải chính xác, đúng mức, cần và đủ, gọn gàng, sáng tỏ, không trùng lặp rườm rà; hết sức tôn trọng sự thật khách quan, tránh suy diễn chủ quan. Muốn thế trước mỗi trận đấu phải chuẩn bị kĩ từ kịch bản đến thuộc và hiểu phong cách của từng cầu thủ trên sân...

Sau này mỗi khi trận đấu có truyền hình trực tiếp và Đình Khải bình luận trên sóng phát thanh, tôi thường mở ĐTNVN để xem truyền hình như một cách để thấu hiểu, thấu cảm cái hay, cái thực, nói sao làm vậy của Đình Khải, để thêm tin yêu bạn bè chân quý.

Yêu là yêu nồng cháy, mà nồng cháy với nghề bình luận bóng đã đến mức chan chan thành lời gan ruột với người vợ thân yêu của mình bằng thơ như thế này có nhẽ chỉ thấy ở Đình Khải: “Anh mải theo những tình huống trên sân/Những cú sút khung thành sấm sét/ Những pha bóng hỏng ăn đáng tiếc/ Tiếng còi trọng tài lúc đúng, lúc sai/ Thời gian dần trôi, anh cứ miệt mài/ Lúc tả thật nhanh, lúc bình chậm rãi/ Đem hết sức gồng mình chuyển tải/ Những điều hay, cái đẹp tới người nghe… ” (Những đêm trắng.Tập thơ - Bên bến sông quê của Đình Khải. Nhà XB Hội nhà Văn ấn hành 2019). Tập thơ neo níu biết bao kỉ niệm của cuộc đời, của tình mẹ con, quê hương làng xóm, của vợ chồng, của nước non, bạn bè thân hữu... nhưng quấn quyện hơn cả vẫn là nghề nghiệp là truyền lửa bóng đá, là Euro, là mừng chiến công U23 Việt Nam, là bóng đá và thơ; là say cùng trái bóng; là thức cùng World, say cùng World, là hẹn gặp lại Quatar.;

Thiên hạ biết đến Đình Khải trước hết là bình luận viên bóng đá, cho dù anh là nhà báo chuyên nghiệp, từng là Phó ban Thời sự ĐTNVN. Bạn đọc cả nước biết đến anh, còn vì anh là thần tượng của họ về sự đam mê nghề. Say nghề, đam mê nghề, cháy dạ cháy lòng với nghề nên Đình Khải đã sáng tạo nên những ấn phẩm văn học mà ngôn từ, câu chữ, tên sách, tên bài vẫn đau đáu, vấn vương với nghề với nghiệp. Bạn đọc, bạn nghe là đích đến tác phẩm của nhà báo. Trọn đời với nghề nên Đình Khải mới có những tập bút kí rất đậm chất nghề. Nào là: Nghiệp truyền lửa 2006; Vào... lại không vào - 2007; với các tập truyện ngắn: Lá dụng về cội - 2008; Đam mê - 2015 đều do NXB Lao động ấn hành. Nào là: Tập thơ khá đầy đặn Bên bến sông quê - 2019 do NXB Hội Nhà văn ấn hành… đủ thấy sức lửa trong tâm trí, tâm hồn Đình Khải vẫn tràn đầy năng luợng.

Đam mê, say đắm, một đời gắn bện thành công với nghề nghiệp, khiến Đình Khải trở thành người của công chúng: Mặn duyên với nghề báo nói, giàu thần lực truyền cảm với người nghe, nhưng cũng là cây viết ngập tràn cảm xúc với văn, thơ.

Không chức trọng quyền to, nhưng cái tên “Đình Khải (cho dù anh đã hưu trí từ 2005) vẫn cứ đậm mãi với đồng nghiệp, với bạn đọc, với khán thính giả thân yêu khắp mọi miền đất nước! Bởi lẽ hiển nhiên: Đình Khải là “Cây báo nói đa tài”!
                                                                                         Theo Sức khỏe và Đời sống

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây