Nhà báo Vương Tâm: Còn sức khỏe thì chưa “rửa tay gác kiếm”
Thứ tư - 12/08/2020 15:15
Dù đã bước tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nhà báo Vương Tâm, nguyên Trưởng Ban Hànộimới Cuối tuần, Báo Hànộimới vẫn bền bỉ, sung sức trong những chuyến đi xa và mặn nồng với trang viết. Với ông được sáng tạo, thăng hoa trong những câu chữ là niềm hạnh phúc tuổi xế chiều.
Để hiểu thêm về tinh thần làm việc ấy, Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện cởi mở, chân tình cùng nhà báo Vương Tâm.
Trong báo phải có tính văn
- Thưa nhà báo Vương Tâm, được hân hạnh đồng hành cùng ông trong ấn phẩm Văn nghệ Công an của Báo Công an Nhân dân, thấy được sức viết của ông thật khiến người trẻ như tôi phải nể phục.Điều gì đã khiến một cây bút ở tuổi này vẫn đầy năng lượng, có bài đều đặn trên các trang báo?
+ Thực ra ở tuổi ngoài 70 như tôi nhiều nhà báo đã buông bút vì nhiều lẽ. Thứ nhất là phải đi thực tế mới có tài liệu để viết. Họ ngại vì sức khỏe không cho phép. Hoặc họ đắn đo vì tốn kém và đầy rủi ro như tai nạn xe cộ hoặc ăn nghỉ dọc đường. Bên cạnh đó nhuận bút của nhiều tờ báo hiện còn khiêm tốn khó bù lại công sức đi lại và viết bài đêm hôm vất vả. Và ở tuổi đã hưu trí lương không nhiều nên việc có người so bì hơn thiệt là điều tự nhiên.
Tôi viết được đều đặn và có bài in hằng tuần có lẽ do tình yêu nghề đã vượt qua những khó khăn mà tôi thường gặp như đã nói ở trên. Nhiều khi phải đi xa và ở lại địa phương để trải nghiệm và gặp gỡ nhân vật hoặc cán bộ sở tại. Tất cả chi phí dọc đường phải bỏ tiền túi ra, nếu tính sự thiệt thòi so với nhuận bút được lĩnh thì sẽ không thể thực hiện nổi bài báo. Tôi lấy sự đam mê nghề nghiệp và tình yêu với con chữ để hoàn thành bài báo hoặc những phóng sự. Đó là trách nhiệm công dân mà tôi gửi gắm ở đó tình yêu và khám phá đời sống cần trao gửi cho bạn đọc
- Nếu đọc kĩ những bài phóng sự của ông thì thấy ông có cách viết rất tỉ mỉ, ngồn ngộn chi tiết, số liệu vì thế nó rất “ăn khách”. Xin ông chia sẻ đôi chút kinh nghiệm, “bí quyết” về cách thu thập tài liệu, phỏng vấn nhân vật để có một bài phóng sự đầy đặn, thu hút được công chúng?
+ Trước hết phải yêu thích đề tài mà mình định viết. Đón nhận nó với sự ham muốn phát hiện và khám phá những thực tiễn đã diễn ra trong quá khứ cũng như trong đời sống hiện tại. Nhìn đối tượng viết với các góc độ nhiều chiều. Khai thác thực tế với những diễn biến sinh động của đối tượng, thực tiễn hay nhân vật, để nhìn được chiều sâu của đời sống. Khi đó tác giả đánh giá vấn đề sẽ khách quan hơn. Đồng thời tác giả cũng sẽ yêu đối tượng mà mình sẽ viết.
Nói khái quát là vậy. Khi đến với cuộc sống và nhân vật mình quan tâm cần phải hỏi han như một kẻ tò mò đến tận cùng của sự kiện. Đôi khi có những câu hỏi ngỡ như không cần thiết hay “ngớ ngẩn” như: “Những người con gái ở đây hay ăn gì mà sao ai cũng đẹp như vậy?”. Họ cười bảo ăn ngô! Ấy thế rồi người dân ở đây cũng chợt nghĩ đến câu trả lời đích thực rằng các cô gái hay ăn rêu đá ở suối trên thượng nguồn. Đây là bài “Đột kích vào bản gái đẹp Chiềng Luông” của tôi khi về Phú Thọ. Đó là món rau mà người Mường thường ăn sau khi sinh nở. Da cô gái nào cũng trắng hồng…Cứ tò mò để dò tìm những những chi tiết nổi bật nói đúng bản chất của hiện tượng hay nhân vật.
Sau đó nhà báo cần tổng hợp “cân đo đong đếm” với đúng nghĩa, chọn ra được cái tứ để viết bài. Đó chính là trục cảm xúc để thực hiện tác phẩm. Đồng thời tác giả hình dung ra kết cấu, sao cho những chi tiết được xâu chuỗi linh hoạt, trong câu chuyện dẫn dắt của mình. Tôi viết chính là tôi đang kể chuyện với bạn đọc về nơi tôi đến và người mà tôi đã gặp. Muốn kể được phải có những chuyện để kể ra một cách hấp dẫn và lôi cuốn bạn đọc. Cuối cùng mới đến câu chữ và giọng điệu của câu chuyện được kể ra.
Mỗi người phải tìm ra cách kể chuyện của mình với bạn đọc. Tuy đây không phải là những truyện ngắn có hư cấu nhưng người viết báo phải biết khỏa lấp chi tiết vào những khoảng trống mà chính nhân vật cũng không nghĩ tới. Đó là sự ví von liên tưởng, vận dụng thơ ca nghệ thuật để kể chuyện cho nhân vật trở nên sinh động. Miễn sao những chi tiết ấy phải trung thực và đúng với bản chất của câu chuyện mà mình kể ra. Đó là sự lao động có tính khổ luyện mà thành. Bởi giọng điệu chính là nét duyên của người viết bài. Nó gần với việc “mã hóa” văn bản để biến một bài báo trở thành một tác phẩm văn chương. Sự hấp dẫn chính là ở nghệ thuật sáng tạo này. Phong cách của một tác giả nằm ở đây. Nó khác hẳn một nhà báo “công chức” xuống phản ánh hiện thực một cách máy móc, khô khan.
Nghề báo luôn cần sự trải nghiệm
- Vương Tâm được biết đến là cây bút đa tài, khi vừa làm báo, viết văn, làm thơ…, mặc dù tôi biết ông là dân Bách Khoa. Ông có khi nào ngồi một chỗ và suy nghi xem mình thành công nhất ở lĩnh vực nào và nếu được xưng danh ông sẽ nhận mình là nhà gì? Nhà báo, nhà thơ, nhà văn hay nhà sưu tầm?
+ Ở lĩnh vực nào tôi cũng có những thành công nhất định trong quá trình hành nghề hơn 40 năm qua. Đó là Giải Nhất phóng sự (2010); Giải Nhì Cuộc thi truyện ngắn của báo Người Hà Nội (2006); Hoặc Giải A Cuộc thi thơ tình báo Văn Nghệ (2006-2007) và Giải Ba Cuộc thi truyện ngắn báo Tuổi trẻ (2008)… Việc sưu tầm ấm trà của tôi là thú chơi mang tính thư giãn sau những thời gian căng thẳng vì công việc. Không ngờ bộ sưu tầm gồm 400 chiếc ấm trà lại được mọi người quan tâm và quảng bá. Tôi rất vui vì điều đó.
Nhưng gần 20 năm qua tôi tập trung hơn cho việc làm báo. Viết cho gần chục tờ báo và tôi đã ra được 10 cuốn sách in chọn lọc những bài phóng sự bút ký (do NXB Văn Học ấn hành). Riêng trong năm 2020 tôi được in liền 4 cuốn sách gồm những bài phóng sự, bút ký về những nơi tôi đi qua và nhân vật mà tôi đã gặp gỡ. Nhiều nơi thường giới thiệu tôi là nhà thơ, nhà báo mỗi khi tới đâu đó. Nhưng với báo chí tôi có sự đam mê và lao động hết mình. Chính vì sự dâng hiến đó tôi rất vui được mang danh nhà báo. Bởi đó là sự nghiệp của tôi trong suốt 40 năm qua.
- Nghề báo ngoài tài năng, học hành thì rất cần sự trải nghiệm mà nói về sự trải nghiệm thì tôi thấy ông “có thừa”. Dạo trước thấy ông cứ thoăn thoắt vài ngày một tỉnh mà toàn các tỉnh xa Thủ đô. Chắc hẳn, suy nghĩ của ông về con người, sự vật, thời cuộc cũng trở nên dày thêm sau mỗi hành trình?
+ Chắc chắn là vốn sống của tôi được dày dặn hơn sau hàng chục năm làm báo với sự trải nghiệm “quần quật” của mình. Hiện nay tôi vẫn có những chuyến đi xa như trước đây. Có khi dài ngày có khi trong một ngày. Nghề viết báo nhất là phóng sự hay bút ký về những vùng miền văn hóa hay sự kiện đặc biệt đều phải trải nghiệm thực tiễn. Thực tiễn nghĩa là hiện thực đã diễn ra, đang diễn ra và sẽ diễn ra nhà báo phải nắm bắt được. Vậy việc đi tới các địa phương là điều bắt buộc.
Đến với mỗi đề tài tôi luôn coi như một hành trình khám phá và học hỏi để bổ sung cho mình những kiến thức về lịch sử hay văn hóa vùng miền hoặc của con người cần tiếp xúc. Những khám phá này không có giới hạn và phát triển theo sự vận động của cuộc sống. Vậy nên phải tìm hiểu thực tế cụ thể và học hỏi cho được hành trình chuyển động từ quá khứ đến tương lai của đối tượng thực tiễn. Có thể trong mớ tài liệu dày đặc ấy người viết có khi chỉ dùng đôi ba chi tiết đắt giá. Nhưng để viết những con chữ đầu tiên về một đối tượng ta phải nhìn nó với ánh sáng xuyên suốt của một hành trình phát triển. Chính vì thế mạch viết trở nên khoáng đạt cùng với những cảm xúc được lan tỏa.
Quá trình lao động và hành nghề làm báo tôi đã tích lũy được nhiều kiến thức qua trải nghiệm và học tập. Đó là những kiến thức về lịch sử văn hóa hay kỹ thuật cùng những công nghệ mà trong quá trình trải nghiệm mình học được. Thậm chí ở lĩnh vực nào người làm báo cũng phải học lại các bộ môn hay ngành nghề để soi rọi thực tiễn. Thí dụ tôi đã từng đọc hàng chục cuốn sách và tài liệu về gốm và kỹ thuật chế tác men cùng công nghệ nung để đến với các lò gốm trên toàn quốc viết bài. Từ sự trải nghiệm thực tế những kiến thức ấy đã trở thành tài sản phi vật chất mà mình có được.
Luôn sẵn sàng lên đường
- Thấy ông sung sức trong nhiều chuyến đi như vậy, tôi biết đặt câu hỏi này ra sẽ là vô duyên nhưng tôi vẫn cứ muốn hỏi: “Có khi nào ông nghĩ mình sẽ “rửa tay gác kiếm” không?
+ Tôi đã từng vẽ chân dung mình rằng:
“Một đời hành khất thế gian Gió sương kiếp bạc thân tàn cạn hơi Ngửa tay xin chữ của trời Hồn hay tan tác phận người rong rêu”
Như tôi đã nói ở trên sự đam mê đã dẫn dắt tôi đi trong nghiệp làm báo không có tính vụ lợi này. Bởi làm báo như tôi với đời sống hiện nay không hề “có lãi” chút nào. Nếu tính về tiền bạc chỉ có lỗ. Đây cũng là một thách thức không nhỏ với bất kể nhà báo nào dù tại chức hay đã về hưu. Cái lãi ở đây chính là kho tàng văn hóa và lịch sử tích lũy ngày một dần đầy trong tôi với những trải nghiệm giàu cảm xúc với tình yêu cuộc sống không bao giờ vơi cạn. Mà tình yêu với con chữ đó là sự khám phá tinh thần không ngừng nghỉ. Chỉ khi gục ngã do sức khỏe thì đành chịu. Còn đi được với đôi chân của mình tôi luôn sẵn sàng lên đường với một tinh thần lạc quan và cảm xúc lãng mạn nhất của mình khi đến bất cứ nơi nào. “Rửa tay gác kiếm” ư? Quả là tôi chưa nghĩ tới.