Nhà báo – “Cắm bản”!

Thứ tư - 19/08/2020 11:20

Lầu A Vàng, người dân tộc Mông, phóng viên báo Điện Biên Phủ. Anh là nhà báo được đào tạo chính quy tại phân viện Báo chí tuyên truyền Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh từ những năm đầu thập niên 90 của thể kỷ trước. Đầu năm 2005 lại đây, chấp hành chủ trương của tỉnh Điện Biên Lầu A Vàng được toà soạn phân công xuống “Cắm bản” giúp 2 xã Pú Hồng và Phình Giàng huyện Điện Biên Đông xoá đói, giảm nghèo. Chỉ mới ngần ấy thời gian, anh đã làm không ít việc khiến đồng nghiệp vô cùng nể trọng, phong cho anh cái tên “đắc địa”: Ông cắm bản!

111
Nhaf báo "cắm bản" Lầu A Vàng

Tôi, kể viết bài này may mắn nhiều dịp được ăn ở cùng anh ở các bản sâu xa của dân tộc, được chứng kiến việc anh làm giúp dân bản đưa giống mới vào nương rẫy, đưa cây trúc, cây tre lấy măng về bản, chuyển chuồng trâu ra khỏi gầm sàn, làm thuỷ lợi nhỏ để tăng vụ lúa, chặn nạn phá rừng… được thấy anh “cầm tay” chỉ việc cho dân bản, việc thật, chuyện thật mà cứ như đùa. Dưới đây chỉ là chuyện từ con bò, con bê.
 

***
Gặp nhau ở Trung tâm xã, vị cán bộ UBND xã Pú Hồng huyện Điện Biên Đông, khớp khởi thông tin:

- Nhà báo hả. Lầu A Vàng hả. Cô đơn xin thịt bò đây này. Nhà nó mời chúng mình cùng dự cuộc rượu vào 12 giờ trưa mai đấy. Ta xuống nhé!

- Sao hả. Mày bảo sao hả. Ai xin thịt bò kia chứ?... Vàng hỏi, giọng xa lạc hẳn đi. Không đáp lời, vị cán bộ Uỷ ban xã cắm đôi mắt vào chiếc túi thổ cẩm sắc màu sặc sỡ đeo chếch bên sườn phải, hai tay hấp tấp lục lọi các ngăn túi rồi hấp hởi rút ra một tờ giấy gấp góc, ấn tận mặt Lầu A Vàng:

- Đây. Nhà báo đọc đi. Nó nói tất tật ở trong này rồi! Không thể tin vào mắt mình được nữa. Đọc xong, gấp tờ đơn lại, Lầu A Vàng lại giờ ra xói mắt lên những con chữ nghệch ngoạc của người viết đơn cùng vòng dấu đỏ trùm lên cả hai chữ: Đồng ý (ký tên thay mặt chính quyền). Vàng lấm bẩm:

- Vậy là cái mắt bắt mình phải tin rồi! Tự dưng anh chuyển giọng giận dữ: Chết thật. Thế này là thế nào? Sao lại thịt bò mẹ! Vàng nhớ lại, con bò lớn mà họ định thịt chính là mẹ con bê lông vàng ươm, anh thay mặt toà soạn báo Điện Biên Phủ đứng ra chọn và mua của một gia đình người Mông ở bản Pú Hồng A. Đích thân anh cùng gia đình của người bản, đuổi đôi

bò đi bộ ròng rã cả ngày suốt mấy chục cây số đường núi, về bản Nậm Ma của dân tộc Khơ Mú trao cho ông Pít Văn Kẹo như một sự chọn mặt gửi vàng. Nghĩ như vậy, Lầu A Vàng lại không thể nào tin vào những cái chữ trong tờ đơn. Lại lần nữa Vàng đưa cả hai tay nâng tờ giấy lên, hướng về phía mặt trời đang liu thiu tìm chỗ ngủ bên rặng núi ngất ngưởng ở phía Tây, xói mắt vào những cái chữ, giọng gằn giật:

- Lạ! Lạ quá. Thế này là thế nào nhỉ? Xin thịt, chỉ vì bò không nghe lời là sao cơ chứ? Chả nhẽ ông ta quên không cho bò ăn muối nên nó nhớ chủ cũ lồng chạy! Không được. Đã thịt bò mẹ thì cũng có nghĩa là họ sẽ thịt nốt cả bò con. Cắt nguồn sữa thì toi chứ còn gì! Của giống má. Thiên hạ giàu lòng phúc đức cưu mang giúp đỡ để vượt qua đói nghèo. Sao nỡ!… Lầu A Vàng nghiêm nét mặt, vầng trán rộng nhô cao chắc đinh như miếng gỗ nghiến, đôi mắt to sáng như hai chiếc đèn pha dọi thẳng vào khuôn mặt vô cảm của vị cán bộ Uỷ ban xã, giọng rít rả:

- Không được. Anh bảo lại ngay với Chủ tịch xã. Không thể dễ dàng như thế này được. Ngày mai tôi sẽ đến Nậm Ma yêu cầu ông ta không được giết con bò ấy!

- Được mà. Lầu A Vàng ơi. Được mà. Bò không nghe lời thì nuôi làm gì cho phí công!

- Không thịt được. Với lại đơn này đâu phải của ông Pít Văn Kẹo. Ông ta hiện là Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Pú Hồng cơ mà. Với lại một chữ bẻ làm đôi không biết, làm sao ông ấy tự tay viết được đơn? Vàng khẳng định.

- Đơn của nó thật mà. Nó nhờ cán bộ ta viết thay mà. Nhà báo Lầu A Vàng nhìn lại đi. Chữ ký là của nó thật mà. Nó mời mình trưa mai về bản uống rượu rồi đấy. Đừng làm nhỡ việc nó. Tiện thể nhà báo cùng dự cho vui. Bò người ta cho mình, không nuôi thì thịt, đã sao. Gây khó cho nó làm gì để mệt vào thân!

 
                                                                                             ***
Đêm xuống. Chén rượu xuông thay bữa. Điếu thuốc cuốn xoá đi giấc ngủ. Rượu chát. Thuốc đắng. Đêm đằng đẵng. Cái nghĩ từ đâu cứ ùn về lay lả. Lầu A Vàng muốn hoá thân làm con chim của rừng thẳm núi dầy bay ngay về Nậm Ma để cứu vớt mẹ con con bò tội nghiệp. Thả mắt nhìn ra bìa rừng, đêm cuối tháng, trời Pú Hồng đen như mực mài. Lắng tai, tiếng suối đổ nhẹ phía chân đèo bên rặng Pú Hồng ngất ngưởng gợi Vàng nhớ lại nơi ấy là con đường mòn Pít Văn Kẹo vẫn chạy bộ cả ba tiếng đồng hồ liền từ sáng sớm để lên xã kịp họp, và chiều xuống cũng lại chạy bộ từ đây để về kịp bữa vào lúc lên đèn... Lầu A Vàng khẽ khàng lần cầu thang bước xuống gầm sàn, ấy chiếc xe máy cọc cạch ra bãi đất trống phía đầu hồi, nhứ ga... Nghe động, già bản (chủ nhà Vàng ở) đằng hắng, cất giọng đầy quyền uy:

- Lầu A Vàng hả? Mày đi đâu trong đêm khuya khoắt này?

- Tôi cần về Nậm Ma. Có việc gấp!

- Mày nhớ bạn gái hả? Hãy nén ngay cái nhớ cái thương lại. Ma quỷ trên ngọn Pú Hồng không để mày yên đâu. Từ xưa xa đến nay chưa ai dám qua đấy vào giờ này đâu. Vàng ạ! Mày phải nghe tao!

Trở lên sàn nhà. Vàng rung mình nghĩ đến đỉnh Pú Hông, nghĩ đến hang rồng nơi đêm đêm thường vọng ra những tiếng gầm rú của quỷ thần báo hiệu sự lành dữ của đất trời trong năm theo lời truyền kể của dân bản. Nhưng rồi chuyện con bò con bê và hình ảnh dân bản Nậm Ma của người Khơ Mú ở thượng nguồn sông Mã cứ hiển hiện trong đầu, trong óc, trong mắt anh không sao cất nổi, giấu nổi. Nơi ấy, mấy tháng trước Vàng cùng Tổng biên tập và cả những nhà báo cao tuổi ở Trung ương đã lặn lội về đây thăm dân bản Nậm Ma bản nghèo khổ nhất trong các bản dân tộc ít người của huyện Điện Biên Đông. Đoàn nhà báo đã mục thị cảnh đông đảo các cháu nhỏ nơi đây da vàng, bụng ỏng, đít vòn; cảnh giá lạnh; ốm không có thuốc, học không có trường, nhà cửa dân bản tềnh toàng, sàn nhà lẻ tẻ sát đất. Trâu, bò, lợn, gà thả rông, trẻ nhỏ cũng thả rông dưới gầm sàn. Mùa khô hanh lầm bụi. Mùa mưa lầy lội, ô nhiễm, xú uế nồng nặc. Cả bản không nhà nào có công trình vệ sinh. Khách tìm nơi đại tiện, dân bản trao cho chiếc gậy, chỉ ra vệ rừng. Quần tụt chưa tới khon, chưa kịp ngồi xuống thì chó, lợn, gà đã tranh nhau xông tới sẵn sàng cướp “khẩu phần”… Khách chỉ còn cách tót lên cành cao để giải thoát!

Cảnh tình ấy của Nậm Ma được các nhà báo thông tin nhanh trên công luận, đã thức thả lương thức, thức thả lòng phúc đức biết bao con người ở khắp mọi miền đất nước gom góp tiền, hàng chuyển về tận nơi giúp dân bản.
111
Khu nhà nội trú dân nuôi có sức chứa 100 học sinh kịp khánh thành để đón con em của 16 bản làng xã Pú Hồng, năm học 2007 – 2008 . Nhà báo Lầu A Vàng là "tổng công trình sư", Báo Điện Biên Phủ là chủ đầu tư
Cũng từ đây với chức phận của cán bộ cắm bản, theo đề xuất của Lầu A Vàng, Ban biên tập báo Điện Biên Phủ đã chuyển một phần tiền tài trợ của quỹ UnileverVietNam và quỹ của Công ty BAT để góp phần làm trong sạch môi trường ăn ở cho dân bản Nậm Ma bằng việc làm chuồng nuôi nhốt gia súc theo kiểu trang trại, bằng việc trồng cỏ voi, cỏ pát để làm thức ăn vụ khô hanh cho gia súc. Gom phần tiền từ thiện của các nhà hảo tâm để mua trâu giúp đỡ các hộ nghèo, theo đúng nghĩa “trao cần câu” chứ không chỉ lo cho “xâu cá”. Vậy mà… vì sao của giống vốn... ông Pít Văn Kẹo lại nở đem thịt? Lạ nhỉ?

Tiếng chim chíu chỉu... chíu chỉu... chiu chíu chỉu như đếm nhịp thời gian, (Vàng không hề biết người đời đặt tên cho nó là gì) cứ liên hồi vọng lên từ ngọn núi chót vót đỉnh trời phía tây lúc mau lúc thưa như căng bổng, vút lên, vang xa rồi lại như gấp gả thu về. Có nhẽ loài chim ấy nhỏ xíu nhưng trường thanh, quen sống ở chốn cao xanh nên chẳng ai tường tận. Hình như từ đỉnh trời tới cuối đất, nơi đâu loài chim này cũng góp tiếng đếm nhịp khi trời chuyển vào đêm. Hồi còn ngồi trên ghế trường Đại học Báo chí ở Từ Liêm - Hà Nội, tiếng chim đếm nhịp ấy từng gợi cho Lầu A Vàng nhớ đến bản Bon B của người Mông nơi vợ và mấy đứa con thơ đang nhọc nhằn sinh sống. Khi tiếng chim đếm nhịp cất lên cũng là lúc anh trở dậy chong đèn nghiền ngẫm bên chồng tài liệu, sách vở... Mới đây, Toà soạn ưu ái cho Vàng đi nghỉ ở bãi biển Cửa Lò, tiếng chim đếm nhịp ấy lại vút lên khiến anh da diết nhớ về Phình Giàng, về Pú Hồng nơi anh góp trọng trách giúp dân xoá đói giảm nghèo còn ùn ắp biết bao công việc dở dang. Ở đây, thời gian trầm trì như nước biển mặn mòi. Trở về với bản, đêm đêm mỗi khi trở giấc, nghe tiếng chim đếm nhịp chíu chỉu.. chíu chỉu... chiu chíu chỉu, Vàng thấy hương rừng hương núi tràn về phả lên giấc ngủ ngọt ngào mát rượi cho tới tận lúc ông mặt trời gếch đầu lên chân trời phía Đông… Vậy mà đêm nay, vẫn tiếng chim ấy lại cứ như căng như kéo, không để cho lòng anh yên, không cho anh chợp mắt.

Tiếng chim vẫn thủng thẳng đếm nhịp. Vàng vục đậy. Hai tay ghì lấy chiếc gối để ôm bằng bông lau to xụ vào lòng. Nghĩ ngợi xô về lung bung. Tự dưng Vàng bật cười nhớ đến câu “triết lý”: “Đấy! Cái lý của người Mông ta đấy!” do nhà văn nào ấy đã đặt cho mỗi khi sự đời tắc tỵ lý lẽ!… Chuyện cũ như cuốn phim đầy sắc mầu cứ hối hả tua đi trong cái đầu cái óc của anh không sao dừng nổi. Đấy là cảnh: “Ngày đầu tới xã Phình Giàng của người Mông, Vàng thấy đàn trâu bò của đồng bào, con nào cũng nhỏ thó chẳng con nào nhỉnh hơn con cừu, con dê ở dưới xuôi. Vàng nghĩ ngay đến việc phải giúp dân cải tạo đàn giống. Đề xuất của anh có đủ lý lẽ, được Ban biên tập chấp nhận. Đôi bò đực giống to đùng được đích thân Tổng biên tập Hoàng Văn Thành cùng Lầu A Vàng tìm mua ngay tại Thành phố Điện Biên… Mất mấy kỳ hẹn, Ban biên tập báo mới đón được Bí thư đảng uỷ và Chủ tịch xã Phình Giàng tới: Họ trở thành thượng khách, ở nơi sang trọng. Cơm cỗ chu tất. Xe bốn chỗ mới toanh chở họ tới tận nơi để nhận quà bằng cả đôi bò đực giống. Phía chủ ai ai cũng lộ vẻ hãnh diện vì được tặng cho địa phương cả đôi bò giống loại thượng đẳng trong làng bò của Tỉnh. Ai ngờ, Chủ tịch, Bí thư đánh mắt nhìn nhau, lắc đầu quầy quậy bỏ đi, miệng rối rít:

- Không lấy đâu. Chịu thôi. Không lấy đâu. Bò của ta nhỏ lắm. Chúng hãm chết bò của dân ta mất thôi. Không nhận đâu. Ta về đây!... Lầu A Vàng đứng ngây ra. Tổng biên tập Hoàng Văn Thành ú ớ với theo cố kiết giải thích. Thành càng nói họ càng chạy. Lời vẫn với vái: - Không nhận đâu. Ta về đây! Họ miết mải như ma đuổi. Chiếc xà cột lộc xộc sau đai quần của họ như giẫy đạp muốn bứt ra, trụt lại Phía sau!

Không chịu. Mấy tuần sau, Tổng biên tập đích thân vào bản Chả B, gặp Vi Văn Đôi trưởng bản dân tộc Thái của xã Pù Hồng, theo đề xuất của Lầu A Vàng. Vi Văn Đôi vốn xưa là lính biên phòng, biết cách làm giàu. Nhà ông ta có tới mấy chục con bò, con bê. Khốn nỗi con nào cũng nhỏ thó. Nghe Tổng biên tập và Lầu A Vàng giải thích tạo vốn giúp đỡ để cải tạo đàn giống, ông ta ưng ngay… Để chắc ăn, lần này Ban biên tập phải nhờ kỹ sư Bùi Văn Dũng ở Sở Nông nghiệp tỉnh làm tư vấn, giúp báo mua chú bò giống mới lớn để họ đỡ sợ. Trưởng bản Vi Vân Đôi cũng được đưa đón, tiếp đãi cẩn trọng như thượng khách. Thấy chú bò dáng vẻ hiền lành ông ta lộ vẻ lăn tăn về năng lực giống đực của nó. Được kỹ sư tư vấn giảng giải lại biết thêm giá con bò những non chục triệu, Trưởng bản vui vẻ hẳn lên. Toà soạn thuê hẳn cả chuyến xe tải những 900.000đ để chở bò về giúp ông. Vậy mà ông ta không chịu, nhất định đòi dắt bộ. Hỏi giá công giắt bò, ông trả lời tỉnh khô: Nó phải đi bộ, công cho nó 300 ngàn. Công ta dắt nó 500.000đ.! Cái lý của Trưởng bản là vậy. Toà soạn đành vui vẻ chấp nhận... Ròng rã suốt 3 ngày 3 đêm, chú bò (giống Palátma dòng úc) mới về đến bản. Dân bản Chả lũ luợt kéo đến xem. Nhìn tướng mạo to lớn oai vệ của chú bò, người ta phong ngay cho nó cải tên rất oách: “Bò Vua”! Thấy “Bò Vua” khoẻ mạnh, ăn nhiều; ngay ngày hôm sau, Trưởng bản đưa “Vua” lên nương vực cày. “Vua” quỵ ngay trên luống cày; thôi ăn, thôi uống suốt cả tuần lễ. Vi Văn Đôi định bụng dắt bò đi trả. Được tin, Lầu A Vàng tức tốc tìm đến. Nhìn chú bò thả mõm thườn thượt dưới nền đất, mắt nhèm nhử vón cục, nước mắt Vàng trào ra. Anh cặn kẽ giảng giải với Trưởng bản: Đây là chú bò non, tuy to lớn nhưng chưa thể kéo cày. Vả lại chức phận chính của nó là phối giống! Theo lời thỉnh cầu của Vàng, Tổng biên tập báo quyết định chi một tạ ngô xay để bồi bổ cho “Bò Vua”. Nhờ thế, đến nay “Bò Vua” đã thực hiện đúng chức phận: Giống đực(l)! Từ đấy Vàng rút ra: Muốn giúp dân bản ở vùng sâu vùng xa phải theo cách cầm tay chỉ việc!… Phải nói được tiếng nói của dân tộc!”. Nghĩ đến đây, tự dưng dấu hỏi lớn như xoáy vào trí não của Vàng: Vậy thì căn cứ gì Pít Văn Kẹo lại đệ đơn xin thịt bò giống! Cái lý của người Khơ Mú là gì ?... Mà, Pít Văn Kẹo đã lôi bỏ ra thịt được thì hà có gì 7- 8 nhà được hỗ trợ bò cùng đợt ấy sẽ giữ lại để nuôi?

Tiếng chim đếm nhịp thời gian lặn tắt. Phía bên kia rặng Pú Hồng sắc trời mỡ gà hình rải quạt hiện dần lên đồn cả đêm chìm dần vào lòng đất. Vàng vùng dậy đi như nhảy xuống sân, nổ máy xe. Lao đi như gió thốc. Tới đập tràn thượng nguồn sông Mã, nước dềnh cao, Vàng bỏ xe lại, cứ thế lội qua đập, cắm cúi chạy bộ. Tới rìa bản Nậm Ma, Vàng đã hít thấy mùi khói lửa. Rất may, mẹ con con bò vẫn đứng dựa vào chiếc cột giữa sân, đợi giờ hành quyết. Thấy Vàng, nó ngẩng lên. Anh âu yếm gọi nó ăn muối:

- Vớ vở, - vớ vở, - vớ vở! Hai mẹ con con bò sán đến liếm láp đôi tay của Vàng như hôn như hít!… Bất chợt gặp Lầu A Vàng, Pít Văn Kẹo tuột tay rơi cả xô nước, giọng chằm bặp:

- Lầu A Vàng. Mày ở đâu ra thế này. Hay quá. Bữa nay phải uống thâu ngày thâu đêm với Nậm Ma ta nhé!

- Được đấy. Bằng thịt bò chứ gì ? Vàng điềm tĩnh nói.

- Nó bướng bỉnh lắm. Không nghe lời ta đâu. Làm đơn rồi. Phải thịt thôi. Không thì nó cũng đi mất!

- Được thôi. Tôi sẽ đỡ một tay. Nhưng hãy pha trà đi, rồi gọi giúp tôi cả 6 - 7 gia đình đã được tặng bò, tới đây uống nước!

Phút chốc họ tới đủ. Tay bắt mặt mừng, nhưng rồi ai cũng như ai đều tố tội những con bò bướng bỉnh, nói không nghe, dạy không được. Rằng ở rừng, chả nhẽ lại muôi bò nhốt quanh năm, cắt cỏ, bê nước cho nó uống. Rằng nhà neo người, chẳng biết có kham nổi của giống má này không?… Dân bản kéo tới mỗi lúc một đông. Họ cứ nói, Vàng cứ nghe, không một nhời cắt ngang. Đến lúc không còn ai nói nữa Vàng mới nói. Nhìn khắp lượt dân bản bằng ánh mắt thân gần, chăm chú, anh cất nhời, giọng âm âm trầm ấm:
111
Lầu A Vàng đi kiểm tra hệ thống kênh mương kiên cố, phục vụ nước tưới cho 7ha ruộng cấy của Pú Hồng.
Công trình do chính anh hướng dẫn bà con làm
- Tôi hỏi thật bà con. Nếu như ta dạy được bò, bảo được bò, thì bà con thích nuôi hay thích làm thịt ? Tất cả đồng thanh:

- Ồ! Nuôi chứ, phải nuôi chứ!

- Đúng, Phải nuôi, Nuôi thật tốt. Bò mẹ phải đẻ thêm bò con. Bò con lại lớn làm mẹ, đẻ tiếp, tiếp mãi! Ngừng giây lát, Vàng chuyển giọng, chậm và chắc: Đây là tiền của, là công sức, là xương máu, là tình nghĩa của bà con từ khắp mọi miền đất nước, gom góp gửi giúp dân bản ta. Bà con biết không, ở đó có công sức của những nhà sư chùa Linh Sơn, Thanh Nhàn, Hà Nội; có cả tiền hưu của những cụ già tám chín mươi tuổi; của các cháu, các em; các nhà doanh nghiệp, các nhà báo đại diện cho nhau lặn lội tới tận đây trao tặng. Họ chẳng bao giờ mong được ta tri ân, mong ta trả ơn. Tôi là người Mông, tôi biết điều ấy... Cho nên, ngay lúc này ta phải bảo nhau cách dạy bò. Nó sẽ vâng lời. Đừng thịt nó vào lúc này. Khi nào bò đông đàn đông lũ, thịt con nào là quyền của bà con ta! Vàng nói, Pít Văn Khăm phó bản thạo tiếng Kinh đã dịch lại. Nhiều bà con đưa tay chấm chặn những giọt nước mắt lăn lăn trên gò má… Ngừng lời, Vàng bảo:


- Ông Kẹo. Ông thả bò ra đi!

- Ô, không được đâu. Nó chạy vào rừng mất thôi!

- Vậy thì ông thử gọi bò về ăn muối đi! Pit Văn Kẹo lên tiếng gọi:

- Trà trà, tra trà! (tiếng Khơ Mú). Mẹ con con bò vùng chạy. Vàng hối thúc: - Ông lệnh cho nó dừng lại đi!
- Xù xù, xù xù! Đôi bờ vẫn cắm cổ chạy.Vàng lại hối thúc

- Vậy thì ông đuổi cho nó chạy tiếp đi! Pít Văn Kẹo ngớ ra, nhưng vẫn thưc hiện yêu cầu của Vàng:

- Dự dự, dự dự! Tự dưng đôi bò đứng lại, ngoảnh cổ nhìn gia chủ vẻ đo dò. Pít Văn Kẹo được thể lên giọng:

- Lầu A Vàng. Mày thấy chưa. Bò không bảo được. Thả vào rừng thì cũng bằng không. Tiếc của nên mình mới xin thịt thôi! Vàng đứng lên, đưa mắt thân thiện nhìn mọi người:.

- Tôi thành thực xin lỗi bà con. Tôi có lỗi. Tôi xin nhận lỗi. Gần chục con bò này tôi mua nó ở bản Pú Hồng A của người Mông, bò quen tiếng của người Mông nên lạ tiếng của người Khơ Mú ta. Vì vậy ta phải nói với nó những tiếng thông dụng của người Mông xen với tiếng của dân tộc ta. Đại thể, gọi bò về ăn muối để quen chuồng, quen bản thì tiếng Mông là Vớ vở, vớ vở! Tiếng Khơ Mú là Trà trà, trà trà! Gọi bò dừng lại thì tiếng Kinh là: Họ! Tiếng Mông là: Chả chả! Tiếng Khơ Mú là: Xù xù! Thúc bò đi thì tiếng Kinh là: Đi! Tiếng Mông là Trờ trờ! Tiếng Khơ Mú là: Dự dự!… Dân bản Khơ Mú ồ cả lên. Cười nói râm ran. Phó bản Pít Văn Khăm giọng hóm hỉnh:

- Lầu A Vàng à. Nhà báo Vàng phải giúp dạy “ngoại ngữ dân tộc” để dân bản ta nói với bò của ta thôi! Pít Văn Kẹo bước ra khỏi đám đông, tay bê chiếc chậu nhựa, cất giọng gọi bò về ăn muối:

Vớ vở, vớ vở, vớ vở! Đôi bò quay lại, sán vào với chủ, hục mõm vào lòng chiếc chậu liếm láp. Ông Kẹo đưa cả đôi bàn tay vỗ vỗ lên cái đầu con bò mẹ, rồi hấp hải quay lại ôm chặt đôi vai chắc nịch của Lầu A Vàng, giọng quýnh lên:

- Nhà báo Vàng à. Mày đúng là cán bộ của bản rồi. Mày về đây ở với Nậm Ma bản Khơ Mú của ta thôi…

Những chuyện bình dị như thế của Lầu A Vàng được dân bản truyền nhau nhắc mãi. Bởi thế bạn bè, đồng nghiệp chẳng kiệm nhời đã phong ngay cho anh cái tên thật “đắc địa”: Ông cắm bản!
                                                                                      Nguyễn Uyển
                                                               

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây