KỶ NIỆM 75 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945 – 19/8/2020)
Đã lập hạ. Thời tiết kinh thành Huế như vẫn đang xuân. Gió nhẹ thổi. Nước sông Hương trong xanh, uyển chuyển như tấm lụa lớn căng trước gió. Nhiều con thuyền lửng lờ trôi. Trong giờ nghỉ giải lao, các nữ sinh trường Đồng Khánh e ấp trò chuyện bên những gốc cây cổ thụ rộn lên tiếng cười vô tư sảng khoái.
Riêng chị, lòng dạ cồn cào như lửa đốt. Chị là nữ sinh quê Thanh Hóa, cao ráo, thướt tha, duyên dáng, nhiều thầy cai, thầy ký, nam sinh trường Quốc Học mỗi lần thấy chị là không thể “chớp mắt bỏ qua”. Mấy anh chàng si tình còn bỏ công theo chị đến cổng trường và đứng đón chị khi trường tan học để được ngắm nhìn dung nhan của chị. Thế mà... bỗng dưng chị phát điên, lúc cười như man dại, lúc khóc thê thảm như có người thân tử nạn, đầu tóc rối bù, quần áo nhếch nhác. Có lúc chị cầm búi tóc dài quay quay, cười ré lên, lúc kéo tà áo dài phủ lên mặt, khóc hu hu, bước chân lảo đảo như người say rượu. Cả trường Đồng Khánh xáo động, thầy trò ai cũng mủi lòng, thương cảm cho một nữ sinh nhan sắc, học giỏi mà mắc bệnh tâm thần. Nhiều người phỏng đoán chị bị thất tình. Nhưng lâu nay có thấy chị đi lại thân thiết với người con trai nào đâu. Chị là em họ một vị quan trong triều đình Huế – quan tham tri Nguyễn Đình Ngân*. Khóa học đã được vài năm, tương lai rạng rỡ của mỗi nữ sinh đã bày ra trước mắt. Điều ấy càng làm cho mọi người thương cảm.
Đó là mùa hạ năm 1925. Cao trào yêu nước đòi tự do dân chủ trong nước dâng cao. Nhất là sau vụ việc thực dân Pháp bắt cụ Phan Bội Châu (tháng 6 năm 1925) ở Trung Quốc, đưa về Hải Phòng rồi bí mật đưa về giam cụ ở Hỏa Lò (Hà Nội), dưới một cái tên khác. Nhưng nhiều tờ báo ở Hàng Châu và ngay cả tờ Tin tức Hải Phòng (Le courrier de Haiphong) đã loan tin thực dân Pháp vi phạm quy ước ngoại giao, bắt Phan Bội Châu trên đất Trung Quốc. Phan Bội Châu là nhà yêu nước lớn của Việt Nam, nên trong nước đã dấy lên phong trào rải truyền đơn đòi trả tự do cho Phan Bội Châu, Tòa án quốc tế La Hay, nghị viện Pháp cũng lên tiếng đòi hủy bỏ bản án cho Phan Bội Châu... Chị Nguyễn Thị Hồng, năm ấy mới 19 tuổi, là người tích cực tham gia phong trào đòi ân xá cho Phan Bội Châu và truy điệu Phan Chu Trinh. Chưa được ai giác ngộ cách mạng nhưng từ nhiệt huyết yêu nước và mến mộ những người dám xả thân vì nước chị thấy bản thân không thể ngồi yên khi phong trào yêu nước đang như vết dầu loang khắp cả ba miền. Dù được ăn học, con nhà dòng dõi nho gia, có thần có thế, nhưng thực tế cuộc sống của những người dân quê nhà và những nơi có dịp ghé qua chị sớm nhận ra một điều: những người được như chị vô cùng ít ỏi, những người khốn khổ thì lại vô kể. Qua báo chí và nhất là những câu chuyện hàng ngày trong tầng lớp có học, chị được biết trong Nam, ngoài Bắc đã nổ ra những cuộc đấu tranh đòi giảm siêu, giảm thuế, đòi quyền tự quyết dân tộc, đòi thực dân Pháp và chính phủ Nam triều trả tự do cho tù chính trị... Chị còn được biết khắp cả nước đang dấy lên phong trào vận động thanh niên yêu nước sang Quảng Châu, Trung Quốc học lý luận cách mạng. Ở quê nhà Thanh Hóa có ông Đinh Chương Dương, là người được giác ngộ cách mạng từ khi còn ít tuổi, đã ra nước ngoài học tập và nhen nhóm đội ngũ những người yêu nước, hiện đang vận động thanh niên tỉnh nhà gia nhập tổ chức Thanh niên Cách mạnh Đồng chí Hội. Ông còn tuyển chọn những người tiêu biểu trong số ấy sang Quảng Châu học lý luận do cụ Nguyễn Ái Quốc giảng dạy. Tuy chị không nói và dù ở trong triều nhưng ông Nguyễn Đình Ngân biết khá rõ những điều ấy. Nghe tin Hồng phát điên, ông mỉm cười chua chát, từ lâu ông đã “đi guốc vào bụng” cô em họ rồi. Trước đó không lâu chị tâm sự với ông:
- Em định thôi học và về quê dạy học cho các cháu nhỏ trong làng, trong tổng, anh thấy có được không?
Ông Ngân là một nhà nho yêu nước, thế yếu chẳng biết làm gì, lại không được ai móc nối nên đành ngậm sầu nuốt tủi, nén chịu chờ thời cơ. Ông hiểu cô em gái đang muốn gì, nhìn ra vườn cây ngan ngát một màu xanh, trước thềm mấy bông hồng đang khoe sắc dưới nắng hè như những đốm lửa mới nhen, ông quay vào thư thả chiu một ngụm trà như để suy nghĩ, nhìn Hồng bằng cặp mắt mến thương và đầy thông cảm, rồi nói:
- O không nói tôi cũng đã hiểu o đang tính chuyện chi. Tự dưng bỏ học là không bình thường, vì có phải ai cũng vào Đồng Khánh được đâu. Việc ấy không thành sẽ sinh ra lắm chuyện liên lụy đến gia đình, o phải tính cho kỹ.
Ông Nguyễn Đình Ngân là một người uyên thâm, làm việc gì cũng tính trước lo sau rất kín kẽ. Nghe ông Ngân nói như thế, về ký túc xá nằm nghĩ lại, chị thấy: bỏ học tìm cách theo ông Đinh Chương Dương trốn sang Quảng Châu thì những người thân trong gia đình sẽ bị bắt, bị tra tấn, bị bồi thường cho nhà trường một khoản tiền không phải là nhỏ trong những năm học ở đây. Nhà chị giàu chữ nghĩa nhưng nghèo tiền bạc, lấy đâu mà bồi thường cho nhà trường, có khi phải bán hết cả cơ nghiệp chưa chắc đã đủ. Nhưng biết làm sao đây? Muốn làm cách mạng phải có lý luận cách mạng, cứ ngồi mãi trong ngôi trường này thì làm sao có thể mở mang được đầu óc giác ngộ cách mạng? Tuy vậy, ý chí sang Quảng Châu theo học cụ Nguyễn Ái Quốc trong chị vẫn không thay đổi, ngày một bùng lên như ngọn lửa mới nhen gặp cơn gió mới. Phải làm cho nhà trường đuổi học mình thì mới có cơ hội. Chị “phát điên” là từ ý chí ấy.
Thấy chị phờ phạc vì nhiều ngày ăn uống vớ vẩn và nhịn đói, đầu tóc rối bù, rũ rượi, ông Ngân dìu chị vào nhà, lấy nước cho chị uống, chị nhoẻn miệng cười, còn ông thì hai mắt đẫm lệ. Mãi sau ông mới nói:
- Hồng ơi, anh đã hiểu o phát bệnh là vì cái gì rồi. Chả chóng thì chày nhà trường sẽ đuổi học. Khi ấy, o phải đến gặp anh, anh sẽ thu xếp và tìm cách gửi o về quê. Trên đường về quê cũng như thời gian đầu ở quê, o không được tỉnh táo ngay mà phải từ từ như người có bệnh thật. Bây giờ bọn mật thám hoạt động ráo riết lắm, o đừng tưởng nhà trường đuổi học là họ không ngó ngàng đến o nữa.
Quả đúng như ông Nguyễn Đình Ngân dự đoán, nữ sinh Nguyễn Thị Hồng bị đuổi học vì đã không học được mà còn gây phiền toái cho các bạn và nhà trường. Nhà trường cũng không bắt gia đình chị phải bồi thường một khoản tiền nào. Cuộc đời chị bắt đầu thay đổi từ đây. Không phải vào triều nhờ ông Ngân giúp đỡ, ngay sau khi chị bị đuổi học, tổ chức thanh niên yêu nước ở Huế đã bố trí cho chị về Thanh Hóa, nơi có phong trào Cần Vương, chống Pháp mạnh mẽ, nổi bật là Chiến khu Ba Đình do những danh sĩ nổi tiếng lãnh đạo như Tống Duy Tân, Trần Xuân Soạn, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt... Dù sau nhiều trận chiến đấu diễn ra khá oanh liệt, nhưng vì lực lượng còn mỏng lại bị quân Pháp bao vây nhiều ngày, chiến khu đã bị tan vỡ, nhưng đó là đóm lửa giữa cánh đồng khô, hễ có gió là bùng cháy, lòng yêu nước của nhân dân không bao giờ tan vỡ, vẫn nung nấu chờ ngày đứng lên giành độc lập cho đất nước.
Do không chấp nối được liên lạc với các tổ chức yêu nước nên việc sang Quảng Châu theo học cụ Nguyễn Ái Quốc không thành. Nhiều ngày chị đi thơ thẩn trong làng làm cho người thân và dân làng ai cũng ái ngại thương cảm. Từ một nữ sinh suốt ngày đọc sách, làm thơ, chị Hồng trở thành cô gái quê quần đen, áo cánh nâu đi đến các thôn quê, khu phố, lang thang như một người hành khất. Khi có cơ hội gặp gỡ người dân chị tuyên truyền xây dựng cơ sở. Rất may, tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội đã nhận ra chị và đưa chị vào tổ chức. Công việc của chị được tổ chức giao cho là tiếp tục tập hợp lực lượng tham gia vào tổ chức. Với cái vốn tri thức của mình, chị đi đến đâu cũng được quần chúng mến mộ vì cách nói năng nhẹ nhàng, có lý có lẽ. Nhưng khi công việc đang tiến triển tốt tổ chức lại điều động chị vào Sài Gòn rồi lại ta Huế xây dựng lực lượng học sinh yêu nước, chống Pháp. Ở Huế, chị thuê nhà trọ ở gần chợ Đông Ba, nơi có nhiều người qua lại để dễ trà trộn. Nơi đây, chị và các đồng chí của chị vừa dạy học vừa bán hàng để có nguồn kinh phí nuôi bản thân và làm công tác. Chị Hồng dạy học ở tầng trên, các nữ đồng chí khác bán hàng ở tầng trệt, giữ liên lạc với các đồng chí trong Sài Gòn ra, ngoài Thanh - Nghệ - Tĩnh vào. Hoạt động ngay giữa kinh thành, sào huyệt của bọn mật thám, nhưng tổ chức và các chị đã tính, “cắm chốt” ngay nơi quân thù không ngờ tới. Dù vậy, đến tháng 7/1929, cơ sở này bị lộ, chị Nguyễn Thị Hồng và một số chị khác bị bắt, một số chị nhanh chóng trà trộn vào dòng người qua lại nên trốn thoát, chạy sang Lào tiếp tục hoạt động và chăm sóc các đồng chí bị ốm đau.
Nguyễn Thị Hồng không còn là cô nữ sinh điên dại nữa, trong mắt bọn mật thám Pháp - Việt chị đã trở thành phần tử nguy hiểm. Chúng giam cầm chị theo hình luật đối với chính trị phạm rồi dụ dỗ, tra tấn, giải từ nhà lao này sang nhà lao khác. Dù ở nhà lao Huế hay nhà lao Thanh Hóa, chị vẫn giữ vững khí tiết cách mạng. Chúng bắt chị phải khai ra ai đã lôi kéo chị vào tổ chức chống lại nhà nước bảo hộ Pháp và chống chính phủ Nam triều, những đồng chí của chị là những ai và chị đã lôi kéo được những ai vào tổ chức? Chị không đấu khẩu gay gắt với chúng mà từ tốn trả lời với một câu duy nhất:“Không! Tôi không có gì phải khai với các ông cả. Tôi không tham gia tổ chức nào, không có ai lôi kéo tôi và tôi cũng không lôi kéo ai. Nếu các ông bắt tôi vì tội yêu nước thì quả là vô lý. Yêu nước không bao giờ là tội lỗi”.
Dụ dỗ, khảo tra, đe nẹt không lung lay được chị, bọn chúng quay sang vận động ông Nguyễn Đình Ngân để ông lấy tình thân trong gia đình, họ hàng bảo ban chị khai báo đầy đủ thì chúng sẽ thả chị ra. Ông Nguyễn Đình Ân trả lời chúng: “Nó là em tôi thật, người ruột thịt thật, nhưng dù nó có là con tôi nữa thì khi đã trưởng thành ai có phận của người ấy. Với tôi, dưới con mắt của những người như nó, tôi là quan Nam triều, là tay sai của người Pháp, làm sao tôi nói mà nó nghe”.
Chúng lại tiếp tục tra tấn chị rồi chuyển chị đi nhà lao này nhà lao khác mà không thể xét xử được vì không có chứng cứ chị là người phạm tội, vì khi chúng bắt chị lúc đang dạy học, không thu thập được một thứ tài liệu nào gọi là chống Pháp và chống chính phủ Nam triều. Vì thế, chúng không thể giam chị thêm được nữa. Năm 1931, bọn mật thám đành phải trả tự do cho Nguyễn Thị Hồng. Tổ chức bàn với chị: Nếu trở lại Thanh Hóa hay vào Huế hoạt động chị sẽ bị bọn mật thám theo dõi không rời một bước, trước sau chị cũng sẽ bị bọn chúng bắt trở lại. Tổ chức quyết định điều động chị vào Sài Gòn bằng một cái tên khác, dưới danh nghĩa một nữ giáo viên. Đã có kinh nghiệm hoạt động trong này từ những năm trước và được quần chúng đùm bọc, hơn mười năm hoạt động ở Sài Gòn chị đã làm được nhiều việc tổ chức giao cho, kể cả việc chị đã có đóng góp đáng kể vào cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Sau sự kiện này thực dân Pháp và chính phủ Nam triều lùng sục bắt bớ tràn lan, để chị Hông không lọt vào tay bọn chúng một lần nữa, năm 1942, Đảng điều động chị trở về Thanh Hóa.
Đến thời gian này chị Nguyễn Thị Hồng đã hoàn toàn khác trước đây. Một đảng viên trung kiên, một cán bộ cách mạng hoạt động bí mật có kinh nghiệm. Sau bao nhiêu năm xa cách nay được trở về quê hương, chị rất đau lòng khi biết Chiến khu Ngọc Trạo bị giặc Pháp dìm trong biển máu, nhiều đồng chí trung kiên bị giết, bị bắt, nhiều cơ sở của Đảng bị tan vỡ. Chị buồn đến thắt ruột và không cầm được nước mắt. Đêm nằm chị thầm nhủ: Phải cố gắng hơn nữa, hoạt động tốt hơn nữa. Được các đồng chí tìm đến móc nối liên lạc, giúp đỡ, nhất là đồng chí Lê Hữu Lập, tức Hoàng Văn Độ, bí danh A Voòng, một cán bộ của Đảng trực tiếp chỉ thị, giao nhiệm vụ, chị lại hăm hở bắt tay vào công việc của Đảng. Tình hình đã khác trước đây rất nhiều, chị Hồng tập hợp hơn bốn chục chị em, trong đó có một số chị đã tham gia các tổ chức yêu nước, lập nên hội chăn nuôi. Chị Hồng vừa dạy học vừa đảm nhận nhiệm vụ chủ chốt, phụ trách công tác tuyên truyền. Bằng các bài thơ yêu nước của các chiến sĩ cách mạng và của chị viết ra làm tài liệu tuyên truyền cho chị em dễ hiểu, dễ nhớ. Một thời gian sau các chị còn mở cửa hàng ở thành phố Thanh Hóa lấy chỗ cho các đồng chí trong Nam ra, ngoài Bắc vào có nơi dừng chân và gặp gỡ, trao đổi công việc. Chị Hồng còn được cấp trên cử lên vùng Thọ Xuân cùng các đồng chí ở đây xây dựng cơ sở Việt Minh. Nhiều người đọc những bài thơ chị đem cho và được chị thủ thỉ phân tích từng câu, từng chữ mà giác ngộ cách mạng, trở thành cơ sở nuôi giấu cán bộ của Đảng, một số người được kết nạp vào Đảng.
Cách mạng tháng Tám thành công, chị Nguyễn Thị Hồng được Tỉnh ủy Thanh Hóa phân công làm Bí thư Phụ nữ cứu quốc tỉnh. Công việc khi mới giành được chính quyền quá nhiều mà việc nào cũng khẩn trương, từ bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xây dựng tổ chức, đến động viên hội viên tham gia các phong trào như “Bình dân học vụ”, “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”, động viên chị em luyện tập quân sự, giúp đỡ các gia đình hội viên nghèo đói... Có lúc chị nói: Bây giờ thì thỏa sức làm việc. Phong trào phụ nữ Thanh Hóa từ không có gì đã trưởng thành rất nhanh. Cũng vì thế, năm 1946, chị được Trung ương điều động vào Hà Tĩnh làm Bí thư Phụ nữ cứu quốc tinh, và tham gia ủy viên Ban Chấp hành phụ nữ cứu quốc Trung bộ. Nhiệm vụ, địa bàn mới, chị cùng các chị cán bộ cùng cấp bám sát khu dân cư, ngày đêm xây dựng tổ chức, xây dựng phong trào, ngoài ra, công việc nào được Tỉnh ủy Hà Tĩnh giao cho chị cũng hoàn thành tốt.
Năm 1951, cuộc kháng chiến chống Pháp bước sang giai đoạn quyết liệt. Lúc này, nhiều chị ở Hà Tĩnh được chị dìu dắt bồi dưỡng đã trưởng thành có thể thay chị. Thanh Hóa vừa là hậu phương lớn vừa là tiền tuyến. Chị đề đạt nguyện vọng với cấp trên được trở về quê hương nhận bất cứ công tác gì mà Tỉnh ủy giao cho để được đóng góp cùng đồng chí đồng bào quê hương. Chị xa nhà đã lâu, tuổi cũng đã nhiều lại chưa xây dựng gia đình, Trung ương thấy nguyện vọng của chị là chính đáng và đồng thời do có nhu cầu công tác tại Thanh Hóa, chị được điều động ra làm quản đốc “Dục Anh Viện” mới được thành lập, nuôi dạy con em liệt sĩ, thương binh, cán bộ, bộ đội đi công tác, chiến đấu ở xa. Công việc đã có thành công bước đầu và đang đi dần vào nền nếp thì sang năm sau Tỉnh ủy lại cử chị sang công tác bên ngành Giáo dục, phụ trách công tác mẫu giáo, vỡ lòng của tỉnh. Chị là người đầu tiên dưới chế độ mới đặt nên móng cho ngành giáo dục mầm non, mẫu giáo của Thanh Hóa, điều rất lạ là chị rất say sưa với công tác này, có lẽ vì nó là công tác giáo dục, công việc mà chị ham mê từ khi còn rất trẻ. Hòa bình lập lại trên miền Bắc, năm 1954, cấp trên lại cử chị đảm nhiệm công tác đón tiếp cán bộ, bộ đội, đồng bào miền Nam ra tập kết ở Sầm Sơn theo Hiệp định Giơnevơ. Chị làm việc này say sưa, nhiệt tình như đón những người ruột thịt lâu ngày trở về, cán bộ, bộ đội và đồng bào miền Nam ai cũng mến mộ. Năm 1957, Trung ương lại điều động chị vào công tác ở cơ quan Phụ nữ Liên khu IV. Năm 1964, sau khi Trung ương giải thể cấp khu, chị lại trở về Thanh Hóa tham gia Ban Thường vụ Tỉnh Hội phụ nữ...
Cũng như những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945, Nguyễn Thị Hồng luôn sẵn sàng nhận bất cứ công tác gì mà tổ chức giao cho, chị không đòi hỏi gì gọi là quyền lợi cho riêng mình, chị cũng không phân vân tại sao cấp trên lại giao cho chị việc này mà không giao cho chị trọng trách kia. Với chị, bất kỳ ở cương vị nào, công tác nào, miễn hoàn thành là sung sương nhất. Vì say mê công tác cách mạng chị đã quên cả việc lập gia đình, mãi đến khi tuổi đã cao chị mới xây dựng gia đình với đồng chí Phan Quảng, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, đã từng bị tù đầy ra Côn Đảo cùng với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Mùa Hạ năm 1995, chị Nguyễn Thị Hồng đã đi vào cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 91 tuổi. Gia tài chị để lại cho con cháu là những tấm huân chương cao quý, huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và, cũng không thể không kể đến những bài thơ cách mạng của chị. Với chúng tôi, lớp đàn em mà chị rất yêu thương, chị đã để lại tấm gương lao động quên mình, hết lòng vì dân vì nước.
Bài viết này dựa theo lời kể của đồng chí Nguyễn Thị Hồng và cụ Nguyễn Đình Ngân trong những năm 60, thế kỷ trước và tư liệu lưu trữ tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa. Cụ Nguyễn Đình Ngân, sau Cách mạng tháng 8/1945, tham gia nhiều công tác, về Thanh Hóa làm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tỉnh, được bầu vào đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiều khóa, đại biểu Quốc hội khóa II, dự Hội nghị Chính trị đặc biệt năm 1966.
Tác giả: Trần Hiệp
Nguồn Văn nghệ số 34/2020
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên