Lê Thị Thúy Lan - cái tên mỹ miều, vậy mà bạn đọc báo Điện Biên Phủ lại cứ gọi bằng bút danh cụt ngủn: Lê Lan! Vâng - Lê Lan, đó là một nữ nhà báo trẻ, thân hình thon thả, khuôn mặt thanh tú, thông minh; thoảng nhìn phảng phất nét kiêu sa pha chút lạnh lùng. Nhưng, điều Lê Lan để lại với chúng tôi lại là phẩm chất riêng của nhà báo: Cách viết luôn khác người.
Vẫn nhớ, đầu tháng 3 năm 2008, trong cuộc Hội thảo toàn quốc: “Người làm báo Việt Nam học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, Lan chuyển tới tôi bài tham luận vẻn vẹn hai trang đánh máy trên giấy A4. Chút ngỡ ngàng vụt nẩy trong tôi: Vậy là chính cô gái mới “nhập cư” vào cái nghề nghiệt ngã này, lại đại diện cho những hội viên nhà báo - báo Điện Biên Phủ chứ không phải ai khác! Nghĩ là thế, nhưng những con chữ “tham luận” của Lê Lan cứ quấn hút tôi. Nào là: “. .. Với những người làm báo nơi núi rừng cực tây Tổ quốc, thì vấn đề Viết cho ai ? Viết để làm gì? Viết như thế nào? như lời Bác dạy là vô cùng quan trọng. Trong số 21 dân tộc ở Điện Biên, nếu không kể chữ phổ thông với tư cách là quốc ngữ thì chỉ có 8 dân tộc có chữ viết riêng. Trong 8 dân tộc ấy thì 6 mẫu tự đã và đang mất dần, hai mẫu tự đang từng bước khôi phục nhờ những cuộc chấn hưng, bảo tồn vất vả và không ít tốn kém (đó là chữ Thái và chữ Mông). Kể như thế để thấy rằng, tuy Điện Biên là một tỉnh đa sắc tộc, nhưng sách báo đến với bà con dân tộc cũng không còn cách nào khác ngoài chữ phổ thông”. Nào là: “Đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ là đề tài báo chí, nhân vật của báo chí mà còn là công chúng của báo chí Điện Biên. Quá trình tác nghiệp của những người làm báo chúng tôi là quá trình thâm nhập vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cái nền dân trí như thế, đặt ra trách nhiệm có tính thường trực trong mỗi nhà báo là phải viết như thế nào để thỏa mãn khả năng tiếp nhận của số đông bạn đọc của mình”. Nào là: “Phương châm của chúng tôi là đơn giản mà không thô thiển; dễ hiểu, dễ nhớ nhưng không gò theo kiểu “đẽo chân cho vừa giầy”. Vì thế, chúng tôi thường chủ động bỏ qua lối viết bác học, cầu kỳ, ngôn từ bóng bẩy; thay vì tư duy trìu tượng là lối tư duy cụ thể, gần gụi với cách nói, cách nghĩ của đồng bào”. Nào là: “Câu hỏi luôn day dứt tâm thức những người làm báo ở báo Điện Biên Phủ là: Viết như thế nào để ngay cả bạn đọc ít chữ cũng có thể hiểu?… Và lời đáp cũng thiết thực, ấy là: Ngoài tờ báo khổ lớn (tuần 3 kỳ), bán nguyệt san (tháng 2 kỳ); báo Điện Biên Phủ còn có một ấn phẩm dành riêng cho đồng bào các dân tộc vùng cao, xuất bản (mỗi tháng 2 kỳ), in 4 mầu trên giấy tốt. Cách viết ngắn gọn, dễ hiểu, ít chữ và chữ to, nhiều ảnh đẹp. .. là nơi gửi gắm niềm tin yêu của đồng bào thiểu số trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, duy trì sự bình yên cho các làng bản, v. v. và v v... ”. Những dòng tham luận như thế, khiến tôi thêm nhớ, nhớ một ngày đầu đông năm 2006, Lan cùng tôi và các đồng nghiệp báo Điện Biên Phủ tới bản Nậm Ma nơi cư ngụ của dân tộc Khơ Mú ở thượng nguồn sông Mã. Cái nghèo, cái khổ, cái hoang dã trùm ngập cả mấy chục hộ dân. Người ta nghèo đến mức không thể nghèo hơn, không thể khổ hơn, rừng sâu núi thẳm mà họ không có được chiếc màn, không có áo quần cho con che thân khi đã sang tuổi 13, 14, không có nhà vệ sinh, không có lớp để học, không có thuốc uống khi đau ốm. .. Chúng tôi xoay xỏa chụp ảnh, hỏi chuyện dân, thu nhặt tư liệu. Khi ấy Lê Lan lẳng lặng lấy những gói kẹo từ trong túi xách của mình lúi húi chia cho các cháu, hướng dẫn các cháu cách bóc kẹo, ăn kẹo; đôi mắt Lan nhạt nhòa, tay áo luôn quyệt ngang xoa vợi xót thương. Sau ngày ấy, ngoài bài viết trên báo, Lan còn cùng Ban Biên tập, Đoàn thanh niên, Công đoàn vận động cán bộ công nhân viên cơ quan ủng hộ quần áo, chăn màn gửi gấp giúp dân bản Nậm Ma. ..
Trọng trách của Lê Lan hiện thời là Trưởng Phòng biên tập, đảm nhiệm toàn bộ công việc của một Thư ký tòa soạn với 7 nhân viên. So với mặt bằng thì chị là người có sức vươn khá mau mắn: Năm 2003, tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội rồi về báo Điện Biên Phủ với công việc hiệu đính, sứa morát. Giữa năm 2006, phụ trách phòng Biên tập. Đầu năm 2007, làm phó Phòng Biên tập. Một năm sau đó (9/2008- 6/2009), học cao cấp lý luận tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, rồi trở về làm Trưởng Phòng. .. Nhưng với tòa soạn và với những công việc mà chị đã làm và đảm nhiệm thì bước đi ấy là lẽ đương nhiên. Vì rằng, Thư ký tòa soạn chính là cánh tay phải của Tổng biên tập, có đầy đủ tiêu chí của một phóng viên giỏi, chí ít cũng là phóng viên đầu đàn của tòa soạn và tất yếu phải là người đã kinh qua công việc biên tập, có tay nghề cứng cỏi. Nói cho đúng, Thư ký tòa soạn chính là nguời góp phần quan trọng nhất trực tiếp sáng tạo và chế tạo ra tờ báo. Cho nên công việc đầu tiên của mỗi kỳ ra báo đối với Lê Lan là: Nhận bài vở trực tiếp từ những người biên tập và phụ trách quảng cáo, hoặc do Tổng biên tập giao khi đã tập hợp đầy đủ. Sau đấy, lại là: Đọc toàn bộ tin bài, sửa những lỗi còn để sót, cắt xén những chỗ dài dòng; làm công việc của người kỹ mỹ thuật: định tít lớn, tít nhỏ, cỡ chữ, gam màu và vị trí từng bài, trên từng trang sẽ in nhằm góp sức chuyển tải thông tin, tôn thêm giá trị thông tin của mỗi tác phẩm báo chí. .. Dụa vào (dự kiến) makét của Thư ký, lúc này họa sĩ, người đồng nghiệp cận kề nhất lần lượt trình bầy từng trang báo... Thư ký tòa soạn xem lại lần cuối rồi trình lên Tổng hoặc Phó tổng biên tập duyệt trước khi đưa tới nhà in. Nghĩa là cả núi công việc, Thư ký tòa soạn bấn bíu suốt tuần, suốt tháng. .. Ấy Vậy mà bạn đọc vẫn ngỡ chị là một phóng viên, một cây viết thực thụ của báo Điện Biên Phủ. Cũng bởi một sự thực hiển nhiên: Lê Lan khỏe viết. Viết hay. Viết như găm nỗi niềm thao thức vào trí não người đọc!
Có nguời hỏi: - Việc lấp đầu lấp cổ như thế, thời gian đâu để Lê Lan đi và viết? Câu hỏi ấy hình như mọi người trong Phòng biên tập đều có thể trả lời thay cho Lê Lan: Rằng, đi cơ sở chính là cái cách để Trưởng Phòng Biên tập tiếp cận cuộc sống, nhập cuộc với thực tế, để được cảm nhận nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn với bà con dân tộc ở vùng sâu, vùng xa; để nắm thông tin, xây dựng chương trình kế hoạch tuyên truyền sát thực với thực tiễn. Những miền đất, vùng đất Lê Lan đến thường là nơi dân bản nghèo khổ, lam lũ, ăn cùng họ, ngủ cùng họ, nghe họ nói, xem họ làm. Thời gian cho mỗi chuyến đi là kết quả của sự dồn nén công việc, hoặc là những ngày nghỉ, ngày lễ; là những đêm chong đèn khi chồng con yên giấc để nghĩ suy về đề tài, về chủ đề bài viết, cậy nhờ ngôn từ truyền cảm hứng của mình cho người đọc. Cho nên, những bài viết của chị thường là cả một vấn đề, với cả một chùm bài, đăng tải trên nhiều kỳ báo, nhưng vẫn hút hả người đọc. Nhờ chịu nghe, biết cách nghe khi sống với dân bản Hấu Chua, Sín Chải, huyện Tủa Chùa nên nhà báo Lê Lan mới thóp được những chi tiết thật đến nhường này: Mỗi khi gia đình có khách, chủ nhà lại vác dao ra vườn chặt vài cành chè hãm nước, cùng lắm uống đến nước thứ hai rồi đổ bã vào gốc chè. .. rồi thì, nương ngô gần nhà bị trâu bò phá, người ta cũng chặt cành chè làm cọc rào. Cây to chặt cành to, cây bé chặt cành bé, chặt đến khi nào đủ hàng rào thì thôi. Cứ thế, mỗi năm hai vụ ngô là hai lần cây chè bị chặt cành; ấy là chưa kể những lần chặt cành chè làm roi đánh con, làm gậy đuổi lợn...” mà chị thể hiện trong phóng sự “ Chè cây cao Tủa Chùa - Long đong chốn sương mù”. Đồng nghiệp thường đạm bàn với nhau: Đề tài không mới, nhưng cách quan sát và lối viết của Lê Lan khiến sự việc trở nên hôi hổi, sống động, gợi nhiều ngẫm ngợi! Một điều khác nữa, ấy là mỗi khi viết phóng sự-điều tra, Lê Lan thường đi đến cùng bản chất của vấn đề, tìm ra bản chất của sự thật. “Di dân tự do ở Mường Nhé - Đích đến còn xa” là một trong những minh chứng về sự kỳ công của chị trong cách thức thu thập tài liệu, về phương cách tác nghiệp để viết phóng sự - điều tra. Không kỳ công, không có những ngày theo cán bộ biên phòng leo đèo lội suối đến với dân bản xa xôi hẻo lánh làm sao có thể tìm ra Dấu ấn nơi rừng xanh với những “nghịch lý” của vùng đất khó. Làm sao có thể nói được niềm vui như mơ của người dân khi nghe đích tới của Đề án Di cư tự do (DCTD) tràn đầy chi tiết sống động của niềm hy vọng. .. Nhưng sự thật chua chát, đắng dạ, đắng lòng được chị xới tung lên: Đó là Đề án mà tiến độ còn nằm trên giấy! Câu hỏi bật ra: Tương lai nào cho vùng đất địa đầu? Gọi đích danh, chỉ chính diện: “. .. 21 tháng đã qua, đó là quãng thời gian không dài trong tiến trình vuợt khó vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo của cấp ủy Đảng, chính quyền và hơn 45.000 dân Mường Nhé. Nhưng so với thời gian thực hiện Đề án, sắp xếp ổn định DCTD Mường Nhé thì 21 tháng qủa là đang đặt ra nhiều vấn đề mới chỉ dừng ở thủ tục “trên giấy”!… Và: “Để trở thành hiện thực, một hiện thực nghe thấy và nhìn thấy về sự ấm no trên mỗi bản làng của Mường Nhé; giờ là lúc các cơ quan chức năng phải ngồi lại với nhau trên chiếc ghế trách nhiệm, để bàn thảo đến tận cùng chân lý. Ai cũng nói Đề án được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, nhưng tiến độ chậm thì không một cá nhân nào nhận trách nhiệm cá nhân. Rút cuộc ai là người “dấn thân”, hơn nữa ai là người sẵn sàng chịu trách nhiệm?… Xin hãy dành thời gian đi một vòng khảo sát những điểm bản có tên trong danh sách được quy hoạch, sắp xếp dân cư ở Mường Nhé. Về đó, hãy ăn cùng dân, ở cùng dân để được nghe những suy nghĩ, trăn trở và cả những tiếng thở dài khó nhọc của người già trong mỗi căn nhà chuẩn bị chuyển cư. .. Giai đoạn 2008 - 2012 Đề án sắp xếp, ổn định dân tái định cư huyện Mường Nhé chỉ còn 39 tháng là kết thúc, nhưng đường đến đích còn gập ghềnh, xa xôi lắm. Trên con đường vời xa ấy, cần lắm những người cán bộ đồng hành với dân, dám đặt mình vào vị trí nhân dân, biết vượt khó thay vì chỉ biểt kêu khó! . .. Những cách nói, cánh dẫn, cách viết tận tường, kỹ càng ấy của Lê Lan khiến người đọc ham đọc, khiến những người đại diện chính quyền, cơ quan chức năng không thể lảng tránh, càng không thể khoanh tay dù thâm tâm không dễ chấp nhận cái chuyện “ phơi” nhau lên công luận như thế, nhưng vẫn phải dằn lòng, đơn giản: Tác giả viết đúng quá. Sự thật vốn là như thế!
Cách thức làm báo và lối viết khác người ấy đã khắc họa nên chân dung nữ nhà báo trẻ Lê Lan của báo Điện Biên Phủ, 3 năm liên tiếp đoạt giải Báo chí Quốc gia: Năm 2007, giải khuyến khích, với chùm bài Tái định cư Thủy điện Sơn La tại thị xã Mường Lay - “Lời giải nào cho bài toán khó?”; Năm 2008, giải 3, với phóng sự “Chè cây cao Tủa Chùa - “Long đong chốn sương mù”; Năm 2009, đoạt tiếp giải 3, phóng Sự “Di dân tự do ở Mường Nhé - “Đích đến còn xa”.