Nhà báo là ai?

Thứ năm - 06/08/2020 11:12
Nhà báo, bạn là ai? Một câu hỏi không mới mà nhiều nhà báo bậc tiền bối đã luận bàn, nhưng tìm lời giải trong hoạt động thực tiễn của đời sống báo chí đương đại lại không dễ dàng và có thể nói luôn luôn mới.
111
Phóng viên tác nghiệp
Nhà báo Phạm Quốc Toàn có nửa thế kỷ tâm huyết gắn bó cuộc đời với nghề báo. Ông giữ chuyên mục “Đời và nghề” với bút danh quen thuộc ong Vò Vẽ trên Tạp chí Người làm báo 15 năm nay. ong Vò Vẽ châm chích chuyện đời, chuyện nghề của người làm báo, cũng chính là sự trăn trở đi tìm câu trả lời, từ trong đời sống báo chí: Nhà báo, bạn là ai? Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, thêm một lần nữa, tác giả lại đi tìm lời giải cho câu hỏi: Nhà báo, bạn là ai?

Trong tác phẩm “Từ bến sông Nhùng”, tác giả dành chương 4 tìm lời giải phong phú, đa dạng Nhà báo, bạn là ai, thông qua cuộc đời và sự nghiệp một cây đại thụ của nền báo chí nước nhà. Những câu chuyện cụ thể, những tình tiết mới lạ - trình bày bằng bút pháp văn học, thấm đậm chất tân văn để luận bàn Nhà báo, bạn là ai? Theo quan điểm của các nước phương Tây, báo chí và các nhà báo là “Những người có quyền lực”, họ coi báo chí và nhà báo là quyền lực thứ tư trong xã hội, sau các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Ở Việt Nam, nền báo chí cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng không coi báo chí là quyền lực thứ tư, bởi báo chí là của nhân dân, vì nhân dân, báo chí phò chính trừ tà, phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, một nhà báo bậc thầy, khi Người lý giải về nhà báo tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1962: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén”.

Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, Người nhắc nhở cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa. Người dạy, cán bộ là đầy tớ của dân chứ không phải làm quan rồi đè đầu dân, cưỡi cổ thiên hạ. Rằng nhà báo không phải để cho oai, để phách lối, hù dọa người; báo chí có nghĩa vụ phục vụ công, nông, binh.

Nhà báo, bạn là ai? Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho ta câu trả lời mang tính kinh điển, báo chí và nhà báo - chiến sĩ cách mạng - chỉ có một mục đích duy nhất là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, đặt lợi ích đất nước lên trên hết, trước hết.

Báo chí và nhà báo muốn viết gì, viết cho ai, viết như thế nào đều hướng tới mục tiêu vì quyền lợi của nhân dân. Dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, ý Đảng và lòng dân quyện hòa vào nhau. Nhà báo viết vì quyền lợi của dân, cho dân đồng nghĩa với sự tuân thủ đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuyên truyền, định hướng, hướng dẫn và tổ chức hành động cách mạng của quần chúng, nhằm thực hiện tốt nhất nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, biến nghị quyết của Đảng thành hiện thực trong cuộc sống.

Nhà báo, bạn là ai? Nhà báo lão thành Phan Quang kể lại một kỷ niệm nghề nghiệp vào năm 1957, khi ông làm phóng viên Báo Nhân Dân được phân công đi tháp tùng Bác Hồ thăm một công trình thủy lợi ở đồng bằng Bắc bộ, lúc miền Bắc đang hạn hán nặng. Bác đến thăm một công trường làm thủy lợi chống hạn. Ban chỉ huy công trường đến chào Bác.

Chủ tịch huyện ăn mặc chải chuốt, Bác nói Chủ tịch huyện cho Bác xem tay và Người nhận xét: “Tay chú sạch quá”. Rồi thân mật Bác khuyên: “Phải làm sao cho nhân dân thấy cán bộ là người dễ gần, người của nhân dân. Thỉnh thoảng các chú cũng nên tham gia lao động với bà con”.

Hôm sau các báo đăng bài tường thuật Bác Hồ về thăm đồng ruộng do Phan Quang viết. Bác gọi Phan Quang lên Phủ Chủ tịch. Thấy Phan Quang vào, Bác Hỏi: “Chú Quang đấy à, Bác đã đọc bài của chú, chú viết như thế là được. Nhưng chú viết Hồ Chủ tịch đi bộ mấy cây số liền giữa cánh đồng. Vậy ra, từ xưa đến nay, Hồ Chủ tịch chỉ ngồi trên xe thôi. Bác đi bộ giữa cánh đồng thì có gì mà chú nói lắm thế?.

Nhà báo Phan Quang nhắc lại kỷ niệm trên để nói rằng: Bác Hồ là một mẫu mực về đạo đức cách mạng, đạo đức báo chí. Viết báo cần nói nhiều về nhân dân, cán bộ có biểu hiện quan liêu, xa dân báo chí cần phê phán để nhắc nhở, giáo dục, báo chí không nên ca nhiều về lãnh tụ mà dành “đất”, dành thời lượng phản ánh nhiều hơn cuộc sống còn nhiều khó khăn của người dân.

Nhà báo, bạn là ai? Cố nhà báo Hữu Thọ tâm sự với sinh viên báo chí: “Nhà báo là người công dân bình thường như bao công dân khác, biết thở hơi thở của nhân dân, đập nhịp đập với trái tim người lao động. Người làm báo góp thêm luồng gió trong lành vào cuộc sống người dân lao động không mệt mỏi, xây dựng Tổ quốc giàu đẹp. Nhà báo còn là địa chỉ tin cậy, nơi gửi gắm niềm tin yêu của nhân dân. Nhà báo còn là binh chủng đi đầu trong các trận cuồng phong cách mạng và bão tố của cuộc đời”.

Nhà báo rất giản dị trong công việc làm “người đưa tin”, là nguồn tin của xã hội. Nhà báo, cơ quan báo chí là người thông tin sự kiện nóng hổi đã xảy ra, đang xảy ra, sắp xảy ra từ ngọn nguồn của nó, xử lý và trình bày thông tin ấy một cách sống động, chân thực, có định hướng, hướng tới mục đích lương thiện và cao đẹp.

Cần nói ngay rằng, xử lý thông tin đúng, chân thực hoàn toàn xa lạ với sự xuyên tạc, bóp méo sự thật. Tiêu chí để xử lý thông tin của nhà báo là vì tiến bộ xã hội, vì lợi ích của người dân, lợi ích đất nước và dân tộc. Trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, lương tâm - đạo đức nghề nghiệp của nhà báo phải luôn luôn được đặt lên hàng đầu.

Nhà báo chảy theo dòng chảy thời cuộc, có mặt ở những điểm nóng, đối đầu trực diện với cái tốt, cái xấu, cái ác, đương đầu với các nhóm lợi ích, đúng sai rõ ràng. Từ trong bản chất, nhà báo là nhà yêu nước, nhà dân chủ, nhà văn hóa, nhà chính trị, nhà hoạt động xã hội, lấy ngọn bút, máy ảnh, bàn phím làm phương tiện thông tin, bình luận, định hướng dư luận.

Nhà báo đồng thời là công dân, sống với cuộc sống đời thường, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số - thời đại 4.0, nhà báo chung sống với mạng xã hội, tham gia mạng xã hội - như một thành viên của nó. Nhà báo khi viết báo và tham gia mạng xã hội có trách nhiệm, góp phần tô đẹp, nhân rộng cái tốt, cái hay, cái đúng, phê phán, đấu tranh, hạn chế mặt tiêu cực của mạng xã hội. Nhà báo thực sự là một công dân có trách nhiệm, một ký giả có Tâm sáng, Bút sắc, Lòng trong - nhất quán trong con người, trái tim, sự nghiệp người cầm bút.

Nhà báo, bạn là ai? Nhà báo rất có thể trở thành một chính khách, nhà hoạt động xã hội có uy tín. Nhà báo có thể làm những việc tùy tâm rất đỗi bình thường hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng sống động chung quanh ta. Nhà báo tham gia và cổ vũ đời sống cộng đồng tham gia hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện, hướng về người nghèo, góp phần giúp đỡ hỗ trợ những hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn, cụ già và trẻ em không nơi nương tựa, đem niềm vui, ánh sáng, hoa thơm quả ngọt cho đời.

Nhà báo, bạn là ai? Nhà báo cần sự khiêm nhường, chăm chỉ học hành, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, kiến thức văn hóa, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tận tâm giúp đỡ đồng nghiệp, có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh; tự giác thực hiện đúng Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam. Đó là bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm, tình cảm của đội ngũ những người làm báo cách mạng, đội ngũ các nhà báo chân chính./.
 
Theo QT/Người làm báo Việt Nam

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây