Xuân Thủy - Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam: Như một vì sao còn sáng mãi

Thứ tư - 05/08/2020 16:39
Người ta thường nhắc đến Xuân Thủy là nhà cách mạng, nhà ngoại giao, nhà hoạt động chính trị xã hội nổi tiếng, nhà văn hóa, nhà thơ lớn, thuộc về thế hệ những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Song, ông cũng là một nhà báo lớn, để lại dấu ấn đậm nét và có ảnh hưởng không nhỏ đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam thế kỷ XX.
111
Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy (người đang phát biểu) - Trưởng đoàn Việt Nam đàm phán tại Paris năm 1968. Ảnh: TL
Xuân Thủy tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm. Ông sinh ngày 2/9/1912, trong một gia đình có truyền thống Nho học tại thôn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm), thành phố Hà Nội. Tên xã Xuân Phương là do nhân dân vì yêu mến, tự hào về ông mà ghép bởi từ Xuân trong tên ông - Xuân Thủy với từ Phương trong tên cũ của làng Phương Canh mà thành.

Do ảnh hưởng tư tưởng yêu nước của cha, một nhà nho đã tham gia phong trào Đông kinh nghĩa thục, chứng kiến cảnh đời nô lệ lầm than của nhân dân, trong tâm hồn Xuân Thủy đã dần được hun đúc lòng yêu nước, chí căm thù giặc.

Khoảng năm 1934 , Xuân Thủy xin phép cha sang thị xã Phúc Yên mở hiệu thuốc đông y để tự kiếm sống và dễ bề tham gia vào cuộc đấu tranh chống áp bức, cường quyền, cứu nước, cứu dân. Tại đây, ông bắt đầu nhận làm thông tín viên cho báo Trung Bắc tân văn, đồng thời mở rộng phạm vi giao du với những thanh niên yêu nước.

Chính môi trường báo chí đã trực tiếp và nhanh chóng dẫn Xuân Thủy vào con đường đấu tranh trực diện với kẻ thù, dấn thân vì sự nghiệp cách mạng mà ông đã lựa chọn và sẽ hiến dâng cả cuộc đời.

Năm 1938, ông cùng các đồng chí của mình tổ chức cuộc đấu tranh đòi xóa bỏ thuế cư trú ở thị xã Phúc Yên và bị Tòa Thượng thẩm Hà Nội xử 4 tháng tù giam. Ông bị giam tại Hỏa Lò và hết hạn tù bị trục xuất khỏi Phúc Yên.
Chỉ một năm sau, cuối năm 1939, khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Mặt trận Bình dân Pháp thất bại, thực dân Pháp thi hành chính sách đàn áp chống cộng và đại khủng bố gắt gao. Xuân Thủy lại bị bắt, kết án tù chính trị lần thứ hai.
111
Đồng chí Lê Đức Thọ và Trưởng đoàn Xuân Thủy tại Paris. Ảnh: TL
Đầu năm 1940, từ nhà tù Hỏa Lò, ông bị đày lên nhà tù Sơn La - một nhà tù khét tiếng khắc nghiệt thời đó. Nhưng chính môi trường khắc nghiệt này đã góp phần tôi luyện nên những phẩm chất kiên cường, bất khuất, tài trí và nhân hậu của người cộng sản Xuân Thủy.

Trong tù, Xuân Thủy tích cực tham gia tổ chức, động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu của các bạn tù cộng sản, yêu nước, để cùng nhau vượt lên những thử thách khắc nghiệt, chiến thắng sự khủng bố của kẻ thù. Ông còn làm thơ, những vần thơ thể hiện tinh thần lãng mạn, ý chí cách mạng kiên cường:

“Đế quốc tù ta, ta chẳng tù
Ta còn bộ óc, ta không lo
Giam người khóa cả chân tay lại,
Không cấm được ta nghĩ tự do”


Suốt hơn 4 năm bị giam cầm tại Nhà ngục Sơn La (1940 - 1944), Xuân Thủy đều là người phụ trách Ban Biên tập bí mật của Báo Suối reo, tờ báo của những người tù cách mạng ở nhà ngục Sơn La đã đi vào lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam như một hiện tượng đặc biệt.

Đầu năm 1944, Xuân Thủy được ra tù và quản thúc tại quê. Mặc dù mới ra tù bị sốt rét nặng, lại bị chính quyền thực dân theo dõi sát sao, nhưng ông vẫn tìm cách bắt liên lạc với tổ chức Đảng, rồi trốn đi hoạt động thoát li bí mật. Ông được đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh trực tiếp giao cho phụ trách Báo Cứu quốc - Cơ quan của Tổng bộ Việt Minh. Từ đây, Xuân Thủy bắt đầu những chặng đường khó khăn nguy hiểm, gắn bó với Báo Cứu quốc cho đến hết cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp.

Trong Cách mạng Tháng Tám, Xuân Thủy tham gia Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ, trực tiếp phụ trách công tác thông tin, tuyên truyền và báo chí. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ông vừa làm Chủ nhiệm kiêm chủ bút Báo Cứu quốc ra hằng ngày, vừa làm Ủy viên Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ, kiêm Trưởng Ban Tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh.

Trên Báo Cứu quốc thời kỳ này liên tục xuất hiện các bài báo của ông viết về những vấn đề cấp bách, những sự kiện thời sự có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với vận mệnh của đất nước. Do trách nhiệm công tác của mình, ông là người có công lớn trong việc chỉ đạo và trực tiếp tham gia chuẩn bị cho sự ra đời của một số cơ quan báo chí lớn của đất nước như Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Báo Cứu quốc rút khỏi Hà Nội chuyển ra gần Hà Đông, rồi lên vùng Sài Sơn (Chùa Thầy), lên Phù Ninh, Phú Thọ và lên chiến khu Việt Bắc. Để tránh sự săn lùng của kẻ địch, tòa soạn báo phải di chuyển qua lại rất nhiều địa điểm.

Có khi Xuân Thủy cùng các đồng đội, đồng nghiệp phải lội suối, luồn rừng, đi thâu đêm suốt sáng để vượt ra khỏi vòng vây quân địch. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông vẫn vừa chỉ đạo tòa soạn, vừa viết bài đều đặn. Ngòi bút ông sắc sảo mà giản dị, đầy tâm huyết, dễ đi vào lòng người.

Có khi, do yêu cầu khẩn trương của nhiệm vụ kháng chiến mà 4, 5 ngày liền trên mặt báo đều có bài của ông, thậm chí có ngày có 2 bài liền.

Trong 3 số Báo Cứu quốc các ngày: 8, 9, 11 tháng 12 năm 1949, có đến 4 bài của ông: Tại sao ta đã đề ra nhiệm vụ tổng phản công? (CQ, 8/2/1949); Thực hiện triệt để chiến lược cầm cự và chuẩn bị tổng phản công! (CQ, 9/2/1949); Chuẩn bị phản công hay chuẩn bị tổng phản công (CQ, 9/2/1949); Chuẩn bị tổng phản công về mặt chính trị (CQ, 11/2/1949).

Trong nguy hiểm, gian khổ và đói rét, Xuân Thủy cùng những người làm báo Cứu quốc vẫn ngoan cường, bền bỉ, “lập được một kỳ công”1 là xuất bản báo liên tục, đem tiếng nói của Đảng, của Cách mạng đến với cán bộ, bộ đội, nhân dân, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc kháng chiến thần thánh 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.

Suốt trong thời gian kháng chiến chống Pháp, Xuân Thủy vừa trực tiếp lãnh đạo Báo Cứu quốc vừa chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo cả hệ thống báo chí và tuyên truyền của Mặt trận. Bằng sự nhạy cảm nghề nghiệp, thái độ trân trọng tài năng và lối sống chân thành, dung dị, ông đã tập hợp, lôi cuốn nhiều nhà văn, nhà báo, trí thức, nghệ sỹ nổi tiếng, nhiều cán bộ lãnh đạo chính trị, tướng lĩnh quân đội trực tiếp tham gia hoạt động hay cộng tác với tòa soạn báo Cứu quốc.

Chính cơ quan Báo Cứu quốc cũng là “cái lò” trực tiếp đào tạo nhiều người làm báo cho cách mạng. Nhiều người đã làm việc ở tòa soạn báo Cứu quốc, được Xuân Thủy và các đồng nghiệp đào luyện, dìu dắt, đã trở thành những nhà báo nổi tiếng sau này.

Hơn thế, ông cũng chính là người đã đề xuất ý kiến và trực tiếp đứng ra tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ báo chí của Tổng bộ Việt Minh. Đó là lớp đào tạo nhà báo đầu tiên ở nước ta - lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức vào giữa năm 1949 ở chiến khu Việt Bắc. Ông là người chỉ đạo thành lập Đoàn Báo chí Việt Nam năm 1945 và Đoàn Báo chí kháng chiến năm 1947.
111
Nhà báo Xuân Thủy (người quàng khăn ngồi giữa) và đồng nghiệp khi làm báo Cứu Quốc tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh: TL
Năm 1950, ông được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ tổ chức Hội những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam và trực tiếp làm Chủ tịch Hội từ ngày thành lập đến năm 1961.

Từ năm 1962 trở đi, Xuân Thủy được giao gánh vác nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước. Ông tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1955 và năm 1968 được cử vào Ban Bí thư Trung ương. Ông đã làm Bộ trưởng ngoại giao (1963 - 1965), Trưởng ban Đối ngoại Trung ương kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội...

Trong thời kỳ 1968 đến 1973, ông là Bộ trưởng Chính phủ, Trưởng Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Ông cũng là đại diện của Việt Nam trong Hội đồng hòa bình thế giới, là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung và Hội hữu nghị Việt - Xô, v.v.. Dù không trực tiếp phụ trách Hội Nhà báo Việt Nam nữa, nhưng tuỳ theo vị trí công tác cụ thể của mình, ông vẫn luôn quan tâm và tiếp tục có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ông vẫn luôn gần gũi và đáng kính trọng đối với những người làm báo Việt Nam.

“Đối với Hội Nhà báo Việt Nam, với các thế hệ báo chí cách mạng Việt Nam, từ trước đến nay, đồng chí Xuân Thủy không chỉ mà mãi mãi là người thầy, người bạn, người anh gần gũi và thân thiết”.
 
***
Hơn một nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, trải qua bao thử thách khắc nghiệt, bắt đầu từ một thanh niên trí thức yêu nước hăng hái tham gia đấu tranh chống cường quyền, áp bức, làm thơ, viết báo với ước vọng dùng ngòi bút “xoay vần thời thế”, đến khi trở thành một nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm “kết hợp hài hòa giữa tài năng và đức độ, giữa tính cách dân tộc truyền thống và văn minh thời đại”, Xuân Thủy luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Ông không chỉ là người sáng lập, vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam, mà còn “Như một vì sao còn sáng mãi” trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, là một người thầy, tấm gương ngời sáng về trí tuệ, tài năng, tình yêu và sự dấn thân trong nghề làm báo cho các thế hệ nhà báo Việt Nam./.

 
Theo Tạ Ngọc Tấn/Người làm báo Việt Nam
 
(1) Nguyễn Thành Lê: Nhà báo cộng sản Xuân Thủy - Tuyển tập Xuân Thủy, NXB Văn học, Hà Nội, 1999. Tr.903.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây