Trung tá - nhà báo Lê Văn Chương: Người nặng tình với biển khơi

Thứ tư - 15/07/2020 08:53
Trung tá - nhà báo Lê Văn Chương- báo Biên Phòng-là người đã dành hơn 20 năm cho những chuyến đi tới vùng biên giới đến hải đảo xa xôi. Trở về sau mỗi chuyến đi đó anh đều có những tác phẩm báo chí mang hơi thở cuộc sống, hội tụ sức hấp dẫn và dấu ấn riêng.

Xuôi ngược biển khơi

Báo Biên phòng là diễn đàn của nhân dân khu vực biên giới biển, đảo. Người cán bộ ở đây vừa là người lính cũng vừa nhà báo. Có lẽ nhờ hội tụ hai yếu tố của cả hai nghề đó mà anh Lê Văn Chương tôi luyện cho mình một tình thần thép, dấn thân và dám nghĩ dám làm.
111
Tàu ngư dân Quảng Nam đang đánh bắt cá tại bãi cạn Macclesfield. Ảnh: nhà báo Lê Văn Chương
Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời, đã góp phần tích cực phát triển nghề thủy sản, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển, đáp ứng nguyện vọng bám biển sản xuất của ngư dân. Theo Nghị định này ngư dân đã được hỗ trợ đóng, sử dụng tàu vỏ thép sau hàng chục năm lênh đênh trên biển với tàu vỏ gỗ nhỏ bé. Giờ đây họ đã bước sang chặng đường mới.

Có tàu vỏ thép người dân yên vươn khơi đến những vùng biển thuộc chủ quyền tổ quốc. Hoàng Sa là biểu tượng thiêng liêng, là cột mốc về chủ quyền. Ngư dân Việt Nam luôn bám đảo không rời và Hoàng Sa mãi mãi là của Việt Nam. Năm 2019, sau chuyến đi 2 tuần đi biển với ngư dân tỉnh Quang Nam, anh Lê Văn Chương đã cho ra đời loạt 3 bài về ngư dân mưu sinh ở vùng biển Hoàng Sa và bãi ngầm Macclesfield.

Hay trước đó, anh cũng viết nhiều bài về hiệu quả của đóng tàu vỏ thép ra khơi, trong đó có tác phẩm truyền hình “Xuôi ngược biển khơi trên tàu 67”…và còn nhiều chuyến đi gắn tác phẩm truyền hình, báo in, báo ảnh gắn với biển mà anh không nhớ hết. Tuy nhiên dù thể hiện ở nhiều loại báo chí nào, anh luôn khẳng định ngư dân bám trụ ở quần đảo Hoàng Sa đã trở thành biểu tượng của người Việt Nam trong việc gìn giữ chủ quyền.
111
Tác phẩm ảnh trên tàu cá ngư dân Mỹ Á, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Lê Văn Chương
Lênh đênh trên biển 2 tuần, riêng đối với những kình ngư cả đời gắn bó với nghề biển đó là điều bình thường. Nhưng đối với nhà báo luôn gắn với cây bút trang giấy đó là một thử thách lớn.

Chia sẻ kinh nghiệm về đi biển, Trung tá - nhà báo Lê Văn Chương cho rằng: "Đi đến những vùng xa đó tôi phải tập dượt nhiều lần, thời gian đầu chưa quen, tôi đi những chuyến ngắn trước, sáng đi tối về, chiều đi sáng hôm sau về…mức độ khó tăng dần, nghĩa là mình đi những chuyến gần bờ trước đã, quen rồi mới đi xa”... Phần lớn ngư dân tổ chức đánh bắt cá vào ban đêm, công việc thường bắt đầu từ 21h đêm đến 8h sáng hôm sau mới kết thúc, người phóng viên đi cùng cũng cần bắt theo nhịp sống đó.

Được ăn, ở, làm việc cùng những ngư dân giúp anh hiểu được những khó khăn vất vả, hiểm nguy mà họ gặp phải. Trong một chuyến đi sẽ có rất nhiều biến cố có thể xảy ra, không chỉ nắng nóng, đá ngầm mà còn phải đương đầu với mưa to sóng lớn.

Nhưng với tinh thần lạc quan của người chiến sỹ, đối với nhà báo Lê Văn Chương mỗi chuyến đi biển lại là niềm vui mới, không chỉ cùng những ngư dân thật thà chất phác kéo lưới mà còn được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp. Nhớ về những lần đi biển, anh tâm sự: “Trên biển nhiều thứ kỳ thú, không hẳn nó gian khổ đâu, mỗi lần kéo lưới xong, ngồi quây quần cùng anh em ăn bát mì. Hay như đi câu, việc này giống như trò tiêu khiển, ai cũng có thể làm được, mỗi người một mắc câu được đưa lên thuyền, tất cả mọi người cùng hào hứng và giải tỏa hết mệt mỏi”.

Khi người lính biên phòng làm nghề báo

Sau những năm tháng xuôi ngược ở quần đảo Hoàng Sa, anh cùng các thành viên trên tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Nam đã tiến ra vùng biển Macclesfield vùng quốc tế, nơi thể hiện quyền tự do đi lại, tự do đánh bắt. Những ngày đồng hành cùng ngư dân, anh luôn nhớ đến câu nói của các lão ngư rằng “tới mùa vụ thì ngư dân Việt Nam ở nơi này đông như thành phố nổi”.

Hiện nay, hàng trăm tàu cá làm nghề lưới vây rút của bà con ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đều có mặt tại vùng biển này. Anh Chương cho biết: “Ngư dân Việt luôn đoàn kết, tương ái, ở khu vực này tàu vỏ thép luôn đi song song cùng tàu vỏ gỗ, một tàu nào đó có vấn đề gì trục trặc là tàu còn lại sẽ hỗ trợ kịp thời, bao giờ họ cũng giữ khoảng cách với nhau, thông tin liên lạc về tình hình thời tiết, hỗ trợ nhau thực phẩm”.

Tác nghiệp đưa tin về biển và hải đảo, nhà báo Văn Chương luôn tìm hiểm kỹ thông tin về lịch sử của từng đảo, quần đảo, phần lớn những đảo khu vực Trường Sa và Hoàng Sa đều được ngư dân Việt ra làm chủ từ sớm. Qua mỗi bài viết, mỗi thước phim, nhà báo Văn Chương luôn đưa ra những căn cứ khoa học khẳng định chủ quyền của đất nước.

Đối với nhà báo Văn Chương, mỗi chuyến đi biển không chỉ tuyên truyền về tinh thần hăng say lao động sản xuất của ngư dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết của người Việt ở mọi ngư trường. Mà anh còn luôn thể hiện được sự vững chắc chủ quyền của Việt Nam đối với vùng lãnh thổ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
111
Nhà báo Lê Văn Chương người cầm máy quay cùng ngư dân tại bãi ngầm Macclesfield. Ảnh: NVCC
Ngư dân mỗi khi ra khơi với mong muốn trúng đậm cá còn anh chỉ mong sao có thật nhiều sản phẩm báo chí hấp dẫn đến người đọc. Mỗi lúc nghỉ ngơi trên tàu anh đều mang máy quay, máy ảnh, ghi âm, laptop rồi dùng khăn lau bằng nước ngọt vì gió biển mang hơi mặn của muối dễ làm hỏng máy.

Một chuyến đi mất rất nhiều thời gian và công sức, nên anh cố gắng làm sao có cả tác phẩm báo in, báo ảnh và truyền hình. Anh tâm sự: "Nếu mình làm mỗi báo hình thì cảm thấy hụt hẫng, hay chỉ làm báo in sẽ không thể hiện được hết nội dung, và cần có máy ảnh để có khoảnh khắc thú vị… Tôi cũng cố gắng tận dụng thế mạnh của từng thể loại báo chí để thể hiện tác phẩm của mình”.

Anh vẫn luôn ví von, mỗi chuyến ra đảo xa như vậy anh có cảm giác như vớ được kho vàng, vì vậy mang túi ba gang không đủ phải mười gang mới có thể chứa đựng được nhiều điều quý giá.

Luôn tìm những đề tài thú vị, nơi ít người đặt chân đến, nhà báo Văn Chương xác định chọn nghề chính là chọn cuộc đời, anh cố gắng sống và làm việc để cống hiến, để lại dấu ấn riêng. Anh chia sẻ:  “Nếu phóng viên hàng ngày làm đề tài mang tính thời sự thì cũng thú vị, nhưng công việc cứ đều đều hàng ngày như vậy sẽ khó có tác phẩm hấp dẫn, mỗi năm nên tự tổ chức cho mình một vài chuyến đi, để có những tác phẩm chuyên sâu về lĩnh vực nào đó ở miền núi biên giới hay hải đảo, để một năm mình nhìn lại, một năm trôi qua mình thấy đã có tác phẩm nào hấp dẫn và ý nghĩa”.

Trung tá Lê Văn Chương vừa mang tấm lòng rất chân thành và mộc mạc của người lính vừa có tinh thần nhạy bén, sắc sảo của một nhà báo. Tuy nhiên dù là nhà báo hay một chiến sỹ anh đều thể hiện tình yêu quê hương đất nước bằng những việc làm cụ thể. Và trên hết thông qua những tác phẩm của mình anh luôn tôn vinh tinh thần đoàn kết, đấu tranh bảo vệ quyền lợi người dân ở vùng sâu vùng xa, nói lên tiếng nói của họ…Và anh mong muốn bằng sức lực của mình góp phần nhỏ bé cho một xã hội tốt đẹp hơn.

Ngoài các giải thưởng báo chí trong nước và quốc tế, nhà báo Lê Văn Chương đã phát hành nhiều tập sách, đặc biệt là "Như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa" là sách gồm nhiều phóng sự viết về những ngư dân kiên cường bám biển. Anh còn thực hiện 2 đề tài khoa học về biển Đông, được Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu biển Đông của Học Viện Ngoại giao trao giải xuất sắc và đặc biệt xuất sắc.
Nhật Anh
(Báo Nhà báo&Công luận)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây