Tổ cách mạng văn hóa do Mao Trạch Đông thành lập với Trần Bá Đạt là tổ trưởng, Khang Sinh làm cố vấn, Giang Thanh làm tổ phó, đặt dưới sự lãnh đạo của Thường vụ Bộ chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc. Thích Bản Vũ từ đây chính thức từ bỏ tư cách một người viết, tự nguyện biến thành một cây bút phục vụ cho một thế lực chính trị.
Thành ủy Bắc Kinh do Bành Chân lãnh đạo là thành trì của Lưu-Đặng. Muốn tấn công vào Bộ tư lệnh thì phải hạ Thành ủy Bắc Kinh. Bố trí chiến lược đầu tiên của Chủ tịch Mao là bài báo của Diêu Văn Nguyên “Bình vở kịch lịch sử viết mới Hải Thụy bãi quan” do Giang Thanh tổ chức. Phát pháo đầu tiên này không chỉ làm lay chuyển dẫn đến Bành Chân bị đánh đổ, mà còn kéo theo các ban ngành trung ương, và nhiều văn nghệ sĩ, nhiều cây bút tiếng tăm.
Tháng 12 năm 1965, Mao Trạch Đông triệu tập Trần Bá Đạt, một nhân vật đã gắn bó với ông trên chặng đường đấu tranh lí luận, đặc biệt trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại N. Khrutxop, bàn bạc thành lập một tổ gồm những cây bút chủ lực chuyên về lí luận cách mạng văn hóa. Mao Trạch Đông nói với Trần, nhóm này nên chọn người trẻ, bọn họ có thể ít học, nhưng trung thành, rồi điểm các tên Diêu Văn Nguyên, Thích Bản Vũ…
Tiểu tổ cách mạng văn hóa có ba cây bút xung kích: Vương Lực, Quan Phong, Thích Bản Vũ. Vương Lực là nhân vật có địa vị cao nhất trong nhóm ba người. Vương là một cây bút lí luận, là Phó Ban đối ngoại trung ương, trước đó là Phó Tổng biên tập tạp chí Hồng Kỳ. Quan Phong là cây bút nổi lên từ phong trào “Chống phái hữu” do Mao Trạch Đông phát động, viết nhiều bài ủng hộ “Bình vở kịch lịch sử viết mới Hải Thụy bãi quan” của Diêu Văn Nguyên. Hai người này đều đã lớn tuổi, nhưng khí văn trầm. Thích Bản Vũ là cây bút trẻ, lúc đó mới ba mươi lăm tuổi, thông minh, có kiến thức, giọng văn hào hùng đầy chất Hồng vệ binh. Thích Bản Vũ thường xuất hiện trước đám đông Hồng vệ binh, được gọi là “đồng chí lãnh đạo trung ương” truyền đạt chỉ thị của Chủ tịch Mao, thông báo ý kiến của Giang Thanh. Được Mao Trạch Đông và Giang Thanh chống lưng, những bài viết của Thích Bản Vũ, bài nào cũng sắt máu.
Trên con đường đi đến giành quyền tối cao, những đối thủ của Mao Trạch Đông, thông qua những cuộc mà ông mệnh danh là “đấu tranh đường lối” đều bị loại bỏ một cách không thương tiếc. Lưu Thiếu Kỳ thần phục Mao, khởi xướng xếp Tư tưởng Mao Trạch Đông ngang với các vị tiền bối chủ nghĩa cộng sản, thành “Chủ nghĩa Mác-Lênin-Tư tưởng Mao Trạch Đông”. Khi tiếp nhà báo Mỹ Etga Snow, Mao Trạch Đông nói, người kế tục của tôi là Lưu Thiếu Kỳ. Leo lên đến vị trí thứ hai của Đảng, tại Đại hội VIII đảng cộng sản Trung Quốc, Lưu và phe nhóm đã gây áp lực đẩy Mao Trạch Đông lui vào hậu trường. Đó là một tội không thể tha thứ. Giống như Lâm Bưu, người “tiếp ban” của Chủ tịch Mao bị hủy diệt ở sa mạc Nội Mông, Lưu Thiếu Kỳ phải chết trong nhà tù.
Thích Bản Vũ sùng bái Mao Trạch Đông, học ông từ cách đọc sách đến cách hành văn. Thích viết một loạt bài phê bình báo Tiền tuyến và Bắc kinh nhật báo của Thành ủy Bắc Kinh, qui cho hai báo này đi con đường tư bản chủ nghĩa, giúp Mao hạ bệ Bành Chân. Thích Bản Vũ cũng chỉ huy Hồng vệ binh ở Văn phòng trung ương đảng đấu tố Vương Quang Mỹ, vợ Lưu Thiếu Kỳ. Và chuẩn bị cho ra đời bài báo quan trọng nhất của Thích trong “Đại cách mạng văn hóa vô sản”: bài “Chủ nghĩa yêu nước hay chủ nghĩa bán nước”.
***
Đầu năm 1967, lớp chúng tôi được đưa đến Thiều Sơn, Tương Đàm, Hồ Nam quê hương Mao Trạch Đông để nghiên cứu bài khảo sát về khởi nghĩa của nông dân Hồ Nam của ông. Hồ Nam có hồ Động Đình, tương Đàm có sông Tương đều rất quen thuộc với tôi qua chuyện cổ tích và truyện Kiều của Nguyễn Du, vì thế không khỏi có chút háo hức. Lúc đó toàn bộ hệ thống quản lí hành chính nhà nước của Trung Quốc đã bị phá tan, thay bằng các hệ thống Ủy ban cách mạng. Riêng hệ thống quân đội Trung Quốc vẫn còn vững chắc. Chúng tôi là lưu học sinh quân sự, đi theo hệ thống tổ chức quân đội nên khá suôn sẻ.
Ngày 1/4, chúng tôi đang ở Thiều Sơn thì nghe Đài phát thanh Trung Quốc sang sảng truyền đi bài báo “Chủ nghĩa yêu nước hay chủ nghĩa bán nước- Bình bộ phim phản động Thanh cung mật sử” của Thích Bản Vũ cùng lúc đăng trên tạp chí Hồng Kỳ và Nhân dân nhật báo. Các cuộc mít tinh tuần hành của Hồng vệ binh rầm rộ diễn ra trên cả đất nước rộng lớn gần một tỉ dân. Trở lại Hồ Nam, chúng tôi được đưa đến dự một cuộc mít tinh của quân khu. Một mầu đỏ tràn ngập. Một khẩu hiệu cỡ đại giăng dài hai bên hội trường: “Đả đảo nhóm quyền lực lớn nhất trong đảng đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”. Vậy là mũi nhọn của “Đại cách mạng văn hóa vô sản” đã chuyển hẳn từ giới lãnh đạo văn hóa sang giới lãnh đạo đảng cao nhất.
***
Sau này, khi đã mãn hạn 18 năm tù, được trở về làm thủ thư tại một thư viện ở Thượng Hải, Thích Bản Vũ đã viết hồi kí, không thấy ông ta nói đến cái cảm giác ngây ngất khi ngòi bút của mình đã giúp được cho Chủ tịch Mao huy động hằng hà sa số Hồng vệ binh xuống đường. Cũng không thấy ông kể cái khoái cảm khi Hồng vệ binh gọi mình là “đại soái”. Lẽ dĩ nhiên đến nay nhìn lại bài viết của Thích Bản Vũ thì thấy không có một chút giá trị học thuật nào, hoàn toàn vu cáo, qui chụp. Nhưng trong cơn say máu chính trị Trung Quốc thời đó, chẳng ai có thể nhận ra, thậm chí có nhận ra thì cũng không dám nói. Dám nói là chết chắc. Theo thống kê (chắc chưa đầy đủ), từ tháng 5/1966 đến tháng 12/1967, Thích Bản Vũ đã có khoảng 120 bài phát biểu, đề cao tinh thần “tạo phản hữu lí” của Mao Trạch Đông và Giang Thanh, hoàn toàn ủng hộ các “Ủy ban cách mạng đoạt quyền” từ tay “phe đi đường lối tư bản chủ nghĩa”. Thích Bản Vũ cũng cổ vũ “viết lại tất cả lịch sử với quan điểm đấu tranh giai cấp”.
Mao Trạch Đông ủng hộ phong trào “đoạt quyền”. Triết học của ông là “thiên hạ đại loạn mới có đại trị”. Nhưng dù cao mưu, ông vẫn không tính hết. Những cuộc “đoạt quyền” diễn ra có nguy cơ ngoài vòng kiểm soát. Chủ tịch Mao phải đưa quân đội xuống các địa phương, đơn vị thực hiện chế độ quân quản. Và sự kiện gọi là “720” đã xảy ra ở Vũ Hán.
Vũ Hán được mệnh danh là một trong các lò lửa của Trung Quốc vì nóng. Nhà khách quân khu Vũ Hán là nơi chúng tôi đi phép bị kẹt lại cả tuần, vì không có tầu liên vận quốc tế về Hà Nội, do bị Hồng vệ binh chặn đường sắt. Vũ Hán nổi tiếng với bài thơ của Thôi Hiệu, bài Lầu Hoàng Hạc. Vũ Hán cũng nổi tiếng với câu chuyện Chim chín đầu “Cửu đầu điểu” lắm mưu nhiều kế. Vì thế sự kiện Vũ Hán cũng khiến chúng tôi quan tâm.
Khoảng tháng ba, tư năm 1967, ở Vũ Hán có hai phe Hồng vệ binh đấu tranh kịch liệt với nhau. Một phe do Quân khu và Thành ủy Vũ Hán lập ra gọi là phái “Vạn sư hùng”, phái Hồng vệ binh đoạt quyền lập ra cái gọi là “Tổng bộ công nhân” chống lại. Tháng 7 năm đó, cả Mao Trạch Đông và Vương Lực đều có mặt ở Vũ Hán nhằm hóa giải mâu thuẫn. Trên thực tế, Mao Trạch Đông bí mật ủng hộ tổ chức Hồng vệ binh “Tổng bộ công nhân”, phản đối Tư lệnh quân khu Vũ Hán, tướng Trần Tái Đạo. Tại đây Vương Lực nhận định phái “Vạn sư hùng” thuộc thế lực bảo thủ.
Ngày 20/7, phái “Vạn sư hùng” kéo quân đến chỗ chủ tịch Mao đang ở, bắt Vương Lực đưa đến khu tập thể quân khu, đấu tố. Các cuộc biểu tình lớn bùng nổ khắp Vũ Hán. Mao Trạch Đông đang trú ở khách sạn Đông Hồ phải bí mật rời khỏi thành phố. Tiểu tổ cách mạng văn hóa bèn tuyên bố phái “Vạn sư hùng” là phản động. Tạp chí Hồng Kỳ lúc này nằm trong tay nhóm Vương-Quan-Thích, do Vương Lực làm Tổng biên tập đăng bài kêu gọi “tóm cổ nhóm nhỏ trong quân đội đi con đường tư bản chủ nghĩa”. Hồng vệ binh ở các địa phương, được hướng dẫn của Tiểu tổ cách mạng văn hóa, giương cao khẩu hiệu “Lôi cổ những Trần Tái Đạo địa phương”, tấn công vào các đơn vị quân đội, cướp vũ khí. Bạn tôi ở Trùng Khánh kể, các phái còn dùng cả xe tăng và đại bác để chiến nhau.
***
Chủ tịch Mao ngửi thấy nguy cơ. Triết lí cách mạng của ông là SÚNG ĐẺ RA CHÍNH QUYỀN. Ông không thể để mũi nhọn đấu tranh chĩa vào quân đội. Nếu quân đội “đại loạn” thì cơ đồ của ông cũng đi đời nhà ma. Ông quyết định tìm “cừu hiến tế”. Và ông nhằm vào những cây bút của mình, những cây bút mở đầu cuộc Đại cách mạng văn hóa vô sản: Vương Lực, Quan Phong, Thích Bản Vũ.
Ngày 26 tháng 8 năm đó, tại Thượng Hải, Mao Trạch Đông đã nói với quyền Tổng tham mưu trưởng Dương Thành Vũ, rằng Vương Lực, Quan Phong, Thích Bản Vũ đã phá hoại Đại cách mạng văn hóa vô sản, không phải là người tốt, giao cho Thủ tướng xử lí. Nhóm Vương-Quan-Thích bị định tội là “phản Đảng, loạn quân, xách động tư tưởng cực tả”. Tuy nhiên ngày 30/8/1967, chỉ có Vương Lực, Quan Phong bị bắt. Thích Bản Vũ làm kiểm thảo gửi cho Chủ tịch Mao, vẫn được sử dụng. Mãi đến ngày 14/1/1968, Thích Bản Vũ mới bị trung ương thông báo “nghỉ phép kiểm thảo” rồi bị tống vào nhà tù Tần Thành mà không có án. Khi Thích Bản Vũ bị bắt thì người vợ đang có mang đứa con thứ hai của ông cũng bị bắt. Con ông đẻ trong nhà tù và cùng sống những ngày tháng đầu của đời người trong tù, nhà tù Tần Thành.
“Đại cách mạng văn hóa vô sản” như cơn đại hồng thủy tràn qua, biết bao nhân vật xuất hiện, nổi đình đám và biến mất. Đến ngày 6/10/1976, nhóm bốn người Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn và Diêu Văn Nguyên bị bắt. Trung Quốc tuyên bố kết thúc “mười năm động loạn”, cái tên Thích Bản Vũ dường như bị lãng quên. Nhưng không phải. Đặng Tiểu Bình trở lại cầm quyền. Thích Bản Vũ được nhớ lại, được đem ra xét xử, nhận án 18 năm tù.
Năm 2016, Thích Bản Vũ cho xuất bản hồi kí “Thích Bản Vũ hồi ức lục” gồm 5 phần, tất cả là 62 chương, không kể phụ lục, được một NXB ở Đại lục ấn hành. Lẽ dĩ nhiên khi viết hồi kí, Thích Bản Vũ chỉ là một nhân viên thư viện về hưu, lại bị bệnh ung thư đã di căn hành hạ, không có điều kiện tra cứu đối chiếu, phỏng vấn những người liên quan, nên dù tuyên bố tôn trọng sự thật lịch sử, chắc chắn không khỏi có sự thiên lệch, sai sót. Tuy nhiên cho đến cuối đời, cây bút nghiên cứu lịch sử này vẫn chứng tỏ lòng trung thành, niềm tin mù quáng, ít nhiều ngây thơ vào lí tưởng và triết lí sống mà ông theo đuổi.
Tôi đã đọc khá nhiều hồi kí, tư liệu của các nhà văn Trung quốc thời kì “Đại cách mạng văn hóa vô sản” như Tùy tưởng lục của Ba Kim, về việc Lão Xá bị đánh chết… nhưng chưa thấy ai vạch ra được gốc rễ căn bệnh “Đại cách mạng văn hóa vô sản”, cộng với những bình luận trên mạng xã hội về Thích Bản Vũ, e rằng bệnh vẫn có cơ tái phát.