Bảy mươi năm trước, trong số 43 học viên Lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ có 3 nữ. Dường như ngày ấy, làm báo là công việc chưa phải dành cho phụ nữ? Nhưng ngày nay, gió đã đổi chiều, tại nhiều cơ quan báo chí, hơn một nửa nhân lực là nữ.
Xin chứng minh điều đó bằng thực tế ở tỉnh Phú Thọ: Trong số gần 200 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên ở các cơ quan báo chí, có 69% là nữ; 6 trong số 10 thành viên các Ban biên tập là nữ; 3/3 cơ quan báo chí được quản lý bởi 3 nữ Tổng Biên tập cùng họ Nguyễn, cùng độ tuổi 7x, 8x...
Đứng đầu cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ là nữ nhà báo Nguyễn Kim Chi - tuổi Canh Thân, được nhìn nhận là cán bộ trẻ năng động, luôn tiên phong đổi mới, sáng tạo. Là đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021, Phó Tổng Biên tập Báo Phú Thọ Nguyễn Kim Chi nhận trách nhiệm Tổng Biên tập ở tuổi 36 và đồng thời đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, tham gia BCH Hội Nhà báo Việt Nam; là một trong những cấp ủy viên trẻ nhất Đảng bộ tỉnh.
Tốt nghiệp phổ thông loại giỏi, được tuyển thẳng vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền; ra trường, Kim Chi được nhận về làm việc tại Báo Phú Thọ. 18 năm làm nghề, Nguyễn Kim Chi phấn đấu từ “binh nhì” để trở thành “sĩ quan”. Ngay từ khi còn là “chiến sĩ”, phóng viên Nguyễn Kim Chi đã “ghi điểm” với bạn đọc bằng các bài viết thể hiện sự xông xáo, khám phá các đề tài nóng như nạn phá rừng, cung cấp giống cây trồng kém chất lượng, dạy nghề và giải quyết việc làm cho nông dân, khuất tất trong BHXH, BHYT…; từng nhiều lần đoạt Giải báo chí tỉnh Phú Thọ. Nhiều đồng nghiệp trìu mến gọi Nguyễn Kim Chi là nhà báo có nhiều “hoa chân” bởi sự chịu đi và chịu viết. Đó là những chuyến đi do tòa soạn phân công và những chuyến “tabalô” bằng tiền túi cùng bạn bè vào các ngày cuối tuần, dịp nghỉ lễ. Vậy nên, Trường Sa và các nhà giàn DK; nhiều đồn biên phòng trên suốt dải biên cương từ Bắc vào Nam cùng nhiều địa danh của các tỉnh, thành trong cả nước đã in dấu chân nữ nhà báo đất Tổ.
Bốn năm đảm nhiệm cương vị Tổng Biên tập Báo Phú Thọ, nhà báo Nguyễn Kim Chi đã làm được nhiều điều mà các bậc tiền nhiệm trao gửi: Xây dựng đội ngũ theo hướng chuẩn hóa, trẻ hóa với 100% trình độ đại học và trên đại học, 80% chuyên ngành báo chí - khoa học xã hội và nhân văn. Cả bốn sản phẩm của Báo Phú Thọ: Báo điện tử, báo in hằng ngày, báo cuối tuần, ấn phẩm dành cho miền núi đều đổi mới về nội dung và hình thức với tổng lượng phát hành trên 220 nghìn tờ/tháng. Trang bị kỹ thuật làm báo và nhà làm việc hiện đại, tiện nghi. Báo Đảng tỉnh giữ vai trò cơ quan tuyên truyền chủ lực của tỉnh. Báo Phú Thọ và Hội Nhà báo Phú Thọ khởi xướng và tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng, như Giải cây vợt trẻ, Giải việt dã cúp Hùng Vương; các chương trình hướng về chiến sĩ biên giới, hải đảo; tặng quà người nghèo và trẻ em vùng cao… Trong mỗi việc làm của Báo Đảng tỉnh đều có dấu ấn sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu cơ quan.
Một gương mặt khả ái, vào đời từ nghề làm báo, vòng qua công tác quản lý báo chí, rồi lại quay trở về nghề báo, trở thành Giám đốc - Tổng Biên tập Đài PTTH Phú Thọ, là cựu sinh viên Văn khoa Trường Tổng hợp Nguyễn Thị Tuyết Chinh. Người xưa nói rằng, bản mệnh của nữ nhân tuổi Tân Hợi là “thoa kim xuyến” làm đẹp cho đời; con người chất phác, ôn hòa, luôn có kiến giải độc đáo, biết giữ gìn các mối giao hòa; nhưng tôi nghiệm rằng, không chỉ có vậy, một khi được đặt lên vai những trọng trách thì họ cũng quyết liệt vô cùng!
Hơn hai năm trên cương vị Phó Giám đốc là thời gian để Nguyễn Thị Tuyết Chinh nhìn nhận sở trường, sở đoản, năng lực cán bộ và tư duy về chiến lược phát triển của Đài, để khi đảm nhiệm vai trò Giám đốc - Tổng Biên tập, chị cùng cả đội ngũ tiếp tục hiện thực hóa kế hoạch phát triển sự nghiệp phát thanh - truyền hình Phú Thọ. Phát huy lợi thế công nghệ điện tử và kỹ thuật số, PTV đầu tư nguồn lực để có các chương trình thời sự - chính trị kịp thời, nhạy bén, có tác dụng định hướng dư luận; nâng cao chất lượng các chương trình chuyên đề, văn nghệ và giải trí thu hút khán, thính giả; đồng thời tổ chức các nhịp cầu nhân ái, kết nối cộng đồng trong công tác an sinh xã hội. Được truyền cảm hứng từ “thủ lĩnh” luôn dồi dào năng lượng; quân nhà đài xông xáo các ngõ ngách cuộc sống, phát hiện đề tài và luôn tìm tòi phương thức thể hiện mới để ngày càng có thêm nhiều tác phẩm phát thanh, truyền hình chất lượng. Bám sát các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đi vào những vấn đề nóng hổi của cuộc sống, mấy năm gần đây, tham gia Giải Báo chí Quốc gia, Giải Búa liềm vàng, Liên hoan phát thanh, truyền hình toàn quốc, PTV đã gặt hái thành công đáng khích lệ. Trong mỗi trang kịch bản, mỗi đoạn lời bình của anh em phóng viên, ít nhiều đều có lưu dấu “vân tay, ý tưởng” từ Giám đốc. Các thế hệ nối tiếp nhau, họ cùng nắm tay nhau đưa kênh truyền hình Phú Thọ lên vệ tinh; phủ sóng phát thanh, truyền hình mặt đất tới 97% địa bàn dân cư trong tỉnh và nhiều vùng lân cận, vừa tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa nâng cao dân trí và đời sống tinh thần cho nhân dân, hóa góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên quê hương đất Tổ Hùng Vương.
Phú Thọ là từng được biết đến là “thủ đô văn nghệ kháng chiến”. Vùng trung du Hạ Hòa từng in dấu chân của bao văn nghệ sĩ lớn, như: Tố Hữu, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận, Trần Văn Cẩn...; nơi ra đời của những tác phẩm bất hủ như: Trường ca sông Lô, Du kích sông Thao, bài thơ Bầm ơi… Tiếp nối mạch nguồn văn nghệ kháng chiến, về sau trên đất Tổ Hùng Vương có thêm nhiều cây bút tên tuổi - đó là các nhà văn, nhà thơ: Sao Mai, Ngô Ngọc Bội, Khánh Hoài, Nguyễn Đình Ảnh, Nguyễn Hữu Nhàn, Kim Dũng, Cầm Sơn, Vũ Quốc Khánh, Nguyễn Hưng Hải, Nguyễn Đình Phúc, Nông Thị Ngọc Hòa… cùng các nhà nghiên cứu, họa sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ tài hoa: Nguyễn Khắc Xương, Dương Huy Thiện, Hoàng Hữu, Đỗ Ngọc Dũng, Cao Khắc Thùy, Trịnh Hùng Khanh, Trịnh Hoài Đức, Vũ Văn Viết… Ấy vậy mà các bậc cao niên chiếu văn đất Tổ có con mắt tinh đời, tin cậy giới thiệu cử nhân văn chương sinh năm 1979 Nguyễn Thị Hồng Chính vào Ban lãnh đạo Hội Văn học - Nghệ thuật của tỉnh, và đã 8 năm nay nữ nhà văn “cầm chịch” Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ!
Văn nghệ sĩ vốn trọng nhau bởi nhân cách và tài năng. Chưa thể hiện nét sắc xảo của một tài văn, nhưng Nguyễn Thị Hồng Chính lại dồi dào sự chân thành, mộc mạc để mọi người yêu tin. Nhà văn - tác giả của các tập sách: Mảnh nắng trên đồi, Dâu làng Đõ, Cái bớt hình bạch tuộc... luôn cần mẫn với công việc, cùng đồng nghiệp giữ gìn tờ tạp chí có tuổi đời gần ½ thế kỷ này một vị thế chững chạc, có sức sống; là diễn đàn chung của văn nghệ sĩ đất Tổ, nơi giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật của nhiều tác giả uy tín; phát hiện, nâng niu và vun đắp những cây bút tuổi xanh; là nhịp cầu đưa văn nghệ đến với đời sống.
Có thể chưa hẳn là vậy, rằng hiếm địa phương nào mà Tổng Biên tập cơ quan báo chí đều là những người xinh đẹp, trẻ trung, duyên dáng và có nhiều nét tương đồng như ở Phú Thọ?
Thay lời bạn đọc, bạn nghe đài, xem truyền hình, nhà thơ Nguyễn Đình Phúc có những câu thơ chân thật và hồn hậu dành cho ba nữ Tổng Biên tập - ba bông hoa đất Tổ: “Trời sinh ba cá tính/ Cùng nguyên âm đặt tên/ Các em: Chi, Chinh, Chính/ Bằng sức mình vươn lên; Yêu tin tờ báo Đảng/ Báo hình sáng mọi nhà/ Đây báo Văn Đất Tổ/ Lay động hồn người xa; Ba cô gái Phú Thọ/ Học đúng nghề báo, văn/ Chữ Nghĩa - Nhân sáng tỏ/ Trong ý Đảng, lòng Dân; Trăm năm xưa chẳng có/ Ngỡ ngàng tôi hôm nay/ Các em ơi trẻ mãi/ Trong hồn chữ bay bay”…