Hẹn nhau từ năm trước mà mãi đến đầu tháng 5 năm nay (2020), tôi và Tào Khánh Hưng (Phó Tổng Biên tập Báo Xây Dựng) mới cùng nhau vào đến Mường Tè.
Trên chiếc xe gầm cao đi theo quốc lộ 4H từ cầu Pa Tần qua sông Nậm Na vào Mường Tè, tôi nhắc Hưng: "Cả tuổi trẻ của bọn mình gắn với dòng sông Đà rồi còn gì. Thủy điện Hòa Bình - Thủy điện Sơn La - Thủy điện Lai Châu". Hưng cười rất tươi, thổ lộ rằng Hưng đến với sông Đà là nhờ vào một bài hát. Bài “Tiếng gọi sông Đà” của nhạc sĩ Trần Chung.
Năm 1981, vừa học hết cấp III Chương Mỹ (Hà Tây - nay thuộc Hà Nội), cậu học sinh Hưng “nghe theo tiếng gọi sông Đà” đã xung phong lên “Công trường Thanh niên cộng sản xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình”. Sau một năm, được đi học Trường Công nhân Kỹ thuật Lắp máy Ninh Bình, học nghề thợ hàn. Hưng bảo: "Nhiều người cứ nhìn mấy ông thợ hàn làm cửa sổ, chấn song sắt… nghĩ rằng nghề thợ hàn thật dễ. Nhưng thực ra đây là một nghề đòi hỏi sức khỏe và việc học hành nghiêm túc. Hàn là một phần việc không thể thiếu trên các công trường xây dựng, đặc biệt với ngành lắp máy. Hằng năm đều có những lớp bổ túc kỹ thuật và thi sát hạch nghiêm ngặt để thợ hàn đạt được trình độ tay nghề cao, qua được các đợt kiểm tra bằng tia rơn-ghen và các thiết bị kiểm tra hiện đại khác".
Năm 1985, Hưng ra trường và được điều về Liên đội Hàn thuộc Xí nghiệp liên hợp lắp máy 10 (Liên hiệp các xí nghiệp Lắp máy Việt Nam). Hưng yêu và xây dựng gia đình với một cô thợ lắp máy trên công trường. Nghề thợ hàn điện tuy nặng nhọc nhưng cũng thú vị: người thợ phải điều khiển que hàn sao cho khéo, để những mối hàn mạch lạc, không bị lộn xỉ, đẹp mắt và quan trọng nhất là thép ở những đoạn được hàn chất lượng đảm bảo như đoạn thép vừa cán xong trong xưởng nấu. Vất vả nhưng đáng yêu. Nhưng dường như ở chàng thợ hàn này còn có một ham thích khác. Hằng ngày chứng kiến khung cảnh sôi động, hào hùng của công trường, Hưng muốn ghi lại những hình ảnh ấy và muốn để mọi người cùng biết. Vậy là Hưng dành dụm tiền lương cậy cục sắm một chiếc máy ảnh loại ít tiền, mày mò học chụp ảnh, học tráng phim, làm ảnh… Và tranh thủ những giờ nghỉ, ngày nghỉ đi chụp ảnh công trường.
Công trường Hòa Bình ngày nào chẳng có một vài nhà báo xuất hiện. Thông tấn xã Việt Nam cử hẳn một phóng viên ảnh thường trú. Hưng lân la làm quen và học nghề. Đầu tiên là những tấm ảnh đen trắng cỡ 9x12cm… kèm vài dòng tin ngắn gửi cho báo Hà Sơn Bình, cho bản tin của Đài truyền thanh sông Đà. Rồi những tin kèm ảnh gửi cho các báo ở Hà Nội, như báo Tiền Phong, Hà Nội mới, Nhân Dân, Quân đội nhân dân…
Tôi gặp Tào Khánh Hưng năm 1988 trong dịp công trường Hòa Bình bắt đầu vào cao trào hoàn thành lắp đặt và phát điện tổ máy số 1. Giám đốc Liên hợp lắp máy 10, kỹ sư Đặng Văn Vỵ khoe: ở đơn vị có một cậu thợ hàn chịu khó chụp ảnh gửi tin cho các báo. Tìm đến nhà Hưng ở khu tập thể, thấy cạnh gian nhà chật hẹp lợp phi-brô-xi-măng, có hẳn một cái hõm lồi ra. Hưng bảo: đấy là nơi Hưng làm ảnh.
Dòng chữ nho nhỏ “Tin và ảnh Tào Khánh Hưng” bắt đầu xuất hiện đều trên các báo trung ương từ đấy.
Quốc lộ 4H chạy từ Pa Tần vào Mường Tè là đường cấp 5 miền núi, tráng nhựa phẳng phiu có lẽ một phần do ít xe tải nặng chạy. Nhưng vẫn còn nhiều cua tay áo, dốc ruột gà và những ta luy dương cao chót vót, vách đất bị mưa gió xói nham nhở. So với đường lên thủy điện Hòa Bình – Sơn La rồi thủy điện Lai Châu có vẻ vất vả hơn. Lâu lâu, Hưng lại hô lái xe dừng lại để chụp ảnh. Tiếp câu chuyện về thời gian ở Hòa Bình, Hưng bộc bạch: thực ra lúc ấy chụp ảnh và viết tin cũng là do bản năng thôi, đã được học hành nghiêm chỉnh gì đâu. May được ông Giám đốc Vỵ quan tâm. Hưng kể: sau khi Lắp máy 10 hoàn thành lắp đặt 8 tổ máy Hoà Bình, việc hết. Giám đốc Vỵ gọi lên bảo: đây là cơ hội cho bạn đổi nghề. Xin chuyển đi đâu cũng được. Thật may, tỉnh Hòa Bình vừa tái lập. Báo Hòa Bình cần người. Thế là Hưng xin chuyển về làm phóng viên ở báo Hoà Bình.Lúc đó là tháng 10/1991.
Tôi cũng nhãng tin về Tào Khánh Hưng từ độ ấy. Cho đến một hôm, điện thoại của tôi xuất hiện một số máy lạ. “Em là Tào Khánh Hưng đây, anh có khoẻ không?” - “Hưng vẫn ở báo Hoà Bình à? khoẻ không?” - “Giờ em về Báo Xây dựng rồi”. Tôi reo lên trong điện thoại và hẹn Hưng một buổi gặp gỡ cho vui.
Tào Khánh Hưng vẫn vậy, xởi lởi, vồn vã: “Em vẫn nghe anh nói trên Đài. Biết anh có thời gian đi Cần Thơ xây dựng cơ quan trong ấy nhưng vẫn gắn bó với các công trường xây dựng nên xin đồng nghiệp có được điện thoại của anh”. Rồi Hưng kể: Về Báo Hòa Bình được 3 năm, Hưng được đi thi vào Phân viện Báo chí & Tuyên truyền. Học chính quy hẳn hoi. Hưng thi được 23 điểm, trong khi lấy đỗ là 17. Cũng vất vả vì vừa đi học, vừa nuôi con. Năm 1998 ra trường, lại về Báo Hòa Bình vì “tình nghĩa không thể bỏ”. Ngày 10/9/1999, Tào Khánh Hưng được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Chính trị - xã hội và được bầu là Ủy viên BCH Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình.
Ở chàng nhà báo này dường như nỗi khao khát được học tập không lúc nào vơi. Hưng xin đi học tại chức tại Trường Đại học Thương mại, khoa Quản trị kinh doanh. Lại 4 năm đèn sách. Nghe Hưng kể, tôi phục lăn.
Thế là từ tháng 6/2000, nhà báo Tào Khánh Hưng làm Phó Trưởng phòng rồi Trưởng phòng Biên tập - Phóng viên, Trưởng phòng Thư ký - Tòa soạn Báo Xây Dựng. Lại vừa làm vừa học. Tốt nghiệp lớp Cao cấp Lý luận chính trị Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Có văn bằng 2 tiếng Anh ở trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Năm 2010, Tào Khánh Hưng thi đỗ vào lớp Cao học Báo chí K16 (Học viện Báo chí - Truyên truyền) và nhận bằng Thạc sỹ vào năm 2013… Bạn bè đồng nghiệp nhìn thấy ở Tào Khánh Hưng sự khao khát vươn lên trong nghiệp vụ và tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết cho nghề nghiệp của mình.
Và sự đam mê đi công trường. Đi gặp bạn bè đồng nghiệp một thuở sông Đà. Đi để khám phá đất nước và con người. Để thêm yêu nghề làm báo. Ròng rã từ năm 2000 đến nay, tôi và Tào Khánh Hưng hay tranh thủ những ngày thứ bảy - chủ nhật để lên các công trường xây dựng nhà máy thủy điện ở Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang… Công trường thì không có ngày nghỉ. Vì thời gian ngắn, nên đến nơi là lao ra hiện trường ngay bất kể đêm hôm khuya khoắt hay mưa rét. Nhớ nhất chuyến đi dịp Tết Nhâm Thìn (2012) lên công trường xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu. Đúng mùng 6 Tết công trường ra quân đã có mặt. Xong lại về ngay. Có đợt đi công trường Sử Pán Lào Cai. Nhá nhem tối chủ nhật về đến ga xe lửa Lào Cai. Hết vé. Hai anh em đồng ý ngồi bó gối cả đêm trong cái khoang nhỏ của nhân viên nhà tàu để về Hà Nội cho kịp thứ hai đầu tuần đi làm. Cánh phóng viên trẻ ở Báo Xây Dựng cứ tự hỏi: ông Hưng đi kiểu gì mà nhanh thế? Lại có bài ngay…
Thực ra có gì khó đâu. Trước khi đi tìm hiểu kỹ. Lên công trường chỉ là quan sát, chỉ để “sống cái không khí của công trường" thôi. Viết trong đầu, viết trên đường đi. Sự nghiệp của nhà báo trước hết là ở các tác phẩm báo chí. Tôi với Hưng giống nhau ở điểm đó.
Lần này đi Mường Tè cũng vậy. Không đi thì thôi, đã đi thì phải lên đến bản Mường Tè, xã Mường Tè, đến nơi sông Đà chảy vào nước Việt. Hơn 4 giờ chiều 6/5 đến thị trấn huyện lỵ là chúng tôi bám xe máy đi đến các nhà dân ở khu tái định cư. Tối vừa ăn cơm vừa trao đổi công việc. Để hôm sau lại đi tiếp. Cũng vui vì để bù lại sự vất vả, cảnh Mường Tè đẹp như tranh vẽ với hồ thuỷ điện mùa này nước trong xanh lững lờ trôi. Ruộng cao ruộng thấp đang vào mùa gặt lúa chin trải khắp tầm mắt.
Trên đường ra, Tào Khánh Hưng cứ trầm ngâm, thi thoảng lại lẩm bẩm. Được một quãng, Hưng bảo: Em đang nghĩ lời cho một bài hát về Mường Tè. Mở đầu như thế này có được không anh: “Trập trùng, trập trùng núi.. Trập trùng, trập trùng sông… Mây trắng bay vờn núi. Đường quanh co, quanh co lên đèo, xuống dốc…Qua dãy Mý Mu anh đến quê em Mường Tè…”.
Lại thêm một nét mới của chàng phóng viên quê ven dòng sông Đáy này. Vài năm gần đây, với cây ghi ta gỗ, Hưng mầy mò học nhạc lý và sáng tác ca khúc. Công bằng mà nói thì giai điệu các bài hát của Hưng không phức tạp lắm. Nhưng lời thì chau chuốt và có những bài được hoan nghênh. Trong đó bài hát “Tự hào cô giáo trẻ” được nhiều trường học ở Hà Nội chọn làm bài hát trong ngày khai giảng, đi hội diễn của ngành và giành giải cao. Bài hát “Trường Sa yêu thương” Hưng sáng tác ngay trong chuyến đi Trường Sa, được Truyền hình Quốc hội dàn dựng phát trực tiếp trong một chương trình vì Trường Sa.
Trong chuyến đi Mường Tè, Tào Khánh Hưng thổ lộ: Hưng vừa có một bàì hát về những người thầy thuốc trong tuyến đầu chống dịch Covid-19. Tình cờ thôi, nữ bác sĩ Vũ Hiền Phương (Bệnh viện Bạch Mai) trong thời gian “bị cách ly” tại bệnh viện, đã viết một bài thơ về công việc của mình, và gửi cho tòa soạn Báo Xây Dựng. Báo đăng, dĩ nhiên. Hưng xúc động trước tấm gương quên mình vì người bệnh của các thầy thuốc, đã phổ nhạc một đoạn thơ của Vũ Hiền Phương và bài hát “Áo trắng tuyến đầu” được phổ biến trên FB Hưng Khánh (Tào Khánh Hưng) đã được dư luận, đặc biệt là các thầy thuốc hoan nghênh.
Dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, Tào Khánh Hưng có bài hát “Nhà báo chúng tôi” giai điệu hào hùng, rộn rã. Hưng tâm sự: Năm trước, nghe tin nhà báo trẻ Đinh Hữu Dư (Phóng viên thường trú của TTX Việt Nam) ngày 11/10/2017 bị lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp tại Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ tỉnh Yên Bái, thương quá. Cứ nung nấu ý định viết một bài hát về nghề làm báo của mình. Mãi đến tháng tư vừa rồi mới hoàn thành.
Từ Mường Tè về Hà Nội được mấy hôm, Tào Khánh Hưng nhắn: bài hát “Mường Tè quê em“ đã xong. Đã được hòa âm phối khí và trong tuần đầu tháng 6 sẽ dàn dựng. Tôi nhắn lại chúc mừng, và hẹn: bữa nào ta quay lại Mường Tè, trong đêm xoè nơi bản định canh định cư, cùng hát cho bà con nghe nhé.