Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Những bạn đọc thông minh sẽ biết cách sàng lọc thông tin trên mạng xã hội
Thứ sáu - 22/05/2020 17:27
"Hiện nay truyền thông chính thống có chậm hơn một bước so với mạng xã hội, nhưng chậm ở đây không có nghĩa là thua mà chậm ở đây là sự chắc chắn..” Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhấn mạnh như vậy xung quanh cuộc trò chuyện về vấn đề cuộc chiến giữa báo chí và mạng xã hội.
Người đọc hiện nay cần biết tự mình kiểm chứng thông tin
+ Hiện nay nhiều thông tin được đăng tải nhanh chóng, tràn ngập trên mạng xã hội, nhiều tin giả, tin xấu độc ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường tin tức, khiến dư luận hoang mang. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Muốn xem tin tức nhanh thì người ta có thể xem trên mạng xã hội nhưng để có độ tin cậy cao người ta sẽ kiểm chứng ở mảng thông tin chính thống. Hiện nay truyền thông chính thống có chậm hơn một bước so với mạng xã hội nhưng chậm không có nghĩa là thua mà chậm ở đây là sự chắc chắn cho nên mới có câu nói "Dục tốc bất đạt” tức là muốn nhanh thì không nên vội. Sự khác nhau như vậy dẫn đến chất lượng. hiệu quả cũng khác nhau.
Cư dân mạng thường xem truyền thông của mạng xã hội nhiều hơn nhưng những người làm việc trong các cơ quan đơn vị họ sẽ chú trọng về mảng chính thống nhiều hơn. Bởn truyền thông chính thống những là thông tin có nguồn gốc, chịu sự quản lí chứ không phải là những cái cóp nhặt ở đâu rồi đưa lên.
Khác biệt từ sự quản lí đến mô hình sẽ dẫn đến việc đưa thông tin khác nhau. khi đã khác nhau về phương thức thì sẽ dẫn đến khác nhau về nội dung; khác nhau về nội dung thì sẽ khác nhau về sự tìếp nhận; khác nhau về tiếp nhận thì sẽ khác nhau về xử lí thông tin.
Tôi nghĩ những bạn đọc thông minh sẽ biết cách sàng lọc thông tin trên mạng xã hội để tìm ra những gì đáng tin cậy. Còn những bạn đọc thông minh của mảng truyền thông chính thống họ sẽ biết cần phải bổ sung thêm những gì từ mạng xã hội để có sự toàn diện hơn trong góc nhìn.
+ Thưa ông, trong khi mạng xã hội ngày càng phát triển, để tránh tình trạng thông tin không chuẩn xác, người tiếp nhận thông tin cần làm gì?
-Tất cả truyền thông đều phải hướng thiện, cả chính thống lẫn mạng xã hội, nếu đi ngược hướng thiện, ngược nhân văn, ngược đi sự trung thực sẽ nhanh chóng bị đào thải.
Đối với người tiếp nhận thông tin, đầu tiên họ tìm đến mạng xã hội để biết thông tin. Bước thứ hai, luôn luôn có sự sàng lọc thông tin. Bước thứ ba, chọn cho mình chính kiến riêng. Mạng xã hội có đưa thông tin nhưng tất nhiên phải có sự sàng lọc và đó sẽ là một quá trình. Còn bên báo chính thống khi đọc thông tin, họ có thể tin tưởng ngay từ đầu. Việc sàng lọc thông tin sẽ đỡ mất công hơn. Người đọc hiện nay rất cần biết tự mình kiểm chứng thông tin.
Đưa tin hãy thận trọng, hãy lấy yếu tố chính xác, trung thực lên hàng đầu
+ Đứng trước những thách thức, lấn át thông tin của mạng xã hội, báo chí có nên chạy đua, cạnh tranh thông tin với mạng xã hội hay không?
-Tốc độ đưa tin bên mảng chính thống thường sẽ bị thua, chậm và ít hơn mạng xã hội. Ngay cả báo điện tử chính thống cũng do một hệ thống quản lí, không thể nhanh bằng mạng xã hội được. Điện tử đưa tin nhanh nhưng cũng phải qua hai, ba khâu của biên tập, người duyệt, người đứng đầu tờ báo.
Mạng xã hội đưa thông tin lên chỉ mất vài giây còn bên chính thống thì phải qua một vài thao tác khác. Bên mảng chính thống đưa tin chậm hơn, ít hơn, thiếu đa dạng hơn. Nhưng nhanh thì thường hay sai sót, mạng xã hội thường bị sai sót này nên tin giả, tin xấu, tin xuyên tạc trên mạng xã hội quá nhiều. Bên truyền thông chính thống ít bị hơn bởi độ tin cậy cao, chậm nhưng chắc chắn.
Nếu về chạy đua đưa tin về thời gian, báo chính thống không bằng mạng xã hội. Sự tin cậy của các cơ quan nhà nước, người dân cần đọc nhanh để biết nhưng nếu họ kiểm chứng bằng báo chính thống thì chắc chắn hơn. Cho nên một cuộc chạy đua, một sự cạnh tranh là cần thiết, nhưng không chỉ là chạy đua về tốc độ mà chạy đua cả về sự chính xác và trung thực. Hiệu quả là đạt mục đích đưa được thông tin chất lượng cao đến bạn đọc.
+ Trước hiện tượng tung tin giả, bịa đặt, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát vừa qua, theo ông có những yếu tố nào để đánh giá một tin tức chính xác?
- Có ba yếu tố để người ta đánh giá chất lượng một tin tức, đó là:
Một là phải trung thực. Hai là phải chính xác. Ba là phải nhanh. Mạng xã hội bắt buộc phải đưa yếu tố nhanh lên hàng đầu. Báo chính thống đưa sự trung thực lên đầu tiên, rồi đến yếu tố chính xác, sau đó mới đến yếu tố nhanh. Tâm lý chung là làm truyền thông ai cũng muốn đưa tin nhanh nhất, mới nhất, lạ nhất, đa dạng nhất để phục vụ người dân. Chính vì vậy sẽ tạo nên một cuộc chạy đua, cạnh tranh về thông tin mà đã là đua thì sẽ có lúc thắng, lúc thua, có lúc sai, lúc đúng và cũng có lúc thất bại cho nên cần phải bình tĩnh.
Cũng nên thấy rằng một thông tin vội, thiếu kiểm chứng đôi khi sẽ là bất lợi cho cuộc chiến chống virus Covid-19. Đưa tin hãy thận trọng, hãy lấy yếu tố chính xác, trung thực lên hàng đầu và khi đưa tin nên nghĩ có điều gì gây bất lợi, làm hoang mang, tạo sai sót cho mọi người hay không. Có nhiều khi người đăng không biết nguồn gốc thông tin là tin giả nhưng có người lại tự tạo tin giả.
Ý thức của người dân, nhà báo cần rèn luyện, bổ sung thêm ngay lúc này là hãy tôn trọng sự thật và phải biết là mọi tin tức bây giờ đều ảnh hưởng đến cuộc chiến chống bệnh dịch. Hãy có thái độ đúng đắn, có tinh thần phục vụ lợi ích chung và biết chịu trách nhiệm trước thông tin mình đưa ra, dù là trên báo chính thống hay trên mạng xã hội.
Biết phân biệt những điều đó sẽ có nhiều phân tích và chọn lọc được đâu là một tin chính xác, đâu là một tin giả.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là một cây bút phóng sự nổi tiếng của Báo Lao Động trong những năm 1990-2000. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ như: Uỷ viên Ban chấp hành -Phó ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh; Tổng Biên tập Tạp chí Nghề Báo...và là giảng viên thỉnh giảng của nhiều cơ sở đào tạo báo chí.