Là một trong những người sáng lập, làm việc 20 năm với báo Tuổi trẻ, rồi 12 năm làm Tổng biên tập (TBT) báo Pháp luật TP.HCM, câu chuyện về nghề đối với ông Nam Đồng dường như kể hoài không hết. Nhưng dấu ấn, thăng trầm nhiều nhất phải kể đến 12 năm ông làm Tổng biên tập.
Ông Đồng chia sẻ: “Khi được phân công làm TBT báo Pháp luật TP.HCM vào năm 1996, bạn bè đùa là tôi đang từ mặt tiền lại vô hẻm sâu. Lúc đó tôi đang là Phó TBT báo Tuổi Trẻ. Còn tờ Pháp luật TP.HCM là tuần báo, gần như sắp phá sản, phát hành chỉ 3-4 ngàn bản.
Tôi về cùng anh em gây dựng tờ báo, sau này có lúc lên cao nhất là 150 ngàn bản (khoảng năm 2003-2004), là 1 trong 5 tờ báo có lượng phát hành cao nhất Việt Nam".
Ông Đồng chia sẻ: "Khi mọi người nói tôi từ mặt đường vào hẻm sâu, tôi nghĩ không phải. Tôi thấy đó là mảnh đất dư địa, thú vị nếu biết khai thác rất hấp dẫn bạn đọc. Bởi vì, pháp luật không chỉ là để chế tài mà còn là để bảo vệ.
Mỗi ngày có hàng trăm, hàng ngàn mối quan hệ giữa con người với nhà nước, những hiểu biết pháp luật, tranh chấp phải trái, nếu báo Pháp luật biết khai thác điều đó sẽ có sức hút lớn với bạn đọc".
Ông Đồng cho biết, Pháp luật TP.HCM là nơi đầu tiên thành lập phòng cung cấp văn bản pháp luật miễn phí, khi mà việc tiếp cận hồi đó rất khó khăn. Giới luật sư lại xin đông nhất, ngay cả Sở Tư pháp hồi đó, nghe thông tin không có cũng chạy qua xin.
Để làm phong phú nội dung tờ Pháp luật TP.HCM, ông Nam Đồng kể: “Chúng tôi nhìn những câu chuyện pháp luật qua những câu chuyện dân gian. Chẳng hạn, con cóc đẻ nòng nọc dưới ao. Cá trê nhận nó là con và phiên tòa diễn ra… cũng có thầy kiện, có xử án.
Hay chuyện thả rắn cắn người tình ở miền Tây. Anh thương mà cô đó đi lấy chồng, anh bắt rắn thả để cắn cô cho bõ ghét, nhưng may cô đó phát hiện được. Vậy dưới khía cạnh pháp luật anh đó phạm tội gì?...".
Ông Nam Đồng thừa nhận, dốt pháp luật nhất là tổng biên tập. Nhưng ông khẳng định, chuyện đó không sao. Báo có đội ngũ hùng hậu với 4 thạc sĩ, hơn 20 người tốt nghiệp ĐH và là luật sư. Ông nói, về nghiệp vụ ông biết phải khai thác chỗ nào, còn khai thác ra sao thì có chuyên gia.Làng báo hiện có rất nhiều nhà báo kỳ cựu, tên tuổi, từng làm việc và qua các khóa đào tạo do ông tổ chức?
Năm 1975, về gây dựng báo Tuổi trẻ, rồi khi về báo Pháp luật, tôi dành nhiều năm cho việc đào tạo. Đến hơn 20 khóa. Tôi say mê nghiên cứu về lý luận báo chí, ở 2 khía cạnh báo chí vô sản và báo chí hiện đại của phương Tây. Nhờ cách đào tạo ấy mà khá nhiều anh em đã viết nên những bài báo có sức lay động xã hội rất lớn.
Cách đào tạo là, cho nộp đơn tự do, có lúc 5-6 trăm hồ sơ, qua sơ tuyển các vòng, loại dần đến cuối cùng còn khoảng 10-11 người.
Nếu tồn tại, qua được giai đoạn 2, 3, thải ra là các báo nhận hết. Tôi nổi tiếng là người có công đào tạo phóng viên cho báo bạn và họ thành danh nhiều.Tôi rút kinh nghiệm từ anh Huỳnh Sơn Phước (Phó TBT báo Tuổi trẻ) từng tu nghiệp tại trường ĐH báo chí Lille của Pháp, họ dạy anh 1 khóa 3 tháng mà “hành cho ra bã”. Trong 3 tháng mà chỉ dạy 1 đề tài là cách đặt tựa đề.
Từ đó, khóa đào tạo truyền đạt lý thuyết ít, đề tài của lý luận sát sườn với tình hình báo chí Việt Nam, từ thương mại hóa là sao, ranh giới giữa thương mại hóa và đạo đức nghề nghiệp… Rồi định nghĩa phóng sự, điều tra, tin nhanh, phỏng vấn… chỉ học sơ sơ, thời gian chính là thực hành.
Đi làm 1 bài phỏng vấn phải chuẩn bị gì, tìm hiểu kỹ về nhân vật, có thói xấu, thói quen gì, thế mạnh, yếu là gì, nghiên cứu hết, có vậy khi nói chuyện mới đưa được ra câu hỏi hay.
Theo tôi, điều quan trọng ở phóng viên là yêu nghề, đừng chạy theo nhuận bút, số lượng. Hồi đó, có bài phóng viên chuẩn bị đến cả nửa năm, cả năm, tích lũy tư liệu và sau đó nhập cuộc, đi thực tế để có cái chứng minh, phản biện những điều lâu nay một số người đã biết. Ví dụ như mãi lộ ai cũng biết, nhưng cụ thể nó như thế nào, giá cả bao nhiêu, loại xe gì lấy bao nhiêu, kỹ thuật lấy ra sao, nỗi lòng và suy nghĩ của những người lái xe… Những cái đó đi thực tế mới hiểu được, còn những thông tin về mãi lộ là tích lũy cả năm rồi.
Vì thế, khi làm loạt phóng sự này, phóng viên Đức Hiển bám theo chiếc xe tải, làm quen với giới xe họ tin cậy cho đi suốt từ Sài Gòn ra Hà Nội, có khi chở heo, chở hàng đủ thứ. Phải yêu nghề. Yêu nghề mới chịu được vất vả.
Hay viết loạt bài về “tận đáy xã hội”, nhóm phóng viên phải hóa thân người lang thang để vào trung tâm Bảo trợ xã hội. Thấy cảnh nhóm anh chị đánh 1 ông già, phóng viên Nguyễn Tập, cũng là con ruột tôi nổi điên can thiệp. Tối đó, chúng dự định xử bằng cách lấy ni-lông nhựa, đốt lên để nhỏ vô "của quý". Ở phòng bên cạnh, phóng viên Đức Hiển nghe được. Lúc ăn chiều, mấy cậu vội chạy lên phòng quản lý trại để bộc lộ thân phận.
Viết lãnh vực nào cũng phải am hiểu, nắm vững luật lệ, là chuyên gia về lĩnh vực đó. Phóng viên Đức Hiển làm mãi lộ thuộc lòng luật về giao thông. Am hiểu luật lệ để còn đối phó với mọi việc.
Tôi hay nói với phóng viên, nhà báo chỉ là người kể chuyện, ghi chép, nhưng có những chuyện chuyên môn phải biết đứng trên vai người khổng lồ, nhà báo sẽ thành khổng lồ ngay.
Nhà nước từng bước tiến theo xã hội pháp quyền, tôn trọng luật pháp. Nên báo chí phải dựa vào đó để mà phản biện.Trên mặt báo hiện nay ít các bài điều tra, dấn thân như nhiều năm trước, tin bài ở các báo thì na ná nhau. Ông có nghĩ rằng phóng viên không còn máu lửa với nghề như lớp đàn anh?
Không phải vậy, tôi nghĩ là do áp lực thời gian. Lượng phát hành báo giấy xuống dữ dội. Báo điện tử cạnh tranh nhau từng phút.
Áp lực về thời gian dữ dội quá nên các báo, chưa kể các nhà báo chạy theo sản phẩm để có tiền, gọi là xào, lại không có kiến thức nền nên không biết khai thác góc độ này, kia. Báo Pháp luật cũng khó tránh cái na ná, cũng do áp lực về thời gian. Hồi đó cách của tôi là mọi sự kiện phải tiếp cận để viết dưới góc nhìn pháp luật, sẽ khác ngay, mới mẻ.
Các bài báo viết về chuyện tử tế, người tốt lại rất ít người đọc, còn chuyện giật gân thì nhiều người đọc, quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Nếu nhà báo yêu nghề, biết quý trọng sản phẩm của mình thì viết tốt hay xấu cũng có thể hay. Điển hình như anh Hàn Chức Nguyên viết những bài tích cực mà rất hấp dẫn, vì đào sâu vào khía cạnh của nó, mâu thuẫn trong sự việc để tìm ra được chi tiết đắt giá. Tôi nhớ đợt anh Hàn Chức Nguyên viết về phẫu thuật vá môi hở hàm ếch ở tỉnh Gia Lai, chuyện đơn giản nhưng anh viết người ta xúc động lắm. Anh viết có cô gái 18-19 chưa chồng, đi núi gặp người quen, người lạ thì cô đứng vô cái cây giấu mặt trong đó. Anh tìm được chi tiết đó quá hay.
Phóng sự cũng vậy, không chịu đào sâu tìm tòi, nên mới có câu “phóng uế điều tra”.
Nhưng thực tế, tâm lý người đọc thích đọc những cái cảm giác mạnh kiểu sex, cướp, giết… nên ở nước ngoài có tờ báo họ đề rõ ràng là “lá cải”.
Khi tôi nghỉ báo Pháp luật, năm 2008, có 1 đại gia mời tôi về phụ trách 1 tờ báo lấy tên là “Lá cải”. Tôi thấy lá cải cũng hay nếu biết khai thác, cải mà nấu canh cũng ngon, ăn tốt. Tôi cũng nghĩ ra các mục lá cải xào, lá cải muối, lá cải chua,… và làm tờ lá cải thực sự. Sau đó chuyện bất thành. Nếu thành, tôi nghĩ có nhiều chuyện hay. Phóng viên còn truyền tai nhau về chuyện phê phán ông, ông từng đóng khung 1 bài báo về chuyện viết sai sự thật và treo trong phòng để nhắc nhở, răn đe, cụ thể là như thế nào?
Đúng. Đó là phóng viên khi viết những nẻo đường xâm nhập HIV ở huyện An Phú, An Giang. Anh phóng viên viết, đa số phụ nữ ở địa phương qua biên giới Campuchia làm gái mại dâm.
Lúc duyệt, tôi cũng ẩu. Báo đăng, chính quyền ở An Phú gửi thư lên phản đối. Hôm sau, tôi xuống đối thoại với người dân. Tôi đi cùng anh Sao Biển vì anh này có tiếng tăm, có cảm tình với người miền Tây. Xuống đến nơi thấy họ ngồi 1 bàn dài, gồm các cơ quan từ ủy ban, tỉnh ủy, huyện ủy, viện kiểm sát, tuyên giáo, biên phòng, báo đài An Giang... Họ nói nhiều, dữ dội lắm. Đến tôi đứng lên, tôi chỉ nói duy nhất 1 câu: “Xin lỗi vì để các đồng chí mất thì giờ về việc này. Tôi sẽ đính chính và xin lỗi”. Tôi nghĩ, chữ nghĩa như thế rồi còn bào chữa gì nữa. Nghe tôi nói vậy các ông ý cười khà khà, và trưa nhậu 1 trận.
Hôm sau, báo An Giang đăng trên trang nhất dòng chữ rất to: “Tổng biên tập báo Pháp luật cúi đầu nhận lỗi trước chính quyền và nhân dân”. Nhiều anh em bức xúc, phản ứng lắm, bảo sao đồng nghiệp chơi sát ván vậy. Tôi nói: “ Không, mình phải cảm ơn họ”. Tôi chụp và cho phóng to trang báo đó, lồng khung kính và treo ở phòng phóng viên, phòng tôi để ghi nhớ.
Thấy sai thì phải nhận và lấy làm răn đe về nghề. Mình xin lỗi thì mình đau 1, còn người ta bị nói sai người ta đau 10. Mình tìm cách lấp liếm hay nói nhẹ đi cái sai của mình là không được.
Viết báo mà sai thì tội lỗi rất lớn. Nhiều lần báo Pháp luật phải đính chính, xin lỗi nhưng tôi nói không có gì là mất uy tín. Nếu mất thì là uy tín giả, còn mình nhận sai thì đó chính là cái sòng phẳng và hiểu biết, cho thấy mình càng có uy tín hơn. Một số trường hợp báo chí phản ứng trước chuyện sai của mình bằng hù dọa lại đối tượng, nói lại cho rõ, còn không thì viết tiếp bài nữa, lại đánh tiếp nhưng có lồng vô chi tiết đã viết sai, ngược lại chi tiết mình sai… Tôi gọi là những kỹ xảo của báo chí khi đối phó lại điều mình viết sai là không sòng phẳng, thiếu lẽ công bằng. Cho nên sai thì phải nhận là sai đàng hoàng, người mà ai không sai.
Ông muốn nhắn nhủ điều gì đến lớp nhà báo, phóng viên nhân ngày giỗ nghề?
Làm báo phải tử tế vì nó tác động xã hội ghê gớm lắm. Công lớn mà tội cũng lớn. Trong giáo trình gọi báo chí là vũ khí sắc bén.
Có những người nói, thà xử tù 10-20 năm còn hơn nói tôi trên mặt báo. Vì tù, tôi với gia đình biết, nhưng nói trên mặt báo thì cả bà con dòng họ trong Nam ngoài Bắc ai cũng biết.
Nhân ngày 21/6, nếu phải nói điều gì, tôi chỉ mong ước người làm báo phải tử tế. Chứ bây giờ một số doanh nghiệp và một số người coi thường báo chí lắm.
Bảo Anh - Thái Thiện Ảnh: Trương Thanh Tùng - Thiết kế: Hồng Anh