"25 năm - một chặng đường đời tôi" của nhà báo Nguyễn Thế Đắc mới được Sở Thông tin và Truyền thông cho xuất bản. Sách dày trên 300 trang, số lượng in rất khiêm tốn: 100 cuốn nên không đủ tặng hết bạn bè và người thân. Vậy mà tác giả vẫn dành tặng cho tôi một cuốn.
Nhà báo Nguyễn Thế Đắc còn có bút danh là Linh Vinh, quê xã Tiền Phong, huyện Ân Thi. Anh nguyên là Tổng biên tập Báo Hưng Yên; nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hưng Yên, nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy. Anh đã có bề dày theo nghiệp báo - một phần tư thế kỷ. Tốt nghiệp đại học mới ngoài 20 tuổi, Nguyễn Thế Đắc làm phóng viên báo Hải Hưng, được tổng biên tập phân công viết về mảng nông thôn, nông nghiệp, nông dân. Nghiệp phóng viên, phải đi khắp địa bàn tỉnh, cả những điểm nóng, anh cũng không ngần ngại, vì cái nghiệp báo đã ngấm vào anh từ hồi còn là học sinh cấp ba và khi học đại học.
Đúng như lời đề tựa (lời tự bạch thì đúng hơn) in ở đầu tập sách "Gần 5 năm đại học và bắt đầu thể hiện mơ ước từ nhỏ khi được là phóng viên báo Hải Hưng - tháng 11/1981. Hai mươi năm làm báo từ một người phóng viên, trưởng thành là tổng biên tập, tôi như người chép sử, chứng nhân sự phát triển của quê hương Hải Hưng và sau này là Hưng Yên". Với 84 bài viết, chia thời gian làm hai giai đoạn: Thời làm báo Hải Hưng (1981 - 1996) gồm 36 bài, thời kỳ làm báo Hưng Yên gồm 38 bài. Như vậy, về số lượng, tác giả ưu tiên cho báo Hưng Yên hai bài. Thời kỳ thứ nhất anh từ phóng viên đến thư ký tòa soạn, thời kỳ thứ hai là Tổng biên tập - kiêm chủ tịch Hội nhà báo Hưng Yên.
Nhà báo không chỉ có ghi chép, mà phải biết phát hiện, kiến nghị, được lồng ghép trong từng bài viết một cách tinh tế. Ở bài "Tư duy Hồng Lạc", anh nêu vấn đề chợ không phải là nơi tiêu dùng, cậy thế có chợ mà địa phương ỷ lại, không phát triển sản xuất ngành nghề. Tác giả đề xuất: "Chợ ở đây không phải theo nghĩa đơn thuần, là nơi đông kẻ mua, người bán mà tất cả sản phẩm làm ra từ mảnh đất này, đều được người Hồng Lạc tính toán theo luật giá trị phá thế "Tự cung, tự cấp" tiến lên sản xuất hàng hóa" (trang 37-38). Bài "Nông nghiệp Hải Hưng và những lời cảnh báo của một nhà khoa học" viết về giáo sư tiến sĩ nông học Vũ Tuyên Hoàng (trang 136-143) tác giả thông qua đối thoại với nhà nghiên cứu nông học - Viện trưởng Viện nghiên cứu cây lương thực, thực phẩm; Nhằm nêu vấn đề lúc đó Hải Hưng cần làm gì, nuôi con gì, trồng cây gì để phát triển nông nghiệp? Bài báo này giúp lãnh đạo tỉnh phải suy nghĩ - định hướng cho nông dân. Kiểu bài này viết rất khó, ngoài nghiệp vụ báo chí giỏi nhà báo còn phải tìm hiểu khoa học nông nghiệp mới viết nổi.
Báo chí là phải phục vụ chính trị, làm báo là làm chính trị, tuyên truyền. Định hướng ấy là chuẩn mực cho bài viết, dù dùng thể loại nào, phóng sự, điều tra, phản ánh, ghi chép. Nguyễn Thế Đắc đã nắm chắc tiêu chí số một ấy xuyên suốt 84 bài viết của mình. Lại nữa, trong báo có văn, thì bài báo sẽ không khô cứng, điều này không tinh thì bài báo dễ biến thành bản báo cáo. Muốn phản ánh chân thật, phải đến với chân thật. Chân thật là đặc tính số 1 của thể loại báo chí. Trong bài "Một giờ với nhà văn Lê Lựu" - một bài ghi chép mang tính thời sự nóng hổi về nhà văn nổi tiếng ở quê hương đang "thành lập doanh nhân văn hóa". Nếu ai muốn viết về nhà văn Lê Lựu thì có nhiều điều nổi trội để viết, nhất là mảng chân dung nhà văn đặc tính nông dân này. Nhưng với nhà báo Nguyễn Thế Đắc chỉ "phác" mấy nét mà ta thấy đầy đủ chân dung, tính cách Lê Lựu: "Anh (tức Lê Lựu) bắt chuyện rất nhanh. Chuyện thanh, chuyện tục, chuyện cổ, chuyện kim, chuyện thời sự trong nước, quốc tế. Cái duyên nói chuyện cũng giống như nếp ăn nhồm nhoằm nhưng lại cuốn hút người nghe. Và tính cách ở Lê Lựu đáng quý ở một nét là khi giao việc gì, cả việc công lẫn việc tự do bạn bè nhờ là anh làm đến cùng thì thôi".
Cái đêm đầu tiên từ Hải Dương về ngủ ở thị xã Hưng Yên, tác giả viết: "Đêm đầu tiên trở về làm việc trên mảnh đất quê hương, nơi nhúm nhau chôn ngoài vườn, nơi cả quãng đời thơ bé gắn bó, mà bao người thấy bồi hồi và thương nhớ. Nhiều kỷ niệm đan xen, nhạt nhòa! Thị xã yên ắng đến nỗi nghe thấy cả tiếng lá nhãn rơi bên hè phố". Sự quan sát tinh tế và sâu như thế, viết có hồn như thế ai bảo nhà báo Thế Đắc không phải là nhà văn? Lại nói thêm phong cách báo chí của Nguyễn Thế Đắc! Ở cách chọn tên, đặt tít cho bài của anh thường rất ngắn gọn, rất hóm, như Vôn hay oát đều là điện cả phê phán sự kém hiểu biết (trang 70). Đi cơ sở nghĩa là đến trụ sở (trang 74), phê phán tệ nạn quan liêu, xa thực tế… Rõ ràng ngòi bút của Nguyễn Thế Đắc, không đơn điệu chỉ có khen, mà có cả chê, chê ngắn mà trách sâu đấy, đau đấy. Nhiều bài báo của anh viết cách đây 10, 15 năm nay vẫn có tính tác dụng, tính thời sự như: Việc tăng lương cũng cần triệt để tiết kiệm (trang 184), Bệnh do hội họp nhiều (trang 221), Bệnh lười đọc (trang 248) hoặc Dân đức, quan đức. Bài ngắn tít ngắn, hiệu quả cao.
Bên cạnh những bài chính luận, xã luận, tham luận sâu sắc, thiết thực mang tính chỉ đạo, định hướng, hoặc chuyên sâu về nghiệp vụ báo chí, cuốn sách còn có những bài bút ký, truyện ngắn khá cảm động như: Kỷ niệm trường tỉnh, Ông ngoại, Lòng cha… gây ấn tượng cho người đọc những tình cảm thiêng liêng của tác giả đối với quê hương, mái trường xưa, với người thân của mình.
Dù viết bằng thể loại gì, tác giả Nguyễn Thế Đắc, cũng thể hiện được một nhà báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, tính tư tưởng rõ ràng, đề cập, cập nhật các nhiệm vụ, công tác của địa phương. Những tập thể điển hình, gương điển hình đều xác đáng, sâu sát, giúp cho bạn đọc học được gì? Làm được gì?
Có thể nói "25 năm - một chặng đường đời tôi" tác giả Nguyễn Thế Đắc viết có tâm, có tầm một nhà báo, một người con của quê hương Hưng Yên, đã thể hiện năng lực của mình trên từng con chữ, trang viết. Anh viết có trách nhiệm, ngợi ca không một chiều, vì yêu quê hương lắm, anh mới làm được điều đó. Chỉ tiếc còn một số bài báo hay, truyện hay, bút ký hay của anh đăng trên báo Hải Hưng vẫn chưa sưu tầm đầy đủ, nên bạn đọc chưa hiểu hết về mảng văn của anh. Sách ra vội, lại in quá ít nên không đủ phát hành rộng rãi, song dù sao đây là cuốn sách rất bổ ích cho bạn đọc nói chung và những người làm báo Hưng Yên nói riêng.