Nhà báo Hải Luận: Từ chi tiết nhỏ “đẻ ra” loạt phóng sự lớn

Thứ tư - 22/04/2020 15:27
Trong sự nghiệp cầm bút, nhà báo Hải Luận (báo Biên phòng) rất quan tâm đến chi tiết nhỏ, vì thế anh đã cho ra đời nhiều phóng sự lôi cuốn, hấp dẫn bạn đọc ngay từ tít bài.
111
Nhà báo Hải Luận
Áp dụng triệt để “vũ khí” của nhà báo

Trong những ngày cuối tháng 3 này, nhà báo Hải Luận tiếp tục cho ra mắt bạn đọc cuốn sách phóng sự “Nhà giữa Biển Đông” (NXB Công an Nhân dân) ngồn ngộn chi tiết đắt giá về câu chuyện của ngư dân đánh cá xa bờ, mạng sống của bà con luôn “treo” đầu ngọn sóng.

Cũng giống như 3 cuốn sách trước, cuốn sách này mang đậm chất phóng sự về những con người ý chí kiên cường, về những vấn đề nóng hổi trong cuộc sống. Đây là cuốn sách được đặt dưới lăng kính phóng sự, sử dụng bút pháp trần thuật một cách chân thật nhất, ẩn chứa nhiều câu chuyện, chi tiết chứa chan lòng người, toát lên phẩm chất cao đẹp của người ngư dân, lính biển “ăn sóng, nói gió”. Cả cuộc đời họ chung sống với biển cả, để cho đất nước bình yên, nền kinh tế hưng thịnh.

Có thể nói với sự ra đời của cuốn sách này, Hải Luận đang ngày càng khẳng định “thương hiệu" trong làng phóng sự. Tuy vậy, anh vẫn khiêm tốn bộc bạch rằng, mình không giỏi giang gì, nhưng trong quá trình tác nghiệp, anh có kỹ năng quan sát cuộc sống rất kỹ lưỡng, từ đó "bắt mạch” từng chi tiết, từng câu chuyện, đề tài báo chí từ thực tiễn.

Anh bảo, chính chi tiết nhỏ sẽ “đẻ ra” hàng loạt phóng sự lớn, quan trọng là người làm báo Iuôn phải tận dụng tối đa những kỹ năng khai thác thông tin, biết bắt mạch chi tiết, sống với từng câu chuyện, từng vấn đề của nhân vật. “Phát hiện được chi tiết đắt giá sẽ nắm chắc phần thắng 70 - 80%. Làm sao bắt được câu chuyện, chi tiết báo chí trong dòng chảy cuồn cuộn của cuộc sống, đây là điểm mấu chốt nhất nhà báo cần lưu tâm. “Vũ khí” của nhà báo: Vì sao? Tại sao? Rất lợi hại, bạn biết cách sử dụng nhuần nhuyễn nó thì ngồi ở đâu cũng ra bài phóng sự”, anh tâm sự.

Chia sẻ về kinh nghiệm viết phóng sự, Hải Luận cho rằng, trước hết, nhà báo phải chịu khó, rất chịu khó, đừng phụ thuộc vào quá nhiều thông tin trên mạng Internet, phải làm “triệt tiêu" sự tò mò khám phá vốn có của nhà báo. Anh lấy ví dụ câu chuyện điển hình “đào” chi tiết. Đó là vào trước Tết Nguyên đán Canh Tý (2020), anh gọi điện ông Lưu Quang Khánh - Chi cục Trưởng, Chi cục Thuỷ sản TP. Đà Nẵng, hỏi tình hình tàu câu mực xà (mực khơi) hoạt động như thế nào. Ông Khánh trả lời: “Tàu mực xà Đà Nẵng đã bị xóa sổ hết rồi, anh muốn biết vào Quảng Nam mà hỏi”.
111
Nhà báo Hải Luận (bên phải) trong một chuyến tác nghiệp
Từ thông tin đau xót này, anh quyết định nhảy tàu ra Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, mở một cuộc điều tra “thích đáng". Anh đặt ra mấy câu hỏi lớn: Tàu mực xà được xếp vào “ngoại hạng" về độ kiên cường bám biển 3 tháng liên tục/một chuyến biển, độ nguy hiểm bậc nhất trong nghề khai thác biển, tại sao ở Đà Nẵng bị xóa sổ? Trong khi Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn còn hoạt động, liệu hai tỉnh này có bị xóa sổ tiếp không?

Mấy vấn đề trên giống như câu hỏi lớn làm “sườn bài" chính, mạch trọng tâm bài viết. Ra đến địa bàn, anh tìm gặp các ông chủ tàu, thuyền trưởng tàu mực xà dạng có máu mặt ở trong vùng. “Tại sao tôi phải chọn những ông có máu mặt hỏi chuyện? Vì các ông này mới thật sự là người “thiệt ăn thiệt làm”, họ trưởng thành từ người đi nấu cơm, phụ việc trên tàu cá, “lên đời” thành thợ câu, rồi sắm tàu trở thành ông chủ và thuyền trưởng. Mọi ngõ ngách của biển cả, mọi chuyện hiểm nguy, chết chóc trên biển họ đã trải qua và thuộc làu trong lòng bàn tay. Đây là cả một bầu trời nguyên liệu phóng sự, triệt để khai thác ở nhiều góc độ và loạt bài “Trận địa” thúng chai giữa Biển Đông” 4 kỳ ra đời” - nhà báo Hải Luận phân tích.

Mở rộng, mở rộng, mở rộng hơn nữa thông tin từ thực tiễn

Qua câu chuyện trên, anh muốn nhấn mạnh tới sai lầm của một số nhà báo là thường hay vác ghi âm tới hỏi chuyện quan chức quản lý nhà nước, xin văn bản chính sách, báo cáo thành tích, không thể nào viết ra được một bài phóng sự, chứ đừng nói loạt bài. Trong quá trình điều tra thông tin, anh luôn mở rộng, mở rộng, mở rộng hơn nữa thông tin từ thực tiễn bằng “vũ khí”: Vì sao? Tại sao? Trong muôn vàn thông tin, nó giống như một đống hỗn độn thông tin, đan cài nhau chằng chịt.
111
Nhà báo Hải Luận đang tặng sách cho Thư viện Viện Hải dương học Nha Trang
“Tốt nhất, nhà báo phải viết trong đầu trước, chọn thông tin, chọn chi tiết, chọn câu chuyện đắt giá nhất, sắp đặt lại thành từng khổ, từng bài. Nếu chưa đủ, tiếp tục mở rộng tìm kiếm thông tin đến khi nào hoàn chỉnh 2 - 5 kỳ báo hoặc nhiều hơn thì mới “rút quân” khỏi chiến trường" - nhà báo Hải Luận nêu kinh nghiệm tác nghiệp.

"Gạ" mãi anh mới ra chút kinh nghiệm nữa, khi nhà báo hỏi chuyện nhân vật, luôn luôn có hào hứng, hãy thể hiện cảm xúc nhất trước mặt nhân vật. Anh bảo, nếu nhà báo không có hào hứng, cảm xúc cao độ, thì làm sao "truyền" cảm hứng cho nhân vật kể ra những câu chuyện ly kỳ được. Chỉ khi họ lên cao trào mới kể ra câu chuyện, chi tiết gay cấn nhất. Thậm chí nhà báo còn chủ động "đánh đông, kích tây" mới kích hoạt “ngòi nổ" của nhân vật. Nhà báo cứ cắm đầu ghi ghi, chép chép, chỉ mới kiếm được những chuyện ngoài rìa, nhạt như “cơm nguội". Phải làm sao để cho nhân vật múa tay, nhà báo cũng múa theo. Nhân vật đạp bàn kể chuyện, nhà báo vỗ đùi khen hay.


Bên cạnh đó, anh chia sẻ kinh nghiệm rằng, nhà báo nên làm quen nhân vật đạt đến độ “làm thân", lúc đó họ sẽ nói ra những điều ẩn chứa sâu thẳm bên trong, kể ra những câu chuyện ly kỳ, thậm chí mấy ông chủ tàu đánh cá còn mời nhà báo đi biển “nuôi ăn” cả tháng trời để trải nghiệm sóng to gió lớn của đại dương như thế nào. Từ đó, nhà báo viết phóng sự mới “đã” tay.

Có lẽ vì thấm nhuần tư tưởng, phong cách ấy mà Hải Luận dần dà là cái tên quen thuộc trong các giải báo chí từ Trung ương đến địa phương.

Nhà báo Hải Luận từng là tác giả của các cuốn phóng sự “Nhịp đập của cuộc sống" (2007), "Thoát khỏi nghèo hèn” (2011), “Nông dân quốc tế hóa" (2019), "Nhà giữa Biển Đông” (2020). Riêng hai cuốn sách xuất bản mới đây, được trình bày “phá cách" mang tính hiện đại, mỗi bài đăng kèm hai ảnh, nhiều tấm ảnh căng to full đầu trang sách và full hết đầu cuối trang sách. Thi thoảng gặp những tấm ảnh căng to bằng cả trang sách, nhìn rất bắt mắt.
 
Hà Vân
(báo Nhà báo và Công luận)



 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây