Thầy của thời xa lắc xa lơ

Thứ tư - 27/05/2020 08:49
Nhớ. Năm 1967, HTX Tứ Trưng, huyện lúa Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc được thêm mùa lúa chiêm trăng. Xã viên nao nao vui vì có thêm hạt gạo, tích thêm lương thực góp sức với tiền phương chống Mỹ cứu nước. Tổng biên tập Báo Vĩnh Phúc (Nguyễn Văn Tạo) giao tôi tới đó viết bài. Chân ướt chân ráo mới vào nghề chưa đầy năm nên thấy lo lo. Tình cờ, chuẩn bị khởi hành thì có phóng viên trẻ quý danh Trần Bá Lạn của báo Tiền Phong đến tòa soạn nhờ Tổng biên tập giúp cho phóng viên cùng về Tứ Trưng. Tôi hấp hải, mở lòng mở dạ vì được nhập cuộc. Thời xa xưa ấy mới vô tư, hồn nhiên. Phóng viên Trần Bá Lạn lụi cụi với chiếc xe Thống nhất cũ mèm, đầu chụp mũ cọ rộng vành, sà cột bên hông, kèm thêm bình tông nước và chiếc máy ảnh hiệu Liên Xô. Tôi thì dép lốp quai chéo, đầu nón lá, sơ mi xanh thả lỏng, túi tài liệu cùng chiếc bi đông lủng lẳng bên sườn; kém Trần Bá Lạn là chiếc máy ảnh; nhưng hơn là sau chiếc xe đạp Vĩnh Cửu tôi lại kèm cả thằng con trai trưởng 5 tuổi cùng đi (cháu Hồng Nghĩa) ở báo Nhân Dân hiện nay. Ngày ấy mẹ cháu nặng bệnh phải nằm viện nên tôi hết mình “đảm đang”. Thời nay, ai đâu dám như thế
111
Thầy giáo Báo chí Trần Bá Lạn và tác giả tại sân Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Ông Nguyễn Văn Tại, Chủ nhiệm HTX Tứ Trưng niềm nở đón tiếp. Tôi e ngại hỏi han, nhưng phóng viên Trần Bá Lạn rủ rỉ hết chuyện nọ tới chuyện kia. Nào là: - Sao lại gọi là lúa chiêm trăng? Ông Tại nói (lâu rồi tôi chỉ mang máng): Lúa chiêm trăng là lúa cấy thêm vụ ở chân ruộng cao thường đói nước. Gặt sau chiêm chính vụ khoảng 15 -20 ngày! Trần Bá Lạn lại hỏi, lại ghi miết mải những gì Chủ nhiệm cung cấp về cách thức làm đất, gieo mạ, gặt hái, phơi phóng; về độ dẻo thơm của hạt gạo chiêm trăng…về cả ý nghĩa có thêm vụ lúa bội thu này... Rồi chúng tôi cùng Chủ nhiệm đi thăm ruộng, thăm đồng; về sân kho tập thể lát gạch mênh mông, có bóng đa khủng trùm tán mát rượi, chuyện trò với xã viên. Bữa trưa, Chủ nhiệm đặt cơm “Nhà khách” thuộc diện quản lý của Nhà kho (không tiếp, chắc là giữ ý). Món ăn nổi nhất bữa là trứng “áp chảo” nhưng không có mỡ, không nước mắm, cùng đó là đĩa nhỏ tôm càng Đầm Dưng rang muối mặn đon đót. Thời ấy như thế là sang lắm rồi. Hơn đứt các bữa thường ngày của chúng tôi bởi cơm gạo mới, dẻo thơm, chất nhựa hạt cơm bện lấy răng lấy lợi; nhắc lại cứ như hạt thơm cơm mới vẫn vương vấn đâu đây. Xong bữa, phóng viên Trần Bá Lạn mở sà cột lấy ra 225 gram tem phiếu gạo (thời bao cấp) thanh toán cho nhà bếp. Tôi nhanh nhảu làm theo!…Ấy là chuyện nhỏ, kỉ niệm nhỏ 52 năm về trước. Không thể nào quên!

Khởi nguồn đào tạo Báo chí Việt Nam

Nhớ lại. Năm 1969 Nhà nước ta mở Khóa Đại học Báo chí - Xuất bản đầu tiên (1969 - 1973). Tôi may mắn được Tòa soạn Báo Vĩnh Phú (khi đã hợp nhất 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) cử dự thi. Đỗ thủ khoa môn văn, nên đêm Khai giảng Khóa học tại điểm sơ tán ở Mỹ Đức (Hà Tây) tôi được Nhà trường chỉ định phát biểu trước gần 200 học viên báo chí và xuất bản. Gọi là học viên vì phần đông đã làm báo, làm xuất bản rồi mới thi và nhập học. Tình cờ tại đây tôi gặp lại người đồng nghiệp từng đến với mùa lúa chiêm trăng Tứ Trưng Nhà báo Trần Bá Lạn! Thì ra anh Lạn đã về trường. Anh là thầy giáo báo chí của trường Đại học đầu tiên này. Và, anh Lạn là thầy dạy đầu tiên để tôi thành nhà báo chuyên nghiệp! Từ đây tôi có một người thầy thay cho quen gọi là anh! Thầy Trần Bá Lạn!

 Đồng nghiệp tôi từng vinh công thầy Trần Bá Lạn về điều này khá sâu, khá kĩ, thậm chí rất tỉ mỉ trên tờ Nhà báo & Công Luận của Hội Nhà Báo VN, trên tạp chí Lý luận của Học Viện... Vạn sự đều có căn nguyên để tạo nên hồ. Thông tin mà tôi nhớ, ấy là vì Trần Bá Lạn sinh ra và được giáo dưỡng trong một gia đình gia giáo ở Hà Nội. Được thừa hưởng gien của người cha giàu chữ Hán học và Tây học lại am tường Hội họa. Hơn nữa, lớn lên Trần Bá Lạn có một quá khứ từng chải với nghề báo. Được đào tạo nghề báo khá bài bản ở nước bạn Trung Hoa từ cuối những năm 50 của thế kỉ trước..Từng làm việc ở các tờ báo danh tiếng như Tiền Phong, Lao Động từ những năm 1953 -1954. Sau được tổ chức điều về Vụ Báo chí trực thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương. Từng là cán bộ báo chí tại Trường Đại học Nhân Dân Khi khởi lập Trường Tuyên giáo Trung ương năm 1962, ông là một trong số cán bộ được giao công việc lập đề án “Thành lập Khoa báo chí”. Khoa ra đời một thời gian, thầy Trần Bá Lạn được giao chức Phó trưởng Khoa rồi Trưởng Khoa (nay là Học Viện Báo chí Tuyên truyền) cho tới ngày nghỉ hưu tháng 7/năm 1990. Khác với lớp hậu thế hôm nay, ông không mang trên mình mác học hàm học vị. Vạn sự đều do lỡ làng. Thời mà Nhà trường muốn dành cho ông học hàm Phó GS thì lại là thời Nhà nước ta chưa có Hội đồng để thẩm định công trình. Khi được đề nghị thẩm định thì tuổi tác lại văng ra. Thế nhưng, Trần Bá Lạn vẫn hơn thế, sáng mãi, đẹp mãi với các thế hệ nhà báo do Nhà trường đào tạo. Ấy là cái tâm cái đức, là sự mẫu mực, tận tụy đến cùng với việc đào luyện nên những nhà báo hữu ích.
111
Thầy trò dự Hội thảo về nhà báo Quang Đạm.
Mẫu mực, nhân văn như lẽ sống ở đời

Giống như thầy thuốc, giống như thầy giáo các cấp giáo dục, thầy giáo dạy nghề Báo chí như Trần Bá Lạn lưu dấu mãi trong lòng các thế hệ nhà báo Việt Nam. Lớp Báo chí Xuất bản khóa 1, Khóa II… tới Khóa 7 (1990) các lứa lớp chúng tôi luôn nhớ tới lớp, tới trường, tới thầy vào những dịp Lễ hội của nghề với thầy Trần Bá Lạn như kí ức đẹp của đời nghề. Đẹp và tự hào bởi từ mái trường thân yêu này, từ các khóa đào tạo này, hết thảy chúng tôi đã nên danh với nghề báo, nghề làm chính trị bằng phương cách báo chí. Nghề mà “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ” như lời Cụ Hồ dạy. Tự hào bởi lớp lớp đồng nghiệp giỏi giang nối tiếp nhau đứng mũi chịu sào thuộc các phương tiện thông tin đại chúng của Quốc gia, của các địa phương, các ngành và đoàn thể xã hội. Nghề báo chí, nghề nghiệp đặc thù vinh hạnh và khốn khó; nghề luôn luôn phải ở nơi đầu nguồn sự kiện!

Nhớ lần cận kề Kỷ niệm 21/6 Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ngồi trong căn hộ gia đình thầy tả túc từ thời bao cấp, nép mình trong ngõ hẻm kể với Học viện, đôi mắt hiền từ như phát sáng, giọng chan chan niềm vui, thầy Lạn nhắc tới những học viên, những sinh viên của mình thành đạt như vườn tược từng đổ công gieo trồng đã đơm hoa kết trái. Thầy điểm tên những nhà báo năng nổ thành danh với nghề, những nhà báo từ nhà trường có đóng góp trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, về những nhà báo thành đạt ở nhiều cương vị khác nhau của Hội Nhà báo Việt Nam, của đất nước, có người đã là Phó GS, Giáo sư, là Ủy viên Trung ương Đảng… Thầy nhắc tên cả chục, cả trăm những nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận văn học và chính trị từng học dưới mái trường Báo chí Xuất bản nam có, nữ có... ai ai cũng viết hay viết đẹp để tiếng thơm, tiếng đẹp cho quê hương đất nước… Nhưng rồi giọng thầy như quánh đặc, nhớ đến những nhà báo dũng cảm hy sinh vì sự nghiệp thống nhất non sông và bảo vệ đất nước phía Nam, phía Bắc... trầm buồn về những bất hạnh, rủi ro của những nhà báo từng là sinh viên của mình ở nơi này nơi kia... Đôi mắt thầy ứa lệ. Thì ra xưa cũng thế và nay thì thầy vẫn thế. Đó là tâm tính, là cái đức, là bản tính nhân văn của thầy!… Tự dưng tôi chạnh nghĩ: Tháng 9 năm 1971, sự bất hạnh ập tới với tôi, vợ tôi lâm bệnh mất tại Bệnh viện Bạch Mai, để lại cho tôi 4 đứa con thơ dại, thằng lớn nhất cũng chỉ 10 tuổi. Lương tôi ba cọc ba đồng; may là các con tôi được hưởng chế độ tiền tuất, đủ để có gạo, có rau muối. Những lúc con ốm đau, tôi lại phải tìm cách lần về. Tiền tầu xe khi thì vay bạn, khi thì lỉnh ra Bờ Hồ bán chiếc bút đang dùng. Nhiều sáng phải nhịn ăn sáng nhưng giấu bạn bè. Vì đó là điều đáng hổ! Ngày ấy chị tôi bên vợ, tới tận trường, nói tôi học để làm vương tướng gì, thốc thả nhủ tôi trở về Vĩnh Phú! Khi ấy tôi chỉ nghĩ: Sự học là vô hạn, hiểu biết là hữu hạn nên tôi gắng phân bua, nhẹ nhàng sắp xếp gia đình để vượt lên. Không thế thì tôi sẽ vĩnh viễn là nhà báo không học nghề!... Khi ấy thầy Lạn luôn an ủi tôi, khuyên tôi ở lại sau làm cán bộ của trường, để có cơ hỗ trợ tôi vượt lên. Tôi không nỡ, vì Tỉnh ủy cho tôi đi học là để trở về. Rồi, chính thầy đã trực tiếp nhập cuộc giúp tôi có một gia đình thực sự ngay sau khi về tỉnh, để rồi sau nữa có cơ về Hà Nội. Ấy là tôi nói về tôi, ngẫm về tôi. Để thêm nhớ về cái tình rất đỗi nhân văn của thầy với những sai phạm của học viên đến mức phải cho thôi học như anh V ở Việt Bắc, như chị T ở tỉnh nọ rất lý tình, theo sát, chia sẻ, động viên, an ủi cho tới bước chân cuối cùng khi họ rời khỏi cổng trường…

Nói về nghề báo, thầy Trần Bá Lạn luôn khuyên nhủ: Làm báo phải am tường lý luận báo chí. Phải phấn đấu có đủ trình độ lý luận. Lý luận phải gắn với thực tiễn, tránh nói lại những điều người ta đã nói mãi. Thời tôi học, cơ sở vật chất của trường, của Khoa còn nghèo lắm, lại phải liên miên sơ tán để tránh chiến tranh tàn bạo của giặc Mỹ... Nhưng sự tận tình của thầy Lạn và các giáo viên ít ỏi của Khoa đã hết lòng vì chúng tôi, mời chào, đón đưa để chúng tôi luôn được học nghề với những nhà giáo tên tuổi như: Hoàng Tùng, Trần Lâm, Thép Mới, Lê Chúc, Lưu Quý Kỳ, Quang Đạm, Nguyễn Mạnh Hào, Hữu Thọ, Nguyễn Bá Khoản, Đinh Đăng Định… Nhờ sự chí cốt, tận tâm với việc đào tạo của thầy Lạn, lứa chúng tôi mới may mắn có được các nhà giáo, các Giáo sư tên tuổi khối xã hội tới giảng dạy hết mình, như: GS Hoàng Xuân Nhị, Đinh Gia Khánh, Hoàng Thiểu Sơn, Phan Cự Đệ, Trần Quốc Vượng, Hoàng Minh Đức... để chúng tôi thấu hiểu, thấu cảm… để yêu say, để biết cách truyền cảm xúc từ mình tới người đọc, người nghe, người xem theo đúng cải cách của văn học, của báo chí! 60 năm qua đi. Xa lắc xa lơ. Thầy đã sang tuổi 90. Ngày báo chí cách mạng 21/6/2019 này, đồng nghiệp lại thao thiết về mái trường xưa, nơi ấy thầy Trần Bá Lạn từng 30 năm gắn bó với trọng trách nhiều năm làm trưởng Khoa Báo chí, kiến tạo biên soạn Chương trình đào tạo nghiệp vụ, Xây dựng đội ngũ giảng dạy báo chí xứng tầm, tạo nên thương hiệu hãnh diện và tin cẩn “Học Viện Báo chí và Tuyên Truyền” đĩnh đặc giữa thủ đô văn hiến thân yêu của chúng ta!
 
Nguyễn Uyển

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây