Nhà báo Sỹ Khỏe: Nhà báo của người nông dân

Thứ tư - 10/06/2020 12:09
Trở về sau chuyến đi vùng nuôi trồng thủy sản đồng bằng sông Cửu Long, nhà báo Sỹ Khỏe, nguyên phóng viên ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam tỏ ra khá mệt mỏi sau chuyến đi dài ngày.

Nhưng với tính cách thân thiện, dễ gần, ông vẫn dành cho chúng tôi nhiều giờ đồng hồ để nhớ lại kỷ niệm không thể nào quên về những lần tác nghiệp trước đây.

Luôn đồng hành cùng người nông dân, trên mọi nẻo đường, nhà báo Sỹ Khỏe mỗi một lần đến với bà con nông dân là một lần tạo ra sự khác biệt nhưng đồng thời cũng luôn mang dấu ấn của một nhà báo - nông dân. Mỗi nhà báo đều tạo cho mình một phong cách riêng trong quá trình tác nghiệp và phong cách mộc mạc của nhà báo Sỹ Khỏe sẽ khó lẫn với bất kỳ ai. Nhiều người dân chỉ cần nghe thấy giọng là có thể đoán ngay đó là nhà báo Sỹ Khỏe.


Không chỉ ghi dấu ấn ở những phóng sự, những bản tin thời sự hấp dẫn về những người nông dân, những mô hình hay, nhà báo Sỹ Khỏe còn được biết đến là nhà báo xông xáo, nhiệt tình đi vào những khu vực chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, lụt bão, dịch bệnh...ở những vùng nông thôn xa xôi.

Cùng đồng cảm với bà con nông dân

Là phóng viên thời sự, nhà báo Sỹ Khỏe cho rằng: bao giờ cũng luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường. Thực tế từng có lần đang ở nhà, chuẩn bị ăn cơm tối cùng gia đình nhưng khi có sự kiện khẩn, cơ quan điều động ông lại lập tức lên đường.
111
Hình ảnh tác nghiệp vô cùng gần gũi của phóng viên Sỹ Khỏe với bà con.
Nhà báo Sỹ Khỏe nhớ lại năm 2007, mưa lớn liên tục trút xuống khiến nhiều huyện phía tây tỉnh Thanh Hóa ngập chìm trong nước, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân. 7 giờ tối nhận được chỉ đạo của lãnh đạo ban Thời sự, ông lập tức lên đường, đến hơn 11 đêm vào tới tỉnh Thanh Hóa. Lúc này trời vẫn mưa tầm tã, huyện Thạch Thành là một trong những vùng bị ảnh hưởng lớn nhất bởi mưa lũ, nhiều xã bị cô lập hoàn toàn.

Sau khi ghi nhận những hình ảnh về hoạt động của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thanh Hoá tại trạm dã chiến, ông lập tức đề nghị được đi vào vùng tâm lũ ngay. Nhà báo Sỹ Khỏe cho biết “khác với báo viết có thể chứng kiến một hai cảnh hoặc gọi điện xin thêm thông tin là có thể viết được, còn đối với truyền hình dứt khoát là phải có mặt ở hiện trường, những điểm nóng nhất để ghi nhận bằng hình ảnh”.

Làm việc thâu đêm tới hơn 5 giờ sáng hôm sau thuyền mới trở về, lúc về do ngược chiều dòng chảy, nước lên nhanh chảy xiết ông phải mất nhiều giờ mới quay về tới lán trại, ăn bát mỳ của cán bộ chiến sĩ tỉnh đội. Với tinh thần nhanh nhạy, ông đã đưa hàng loạt tin bài về vùng lũ về và phát trên Đài truyền hình Việt Nam.

Dù đã hơn 10 năm xảy ra trận lũ, nhưng ông vẫn nhớ rõ hình ảnh, một cụ bà bế cháu chân tay đầy bùn đất, mắt rưng rưng khóc vì không nhận được mỳ tôm cứu đói do không có trong danh sách của xã. “Tôi đã đến gặp và giải thích luôn với lãnh đạo UBND xã về việc cứu đói cho người già và trẻ em là quan trọng hàng đầu…mọi thủ tục khác cần gác lại”. Sau lần ghi hình đó ông đã đọc dẫn trên bản tin rằng “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” hai gói mỳ cho một lần cứu đói là quá ít, nhưng như thế cũng là rất quý vào lúc khó khăn chung này”.

Hình ảnh chân thật, giản dị đó được phát sóng trong chương trình thời sự 19h của Đài THVN đã chạm đến trái tim người dân cả nước. Ngay sau đó, tình thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc của người Việt lại được phát huy, nhiều doanh nghiệp và đồng bào khắp nơi trên cả nước đã hỗ trợ gạo, lương thực, thuốc men cho bà con vùng lũ nơi đây.
Hơn 10 ngày tác nghiệp ở các vùng lũ phía tây tỉnh Thanh Hóa, nhà báo Sỹ Khỏe đã ghi nhận được 19 phóng sự, bản tin thời sự về những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tỉnh Thanh Hóa. Mỗi đoạn phim, mỗi nhân vật đều mang lại những ấn tượng cảm xúc cho người xem. Một mình tác nghiệp ở vùng lũ, tất cả các khoảnh khắc đều được nhà báo Sỹ Khỏe thể hiện trong từng cảnh quay, kết hợp lời dẫn bằng chính nội tâm nhà báo khiến người xem hiểu rõ hơn về những gì đang xảy ra ở nơi đây.

Phần thưởng lớn nhất là lòng tin và sự mến yêu của nông dân

Không chỉ ở lần đưa tin lụt bão đó, nhà báo Sỹ Khỏe đã nhiều lần hỗ trợ bà con nông dân, đưa các thông tin mang tính chính thống để loại bỏ những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội. Như thông tin bịa đặt rằng củ cải trắng to ở huyện Mê Linh là của Trung Quốc. Ông đã trực tiếp lên sóng tại ruộng của bà con nông dân, nhổ củ cải lên gọt ăn ngay và khẳng định đó là củ cải giống Nhật Bản, do người dân Mê Linh, Hà Nội trồng.
111
Đạt được nhiều giải thưởng về báo chí, nhưng theo ông phần thưởng lớn nhất là lòng tin và sự mến yêu của nông dân.
Hoặc có chuyện thương lái Trung Quốc lại mua nông sản một cách đáng ngờ, kì cục như mua râu ngô non, rễ hồi, móng chân trâu... khiến nhiều bà con nông dân mắc bẫy làm hại sản xuất. Bên cạnh đó, nhà báo Sỹ Khỏe cũng không ít lần vào cuộc, hướng dẫn, mổ xẻ vấn đề, tìm các chuyên gia để đưa người dân quay về sản xuất đúng hướng.

Người dân vẫn quen nhà báo Sỹ Khỏe trong các phóng sự với cách dẫn rất mộc mạc, chất phác, hồn hậu rất gần gũi, ngỡ như ông là người nhà. Ông cho rằng: Tôi xuất phát từ nông thôn, bố mẹ làm nông dân, giống như bông lúa củ khoai, tính cách tôi như thế nào tôi thể hiện trên tivi như thế đấy, tôi vẫn muốn nói chuyện trao đổi với bà con bằng cái chất thật của tôi.

Trước đây trong quá trình làm việc tại ban Thời sự, ông vẫn luôn tâm niệm làm sao cung cấp những thông tin mà bà con đang cần những cái liên quan đến công việc của họ, không nên đưa điều gì cao xa quá.

Nhiều năm làm biên tập viên, phóng biên Ban thời sự, nhà báo Sỹ Khỏe vẫn luôn có nụ cười trên môi, luôn sẵn sàng hỗ trợ bà con nông dân mọi thông tin cần thiết và cho đến khi về hưu, ông vẫn luôn được người nông dân yêu quý.

Giờ đây với vai trò làm công tác truyền thông cho một Tập đoàn cung ứng vật tư, nông sản, nhà báo vẫn nỗ lực làm việc không biết mệt mỏi, còn sức khỏe còn lao động và còn được gặp gỡ bà con nông dân thì ông còn làm việc. Tình yêu của nhà báo Sỹ Khỏe dành cho người nông dân không chỉ là những phóng sự, những lần tư vấn, đợt giải cứu nông sản mà hơn hết đó là lòng yêu nghề, mong muốn được cống hiến hết mình nhiều hơn nữa.
 
Lê Anh
(Báo Nhà báo và Công luận)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây