Phan Trung Thành: Người nặng lòng với nghề  báo

Thứ ba - 28/04/2020 16:28
Gần 30 năm làm báo nói, báo hình, nhà báo Phan Trung Thành- Phó Giám đốc Đài PT-TH Hà Tĩnh đã có trong tay 31 giải Báo chí Quốc gia, Ban, Bộ ngành Trung ương và của tỉnh. Anh còn là người bỏ công ra 10  năm để sưu tầm,  biên soạn chuyên mục “kể chuyện về Bác Hồ” trên sóng phát thanh của Hà Tĩnh.

Muốn thành công phải thực sự yêu nghề

Phan Trung Thành có cơ may sinh ra và lớn lên ở làng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cái nôi của hát ca trù cả nước. Ông nội và ông ngoại của anh đều là những người học giỏi, thông thạo chữ Hán, thích sưu tầm và đọc sách.Tuổi thơ của Thành không mấy êm ả vì chiến tranh, bố ở chiến trường xa. Nhờ chăm chỉ học tập, đặc biệt rất yêu môn văn nên nhiều năm liền Thành là học sinh giỏi của huyện và của tỉnh. Năm 1975, anh đạt giải học sinh giỏi văn tỉnh Hà Tĩnh và được đi thi học sinh giỏi văn toàn quốc. Sau những năm học lớp chuyên văn của tỉnh, anh được vào học trường chuyên Phan Bội Châu và thi đậu vào Đại học Tổng hợp, ngành chuyên văn, khoa Ngữ văn khóa 23 (1978-1982).
111
Nhà báo Phan Trung Thành (thứ 2 bên phải sang) tại buổi tọa đàm Cánh sóng niềm tin của Đài PT -TH Hà Tĩnh.
Cũng là cơ duyên, sau khi tốt nghiệp đại học, qua một bài phản ánh của anh về tình trạng đường làng bị đào phá, lấn chiếm phát trên Đài phát thanh Nghệ Tĩnh, anh được Giám đốc Nguyễn Sinh để mắt tới và nhận về Đài làm việc.

Anh tâm sự: “Do đặc thù riêng, các bài viết cho các chương trình phát thanh phải vừa mang tính thông tấn vừa giàu tính văn học. Người viết phải biết cách khám phá, sáng tạo về cả ngôn ngữ lẫn hình ánh để người nghe hình dung ra sự việc, con người... trong cuộc”. 8 năm ở Đài Phát thanh Nghệ Tĩnh đã giúp anh có được vốn sống, kiến thức, kỹ năng nghề cần thiết để sau này anh viết kịch bản các phóng sự, tài liệu truyền hình.


Tháng 8 năm 1991, thực hiện chủ trương tách tỉnh, Phan Trung Thành cùng các đồng nghiệp về đơn vị  mới Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Tĩnh. Cũng từ đây, anh được làm quen với báo hình, một lĩnh vực mới mẻ, đòi hỏi sự dấn thân của niềm đam mê.

Từ lưng vốn văn chương và những tích lũy về báo chí qua thực tiễn, Phan Trung Thành quyết tâm đi sâu khám phá, năm bắt công nghệ điện ảnh - truyền hình, cách sản xuất phim, kỹ thuật phát sóng.… Qua tham khảo tài liệu, những buổi giảng dạy của các thầy cô ở Đài truyền hình Việt Nam, của các chuyên gia nước ngoài và học hỏi từ các đồng nghiệp có kinh nghiệm, Phan Trung Thành đã từng bước làm quen với công nghệ làm phim truyền hình.

Các tác phẩm truyền hình do anh viết kịch bản, lời bình… lần lượt phát sóng và thu được nhiều kết quả đáng mừng. Tính đến hết năm 2019, anh đã có trong tay bộ sưu tập gồm 31 giải Báo chí Quốc gia, Ban, Bộ, ngành và của tỉnh. Trong đó có 1 giải A, 1 giải B, 1 giải C báo chí quốc gia; 8 HCV, 7 HCB, 1 HCĐ giải liên hoan PT-TH toàn quốc, toàn quân; 11 giải A, 1 giải B Giải báo chí Trần Phú của tỉnh Hà Tĩnh.

Phan Trung Thành cho biết: “Thể tài mình yêu nhất là những đổi thay của các miền quê qua công cuộc đổi mới; những cảnh đời éo le, những tấm gương vượt khó đi lên và những tinh hoa văn hóa, lịch sử nguồn cội. Mình mong muốn sau khi xem phim, mọi người sẽ tin yêu cuộc sống hơn và tự hào hơn với quê hương, đất nước”. Điều đó được thể hiện thành công ở các bộ phim mà anh cùng các cộng sự đạt HCV tại các kỳ liên hoan truyền hình toàn quốc hoặc toàn quân. Như: “Điều bất hạnh không đến”; “Cổ tích giữa đời thường”; “Trở lại bản Rào Tre” “Người chị cả tiểu đội anh hùng”, “Ký ức Hồ Kẻ Gỗ”; “Tiếng chuông Đồng Lộc”; “Biển vẫn mặn mòi”…

Anh trải lòng: "Muốn thành công phải thật sự yêu nghề”. Và anh rút ra cho mình bài học quý giá về nghề nghiệp: “Ê kíp làm phim truyền hình phải gắn bó, hiểu nhau như một đội bóng. Từ người viết lời bình, người quay phim, người phân cảnh, người đọc lời bình đều phải ăn ý và nhất quán theo hướng chủ đạo mới tạo nên một bộ phim tốt”.

Người hơn 10 năm sưu tầm, kể chuyện về Bác Hồ trên sóng phát thanh

“Cũng như hàng triệu người Việt Nam khác đều khắc sâu công ơn to lớn của Bác Hồ kính yêu, bản thân tôi cũng vậy. Càng biết ơn, tự hào về Người, tôi muốn tấm gương sáng ngời về đạo đức, nhân cách, lối sống của Người được soi rọi đến với nhiều người. Suy nghĩ đó đã thôi thúc tôi mở chuyên mục "Kể chuyện về Bác Hồ” trên sóng phát thanh Hà Tĩnh và đã được các anh trong BBT ủng hộ”, Phan Trung Thành tâm sự.

Sau kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh anh mới có điều kiện sưu tầm được nhiều tư liệu quý giá về Bác. Đặc biệt, sau tách tỉnh, trớ về Hà Tĩnh được gặp gỡ với nhiều cán bộ lão thành từng đón Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh vào ngày 15/6/1957, nghe những  câu chuyện cảm động về Người, nên anh có thêm nhiều mẩu chuyện mới để làm phong phú thêm chuyên mục. Anh nghĩ rằng, muốn hấp dẫn người nghe, dùng hình thức kể chuyện trên sóng phát thanh là phù hợp nhất. Bởi phát thanh có tầm phủ sóng rộng, đến được với nhiều giai tầng trong xã hội, sẽ có sức lan tỏa rộng lớn. Trên cơ sở hàng trăm câu chuyện được sưu tầm, nhưng trước hết là chuyện Bác Hồ với Hà Tĩnh và Hà Tĩnh với Bác Hồ, ngày 3/2/2005 chuyên mục “Kể chuyện về Bác Hồ” có nhạc hiệu, có câu lĩnh xướng của phát thanh viên đã vang lên trên sóng phát thanh Hà Tĩnh. Từ đó liên tục cứ vào chiều thứ 3 và sáng thứ 4 hằng tuần những câu chuyện kể về Bác Hồ lại đến với thính giả.
111
Nhà báo Phan Trung Thành nhận giải B Giải Báo chí Quốc gia năm 2018.
Phát thanh có thế mạnh để đưa hình thức kể chuyện lên sóng, nhưng đã là chuyện kể phải có tình huống, có lời văn đối thoại, có tình tiết gây chú ý với thính giả và phải đảm bảo quy định về thời lượng trong chương trình. Trên cơ sở tư liệu, những câu chuyện kể trên sách báo, những câu chuyện ghi chép được, người sưu tầm phải đưa vào “khuôn” theo cách kể chuyện để đảm bảo hình thức và thời lượng. Những câu chuyện kể về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ngắn gọn, dung dị và nhiều chuyện mang đậm chất trào phúng của nhà nho xứ Nghệ. Người kể phải nắm được ý tưởng, chủ đề, chọn những câu chuyện bình thường, giản dị, gần gũi, thiết thực với người nghe.

Để câu chuyện có sự thu hút và định hướng cho thính giả, sau mỗi chuyện anh viết thêm “Lời của người sưu tầm”. Lời người sưu tầm là phân tích, làm rõ thêm tình huống, chi tiết câu chuyện mà người nghe thoảng qua không chú ý hoặc chưa cảm nhận hết, đồng thời nêu ý nghĩa, bài học gắn với nhiệm vụ giáo dục rèn luyện đạo đức, phong cách của cán bộ đảng viên hiện nay. Những câu chuyện về Bác Hồ ngắn gọn, bình dị nhưng lại chứa đựng nhiều. thông tin và có ý nghĩa rất sâu sắc, do vậy lời người sưu tầm cũng phải ngắn gọn, cô đọng phải đi thẳng vào vấn đề cần nói, thông điệp cần chuyển tải.

Các chuyên mục kể chuyện, học và làm theo Bác trên sóng truyền hình Hà Tĩnh của Phan Trung Thành đã giúp khán, thính giả hiểu hơn về những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần cho cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh sống, học tập và làm theo tấm gương của Bác.
 
Khắc Hiền 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây