Với báo chí, điều quan trọng nhất và trên hết là để tác phẩm lên tiếng

Thứ năm - 12/03/2020 15:30
Báo Nhà báo và Công luận có cuộc trò chuyện với nhà báo Phùng Nguyên – báo Nhân Dân để thấy rằng, đằng sau những giải thưởng, những khoảnh khắc được tôn vinh, người làm báo phải trải qua không ít khó nhọc trong sáng tạo tác phẩm.
111
Nhà báo Phùng Nguyễn cùng đồng nghiệp đoạt giải A Giải Báo chí Quốc gia - năm 2018
Đó không chỉ là những chuyến hành trình tìm kiếm, khai thác thông tin, đó còn là những lúc phải “cân não”, thể hiện chính kiến, góc nhìn cùng lập luận sắc bén, lời giải phù hợp để xây dựng được những tác phẩm đạt chất lượng, được đánh giá cao và được ghi nhận.

Người làm báo phải trải qua không ít khó nhọc

+ Tôi được biết về nhà báo Phùng Nguyên có lẽ bắt đầu từ những tác phẩm, những loạt phóng sự hay, những cuốn sách, sau nữa là trên thảm đỏ Giải Báo chí Quốc gia. Với một hội viên, nhà báo có bộ sưu tập giải thưởng khá nhiều, hẳn là đã có những xúc cảm đặc biệt khi giành được các giải thưởng, nhất là Giải Báo chí Quốc gia, giải thưởng “danh giá” bậc nhất hiện nay chứ?

- Nghề báo hấp dẫn bởi luôn mang lại cho người làm báo những cảm xúc khác biệt. Đó là cảm xúc lần đầu tiên có bài báo được đăng, cảm xúc khi gặp những nhân vật đặc biệt, hay cảm xúc khi nhờ bài báo của mình mà cứu giúp được một thân phận éo le nào đó, rồi cảm xúc khi được nhận các giải thưởng... Tôi cũng may mắn được một số giải thưởng báo chí, văn chương. Nhận một giải thưởng báo chí thì cảm giác đầu tiên là cảm thấy được ghi nhận và cảm giác sau cùng là muốn quên đi giải thưởng đó để hướng tới những hành trình phía trước. Nhưng đôi khi quên đi một giải thưởng là muốn bắt đầu lại từ đầu để chinh phục một giải thưởng khác khó hơn, như Giải Báo chí Quốc gia chẳng hạn. Chắc hẳn, bất cứ một người làm báo nào cũng mong muốn đạt giải Báo chí Quốc gia, ngay tên giải thưởng cũng đã nói lên giá trị của giải thưởng này. Đây là giải thưởng danh giá, tôn vinh những tác phẩm báo chí tiêu biểu trong năm, có những phát hiện mới, có những hiệu quả tác động xã hội tốt... Chính vì thế khi nhận được giải B, rồi giải A Giải Báo chí Quốc gia, tôi có những cảm xúc khác biệt. Tất nhiên, dù tôi không có thói quen lấy giải thưởng làm cột mốc, với người viết thì tác phẩm vẫn là quan trọng nhất, những tác phẩm đó được trao tặng giải thưởng ở “phương diện quốc gia” thì đó cũng là một điều khiến mình cảm thấy xúc động và thận trọng.

+ Giải thưởng là một cách để tôn vinh, sự tỏa sáng đôi khi chỉ là khoảnh khắc trên ánh đền sân khấu. Nhưng quả thực để có được những “đứa con tinh thần” được xướng tên trong Giải Báo chí Quốc gia là không ít mồ hôi của người cầm bút. Anh có thể chia sẻ thêm những hậu trường đáng nhớ của mình?

- Giải thưởng chỉ là một khoảnh khắc được tôn vinh trên sân khấu, nhưng để có được khoảnh khắc ấy, người làm báo phải trải qua không ít khó nhọc, phải đổ mồ hôi, nước mắt và có khi cả máu. Tôi nhớ năm 2015, lúc đó mạng xã hội đang phát triển bùng nổ ở Việt Nam, bên cạnh nhiều mặt tích cực thì cũng gây ra nhiều hệ lụy, nhiều nỗi đau. Một nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai đã uống thuốc diệt cỏ tự tử sau khi bạn trai cũ tung clip riêng tư lên mạng. Một nữ sinh 13 tuổi ở Hà Nội cũng đã tìm đến cái chết đơn giản bởi trò đùa của bạn cùng lứa khi ghép ảnh chân dung em trong áo cổ rộng rồi đưa lên Facebook. Không ít cư dân mạng đã biến facebook thành “chợ trời”  bịa đặt những chuyện thị phi, “ngậm máu phun người”, bôi nhọ danh dự người khác hay loan những tin đồn thất thiệt như bệnh Ebola đã có mặt ở Việt Nam, gây hoang mang dư luận lúc ấy. Đó chính là “những điều trông thấy” khiến tập thể phóng viên, lãnh đạo của ban Nhân Dân Hằng tháng quyết định tổ chức tiêu điểm: “An toàn trên mạng xã hội”. Chúng tôi muốn phản ánh, cảnh báo, phân tích luận giải về vấn đề thời sự này.

Bản thân tôi đứng trước mạng xã hội lúc ấy cũng cảm thấy rợn ngợp và hoang mang, như đứng trước một con đường mới, rộng thênh thang, nhưng mạnh ai nấy đi, nhiều tai nạn, nhiều người phạm luật “giao thông”, mà luật hãy còn sơ khai, chưa theo kịp đời sống. Tôi nghĩ đó cũng là cảm giác của nhiều người. Chính vì vậy, cần những cái nhìn đa chiều, bình tĩnh, khách quan về hiện tượng này. Lúc đó, có người đặt vấn đề: “Mạng xã hội – cấm hay không cấm?”. Để thực hiện tiêu điểm, chúng tôi phỏng vấn một số chuyên gia, trí thức, tất cả đều có chung quan điểm: Không thể cấm mạng xã hội, cấm cái xấu thì cấm muôn vàn cái tốt sao? (Ý kiến của GS Nguyễn Lân Dũng). “Các vụ cháy là do có không khí, nhưng không thể xóa bỏ không khí để ngăn chặn những vụ cháy” (Doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình). Và tất cả đều thống nhất: Ứng xử với mạng xã hội phải lấy ánh sáng để đẩy lùi bóng tối khi không có cách nào để có thể ngăn chặn bóng tối.
111
Nhà báo Phùng Nguyên
Trước một vấn đề phức tạp, để có những quan điểm, những câu trả lời phù hợp với xu thế phát triển cũng không dễ. Lúc đó, có những người tưởng như là những trí thức tiến bộ, những quan chức đầy trách nhiệm đã trả lời tôi, đại ý: “Để đảm bảo an toàn trên mạng xã hội, tốt nhất là hãy dẹp bỏ nó”. Đó là những câu nói được thốt ra trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu hướng tới cuộc cách mạng 4.0 với những khái niệm mới như trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật... Vẫn kiểu tư duy “không quản được thì cấm”. Với người làm báo đôi khi sự khó khăn không phải là nhập vai phu vàng vào rừng thiêng nước độc để tìm chất liệu cho bài phóng sự đường rừng, mà là tìm câu trả lời phù hợp với sự phát triển, trong một hiện thực phức tạp, trắng đen tốt xấu chưa dễ phân định. Tiêu điểm “An toàn trên mạng xã hội” đã được giải B – Giải Báo chí Quốc gia năm 2015, có lẽ vì đã có câu trả lời và luận giải phù hợp cho một vấn đề thời sự nóng bỏng lúc ấy.

Tính tổ chức, làm việc nhóm là yếu tố ngày càng quyết định tới chất lượng tác phẩm.

+ Tôi biết anh là một “cây bút” nổi tiếng cả thập kỷ rồi nhưng mong anh đừng tự ái khi tôi có thắc mắc rằng, có chút nào đó may mắn hơn không khi là phóng viên của báo Nhân Dân – một tờ báo lớn?

- Tôi nghĩ nếu ví nhà báo như một cầu thủ trên sân cỏ thì dù đá cho đội bóng nào, lớn hay nhỏ, điều quan trọng muốn giành chiến thắng thì anh phải ghi bàn và không để thủng lưới chứ đừng mong sự trợ giúp của trọng tài. Các giải thưởng, nhất là giải thưởng Báo chí Quốc gia ngày càng được thẩm định công tâm và chính xác, khách quan, thậm chí cả “công nghệ Var” như trong bóng đá. Nếu có gì đó chưa ổn trong các quyết định, người ta có thể xét lại, “quay chậm” lại để làm sao có sự công bằng nhất. Nếu quan sát sẽ thấy ngày càng có nhiều nhà báo, tờ báo ở địa phương đã nhận nhiều giải cao ở Giải Báo chí Quốc gia, trong khi nhiều báo “Trung ương” lại có những năm “mất mùa”. Với báo chí, điều quan trọng nhất và trên hết là để tác phẩm lên tiếng và tôi nghĩ Ban Giám khảo sẽ chỉ nghe tiếng nói đó thôi. Dĩ nhiên, mỗi tờ báo đều có truyền thống và thế mạnh của mình, có một “hệ sinh thái” để sản sinh ra những tác phẩm báo chí chất lượng cao.

+ Có người nói rằng: Một tác phẩm giành Giải Báo chí Quốc gia là hội tụ công sức của cả tập thể bởi ở đó có sự đầu tư công phu, những chiến lược toàn diện từ lãnh đạo và tâm huyết của phóng viên, nhóm phóng viên. Với báo Nhân Dân, điều đó có đúng không, thưa nhà báo?

- Bên cạnh sự đột phá của cá nhân thì sức mạnh của tập thể là quyết định. Với ban Nhân Dân Hằng tháng, những tác phẩm đoạt giải thưởng Báo chí Quốc gia đều là loạt bài bao gồm 4-5 bài của nhiều tác giả. Đó phải là một bản đồng ca chứ không phải đơn ca của một ai đó. Cho nên, những tác phẩm đó là công sức của cả tập thể, từ phóng viên, lãnh đạo ban, tới Ban Biên tập. Nhưng nói rằng đầu tư công sức và có chiến lược toàn diện cho những loạt bài chất lượng để dự thi có đúng không? Tôi nghĩ viết báo không phải để dự thi, mà để đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin của bạn đọc. Báo chí phụng sự bạn đọc và cố gắng cho điều đó thì sẽ không có sự phân định như “viết để dự thi”. Mà với nghề viết thì vẫn hay có chuyện: “Cố ý trồng hoa, hoa chẳng nở; Vô tình cắm liễu, liễu lên xanh”. Tất nhiên, việc tổ chức, đầu tư công sức quan trọng. Báo chí là sản phẩm của tập thể, và trong cuộc cạnh tranh thông tin khốc liệt hiện nay tình tính tổ chức, khả năng làm việc theo nhóm là yếu tố ngày càng quyết định tới chất lượng tác phẩm báo chí. Hình ảnh nhà báo độc hành với cuốn sổ, cây bút, chiếc máy ảnh đi tìm sự thật vẫn có sức vẫy gọi với những sinh viên báo chí, nhưng thực tế thì một tòa soạn đa phương tiện được tổ chức bài bản với những nhóm làm việc tương tác tốt với nhau và với bạn đọc đang ngày càng trở nên lấn át.

Tôi được làm việc trong một tập thể đoàn kết, mọi người đều có thể phát huy thế mạnh của mình và khi những thế mạnh ấy được kết nối và cộng hưởng ở một thời điểm nào đó sẽ có những tác phẩm báo chí thăng hoa. Khi chúng tôi làm loạt bài “Thương hiệu Việt Nam”, đó là kết quả của sự tương tác giữa các phóng viên với lãnh đạo ban, với BBT, giữa phóng viên với phóng viên, cộng tác viên và bạn đọc. Chính vì thế, loạt bài “bắt mạch” được thời cuộc, được đánh giá cao và đạt giải A Giải Báo chí Quốc gia năm 2018. Không ai nghĩ rằng đó là giải thưởng của riêng mình mà đó là công sức của cả một tập thể. Nhưng đó là không phải là một tập thể chung chung, “mờ nhân ảnh” mà nó lại bao hàm những cây bút có cá tính, giọng điệu riêng.

+ Vâng, xin cảm ơn anh!
Hà Vân
(Báo Nhà báo và Công luận)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây