Chân dung nhà báo:Nhà báo Phạm Quốc Tuấn và bài báo: “45 phút với Thủ tướng Phạm Văn Đồng”

Thứ sáu - 21/02/2020 16:17
Năm 1978, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Phạm Quốc Tuấn được phân công làm giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Huế. Thế nhưng do yêu thích nghề báo, sau khi đề đạt nguyện vọng, anh được điều về công tác tại Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), thường trú tại tỉnh Thái Nguyên. Năm 1982, do hoàn cảnh gia đình, Phạm Quốc Tuấn từ TTXVN chuyển về Báo Hà Nam Ninh, sau này là Báo Nam Hà, Báo Nam Định. Năm 2013, anh về nghỉ hưu với chức danh Phó trưởng phòng Văn xã-Xây dựng Đảng Báo Nam Định. Là đảng viên, được tặng Huy chương “Vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam”, nhà báo Phạm Quốc Tuấn còn là hội viên Hội VHNT tỉnh Nam Định; đã được tặng Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật Nguyễn Khuyến. Đón Xuân Canh Tý 2020, “Người làm báo Nam Định”, xin giới thiệu vài nét về nhà báo, nhà thơ Phạm Quốc Tuấn.

Cuối năm 1981, đầu năm 1982 tôi và nhà báo Phạm Quốc Tuấn được chuyển về công tác tại Báo Hà Nam Ninh cùng một đợt. Cả hai cùng là phóng viên Phòng Văn xã - Xây dựng Đảng và đã gắn bó cùng nhau trên dưới ba mươi năm cho đến khi nghỉ hưu. Có thể nói đời sống và phong cách làm báo của Phạm Quốc Tuấn gắn liền với một chữ “Nhanh”. Anh tác nghiệp bằng tác phong rất nhanh nhẹn; viết tin nhanh, khi cần thì viết bài ghi nhanh cũng rất nhanh. Anh làm thơ nhanh, nói cũng nhanh và ăn cũng vội vàng cho xong bữa. Trưởng phòng Văn xã - Xây dựng Đảng các thời kỳ đều chọn cử anh đi dự các hội nghị để đưa tin. Sáng dự, trưa anh đã có tin nộp. Trong ngày bầu cử hoặc giao quân toàn tỉnh, sự kiện diễn ra buổi sáng, buổi chiều đã có tin tổng hợp, hoặc bài ghi nhanh phản ảnh đầy đủ không khí và các sự kiện diễn ra kể cả ở các vùng ven biển xa xôi. Anh làm tin nhanh, chính xác, biết chọn vấn đề trong rất nhiều các nội dung quan trọng để đưa vào tin vì thế tin anh viết đều có sức khái quát cao. Các tác phẩm báo chí của Phạm Quốc Tuấn chia hai loại rõ ràng: Loại hay và loại chỉ đúng chứ không hay, không có loại “vừa vừa”. Trong số các tác phẩm báo chí tiêu biểu, gây ấn tượng sâu sắc với bạn đọc có thể kể đến các phóng sự dài kỳ như: “Lên biên giới”; “Những tấm lòng vàng”; “Điển hình Nguyễn Ngọc Ký”… Đáng chú ý là phóng sự dài kỳ mang tên: “Mạnh hơn súng gươm và án tử hình” đã thu hút sự tìm đọc của bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Nội dung phóng sự viết về những chiến công lừng lẫy của các anh hùng, dũng sỹ miền Nam ra thăm miền Bắc. Trong đó có những anh hùng, dũng sỹ mà những chiến công của họ đã trở thành huyền thoại như: Lê Quang Vịnh, Hà Minh Trí, Nguyễn Thị Bé… Để hoàn thành phóng sự này, Phạm Quốc Tuấn đã ăn, ở cùng đoàn hơn 20 ngày ròng rã để khai thác tư liệu… Còn với bài báo: “45 phút với Thủ tướng Phạm Văn Đồng”, có thể nói đây là vinh dự đặc biệt trong cuộc đời làm báo của Phạm Quốc Tuấn. Nguyên do anh được gặp Thủ tướng là vì phim tài liệu về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký - một tấm gương vượt lên số phận thời đó do anh viết kịch bản đã nổi tiếng cả nước. Trong phim có cảnh quay Bác Phạm Văn Đồng gặp và căn dặn Nguyễn Ngọc Ký trước khi về quê Hải Hậu dạy học. Anh nhớ mãi hình ảnh Bác Phạm Văn Đồng mặc bộ quần áo lụa màu mỡ gà, tóc bạc trắng như cước, hiền như một tiên ông hỏi về tình hình của tỉnh, hoạt động của thanh niên Hà Nam Ninh thời đó, ân cần căn dặn Nguyễn Ngọc Ký tại tầng 2 Văn phòng Chính phủ…

Ngoài những phóng sự tiêu biểu trên, còn một số trang báo chuyên đề, và nhiều bài báo tiêu biểu khác cũng để lại nhiều ấn tượng cho bạn đọc. Đáng tiếc những tác phẩm báo chí hay kể trên không nhiều và nói một cách công bằng thì hầu hết các tác phẩm báo chí sau này của Phạm Quốc Tuấn đúng chứ không hay do anh ít đầu tư thời gian, công sức và cũng vì hoàn thành chỉ tiêu giao nộp tin bài nên viết có phần vội vã(!)

Nhà báo Phạm Quốc Tuấn sinh năm 1952 tại thành phố Nam Định quê gốc ở huyện Nghĩa Hưng. Anh có dáng người nhỏ, cao gầy; nghiện thuốc lá nặng. Anh có thói quen dậy sớm pha trà đặc, hút thuốc lá thay cho bữa ăn sáng rồi mới ra khỏi nhà. Ấy thế mà sức làm việc của anh vẫn bền bỉ dẻo dai, mấy chục năm chưa thấy anh phải đi viện. Anh khoe: Chụp phim kiểm tra thấy phổi vẫn “trong veo” và chẳng húng hắng ho bao giờ. Thế mới lạ(!)

Phạm Quốc Tuấn làm thơ trước khi làm báo. Anh có thơ in ở các Báo Nhân Dân, Văn Nghệ, Tiền Phong ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Phạm Quốc Tuấn làm thơ nhanh, và thơ của anh cũng rất giàu tính thời sự. Trang báo chuyên đề cần có thơ cho sinh động, lập tức Phạm Quốc Tuấn có ngay! Năm 2000, tôi và anh cùng đoàn cán bộ phóng viên Báo Nam Định đi giao lưu với Báo Đảng các tỉnh phía Nam. Đoàn đến tỉnh nào, Phạm Quốc Tuấn cũng có thơ đăng trên báo Đảng tỉnh ấy. Hôm đến Huế, buổi chiều trong bữa cơm liên hoan giữa hai báo Nam Định và Thừa Thiên Huế, anh đọc bài thơ về Huế; trong đó có những câu rất hay tôi còn nhớ: “Kim Long cô gái mỹ miều/ Để cho trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi/ Đến vua Thành Thái còn si/ Thì ai đến Huế bỏ đi sao đành…”

Bài thơ được đăng trang trọng trên Báo Thừa Thiên-Huế tháng 4 năm 2000.

Tôi rất thích bài thơ: “Tiễn bạn đi đánh giặc” của Phạm Quốc Tuấn viết tặng bạn đọc cùng khoa văn Nguyễn Văn Tình. Bài thơ đăng trên báo Tiền Phong năm ấy. Bài thơ đó được sinh viên Nguyễn Văn Tình cất kỹ trong ba lô trong suốt chặng đường hành quân đi đánh giặc. Sau này Nguyễn Văn Tình trở thành giáo sư, tiến sỹ đã viết bài báo kể lại xuất xứ bài thơ đó và đăng lại bài thơ trên báo Tiền Phong… Khó có thể kể hết mấy bài thơ hay, những câu thơ hay trong số bẩy, tám trăm bài thơ mà nhà báo Phạm Quốc Tuấn đã làm kể từ khi anh còn là sinh viên.

Phạm Quốc Tuấn là người sống lạc quan, vui vẻ, hiếm khi thấy anh buồn. Trò chuyện với nhà báo Phạm Quốc Tuấn tại quán cà phê vào một buổi chiều cuối năm, anh mở Facebook có trang thơ: “Câu lạc bộ thơ tình và trái tim” có đến bẩy, tám trăm hội viên tham gia, do anh là chủ nhiệm. Anh đọc thơ mình, thơ bạn và vẫn như ngày nào, hút thuốc lá, nói cười vui như tết, làm tưng bừng một góc quán cà phê hôm ấy./.
Đoàn Quốc Sỹ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây