Ở Hải Hưng trước đây và ở Hưng Yên sau ngày tái lập tỉnh (1997) nhà văn Nguyễn Phúc Lai là người viết về đề tài nông dân, nông thôn nhiều nhất và gặt hái được những thành công nhất. Có thể nói, anh là cây bút đứng đầu bảng văn xuôi ở tỉnh ta. Và cũng là một trong hàng chục nhà văn Việt Nam viết về mảng nông thôn đương đại ở nước ta được bạn đọc giới phê bình trong nước chú ý. Vì sao nhà văn Nguyễn Phúc Lai đi chuyên sâu về đề tài ấy? Có lần tôi đặt câu hỏi như vậy, nhà văn Nguyễn Phúc Lai, đã bộc bạch: "Tôi sinh ra, lớn lên ở một làng quê thuần nông - làng Lai Hạ Trung, thuộc xã Hùng An, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Một làng quê thanh bình, nhưng bên trong là những mảnh đời lam lũ, vất vả, thuở ấy, người nông dân quanh năm ngày tháng "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Nhưng trong cái khổ sở ấy, họ vẫn lạc quan lao động để sống, để làm giàu đẹp cho quê hương. Chính vì thế mà anh mới viết về nông dân và cũng là đề tài xuyên suốt cả một đời báo đời văn của anh.
Nhà văn Nguyễn Phúc Lai, sinh năm 1945, cầm tinh con gà, trong một gia đình nông dân. Người cha của anh ít nhiều cũng được học chữ Hán, cho nên đặt tên hai cậu con trai cũng chữ nghĩa: Nguyễn Phúc Lai và Nguyễn Phúc Tăng có nghĩa gia đình anh luôn luôn lấy chữ Phúc, điều phúc làm trọng. Nguyễn Phúc Tăng là liệt sĩ, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nguyễn Phúc Lai đã yêu thích văn chương ngay từ hồi còn học cấp II ở trường làng, từng đi thi học sinh giỏi văn của tỉnh. Khi học hết cấp II, anh thi vào sư phạm 7+2 trường sư phạm Hưng Yên vào đầu năm 1960. Sau hai năm học tập, tốt nghiệp ra trường, anh được Ty giáo dục Hưng Yên điều động về dạy cấp II tại hai xã Phú Cường - Hùng Cường, Kim Động nay thuộc thành phố Hưng Yên. Nơi thầy Lai dạy học là vùng quê đặc thuần nông như tạo nguồn cảm hứng tư liệu cho anh viết về nông thôn. Thời kỳ dạy ở đây, Nguyễn Phúc Lai bắt đầu viết truyện ngắn. Anh vừa tập viết vừa học viết văn qua sách vở. Đồng nghiệp và học trò của anh thấy ngoài giờ giảng, lúc giải lao, thấy thầy Lai trên bàn đặt cạnh giáo án bao giờ cũng có hai, ba tập truyện. Trong lúc giải lao trò ra chơi ngoài sân, còn thầy Lai ở lại đọc những cuốn sách trên bàn. Đấy là các cuốn "Đôi bạn" tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tấn, "Thời thơ ấu" của Nguyên Hồng... Những hôm sau, trên bàn thầy lại có thêm các cuốn truyện của các nhà văn Nguyễn Kiên, Vũ Thị Thường... toàn những tác giả viết về nông dân nông thôn thời kỳ xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Nguyễn Phúc Lai tự học viết văn bằng sách vở và bằng sự đam mê, phát huy tận cùng năng khiếu vốn trời cho. Đến năm 1973, anh mới đi học lớp bồi dưỡng viết văn trẻ của Hội nhà văn Việt Nam mở ở Quảng Bá. Rồi sau đấy một loạt truyện ngắn của anh xuất hiện trên báo Văn học. Nay là báo Văn nghệ, như: "Tiếng sấm mùa hạ", "Chuyện từ cái cối xay", "Chim mòng két" đã gây được sự chú ý của bạn đọc.
Nguyễn Phúc Lai dạy học được mấy năm, cho đến khi Đài truyền thanh Hưng Yên được thành lập (nay là Đài phát thanh và truyền hình Hưng Yên) anh được điều về đây là phóng viên. Năm 1968 sát nhập hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng, Nguyễn Phúc Lai, lại có dịp tiếp cận với nông thôn với cương vị phóng viên nông nghiệp, anh đi xuống cơ sở viết được nhiều ghi chép, phóng sự nổi tiếng như: "Lúa Nhật ở Mỹ Văn", "Lúa xuân gieo vãi ở Cẩm Giàng" được Bí thư tỉnh uỷ Ngô Duy Đông khen ngợi. Rồi tiếp đến là loạt phóng sự: "Kẻ đào mộ Nguyễn Phi Khanh", "Vụ án A34". Trong số này có tác phẩm được giải thưởng, truyện ký, ghi chép của Báo Văn nghệ, Tạp chí tác phẩm mới của Hội nhà văn Việt Nam. Tuy viết những phóng sự, ghi chép hàng ngàn chữ, chục trang. Nhưng anh cũng luôn nghĩ là mình còn là nhà báo, là phóng viên đang làm việc, ăn lương ở Đài tỉnh "ăn cây táo phải rào cây táo" nên anh vẫn phải viết tin bài, theo kiểu thông tấn lẫn gương người tốt việc tốt, như gương chị Vách đi học, các cụ phụ lão Lam Sơn trồng cây, biếu nhãn Bác Hồ vv...
Sau này, ngoài viết truyện ngắn là sở trường chính, anh còn viết tiểu thuyết (Đợi người trong mưa) và kịch bản sân khấu như vở "Làng Liêu Xá ở xa" 1985, được giải nhì Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và "Hãy chiều quí Lan Hương "...
Khi đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, nông thôn thành đô thị hoá, công nghiệp phát triển đến chóng mặt, nhà văn Nguyễn Phúc Lai lại có hàng chục bút ký, ký sự, phóng sự về vấn đề tranh chấp đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng. Một vấn đề rất gay gấn giữa nông dân và các chủ đầu tư, doanh nghiệp. Tất cả đã phản ánh khá sôi động và quyết liệt trong tập "Động đất" của anh, xuất bản 2015. Nhà văn không hề né tránh một đề tài luôn nóng bỏng và gai góc, người viết dễ va chạm với các "sếp". Vậy mà anh vẫn giữ bản lĩnh phản ánh trung thực, ngay thẳng vốn có của anh.
Sẽ rất thiếu sót nếu chỉ nói Nguyễn Phúc Lai là nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch. Ngoài ba nhà ấy - anh còn là nhà làm quản lý văn hoá văn nghệ tỉnh nhà, với cương vị hàng chục năm là chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật, kiêm Giám đốc Sở văn hoá Thể thao du lịch tỉnh. Điều này thật hiếm hoi, ở nước ta chỉ trên dưới 10 người được kiêm như vậy như Bút Ngữ (ở Thái Bình), Chu Văn (Nam Định), Xuân Đức (Quảng Trị); Xuân Hoài (Hà Tĩnh); Hoàng Phủ Ngọc Tường (Thừa Thiên Huế)... và gần đây là Nguyễn Thị Việt Nga (sinh năm 1976) - Nguyên Chủ tịch Hội VHNT Hải Dương, nay là Giám đốc Sở Văn hoá Thể theo và Du lịch tỉnh Hải Dương.
Ở cương vị Giám đốc Sở Văn hoá, Nguyễn Phúc Lai đã cùng với cộng sự của anh tập hợp và xuất bản "Cây cổ thụ Hưng Yên" do anh chủ biên, sưu tầm tập hợp hàng trăm cây cổ thụ ở Hưng Yên có tuổi thọ ít nhất từ 200 tuổi trở lên. Ngay thời gian đầu mới tái lập tỉnh 1997 thì năm sau 1998 Nguyễn Phúc Lai cho ra cuốn sách "Phố Hiến - Lịch sử - Văn hoá" giới thiệu lịch sử văn hoá Phố Hiến được minh hoạ bằng các bài viết về vùng đất này một cách khoa học, chính xác, với sự tham gia của nhà nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng và Hoàng Nẫm... cuốn sách đã ra mắt kịp thời phục vụ khách về thăm Hưng Yên và đáp ứng lòng mong muốn của nhân dân Hưng Yên là món quà tinh thần thiết thực bổ ích, tặng các vị khách quý của Đảng, Nhà nước mỗi lần về thăm Hưng Yên.
Làm báo vất vả, nhất là mảng viết về chống tiêu cực, tệ nạn xã hội, luôn luôn phải va đập với đối tượng xấu, nhất là vào những năm cuối của thập kỷ 20, điện nước khó khăn, nhưng làm báo bổ sung vốn liếng cho nghề văn của anh nhất là thể loại bút ký, phóng sự.
Trên tạp chí Văn nghệ Phố Hiến số 60 ra 21-6-2009 nhà văn Nguyễn Phúc Lai đã bày tỏ cái duyên của anh với thể loại bút ký và ký sự và cái khổ, cái được với cái khó hai thể loại này:
"Tôi làm phóng viên, biên tập ở Đài tỉnh (Hưng Yên, Hải Hưng) vào những thập niên cuối của thế kỷ trước. Thời đó điện rất phập phù, trang thiết bị ngành truyền thanh hết sức thô sơ, chắp vá. Đài truyền thanh thời ấy là cơ quan trực thuộc Ty thông tin. Người ta giễu cợt: Ty thông tin thỉnh thoảng truyền thanh! hoặc: Ty thông tin thỉnh thoảng thủng thẳng truyền thanh tậm tịt!. Trong tình hình ấy, việc viết bài vở, biên tập chương trình nhiều khi rất uổng công, tin bài bị "ôi thiu" là chuyện thường. Vậy mà chúng tôi vẫn xông xáo đạp xe về các địa phương lấy tài liệu, về cơ quan ngồi hỳ hục viết lách. Không dùng ở Đài tỉnh thì gửi đi các báo và Đài Tiếng nói Việt Nam. Làm việc không tính toán lợi ích, chỉ để thoả mãn niềm đam mê viết lách và tìm tòi, khám phá thực tế cuộc sống. Báo địa phương ngày đó hầu như chỉ có tin tức và điều tra, phóng sự, thỉnh thoảng điểm xuyết mấy bài thơ, bài ca dao, không dành đất cho trang văn nghệ như bây giờ. Ở đài thì rộng rãi hơn, có chương trình phát thanh văn nghệ, có thể ngâm thơ, đọc bút ký, truyện ngắn. "Muốn viết dài sang đài mà viết". Không hiểu vì sao một thời cánh làm báo "chính chuyên" rất đố kỵ với mấy anh vừa viết báo vừa "đá" sang văn nghệ, bị coi là lang chạ, khác người!. Bây giờ ngồi điểm lại mấy thế hệ nhà báo nước ta (cả ở báo trung ương và địa phương), những nhà báo có tầm cỡ thì đều do bỏ công việc đi vào các đề tài chuyên môn, viết sách, có thành tựu cống hiến cả ở lĩnh vực báo chí và văn chương. Xét cho cùng, nghề văn hay nghề báo thì đều là nghề chữ nghĩa cả thôi. Chữ nghĩa của báo chí thì coi trọng cái thực, trần trục khách quan. Còn chữ nghĩa văn chương thì phải biểu cảm, có tính thẩm mỹ, tức là phải có nghệ thuật.
ôi tự thấy sở trường của mình là truyện ngắn, nhưng vẫn bị lôi cuốn bởi thể ký, như là một duyên nợ, không dứt bỏ được. Viết bút ký rất tốn sức, tốn công đi tìm hiểu, điều tra, đọc tham khảo tài liệu có liên quan, viết thì cũng công phu không kém một truyện ngắn. Năm 1994, tôi tập hợp các bài ký đã viết, xuất bản tập Trước mộ Nguyễn Phi Khanh (NXB Thanh Niên) và tự hẹn rằng thôi từ nay không tốn tâm, tốn sức với bút ký nữa, dành thời gian sức lực mà viết truyện!. Ấy vậy mà sau chuyến đi tìm phần mộ cụ Nguyễn Thiện Thuật ở thành phố Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc) rồi sau đó tổ chức đưa cụ về yên nghỉ ở quê nhà, lại thấy tiếc tư liệu đã có, thấy cần nói cảm xúc và suy tưởng của mình về Nguyễn Thiện Thuật, về thân phận của người anh hùng với bi kịch của thời cuộc, vào giai đoạn lịch sử đen tối nhất của dân tộc. Không dừng được, lại ngồi viết bút ký Tiết thanh minh đi tìm mộ cụ Tán Thuật. Bút ký này được giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi bút ký của Tạp chí Nhà văn (Hội Nhà văn Việt Nam) năm 2005-2006.
Thể ký (bút ký, ký sự, tuỳ bút...) là loại hình văn học không hư cấu. Nó có tính xác định về địa điểm, thời gian, nhân vật, sự kiện mang đặc thù của tân báo chí nhưng lại linh hoạt tự do trong việc bày tỏ chính kiến, cảm xúc chủ quan của người viết, mang dấu ấn phong cách riêng của tác giả. Tôi viết bút ký Sông Luộc ân tình bởi sự kính phục, thương cảm đến xót xa trước sự hy sinh mất mát lớn lao và nghĩa cử cao đẹp của vợ chồng cụ Đoàn Văn Tôn ở xã Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ, hai cụ có bốn người con là liệt sỹ chống Mỹ. Tôi trăn trở tìm lời lý giải cho sự hy sinh tự nguyên cao cả ấy. Bài ký đã hình thành từ lúc tôi đã tìm được tình tiết về cái miếu oan hồn phía ngoài cánh bãi trước ngõ nhà cụ Tôn. Đó là cái miếu thờ những người chết đường, chết chợ trong trận đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945. Cụ kể, ở chợ Xuôi, người ta bày ra những cái tiểu sành để người đi cợ có lòng thì thả vào đó 5 xu, 1 hào để có tiền mua chiếu và thuê người đi lượm xác người chết đói đem chôn cất. Chính vì đã trải cảnh chết đói và tản cư chạy Tây quây càn mà hai cụ đã hiểu cái giá phải trả cho độc lập tự do, động viên các con lần lượt đi bộ đội vào Nam chiến đấu. Tôi không quên được cái bể dựng nước con con trước nhà chỉ hứng nước mưa từ cây cau mà vào mùa khô cuối năm hai cụ vẫn dành dụm đầy nước, trong veo. Hy sinh mất mát vô kể, nhưng hai cụ không thắc mắc, đòi hỏi gì, sống nhân hậu, thương người đến thánh thiện!
Ở bài ký Kẻ đào mộ Nguyễn Phi Khanh (sau in vào sách đổi là Trước mộ Nguyễn Phi Khanh) tôi đã chú tâm lý giải vì sao mà một gã thanh niên đã từng được học môn lịch sử ở trường cấp II mà lại ngu tối đến mức không hiểu rằng một ông quan triều đình nhà Hồ đã bị quân Minh bắt về Trung Quốc lưu đầy và chết ở đấy, con cháu cụ làm quan thanh liêm, chính trực như Nguyễn Trãi, thì làm gì mà có vàng bạc, của cải để chôn cất theo dưới mộ, mà gã đã đang tâm dùng xà beng và kích ô tô để bẩy những tảng đá ở phần mộ ông trên đỉnh núi Báo Đức để tìm kiếm của cải?
Hôm ấy, trong một căn nhà dưới chân núi Báo Đức tôi đã ngồi đối diện và phỏng vấn hắn (tên là Bẩy) giữa trận mưa rào xối xả, sấm chớp vang trời. Đúng là trời cũng nổi trận lôi đình. Tôi đã kể lại chi tiết cuộc hỏi chuyện tên nghịch tử thất đức giữa cơn thịnh nộ của trời đất trong bài viết.
Chuyến đi ấy còn có một chuyện lạ. Anh Hiệp lái xe, khi cùng chúng tôi xuống núi, đến chỗ để ôtô mới nhớ ra là đã đánh rơi mất chìa khoá xe không rõ từ lúc nào! Biết tìm đâu ra cái chìa khoá con con giữa đồi rừng mênh mông rậm rịt cây cối. Không khác gì tìm kim đáy bể. Giữa trưa nắng, Hiệp và chúng tôi cùng hướng lên đỉnh núi chắp tay cầu khấn hương hồn cụ Nguyễn Phi Khanh phù hộ. Không còn cách nào khác, chúng tôi chia nhau dàn hàng ngang lên núi theo phía trước đó đã đi, rẽ cây rừng tìm kiếm. Đến khoảng lưng chừng núi bỗng nghe tiếng Hiệp reo to: đã tìm thấy chùm chìa khoá!.
Còn tôi tác giả bài viết sau này thì không được gặp may. Trong cuộc thi bút ký của tuần báo Văn nghệ (Hội nhà văn) lần đó, tôi gửi đăng hai bài: Kẻ đào mộ Nguyễn Phi Khanh và Lúa Nhật ở Mỹ Văn. Tôi nhớ buổi sáng hôm lên toà soạn báo Văn nghệ dự lễ trao giải, anh Hữu Thỉnh, Tổng biên tập báo vừa gặp tôi đã hồ hởi báo tin: Chúc mừng giải nhì bút ký Kẻ đào mộ Nguyễn Phi Khanh. Tôi ngớ người vì trong giấy thông báo gửi cho các tác giả ghi tôi được giải ba bài ký "Lúa Nhật ở Mỹ Văn". Sau đó, tìm hiểu tôi mới biết Ban sơ khảo đã đưa cả hai bài ký của tôi vào giải để trình lên Hội đồng chung khảo, dự kiến đề xuất bài ký "Kẻ đào mộ Nguyễn Phi Khanh xếp giải nhì" (sau bút ký Người không cô đơn của Minh Chuyên giải nhất). Thế nhưng khi bàn bạc thì một nhà văn thành viên hội đồng chung khảo nêu câu hỏi: Nhưng liệu có thật phần mộ Nguyễn Phi Khanh ở chỗ đó không?.
Trong bài viết tôi đã dựa vào tư liệu lịch sử và tộc phả dòng họ Nguyễn, kể lại chuyện khi Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt giải về Trung Quốc, cả Nguyễn Trãi và Nguyễn Phi Hùng (em Nguyễn Trãi) cùng theo. Đến ải Nam Quan, ông bảo Nguyễn Trãi quay về tìm đường đánh đuổi giặc cứu nước trả thù cho cha. Nguyễn Phi Hùng theo cha lưu đầy ở Vạn Sơn Điếm, một nơi thuộc tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc mấy chục năm. Sau khi ông mất, mấy năm sau, Nguyễn Phi Hùng bốc mộ cha đem hài cốt về nước, an táng ở trên đỉnh núi Đá Bạc, ở chỗ mà Nguyễn Phi Khanh đã dặn dò. Chính bởi có chuyện lịch sử đó mà sau này núi Đá Bạc còn được gọi là núi Báo Đức!. Vào khoảng năm 1962 giáo sư Trần Huy Liệu, Viện trưởng Viện sử học đã đặt tại đó một tấm bia đá xác nhận phần mộ của Nguyễn Phi Khanh.
Quả là câu chuyện lịch sử này thật khó kiểm chứng. Còn theo lời kể của kẻ đào mộ, thì hắn không tìm thấy có quan quách hay vật liệu gì chứng tỏ ở đó có dấu vết của một mộ phần!
Nhưng dù sao thì sau gần sáu trăm năm qua, nơi đỉnh núi Báo Đức vẫn là một chốn linh thiêng vì đã được các hậu duệ và dân địa phương tin là có phần mộ của Nguyễn Phi Khanh".
Nhà văn Nguyễn Phúc Lai là như vậy, một người đam mê cả ba nghề: Nghề báo, nghề văn hoá và "nghề" quản lý văn hoá văn nghệ, nghệ thuật ở một tỉnh giàu truyền thống nữa. Điều đáng ghi nhận ở anh trong các nghề nào, thể loại nào anh cũng có những thành công đáng kể.
Lê Hồng Thiện