Nhà báo Trần Mai Hưởng - Cây bút 'tâm, tài' đi cùng năm tháng

Thứ hai - 27/04/2020 09:59

Nhiều người biết tới Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam không chỉ qua những bài viết, bức ảnh nổi tiếng mà ông còn là phóng viên chiến trường, vào sinh ra tử ở những thời khắc lịch sử cùng cả dân tộc làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

111
Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN. Ảnh: NVCC
Nhà báo Trần Mai Hưởng được nhiều thế hệ, phóng viên chiến trường hay đồng nghiệp ngày nay nhắc tới với hai chữ “tâm - tài” trong cuộc đời, sự nghiệp. Ông mang trong mình bầu nhiệt huyết của nghề báo và luôn có ý thức chính trị sâu sắc. Vì vậy, ở mỗi giai đoạn chiến tranh hay trong thời bình xây dựng đất nước, ông đều đóng góp nhiều công sức, trí tuệ và như là nhân chứng sống, với nhiều tư liệu, hình ảnh quý báu được lưu trữ theo năm tháng.

Những ngày này, cả nước đang hướng về kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Chúng tôi có dịp gặp gỡ, trao đổi tâm tình về cuộc đời, sự nghiệp của ông. Ở độ tuổi 70, với giọng nói hào sảng, trong trẻo đậm chất Hà Thành, ông dẫn dắt chúng tôi ôn lại những câu chuyện những năm tháng trên chiến trường, những thời khắc trong mưa bom bão đạn. Ông kể lại bằng sự nhiệt tâm, máu lửa, những câu chuyện như là ruột gan, da thịt, nhớ như in từng khoảnh khắc, nhất là lúc đoàn quân ta tiến vào Dinh Độc lập.

"Cánh cửa sắt của Dinh Độc Lập đã bị hất tung, khi lọt được vào trong, tôi và phóng viên nhiếp ảnh Vũ Tạo nhảy ra khỏi xe, thấy một chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến qua cổng chính của Dinh. Một hình ảnh rất đẹp, nắng rực rỡ, xe tăng vừa vào ngang cổng, cánh cửa sắt đổ sập vẫn nằm trên mặt đất, lá cờ Quân Giải phóng trên tháp pháo tung bay. Cùng với những người lính xe tăng là các chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn 66 cùng hành tiến hiên ngang bên tháp pháo” - nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại ký ức không thể quên.

Ông kể về khoảnh khắc tuyệt vời nhất khi chớp được bức ảnh lịch sử đã đi vào năm tháng: Tôi đưa máy ảnh lên như một bản năng và nhãn quan của người phóng viên để kịp ghi lại một cách chân thật nhất trong trận chiến lịch sử của Quân đội ta. Trong đó, ấn tượng nhất chính là bức ảnh “Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975” mà sau đó được chuyển sớm ra Hà Nội để Thông tấn xã Việt Nam phát đi và được các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước sử dụng rộng rãi; trở thành một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng mùa  Xuân 1975 cho đến ngày nay".
111
Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN
Nhà báo Trần Mai Hưởng là một trong những phóng viên có mặt sớm nhất ở Dinh Độc Lập, chứng kiến và ghi lại những hình ảnh của ngày Đại thắng. Lúc ấy, phóng viên Trần Mai Hưởng mới 23 tuổi, vừa vào Thông tấn xã Việt Nam được ít thời gian. Ông thuộc diện được ưu tiên không phải ra mặt trận vì đã có anh trai là Nhà báo Trần Mai Hạnh đang tham gia ở chiến trường. Nhưng khi Thông tấn xã Việt Nam cần một mũi phóng viên để cùng đơn vị Quân đội tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông đã xung phong lên đường.

Dường như ông đã dành cả tuổi thanh xuân, trai trẻ làm phóng viên chiến trường mà ông vẫn gọi đó là “thời hoa lửa” của riêng mình. Phóng viên Trần Mai Hưởng đã tới những mặt trận nóng bỏng nhất như Quảng Trị năm 1972, theo các cánh quân “thần tốc’ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975. Và sau này, ông còn đi cùng các cánh quân tình nguyện sang Campuchia diệt trừ quân Pôn Pốt, giúp giải phóng đất nước Ăngco khỏi họa diệt chủng năm 1978, rồi tiếp đến lại lên biên giới phía Bắc trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới...

Có lẽ, ông cũng không nhớ mình đã qua bao nhiêu con đường, chiến trường, đã sáng tác bao nhiêu bức ảnh, tác phẩm, bài viết mà chỉ đau đáu một điều là lên đường để phụng sự cho Tổ quốc, với một niềm tin chiến thắng mãnh liệt. “Tuổi đôi mươi có sức trẻ, sức khỏe, phải làm điều Tổ quốc cần. Người phóng viên chúng tôi xác định mình cũng như những người lính, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước. Sự hy sinh trong suy nghĩ của chúng tôi lúc bấy giờ rất bình thường, vì ai cũng có thể ngã xuống bất cứ lúc nào. Ngày hôm nay có thể làm việc, ngày mai có thể qua một trận B52, qua một trận càn, vướng phải một bãi mìn, nhưng tất cả sự hy sinh đều cao cả. Tôi còn may mắn, không như đồng đội có nhiều người đã nằm lại, không về” - nhà báo Trần Mai Hưởng tâm sự.

Nơi chiến trường, ngọn lửa đam mê và trách nhiệm với nghề báo của ông đã gửi gắm vào trong nhiều trang thơ, truyện ngắn, hay bút ký, phóng sự đầy ắp ý nghĩa, giàu chất nhân văn. Những tác phẩm như: Bích La Đông giải phóng, Trên vành đai điện tử, Huế đỏ cờ bay, Đà Nẵng ngày đầu giải phóng, Ngày vui ở khu phố Bàn Cờ... đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc, trong đó có cả xương máu và nước mắt của tác giả.
111
Các phóng viên Trần Mai Hưởng, Ngọc Đản và Hoàng Thiểm
đang qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng giải phóng, ngày 29/3/1975. Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN
Chuyện đời, chuyện nghề của một phóng viên chiến trường rất dài và lắm gian truân, vì vừa phải tác nghiệp nơi khó khăn, nguy hiểm, vừa phải đảm bảo tính thời sự nóng bỏng nên cũng gặp không ít trở ngại trong kết nối giữa nơi chiến trường với Tổng xã. Lật giở từng trang ký ức, ông kể, có lần một mình phóng xe máy hàng trăm cây số từ thành phố Đà Nẵng về thị xã Đông Hà (Quảng Trị) với khẩu súng ngắn bên mình để mang toàn bộ phim của tổ phóng viên về căn cứ rồi gửi ra Hà Nội. Đến nơi, ông không kịp nghỉ ngơi, một tiếng viết xong ngay bài ký Đà Nẵng ngày giải phóng để kịp gửi về Tổng xã. Nhưng khi vừa chợp mắt, lại nhận được thông tin từ Hà Nội gửi vào do thời tiết xấu nên cần phải gửi lại bài viết, thế là ông lại cặm cụi cùng tổ kỹ thuật, xuyên đêm chuyển bài. 

Dù ở công việc nào, từ phóng viên đến cương vị người lãnh đạo đứng đầu Thông tấn Việt Nam, Nhà báo Trần Mai Hưởng luôn giữ phẩm chất của người lính chiến trường, với phong cách giản dị nhưng cũng đầy quyết liệt, phản xạ nhanh và chuẩn xác cho mỗi quyết định. Khi được hỏi về những cống hiến của mình trong giai đoạn chiến tranh, Nhà báo Trần Mai Hưởng nói: "Dù dưới những bài viết, bức ảnh ấy có tên tác giả hoặc chỉ cần danh xưng chung Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng, thế là đủ niềm vui. Và ai cũng hiểu rằng, đằng sau mỗi dòng tin, bức ảnh ấy là công sức của cả một guồng máy lớn, của hàng ngàn con người trên khắp các chiến trường, với đủ mọi công việc, từ người lãnh đạo, chỉ huy đến các phóng viên, lái xe, điện báo, kỹ thuật viên, hậu cần và bao nhiêu công sức của anh em làm nhiệm vụ nhận, xử lý thông tin ở Tổng xã…”.

Rời công việc quản lý cơ quan báo chí gần chục năm nhưng Nhà báo Trần Mai Hưởng vẫn luôn quan tâm đến những vấn đề thời sự trong và ngoài nước. Thay bằng những bài báo như trước đây, nay ông chuyển thể những tâm tư, nhìn nhận của mình về hiện tượng xã hội đang được dư luận quan tâm bằng thơ với ngôn ngữ thời sự, sống động, ngắn gọn xúc tích nhưng cũng không kém phần hóm hỉnh, sâu sắc, góp phần định hướng dư luận xã hội. 

Đúng như những gì Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, ông Trần Mai Hưởng là một nhà báo có những năm tháng đi qua chiến tranh cận kề cái chết. Chính thế một đặc điểm nổi trội trong thơ của Trần Mai Hưởng là chính luận thời sự. Nhưng chính trị mà ông mang vào thơ là chính trị lương tâm, thời sự mà ông mang vào thơ ông là thời sự của một lịch sử dân tộc, của nhân dân.

 
Theo Mạnh Khánh (TTXVN)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây