Trước thềm Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV - năm 2019: Để tác phẩm báo chí được vinh danh tại Giải Báo chí Quốc gia

Thứ bảy - 30/05/2020 21:24
Nhà báo Nguyễn Quốc Bảo: Làm nghề bằng tâm huyết thực sự thì giải thưởng sẽ đến như một lẽ tự nhiên
 
 “Hãy thực hiện tác phẩm bằng tâm huyết của một người làm báo, nghĩ rằng tác phẩm đó để phục vụ công chúng, góp phần giải quyết những vấn đề nào đó của xã hội, thì sẽ có một tác phẩm hay, ý nghĩa và giá trị. Lúc đó giải thưởng sẽ đến như một lẽ tự nhiên”. Nhà báo Nguyễn Quốc Bảo, Phó trưởng Phòng Thời sự, Đài Phát thanh – Truyền hình Đắk Lắk, người đã có 4 lần đoạt giải Báo chí Quốc gia (BCQG) chia sẻ.

Giải BCQG giúp tôi tự tin hơn trên con đường làm báo

 
+ Để đến được với “thảm đỏ” BCQG là niềm vinh dự lớn trong cuộc đời mỗi người làm báo. “Đỉnh vinh quang” ấy không phải ai cũng có cơ hội được chạm vào, đặt chân vào. Thế nhưng trong 15 năm làm nghề, anh đã có 4 lần được nhận giải thưởng danh giá này, đó là vinh dự rất lớn của nghề nghiệp, thưa anh?

- Vâng, đúng thế! Giải BCQG là giải thưởng cao quý nhất của giới báo chí cả nước, được tổ chức chuyên nghiệp, bài bản, chất lượng nhất trong hệ thống giải báo chí ở Việt Nam hiện nay. Đây là giải báo chí danh giá, tôn vinh những tác phẩm và tác giả thực sự tiêu biểu. Nhận giải thưởng này không chỉ là vinh dự cho cá nhân tác giả mà còn của cả cơ quan, đơn vị, địa phương công tác.

Nước ta có hơn 41.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí, 850 cơ quan báo chí trong cả nước, mỗi năm đều có hàng ngàn tác phẩm báo chí được tuyển chọn từ cơ sở để tham gia Giải BCQG. Điều đó cho thấy sức hút và giá trị to lớn của Giải BCQG. Vì thế, tôi nghĩ những người làm báo ở Việt Nam ai cũng mong ít nhất một lần được xướng tên trong đêm trao giải.
111
Nhà báo Nguyễn Quốc Bảo ( hàng sau, thứ 4 từ trái sang) nhận Giải C - Giải BCQG năm 2018
với tác phẩm “Bước ra từ buôn làng” về Hoa hậu H’Hen Niê.
+ Trong 4 lần bước lên bục vinh quang của Giải BCQG, lần nào để lại cho anh cảm xúc nhiều nhất?

- Tôi may mắn khi có duyên với giải thưởng này rất sớm. Năm 2005, khi mới vào công tác ở Đài Phát thanh - Truyền hình Đắk Lắk hơn 1 năm tôi đã được Ban Giám đốc cho phép thực hiện đề tài điều tra về tình trạng phá rừng ở một đơn vị quản lý bảo vệ rừng khá uy tín. Khi ấy, tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh khá nóng bỏng, nhưng đơn vị này lại được nhận thưởng về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Vì thế tôi và các đồng nghiệp đã quyết tâm tìm ra sự thật. Và sự thật là bên ngoài có vẻ yên ả nhưng bên trong thì lâm tặc ngày đêm hoành hành, thậm chí chúng còn lập xưởng cưa ngay trong rừng để xẻ gỗ mang ra khỏi rừng. Lúc đó, tôi chưa có kinh nghiệm thực hiện các phóng sự điều tra, nghiệp vụ cũng rất hạn chế nhưng bằng sự tâm huyết, đam mê công việc, tôi đã thực hiện được một tác phẩm chất lượng. Tác phẩm này đã giành được Giải BCQG năm 2006. Đây là lần nhận giải để lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất, cho tôi những trải nghiệm thú vị về nghề, nó giúp tôi tự tin hơn trên con đường làm báo sau này và đặc biệt nó giúp tôi nhận ra rằng: Nếu mình cố gắng, nỗ lực nhất định sẽ được đền đáp xứng đáng.
111
Nhà báo Quốc Bảo và Hoa hậu H’Hen Niê .
+ Đến từ một đài địa phương, nơi điều kiện tác nghiệp còn rất nhiều khó khăn, vì thế để có thể đạt được 4 Giải BCQG, hẳn phải là sự nỗ lực rất lớn của anh cũng như ekip?

- Vâng! Chắc chắc là thế rồi! Đối với mỗi người làm báo ở địa phương, để có thể thực hiện được những tác phẩm báo chí có chất lượng, tác động tích cực đến xã hội là cả một sự cố gắng, nỗ lực. Còn để có một tác phẩm xứng đáng được trao Giải BCQG thì phải có quá trình cố gắng, nỗ lực gấp nhiều lần.

Là một người làm báo ở địa phương, nhất là làm báo hình – lĩnh vực yêu cầu cao về phương tiện kỹ thuật, mỗi người làm báo chúng tôi phải xác định mình phải sống chung với điều kiện khó khăn đó, đồng thời phải tìm cách khắc phục, tìm ra lợi thế trong cái khó khăn.

Nghề báo cũng là nghề rất đặc thù, kiến thức và phương pháp làm việc luôn luôn đổi mới, đặc biệt trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin này, nếu mình không cập nhật kiến thức, trang bị kỹ năng mới thì sẽ bị bỏ lại phía sau. Là một người làm truyền hình ở địa phương, tôi luôn tìm hiểu, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm báo hiện đại, cố gắng tiếp cận với những phương pháp mới phù hợp với điều kiện làm báo ở cơ quan.
 

Để có thể đoạt Giải BCQG thì phải xác định tác phẩm ấy... không đoạt giải

 
+ Là người làm thời sự truyền hình, theo anh để một tác phẩm báo chí được vinh danh tại Giải BCQG thì bản thân mỗi nhà báo phải xác định tư tưởng, phương pháp làm việc thế nào?

- Theo tôi, làm truyền hình hay bất kể loại hình báo chí nào khác thì cũng cần bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương ... Trong đó, theo tôi, những tác phẩm được đánh giá cao là những tác phẩm có tính phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới, tích cực; những bài viết đề cao tính nhân văn,  tình yêu, cuộc sống, làm lan tỏa, nhân lên niềm tin vào sự tích cực; phản ánh kịp thời những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, đấu tranh không khoan nhượng với những tiêu cực, lãng phí, sai phạm, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Thêm vào đó là cách giải quyết đề tài hay, mới, sáng tạo, có cá tính... sẽ có cơ hội đoạt Giải BCQG.

Nhưng điều quan trọng nhất, theo tôi, để có thể đoạt Giải BCQG thì phải xác định tác phẩm ấy... không đoạt giải. Nếu ai đó nghĩ rằng thực hiện tác phẩm báo chí để giành giải thưởng này, giải thưởng kia thì khó có được một tác phẩm báo chí chất lượng. Hãy thực hiện tác phẩm bằng tâm huyết của một người làm báo, nghĩ rằng tác phẩm đó để phục vụ công chúng, góp phần giải quyết những vấn đề nào đó của xã hội, thì sẽ có một tác phẩm hay, ý nghĩa và giá trị. Lúc đó giải thưởng sẽ đến như một lẽ tự nhiên.

Tôi nhớ có một nhà báo nào đó đã nói rằng: “Không có vinh quang và hạnh phúc nào bằng đối với người làm báo khi họ làm được một việc tốt, một việc có ý nghĩa qua bài báo của mình. Khi họ mang đến niềm tin cho một cuộc đời bất hạnh, tìm được công lý cho một người oan khuất, tạo ra một sự thay đổi có ích trong một lĩnh vực nào đó hay đơn thuần chỉ là làm lóe lên một chút cảm xúc nhân văn, giúp cho ai đó được bớt đi một chút u ám, thêm vào một chút lạc quan về cuộc sống… đó là sứ mệnh cao cả của người làm báo”.

+ Làm nghề nào cũng cần có tình yêu, sự đam mê, anh từng chia sẻ với tôi  rằng: “Mình yêu nghề báo và yêu văn hóa Tây Nguyên”. Vậy tình yêu ấy đã giúp anh thế nào trong việc thực hiện những tác phẩm báo chí chất lượng đó?

- Đúng thế, nghề nào cũng cần có tình yêu, sự đam mê. Nghề báo bên cạnh bản lĩnh, kinh nghiệm, kiến thức... thì sự đam mê và tình yêu nghề nghiệp chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt của mỗi tác giả, tác phẩm; tình yêu và sự đam mê chính là “chất xúc tác” gắn người làm báo với hiện thực cuộc sống. Nếu không có yếu tố này, tác phẩm báo chí dễ bị rơi vào khô cứng, thiếu sức sống.

Với tôi, một người gắn bó với Đắk Lắk, với Tây Nguyên, hằng ngày, hằng giờ tôi nhìn thấy sự biến mất của những giá trị văn hóa truyền thống. Tôi luôn tự đặt câu hỏi: Mình phải làm sao để góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa đặc sắc này? Điều đó thôi thúc tôi thực hiện nhiều tác phẩm về đề tài bảo tồn văn hóa. Tôi mong muốn thông qua những tác phẩm của mình, nhiều người sẽ nhận thức rõ hơn về giá trị của văn hóa truyền thống, và nếu không giữ gìn nó thì sẽ chẳng bao giờ tìm lại được, từ đó sẽ có ý thức hơn trong việc chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

+ Vâng, xin cảm ơn anh!
 
An Vinh (Thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây