Trước thềm Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV – năm 2019: Để tác phẩm báo chí được vinh danh tại Giải Báo chí Quốc gia

Thứ sáu - 12/06/2020 00:04
Nhà báo Song Nguyễn- Đài PT-TH Gia Lai: Hành trình tìm kiếm Giải BCQG luôn có sự vận động không ngừng
 
 
 
 “Để có một tác phẩm báo chí chất lượng và có thể đoạt GBCQG, theo tôi đó là câu hỏi lớn đặt ra cho mỗi nhà báo trên con đường tìm kiếm, khám phá và sáng tạo...."- Nhà báo Song Nguyễn, Đài PT-TH Gia Lai.

"Để có một tác phẩm báo chí chất lượng và có thể đoạt GBCQG, theo tôi đó là câu hỏi lớn đặt ra cho mỗi nhà báo trên con đường tìm kiếm, khám phá và sáng tạo... Nó sẽ không bao giờ dừng lại mà sẽ luôn có sự vận động không ngừng trước những thay đổi và yêu cầu đặt ra ngày càng cao của công chúng” - Nhà báo Song Nguyễn, Đài PT-TH Gia Lai, tác giả 2 lần đoạt GBCQG đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận.
 

Đề tài không ở đâu xa…

 
+ Tôi rất ấn tượng với chia sẻ của anh về quan niệm làm nghề: “Điều quan trọng nhất là phải mang được cảm xúc đến cho khán giả qua những câu chuyện chân thực, hình ảnh ấn tượng… đó chính là chất xúc tác tạo nên thành công của một phóng sự truyền hình”. Với tâm niệm ấy, chắc hẳn, anh đã có không ít những tác phẩm mới ưng ý để chia sẻ, thưa anh?

- Đây là câu hỏi có lẽ dân làm báo chúng ta vẫn hay dành cho nhau mỗi khi có dịp gặp gỡ, hay cũng có khi là gọi cho nhau hoặc có dịp tương tác trên mạng xã hội phải không, kiểu như: Lâu nay công việc của bạn thế nào, bạn làm được tác phẩm nào tâm đắc không… đó chính là sự quan tâm, động viên nhau cùng cố gắng cho công việc mà mỗi chúng ta đang theo đuổi.
111
Nhà báo Song Nguyễn chụp ảnh cùng các nghệ nhân cồng chiêng.
Lại sắp tới 21/6 nữa rồi, ngày mà mỗi người làm báo chúng ta luôn hướng về để tự hào, để ôn lại truyền thống và suy ngẫm về tất cả những gì đã trải qua về những gì mình đã làm và chưa làm được, hay những dự định sắp tới. Bạn hỏi tôi có chia sẻ thêm điều gì nữa không, có chứ, nhiều nữa là khác, sắp tới ngày của chúng ta rồi mà nên muốn trải lòng nhiều lắm, muốn nói nhiều lắm… nhưng dù có nói tới, nói lui thì cũng không có gì ý nghĩa hơn là chia sẻ về những “đứa con tinh thần” của mình. Hơn 1 năm qua, tôi đã may mắn làm được thêm 3 tác phẩm cảm thấy khá ưng ý, trong đó, có 1 tác phẩm đã đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 39, tổ chức tại thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hồi cuối năm 2019.

Có thể tạm gọi đó là thành công đối với cá nhân, nhưng thành công đó chỉ có thể có được khi được cơ quan tạo điều kiện và có sự phối hợp ăn ý của cả ê-kíp. Tuy nhiên, điều tôi muốn chia sẻ thêm khi nói về quá trình sáng tạo những tác phẩm báo chí đó là: “Hóa ra đề tài, câu chuyện không ở đâu xa, đôi khi có những vấn đề chúng ta đã đề cập khá nhiều trên các ấn phẩm báo chí. Nếu chỉ dừng lại ở chức năng thông tin sẽ không mấy hấp dẫn khán giả, sự khác biệt chỉ đến khi chúng ta truyền đi được thông điệp của tác phẩm”.

+ Tuy giành nhiều giải thưởng ở các giải báo chí, liên hoan khác nhau nhưng bước lên “thảm đỏ” BCQG, chắc hẳn mang đến cho anh những cảm xúc thật đặc biệt?

- Chắc chắn rồi, chúng ta đều biết GBCQG là một sân chơi lớn, chuyên nghiệp, một giải thưởng hàng đầu của Hội Nhà báo Việt Nam dành cho đội ngũ những người làm báo trong cả nước. Đó không chỉ là dịp vinh danh những tác giả có tác phẩm hay, xuất sắc, những tác phẩm mang hơi thở của đời sống đương đại, có tác động lớn đối với xã hội… mà còn là dịp để những ai có được niềm vinh hạnh, may mắn có mặt trong ngày trọng đại đó được gặp gỡ, được giao lưu với đồng nghiệp bốn phương, được trải lòng và còn được đón nhận sự quan tâm, động viên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành… nên đó chính là đỉnh vinh quang, là kỷ niệm không bao giờ quên đối với mỗi người làm báo chúng ta.
 

Luôn có cơ hội nắm bắt và ở gần nhất sự kiện

 
+ “Biến thách thức thành cơ hội”... hẳn là rất phù hợp để nhắc về cơ quan báo chí ở tỉnh với điều kiện tác nghiệp còn vô vàn khó khăn như Đài PT-TH Gia Lai, thưa anh?

- Quả đúng vậy, cơ quan chúng tôi cũng như nhiều Đài PT-TH ở các tỉnh khác trong cả nước, xét trên mặt bằng chung vẫn còn có những khó khăn nhất định, do đó, đòi hỏi chúng tôi phải thực sự nỗ lực để làm tốt công việc chuyên môn được giao. Không chỉ vậy, trước yêu cầu mới đặt ra, nhất là trong thời kỳ bùng nổ, cạnh tranh thông tin, sự phát triển lấn át của mạng xã hội như hiện nay, đòi hỏi mỗi người làm báo địa phương phải thật sự nhạy bén, chủ động tiếp thu và làm chủ công nghệ thì mới có những sản phẩm báo chí hay, đặc sắc phục vụ công chúng, vì hiện nay báo chí không chỉ đơn thuần phản ánh sự kiện, mà phải có tính tương tác với độc giả, khán thính giả thông qua các nền tảng ứng dụng… Rồi sau đó mới nghĩ tới những cái xa hơn, có thể làm tốt hơn trong công việc đặc thù của nghề báo. Đó là dành thêm thời gian đầu tư kỹ hơn, sâu hơn, xử lý sắc sảo hơn… để có những tác phẩm đặc sắc vừa phục vụ người nghe, người xem vừa gửi tham gia các cuộc thi như GBCQG được tổ chức hằng năm.
111
Nhà báo Song Nguyễn.
Rõ ràng trong hoàn cảnh khó khăn chung của các Đài PT-TH địa phương như hiện nay, nhất là về thiết bị, điều kiện tác nghiệp, để có những tác phẩm tham gia và đoạt GBCQG là cả một sự nỗ lực không hề nhỏ. Riêng đối với cơ quan chúng tôi, Ban Giám đốc rất quan tâm và tạo điều kiện để các ê-kíp sản xuất những chương trình, tác phẩm có tính chuyên sâu, trước tiên là phục vụ làn sóng PT-TH, sau đó, chọn lựa gửi tham dự các cuộc thi. Có những tác phẩm, chương trình chúng tôi thực hiện không chỉ một tuần, một tháng, có khi theo dõi, tổng hợp dữ liệu 5 năm, thậm chí 10 năm và lâu hơn thế nhưng vẫn không mất đi tính thời sự. Đó chính là sự khác biệt để nói lên giá trị của đề tài mà bạn theo đuổi, và đó cũng chính là đặc thù, lợi thế của báo chí địa phương, đó là luôn có cơ hội nắm bắt và ở gần nhất sự kiện…

+ Từ kinh nghiệm hơn 10 năm làm nghề, anh có thể “bật mí” bí quyết để có được một tác phẩm chất lượng và hướng đến giải báo chí cao quý nhất của người làm báo?

- Trước tiên, bản thân mỗi phóng viên, nhà báo phải thực sự dấn thân và theo đuổi đề tài. Thực tế có rất nhiều đề tài “động”, ý tôi muốn nói là sự biến chuyển theo thời gian của sự kiện. Khi chúng ta thực sự quan tâm, hãy kiên trì dành thời gian để đầu tư cho nó, vì có rất nhiều vấn đề, sự vật, sự kiện, con người, vùng đất… hôm nay chỉ như vậy, nhưng ngày mai đã khác… Và khi chúng ta nắm rõ bản chất vấn đề, biết sử dụng phương pháp hợp lý thì chắc chắn tác phẩm báo chí đó sẽ có chất lượng. Như vậy đề tài là yếu tố hàng đầu làm nên thành công của tác phẩm. Cái tôi muốn chia sẻ thêm đó là tính chiến đấu và tác động xã hội (2 yếu tố đặc trưng và cần có đối với tác phẩm báo chí).

Rõ ràng trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì mỗi tác phẩm báo chí hình thành là cả một quá trình phấn đấu. Đối với mỗi người làm báo, cái đích cuối cùng là cung cấp cho độc giả, khán thính giả những thông tin mang hơi thở cuộc sống, có sức lan tỏa sâu rộng và đem lại hiệu quả trong đời sống xã hội cũng như định hướng dư luận.

+ Xin cảm ơn anh!
 
An Vinh (Thực hiện)
(Báo Nhà báo và Công luận)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây