Tôi viết loạt bài "Hai sắc thái của ruộng hoang"

Chủ nhật - 21/06/2020 17:21
Nhân dịp loạt phóng sự “Hai sắc thái của ruộng hoang” đạt giải B Báo chí toàn quốc lần thứ XIV năm 2019 tôi xin kể một số kỷ niệm khó có thể quên được.
111
Con bù nhìn bị bỏ quên tại một thửa ruộng hoang chỉ toàn là lúa chét ở Phú Thọ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Loang nhanh như một đám cháy

Tính đến nay cả nước có khoảng trên dưới 60.000ha ruộng hoang trong đó miền Bắc, miền Trung chừng 40.000ha, quá nửa là bỏ liên tiếp từ 3 vụ trở lên. Việt Nam là nước nông nghiệp, đa số dân là nông dân nên cái gì động chạm đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong đó có đất đai đều có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến toàn xã hội…

Loạt bài “Hai sắc thái của ruộng hoang” do Báo Nông nghiệp Việt Nam khởi đăng từ 23/7/2019 với 5 bài phản ánh hiện trạng, 2 bài phỏng vấn đã tập trung phản ánh về hiện tượng nông dân chán ruộng, bỏ ruộng, mặt tích cực, mặt tiêu cực rồi từ đó đề ra phương hướng có thể giải quyết cho vấn đề đã dần trở nên rất bức xúc này.

Đất đai ngoài là tài sản có giá trị nhất đối với người Việt còn là quê hương, là máu thịt, là tâm linh (với mồ mả ông cha trong đó), là văn hóa, là tâm hồn… Có lẽ do vậy mà 75 năm về trước, đất đai đã lôi cuốn những thế hệ nông dân đi theo cách mạng tháng Tám, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để dựng lên một nước Việt Nam độc lập.

Rồi cũng chính con cháu những người ngày nào vác dao, đòn gánh, gậy gộc đi cướp chính quyền theo tiếng gọi của cách mạng, của một “mảnh đất cắm dùi” ấy thì nay nhiều người lại thờ ơ với đất.
Để tìm hiểu vấn đề ruộng hoang, tôi đã cất công mấy tuần về ba địa phương là Thái Bình quê hương của “chị hai 5 tấn”, Vĩnh Phúc - một trong những thủ phủ công nghiệp năng động nhất nhì miền Bắc và Phú Thọ - tỉnh trung du với rừng cọ, đồi chè.

Có anh chủ tịch xã ở Phú Thọ đã không hề bối rối khi nói về chuyện 100% diện tích bị bỏ hoang vào vụ mùa mà còn khẳng định chắc như đinh đóng cột với tôi rằng có cho tiền dân cũng chẳng thèm cấy vì kém hiệu quả.
111
Cỏ tốt ngập đầu người ở một thửa ruộng hoang tại Thái Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.
Đến nơi nào tôi cũng lân la, mượn xe máy để tìm xuống các thôn phỏng vấn. Những cuộc trò chuyện với nông dân vào buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều và rất nhiều buổi tối.

Sở dĩ có giờ giấc khá oái oăm như thế bởi đa số giờ nông dân không còn thuần làm nông nữa mà thường làm công nhân hoặc thợ tự do. Họ rời nhà, rời làng đi từ khi tờ mờ sáng và chỉ chịu về lúc đã nhọ mặt người.

Những cuộc trò chuyện vào buổi tối rất thú vị bởi lẽ nông dân thời công nghiệp hóa ban ngày thường rất bận, hơn thế họ thường ngại khi bị nhà báo “dí” máy ảnh, “dí” ghi âm vào sát mặt.

Nhưng vào buổi tối, bên mâm cơm nhiều khi được dọn ra đơn giản bằng việc trải chiếu dưới hiên nhà, bên chén chè, nồi khoai, nồi ngô bung được bày ra giữa sân, dưới trăng thanh, gió mát, khoảng cách giữa chủ và khách đã không còn.

Bởi vậy có bao nhiêu thứ vốn bấy lâu nay chất chứa ở trong lòng được tuôn ra bằng hết. Từ những nỗi vất vả của mưu sinh. Từ chuyện học hành tất bật của con cái. Từ các sức ép, hiểm nguy trong quá trình lên phố thị kiếm ăn. Từ các ước mơ thầm kín.

Chuyện trò xong cũng vào khoảng 10 - 11 giờ đêm, tôi thường được các bác nông dân đon đả mời ngủ lại trên chiếc chiếu với cái gối, cái màn đẹp nhất. Ngày hôm sau, họ lại đãi tôi ăn những món ngon nhất của gia đình, của vùng mình.

Chiêu đãi no bụng khách cũng chưa thỏa, một anh ở xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc còn cẩn thận gói ghém cho tôi một túi to bánh hòn về làm quà cho cả gia đình. 

Nông dân chán đất bởi đất không nuôi nổi người, đất chưa mang lại cho họ sự yên lành và giàu có. Họ bỏ hoang hoặc đầu độc, bóc lột đất tối đa bằng các loại thuốc trừ sâu và phân hóa học quá mức cần thiết miễn để lấy được giá trị thặng dư cao hơn, không cần biết đến tương lai.

Mỗi tỉnh ở đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ ước tính đã bỏ hàng trăm, hàng ngàn ha ruộng hoang. Chỉ đạo chống bỏ ruộng bằng mệnh lệnh hành chính là rất khó vì ruộng đã giao cho dân tự chủ, tự sản xuất rồi, không còn như thời hợp tác xã nữa.

Thời kỳ hậu của ruộng hoang

Loạt bài Hai sắc thái của ruộng hoang đã sử dụng tư duy biện chứng để nhìn nhận hai mặt của vấn đề này. Mặt tích cực là chứng tỏ người nông dân đã có tư duy kinh tế, tính đến yếu tố hiệu quả của sản xuất chứ không còn cấy lúa bằng mọi giá, nó thúc đẩy cho việc phải thay đổi cơ cấu cây trồng.

Không chỉ có thế, bỏ ruộng theo vụ (chủ yếu là vụ mùa) còn cắt đứt quá trình sinh trưởng của sâu bệnh, lượng thóc thu từ lúa chét (lúa tái sinh) có khi còn lãi hơn là cấy tiếp vụ mùa.

Còn mặt tiêu cực là dân bỏ nhưng phần lớn không trả lại đất, không cho mượn, không cho thuê, không muốn bán để chờ công nghiệp về làng, đô thị về làng nên những người có tâm huyết không có cơ hội mà tích tụ. Hệ thống thủy lợi bị bỏ lãng phí cả vụ mùa lẫn vụ đông.

Thêm vào đó ruộng hoang còn là nơi chứa chấp chuột, bọ, mầm bệnh để chúng tràn sang các thửa ruộng giáp ranh còn cấy để cắn phá. Tình trạng dân tự phát bỏ ruộng đã phá vỡ quy hoạch sản xuất lúa bấy lâu nay, đe dọa đến an ninh lương thực.
111
Một nông dân vác thuyền qua thửa ruộng hoang mọc toàn lúa chét ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Đình Tường.
Tất cả những thứ đó là bài toán mà địa phương cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh khó có lời giải, cần Trung ương, các bộ ngành, trực tiếp là Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ NN-PTNT giải quyết bằng những chính sách vĩ mô như thúc đẩy dồn điền đổi thửa và cao nhất là thúc đẩy tích tụ ruộng đất qua doanh nghiệp mà đặc biệt là qua các nông hộ cỡ lớn, có đam mê, có trí tuệ, có tiềm lực tài chính.

Làm sao để biến mỗi hộ nông dân thành những người canh tác trên diện tích lớn hơn qua thuê, mượn, sang nhượng đất dưới sự đảm bảo bằng các chính sách của Nhà nước, không còn những lo âu.  
Hậu của loạt bài “Hai sắc thái của ruộng hoang” có nhiều dư âm, phản hồi từ độc giả. Đó là những nông dân mê ruộng, đã bắt đầu gom ruộng với số lượng nhiều, rất nhiều mà điển hình là anh Nguyễn Xuân Đoàn - Giám đốc Công ty Công nghệ Phát triển Nông nghiệp Xanh cấy tới hơn 160 mẫu lúa, nhiều vào dạng nhất nhì miền Bắc. Điều lạ là anh đều mượn được đất từ những thửa ruộng hoang ở các xã thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Dù sống ở giữa Thủ đô song ngày ngày anh vẫn phóng ô tô bán tải về Hưng Yên để đi cấy, đi bón phân, đi phun thuốc trừ sâu, hoàn toàn bằng máy móc mà không phải bước chân xuống ruộng. Sau 2-3 vụ nhiều sóng gió, mất mùa bởi thiên tai, bởi cách làm chưa phù hợp, năm nay lúa được mùa, anh lãi cỡ hơn 500 triệu.

Khi báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải bài viết “Người trồng lúa nhiều nhất miền Bắc” đã có nhiều người ở các vùng miền gọi điện cho anh Đoàn ngỏ ý cho mượn, cho thuê đất hoang. Bởi thế, vụ mùa này anh sẽ cấy khoảng 200ha ở 5 tỉnh từ miền Trung trở ra miền Bắc.
111
Tác giả Dương Đình Tường trong một chuyến đi thực tế ruộng đồng. Ảnh: NNVN.
Thế nhưng, anh bảo vẫn không thực sự yên tâm khi thời gian thuê, mượn quá ngắn không đủ thời gian hoàn vốn cũng như không có chính sách nào bảo đảm quyền lợi cho người mượn, người thuê. Định hướng về một vùng sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ xem ra cũng còn khó.

Suy cho cùng, chính sách hợp lý trong quản lý đất đai, đem lại quyền lợi cho nông dân không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn liên quan gốc rễ đến ổn định xã hội để không còn xảy ra những vụ việc đáng tiếc như Tiên Lãng (Hải Phòng) hay Đồng Tâm (Hà Nội) nữa.
 
Dương Đình Tường
(Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây