Nhà báo Chu Minh Khôi: Tâm huyết cùng phong trào nông thôn mới

Thứ năm - 02/07/2020 10:08
Trong mắt nhìn của nhiều đồng nghiệp, Chu Minh Khôi- phóng viên chuyên trách mảng nông nghiệp, nông thôn của Thời báo Kinh tế Việt Nam- là nhà báo gắn bó tâm huyết với phong trào nông thôn mới. Nhiều năm liền gắn bó với nông thôn, mỗi tác phẩm đều là trăn trở của anh với đời sống người nông dân.
Nhà báo gắn bó tâm huyết với nông thôn mới


Nhà báo Chu Minh Khôi không theo học báo chí, mà tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (Nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và làm việc gần 10 năm trong ngành nông nghiệp rồi mới chuyển sang nghề báo. Nhờ vậy, anh hiểu rất rõ những tồn tại của ngành nông nghiệp, những khó khăn của bà con nông dân. Làm nghề báo, anh lại càng có cơ hội để khơi thêm những nỗi niềm của người nông dân.

Chu Minh Khôi là nhà báo luôn đồng hành cùng phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) từ những ngày đầu lên ý tưởng. Anh may mắn được tiếp cận với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các vụ viện chia sẻ dự thảo về chương trình xây dựng NTM, được đến thăm những mô hình thí điểm về làng NTM. Nhờ vậy anh hiểu rõ hơn về việc thực hiện các tiêu chí, thực trạng nông thôn đến nguồn lực. Anh kể, những năm 2008-2010, anh nhiều lần đến chài Vạn Vĩ (một thôn của xã Trung Châu, huyện Đan Phượng). Cuộc sống của người dân nơi đây, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên thuyền, trên sông, trong điều kiện không điện, thiếu nước sạch… Vài năm sau, khi Nhà nước đề ra 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, anh đặt câu hỏi việc áp dụng các tiêu chí ở một thôn có đặc thù như Vạn Vĩ thì sẽ triển khai ra sao?
111
Nhà báo Chu Minh Khôi thăm một vườn trồng rau tại một HTX nông nghiệp ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh NVCC
Để trả lời câu hỏi này, nhà báo Chu Minh Khôi đã tìm đến, phóng vấn những người dân vạn chài, trưởng thôn và chính quyền xã. Chủ yếu là tập trung viết những khó khăn trong đời sống hàng ngày của 60 hộ dân thôn Vạn Vỹ, vốn sống trên thuyền và bằng nghề chài lưới.

Ngay sau đó anh đã cho ra đời nhiều phóng sự, trong đó ngoài việc phản ánh thực tế đời sống anh cũng đưa ra những giải pháp để ổn định đời sống cho bà con. Bên cạnh đó anh phỏng vấn thêm các chuyên gia, lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương để có những hướng dẫn cụ thể để người dân thôn Vạn Vỹ sớn ổn định cuộc sống.

“Trong giai đoạn từ 2008 đến 2012 tôi đã đi cơ sở về những vùng nông thôn viết rất nhiều bài tuyên truyền về nông thôn mới, tôi cũng dự khá nhiều hội thảo, hội nghị của Bộ NN&PTNT về thực hiện các chính sách NTM. Vì nắm được từ chính sách của nhà nước và đi thực tế ở nhiều địa phương nên thời điểm đó, mỗi năm tôi viết hàng chục bài về NTM”- nhà báo Chu Minh Khôi chia sẻ thêm.

Để người nông dân đồng thuận với chính sách

Nhớ lại những bài viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhà báo Chu Minh Khôi luôn tìm tòi những đề tài thú vị, thu hút người đọc nhưng cũng phải có sức ảnh hưởng lớn. Trong đó, anh tiếp cận những đối tượng đang trực tiếp tham gia hoạt động canh tác, chứng kiến và viết về nhiều mô hình mới, nhiều chính sách mới với niềm hăm hở và hy vọng, để rồi cũng không ít thất vọng vì nhiều mô hình đã trở nên “chết yểu”.
111
Nhà báo Chu Minh Khôi (bên trái) luôn đồng hành cùng nông dân ở nhiều vùng miền trong cả nước. Ảnh NVCC
Anh kể, cách đây khoảng 15 năm, người ta đã bắt đầu nói nhiều về xu thế tích tụ đất đai trong nông nghiệp. Các chuyên gia, các nhà nghiên cứu chính sách đều nói rằng, phải tích tụ đất đai, sản xuất quy mô lớn thì mới cơ giới hóa, đưa máy móc vào thay thế sức lao động chân tay của người nông dân.

Năm 2007 trong lần tình cờ anh đi qua cánh đồng làng Vạn Phúc, Hà Đông (thời điểm đó chưa hợp nhất). Nhà báo Chu Minh Khôi gặp nông dân Phạm Văn Yết. Chứng kiến cánh đồng rộng 10 ha, ông Yết thuê lại từ hơn 100 hộ nông dân khác khi họ bỏ không (do người dân tập trung cho nghề dệt) để trồng lúa quy mô lớn. Người nông dân này đầu tư nhiều thiết bị máy móc, máy cấy, máy gặt, máy làm đất… để cơ giới hóa toàn bộ quy trình sản xuất. Thấy đề tài hay, Chu Minh Khôi viết bài “Gom ruộng bỏ hoang trở thành điền chủ”. Bài viết đăng trên Thời báo Kinh tế Việt Nam đã thu hút được sự chú của độc giả, đặc biệt là những nhà nghiên cứu chính sách kinh tế nông nghiệp.

Nhà báo Chu Minh Khôi cho biết “Trong bài viết tôi có phản ánh đó là điền chủ thay cho địa chủ ngày xưa. Sau khi bài của tôi đăng một số chuyên gia nông nghiệp gọi điện, bảo: hướng đi cho tích tụ đất đai đã mở ra rồi đấy. Họ cho rằng tích tụ ruộng đất để cơ giới hóa, công nghiệp hóa sẽ thành tất yếu…ruộng đất của nhiều nông dân sẽ chuyển sang cho một người, người này sẽ canh tác quy mô lớn, từ đó phát triển cơ giới hóa, cho ra sản phẩm hàng hóa khối lượng lớn hơn".

Sau bài báo, anh mong chờ những mô hình tích tụ đất đai khác nối nhau ra đời. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau đó, Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, cánh đồng Vạn Phúc đã trở thành phố phường của đô thị, và dĩ nhiên mô hình của ông Yết đã phải rời đi để nhường chỗ cho đô thị hóa. Nhà báo Chu Minh Khôi ngậm ngùi cho biết thêm, anh cũng từng chứng kiến nhiều mô hình khác lúc đầu cũng “trống dong cờ mở”, tràn trề hy vọng nhưng rồi sau đó cũng đi vào ngõ cụt, như: mô hình nông dân góp đất trồng cao su ở Sơn La, chính sách hỗ trợ nông dân giữ đất lúa…

Nhưng cũng trên những nẻo đường tác nghiệp, anh được chứng kiến rất nhiều mô hình thành công, với rất nhiều hợp tác xã đã tập hợp, liên kết nông dân sản xuất quy mô lớn theo chuỗi giá trị, tạo dựng thương hiệu, đạt được giá bán cao và đem lại lợi nhuận cao cho nông dân. Cũng từ những mô hình HTX đó, anh đã nhiều lần “giật giải” trong cuộc thi viết “Tự hào nông dân Việt” do Báo Nông thôn ngày nay phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Trong những chuyến thực tế của mình, nhà báo Chu Minh Khôi luôn quan tâm lại những địa phương nào đi đầu trong xây dựng nông thôn, tôn vinh những cá nhân, những con người, những cán bộ cống hiến, đóng góp cho nông thôn.
111
Nhà báo Chu Minh Khôi trong một lần đi tuyên truyền về cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Ảnh NVCC
Trong khó khăn bà con nông dân luôn có những cách làm sáng tạo, tạo ra những sản phẩm độc đáo, đặc sắc đưa ra thị trường. Vì vậy trong quá trình tuyên truyền anh luôn chú ý đến gương sản xuất giỏi, những địa phương mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế…tất cả đều với mong muốn đời sống bà con được nâng cao.

Gần 15 năm tuyên truyền về NTM, anh đánh giá “giờ đây nhiều khu vực nông thôn đang xây dựng NTM nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đời sống người dân ở nhiều vùng nông thôn giờ đây còn tốt hơn thành thì, môi trường, nước sạch, nhà ở, dân cư luôn đoàn kết.. đó là những thành tựu lớn nhất mà Chương trình NTM mang lại”.

Nhà báo Chu Minh Khôi cho rằng: trong xây dựng NTM ngoài mặt tích cực, nhiều vấn đề tiêu cực, cũng đang đặt ra thách thức lớn cho chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước và cho chính các cơ quan báo chí phải vào cuộc. Tất phải cùng chung tay giải quyết những vấn đề mới nẩy sinh.

Xây dựng NTM là phong trào mà không có điểm dừng, có điểm xuất phát nhưng không có điểm kết thúc. Tuy nhiên làm sao phải tuyên truyền để cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan ban hành chính sách luôn gần những người nông dân lam lũ hơn, làm sao chính sách không ở trên giấy mà phải khích lệ, tạo thành động lực người nông dân tiến lên trên con đường phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát triển đất nước.
Lê Tâm
(Báo Nhà báo và Công luận)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây