Cao Kim (Kim Toàn) - Nhà báo - Chiến sĩ

Thứ sáu - 03/07/2020 10:54

Tuổi xế chiều mới vỡ ra, tôi với Cao Kim (Kim Toàn) cùng tuổi, cùng nghề từ những năm 60 của thế kỷ trước, rồi sau nữa lại “cùng Hội cùng thuyền”, cùng sớm tham gia Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam (NBVN) suốt mấy nhiệm kỳ.

Toàn quê Đất Cảng. Tôi Đất Tổ. Năm 1965, từ Báo Hải Phòng, Kim Toàn khoác áo lính, rồi vượt Trường Sơn vào làm phóng viên Báo Giải Phóng, cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, hoạt động tại chiến trường Nam Bộ và Khu Sài Gòn - Gia Định cho tới ngày Nam - Bắc về trong một nhà (1975). Tôi chuyển từ nghề giáo sang nghề báo cùng năm Kim Toàn ra trận.
111
Bìa 3 cuốn sách của nhà báo Cao Kim (Kim Toàn) mới xuất bản.
Những năm đất nước mở đầu công cuộc đổi mới (1986), công việc làm báo và hoạt động Hội Nhà báo khiến chúng tôi gắn kết với nhau. Ấn tượng về một Kim Toàn trong tôi là nhà báo có thần thái tinh sắc, tự tin; thân hình dong dỏng, tính tình vui vẻ, hóm hỉnh và rất “ròn lời” khi bên phái đẹp. Hơn thế, anh còn là một nhà báo năng nổ đổi mới. Chả thế mà khi anh làm Tổng Biên tập, những cái mới, cái hay, cái điển hình, tiên tiến của Đất Cảng, của thành phố Hoa Phượng Đỏ đều tràn lên mặt báo Hải Phòng, lan tỏa rộng rãi khiến thiên hạ trầm trồ, ngưỡng mộ.

Thêm nữa, những năm 90 của thế kỷ trước, Hội NBVN đều đặn hằng năm mở Hội Báo Tết - Báo Xuân thì Báo chí Hải Phòng do Kim Toàn làm Chủ tịch Hội luôn hấp dẫn, sáng đẹp, tưng bừng... Cho nên tiếng nói của Kim Toàn thường “có nanh có mỏ” với chính giới; dân tin, tổ chức mến mộ...

Dám chắc, không riêng tôi mà đa phần những nhà báo trong Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam suốt các khóa V, VI, VII... ít biết, thậm chí không biết gì về Kim Toàn từng là “nhà báo-chiến sĩ” nhiều năm xông pha tại chiến trường, năng nổ, khôn khéo giữa sào huyệt địch với biệt danh Cao Kim. Tất nhiên có lý do chính đáng: bởi công việc cuốn hút, và cũng bởi Cao Kim vốn ít nói về mình.

Thực vậy, khi cùng ở tuổi “xưa nay hiếm”, tôi mới nhận rõ cái “vĩ đại” của “nhà báo-chiến sĩ” Cao Kim. Ấy là khi được xem những thước phim tư liệu về các nhà báo - chiến sĩ do Bảo tàng Báo chí HNBVN trình chiếu, ở đó Cao Kim là minh chứng đẹp, sinh động của những chiến sĩ báo chí dũng cảm tại chiến trường Nam Bộ và Khu Sài Gòn - Gia Định suốt gần10 năm ác liệt nhất cho tới ngày chiến thắng.

Cũng còn vì mấy năm lại đây, chúng tôi liên tiếp được đọc những cuốn sách về đề tài làm báo ở chiến trường do Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành của Cao Kim, như: “Làm báo ở chiến trường - chuyện những người trong cuộc”, “Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch” và mới đây, nhân kỷ niệm 45 năm non sông thu về một mối, anh lại có thêm “Viết trong lửa đạn”.

Những ấn phẩm trên đều được Nhà nước đặt hàng, in với số lượng cả ngàn cuốn, mấy cuốn trước còn tái bản có bổ sung. Tôi đọc cốt để nếm trải sự đời của bạn bè. Đọc say sưa, tự hào bởi đồng nghiệp của chúng ta, hội viên HNBVN thân yêu của chúng ta dũng cảm chiến đấu, ngày đêm gian khổ lăn lộn tác nghiệp giữa dày đặc đạn bom, nhiều phen ở lằn ranh mỏng manh giữa sự sống và cái chết.

Để rồi tự suýt xoa: Gần 10 năm liên tục cầm súng chiến đấu và viết giữa tiền tuyến lớn, Cao Kim rất xứng là nhân vật trụ cột cho ai đấy có thể tạo nên tiểu thuyết lớp lang, chương mục đậm chất ly kỳ, dị biệt.

Bởi, cơ quan Báo Giải Phóng tại mặt trận và đồng đội đã từng làm lễ truy điệu Cao Kim, cạn nước mắt vì tiếc thương và luôn cầu mong anh sống khôn, chết thiêng phù trợ vạn sự tốt lành. Nhưng rồi sau ít tháng, Cao Kim bằng xương bằng thịt lại hiện về chiến khu trước sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp, đồng đội.

Căn nguyên “báo tử” là trong trận đánh ác liệt chống địch phản kích nơi cửa ngõ phía Tây Nam thành phố Sài Gòn ngày 8/3/1968 giữa bưng biền sình lầy, Cao Kim cùng đồng đội kiên cường chiến đấu phá vây, đôi bên cùng tổn thất rất nặng nề. Sau trận đánh, trong số những chiến sĩ bị thương nặng, có một người thân hình biến dạng, hy sinh khi đưa tới Trạm quân y tiền phương Phân khu 3. Người ta phát hiện trong túi áo ngực liệt sĩ có giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng mang tên Cao Kim. Thì ra, đó là giấy chuyển sinh hoạt Đảng do Cao Kim nộp cho anh Hai Ca, bí thư Chi bộ kiêm đội trưởng Đội vũ trang tuyên truyền T4 từ hôm gia nhập đơn vị này, nhưng Hai Ca chưa kịp lưu vào hồ sơ chi bộ...

Cao Kim viết báo nhưng báo rất đậm chất văn, ấy là nghệ thuật chuyển tải thông tin, là cách thức sử dụng ngôn từ linh hoạt, chính chuẩn cho mỗi thể loại, mỗi bài viết của anh. Cái thật chiếm giữ lòng tin của người đọc chính là tư liệu, là chi tiết, là sự kiện, là con người, là chứng cứ, là bản chất vấn đề mà anh thể hiện khá rõ trong tập “Làm báo ở chiến trường - chuyện những người trong cuộc”. Nhiều gương mặt tên tuổi của làng báo, làng văn “những người trong cuộc” này rất đỗi sáng danh. Đó là nhà báo, nhà văn Hồng Châu (Thép Mới) - Trưởng Tiểu ban Báo chí miền Nam kiêm Tổng Biên tập Báo Giải Phóng, người từng đột nhập Sài Gòn - Gia Định, tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lịch sử của quân và dân ta mùa Xuân Mậu Thân - 1968; là nữ nhà báo Bảy Vân (Nguyễn Thụy Nga) - phu nhân cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, cựu Ủy viên Ban Biên tập Báo Hải Phòng, bí mật trở về miền Nam quê hương trên đoàn tàu không số ròng rã hơn hai tháng lênh đênh trên biển mới cập bến Rạch Gốc, Cà Mau; là nhà báo Trần Đình Vân (Thái Duy) với tập ký để đời “Sống như Anh”; là nhà báo Bảy Lý (Võ Nhân Lý) - Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng, và rất nhiều nhà báo chiến tích đầy mình với nghề báo, như: Nguyễn Hồ, Tuất Việt, Đinh Phong, Hoài Vũ, Thế Phiệt, Mai Trang, Trương Thị Mai, Đặng Văn Nhưng, Lê Thế Thành,...

Cho dù năm tháng đã xa đi, tư liệu khai thác, lưu giữ lùi dần trong dĩ vãng, nhưng lửa lòng với nghề viết của Cao Kim vẫn rực cháy, cháy hết mình, rất sáng rõ ở tập truyện ký “Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch” kết cấu lớp lang, đan cài tình tiết theo sự kiện, xâu nối vấn đề mạch lạc.

Viết ký chân dung nhân vật là thể loại khó, đòi hỏi tính xác thực, trung thực, không hư cấu, bịa đặt, buộc người viết phải kỳ công khai thác từng chi tiết nhỏ của nhân vật; kỳ công thu thập tài liệu từ mọi nguồn, mọi ngả để dựng nên hình tượng về một con người hệt như bức tranh tổng thể, sống động. Điều này thì Cao Kim đã làm hơn thế. Anh là người trong cuộc, gắn bó với đồng đội, với nhân vật nữ giao liên quân báo Minh Nguyệt (Sáu Thắm) ở nội đô Sài Gòn - Gia Định thầm lặng, kiên trung, mưu trí, lanh lợi, dũng cảm, góp công không hề nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

Qua tập truyện ký, chúng ta không chỉ nhận ra sự kỳ công khai thác tài liệu bằng mọi cách: nghe, nhìn, gặp gỡ, hỏi han, xem xét, ghi chép, nghiên cứu tổng thể, sắp xếp chi tiết để thể hiện, mà còn bằng cảm xúc mãnh liệt, chân tình của mình qua bút pháp kể, tả, thuật, bình bàn...khiến người đọc bị lôi cuốn, đọc rồi để nhớ, để thấy phải tri ân, phải nhớ ơn, phải sống sao cho xứng với những tấm gương hy sinh anh dũng của chiến sĩ, đồng bào ta và với lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc!
111
Nhà báo Cao Kim tại mặt trận Sài Gòn - Gia Định, Xuân Mậu Thân -1968.
Xông xáo, đắm mình với nghề báo của Nhà báo - Chiến sĩ Cao Kim rất đằm, rất sâu với tập “Viết trong lửa đạn”. Sách đầy đặn 320 trang. In đẹp, trang trọng. Biên soạn chỉn chu gồm những bài viết của tác giả đã đăng trên báo Giải Phóng, các báo xuất bản tại chiến trường cùng nhiều báo chí miền Bắc và phát trên Đài phát thanh Giải phóng...

Là người cầm súng trực tiếp chiến đấu; cầm bút, cầm máy ảnh tiếp nhận thông tin, lưu giữ hình ảnh; đột nhập Sài Gòn - Gia Định từ trước Tết Mậu Thân, đi sát các đội biệt động và các phân đội quân Giải phóng nên Cao Kim mới có ghi chép “Sài Gòn rực lửa đầu Xuân” sinh động, hừng hực khí thế đến vậy.

Bài viết và tập sách đã lấy khá nhiều nước mắt của tôi về những tấm gương hy sinh của quân Giải phóng, của đồng bào đô thành Sài Gòn - Gia Định qua những dòng thư dặn lại các chiến sĩ quân giải phóng đặt trên bàn khách hoặc viết sau cánh cửa, khi gia đình phải tạm lánh ra khu vực an toàn.

Họ với những cái tên mộc mạc, bình dị: “Tư Xe ngựa”, “Năm Đen”, “Sáu thợ may”… ghi rõ nơi gia đình để gạo, mắm, bánh tét, trái cây…, và dặn các chiến sĩ cách mạng cứ tự nhiên sử dụng, khỏi phải trả tiền. Nhưng các chiến sĩ ta vẫn gửi tiền và để lại thư cảm ơn...

Là lòng biết ơn thống thiết với hai anh bộ đội giải phóng “người đằng mình” là Nguyễn Văn Hùng quê Nam Bộ và Vũ Hồng Luân quê Đất Tổ, cán bộ Đài Phát thanh Giải phóng đã xả thân che làn pháo địch cho hai cháu nhỏ ở khu cầu Bình Tiên, Chợ Lớn, giữ mạng sống cho hai cháu, nhận sự hy sinh về mình!

Là những bài bút ký thấm đẫm tình dân với cách mạng, như: “Chuyện má Tư Trầu”, “Tiếp lửa cho nội thành”, “Trận phá vây bên dòng Vàm Cỏ”...; như những chiến sĩ quả cảm trong“Sau giờ nổ súng”, “Dấu ấn K2 giữa vùng “Tam giác sắt”,“Sáng mãi tên anh”...; như những bài thể luận đanh thép, sắc sảo:“Kế hoạch “Việt Nam hóa” chiến tranh trước nguy cơ thảm bại”,“Lập trường chính nghĩa, thiện chí hòa bình, thái độ nghiêm chỉnh”... giữa lửa đạn, đủ thấy Cao Kim là cây bút đa năng, chữ nghĩa, bài viết ở mỗi thời điểm hệt như vũ khí đặc dụng, sát thực, có sức lay động sâu tâm thức người đọc!...

“Viết trong lửa đạn” là cuốn sách chứa nhiều thông điệp có ý nghĩa. Nó giúp ta hiểu thêm về cuộc kháng chiến vĩ đại vì độc lập, tự do của dân tộc, về cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ xâm lược, về hoạt động báo chí tại chiến trường và sự hy sinh thầm lặng của các nhà báo cách mạng”. Tôi yêu thích cách nhận xét này của Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhân Ngày Báo chí cách mạng 21/6, tôi muốn nói thêm rằng: Cao Kim (Kim Toàn) Nhà báo - Chiến sĩ rất đúng nghĩa: “Nhà báo cũng là chiến sĩ cách mạng”, đúng như lời Bác Hồ kính yêu từng dạy bảo các nhà báo chúng ta!
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Uyển
(Theo Báo Nhà báo & Công luận)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây